Sơ Lược Tiểu Sử Hòa Thượng THÍCH HƯƠNG SƠN (1912-1975)

Sơ Lược Tiểu Sử Hòa Thượng THÍCH HƯƠNG SƠN (1912-1975)

Hòa Thượng húy Lê Thùy, pháp danh Thị Năng, tự Trí Hữu, hiệu Thích Hương Sơn, sinh năm Quí Sửu (1912) tại làng Quá Giáng, huyện Điện Bàn (Hòa Vang) tỉnh Quảng Nam trong một gia đình Nho học và tin Phật. Thân phụ: Lê Cát, Thân Mẫu: Kiều Thị Đính, có mười hai người con; Ngài là con thứ bảy trong gia đình.

Năm tám tuổi (1920), Ngài cầu Thầy học đạo với Tổ sư Như Thông (chùa Linh Ứng-Quảng Nam). Mười chín tuổi, Ngài thọ giới Sa Di. Từ năm 1935 đến 1937, Ngài theo học với quí Thiền Sư Giác Phong (chùa Phổ Thiên – Đà Nẵng), Thiền sư Phước Huệ, và Thiền Sư Trí Độ (chùa Báo Quốc – Huế). Năm hai mươi bảy tuổi (1939), ngài thọ Cụ Túc Giới do Bổn sư truyền Phương Trượng, thuộc phái Thiền Lâm Tế đời thứ bốn mươi hai. Ngài tốt nghiệp Cao đẳng Phật học vào năm ba mươi ba tuổi (1945). Sau khi xong Đại học, Ngài vân du vào Nam hóa đạo.

Năm Kỷ Sửu 1949, Ngài lập ngôi tịnh thất lấy tên là Ứng Quang tại vườn Bà Lớn, ngã ba Vườn Lài Chợ lớn để tu niệm và đồng thời mở lớp dạy chúng điệu mới xuất gia các chùa lân cận. Trong thời gian này, Ngài cộng tác viết bài thường xuyên nơi mục: Phật học Danh số trên tạp chí Từ Quang do Đạo hữu Chánh Trí – Mai Thọ Truyền chủ trương.

 Năm 1950 Ngài cùng với quí Hòa Thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Nhật Liên hợp nhất các Phật học đường Liên Hải, Sùng Đức thành Phật học đường Nam Việt mà cơ sở Ứng Quang do Ngài hiến tặng HT Thiện Hòa, dùng làm địa bàn kết nạp Tăng sinh. Ngài còn giữ chức Kiểm Khán kiêm giáo sư Phật học đường Nam Việt, làm giáo thọ và giảng dạy tại các Ni trường Dược Sư, Từ Nghiêm, Huệ Lâm.

Năm ba mươi chín tuổi, Ngài được đề cử giữ chức ủy viên Tổng trị sự Tổng Hội Phật giáo Việt Nam trong kỳ đại hội Phật giáo toàn quốc lần, khai mạc tại chùa Từ Đàm – Huế (1951).

Năm 1957, Ngài trở về chùa Linh Ứng nơi đầu tiên xuất gia tu học để đảm nhận chức Trú Trì vì nhu cầu Phật sự. Năm 1959, Ngài được cử đọc tham luận trước đại hội Tăng già toàn quốc lần II, khai mạc tại chùa Ấn Quang với 4 mục tiêu: 1) Chỉnh đốn nội bộ Tăng Ni về mọi mặt; 2) Thống nhất ba Giáo Hội Bắc Trung Nam; 3) Tiến tới việc thực hiện giáo quyền và thành lập Viện Tăng Thống Việt Nam; và 4) Tiếp tục theo gương cao cả của chư Tổ để lãnh đạo, truyền bá chánh pháp cho Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Năm 1960, Phật học viện Phổ Đà – Đà Nẵng thành lập tại chùa Phổ Thiên, Ngài được mời làm Giám Viện cho đến ngày viên tịch năm 1975.

Năm 1961, Ngài được cung thỉnh vào Chức vụ Trị Sự Trưởng Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam – Đà Nẵng.

Năm 1962, Ngài được cử Trú Trì chùa Tỉnh hội Đà Nẵng.

Năm 1964, Giáo Hội PGVNTN thành lập, Ngài được Viện Hóa Đạo cử làm Chánh Đại Diện miền Liễu Quán.

Ngài vận động đại trùng tu Tổ đình Linh Ứng năm 1972 được quang huy xứng đáng tòa Phật sát huy hoàng như hiện nay.

Năm 1973, Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng và được thỉnh cử vào Hội Đồng giáo phẩm Viện Tăng Thống GHPGVNTN.

