Sám hối và Ý nghĩa bài sám hối

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549 )


I.  VĂN :

  1. Ý NGHĨA TỪ SÁM HỐI :

Sám là thú nhận lỗi lầm. Hối là hứa từ nay không tái phạm (Sám tiền khiên, hối hậu quả).

Sám hối là xin thú nhận lỗi lầm và hứa không tái phạm, cũng có thể hiểu là : vô cùng hối hận và ăn năn những điều sai trái đã gây ra; vô cùng hối tiếc những lỗi do mình gây nên và xin tự mình nghiêm khắc kiểm điểm, tự phê phán, tự lên án mình, tự hứa không còn tái phạm. Cố gắng không ngừng, không còn vấp phải lỗi lầm.

  1. Ý NGHĨA BÀI SÁM HỐI :

a.  Giải thích từ ngữ :

–   Đệ tử : là học trò, là con, là em. Đệ tử là tiếng Phật tử xưng hô với chư Phật, tôn xưng Phật là bậc thầy, bậc cha, bậc mẹ.

–   Kính lạy: kính là tôn trọng, cung kính. Lạy là năm vóc gieo xuống đất. Kính lạy là cử chỉ tôn kính Tam Bảo.

–   Đức Phật Thích Ca : đức Phật hiệu Thích Ca, vị đã sáng lập ra đạo Phật.

–   Phật A Di Đà : vị Phật làm giáo chủ cõi Tịnh Độ.

–   Thập phương chư Phật : mười phương các đức Phật (Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên, dưới).

–   Thánh hiền Tăng : các vị Bồ Tát, A La Hán, các vị Tăng già tu hành chân