Công hạnh tu trì và hoằng pháp của Ngài cũng khá đặc biệt mà ít ai biết đến, bút giả được diễm phúc thân cận Ngài trong 2 năm từ 1957 đến 1959 mới tận mắt thấy rõ, nên xin được nêu lên để chư huynh đệ, pháp hữu tín chúng cùng suy nghiệm, học hỏi:

* Công hạnh tu trì: Có thể nói hạnh tu của Ngài khó ai theo kịp, chỉ nhìn vào 2 sự kiện nổi bật đủ để chứng minh cho nhận xét này:

a)      Chặt 2 ngón tay út để cúng dường Phật hay do lời phát nguyện của Ngài cũng chưa ai rõ. Sự việc diễn ra năm nào cũng không thấy ai ghi lại bất cứ nơi đâu, lúc tôi vào tu (1957) đã thấy hiện trạng nơi 2 bàn tay Thầy mỗi khi Thầy chắp tay xá chào ai hoặc lễ Phật. Theo như sự suy nghĩ riêng tư, hẳn đây là một tâm nguyện trọng đại của Ngài nên giữ kín không cho người khác biết chăng. Nhìn kỹ, ngón tay út của Ngài bị lấy mất 2 lóng, chỉ còn lại 1 lóng trong cùng, cả hai bàn tay đều như vậy. Đây thật quả là một sự dũng cảm đáng tâm phục biết bao! Người thiếu ý chí, do dự không dễ dứt điểm một việc làm có tính tác động tâm lý sâu xa, lâu dài đến như vậy!

b)      Việc đốt liều hương: Thay vì chỉ đốt 3 liều như phần nhiều các Tỳ Kheo khác, Ngài đốt tới 6 liều trên đầu: 3 liều ở giữa nhân trung và 3 liều song song theo đó. Việc đốt hương đúng là do phát nguyện lúc thọ cụ túc giới, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni phát tâm cúng dường, như một phần hy sinh thân thể để dâng lên mười phương chư Phật chứng minh tấm lòng thành tha thiết của người đệ tử.

* Hoằng pháp, dịch thuật:

Ngoài vai trò Trú Trì nhị tự: Chùa Linh Ứng, chùa Tỉnh Hội, Ngài còn là Giám viện Phật học viện Phổ Đà và Giáo Thọ dạy chúng Linh Ứng, Phổ Thiên… phải nói rất bận rộn, vất vả. Thế nhưng, Ngài vẫn cố vấn chỉ đạo đôn đốc thành lập các chùa như Hòa Phước (1950), chùa Bảo Minh (1965) tại Hòa Vang, chùa Từ Quang, chùa Bích Trâm, chùa La Thọ tại Điện Bàn – Quảng Nam, Đà Nẳng.

Ngài thao thức cho tiền đồ Phật giáo nên dù bận rộn thế mấy vẫn tranh thủ thời gian phiên dịch và sáng tác như một số tác phẩm tiêu biểu:

– Kinh Viên Giác

– Lời Phật dạy (phỏng dịch)

– Duy Thức dị giản

– Kinh Phật địa, ấn hành năm 1959,

– Phật học danh số: đăng nhiều kỳ trên tạp chí Từ Quang

– Lịch sử Ngũ Hành Sơn (sáng tác)

( Kinh Phật Địa và lịch sử Ngũ Hành Sơn đã được tái bản tại Úc năm 2006 và 2002).

Hòa Thượng viên tịch năm Ất Mão vào ngày 28 tháng 11 (nhằm ngày 30 tháng 12 năm 1975) tại chùa Ấn Quang – Sài Gòn, nơi mà trước đây Ngài đã hiến tặng làm Trung Tâm hoằng pháp cho Phật giáo sau này. Sau lễ Trà Tỳ, hài cốt Ngài đuợc phân làm 2 phần: một phần thờ tại chùa Ấn Quang, và một phần đưa về thờ nơi bảo tháp tại Tổ Đình Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh tôn tứ thập nhị thế, khai sơn Ấn Quang tự, trùng kiến trú trì Linh Ứng Tự, thượng Thị hạ Năng, tự Trí Hữu, hiệu Hương Sơn Hòa Thượng giác linh thùy từ chứng giám.

 (Tài liệu do H.T Hoằng Khai soạn lục và H.T Bảo Lạc bổ túc)


Bài khác nên xem

Suy nghĩ về hướng giáo dục đào tạo cho tuổi trẻ

phuocthanh

Lịch sử Đức Phật Thích Ca – Kỳ 1

datthinh

Thành kính tưởng niệm: 50 năm ngày Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viên tịch

Huệ Quang GĐPTVN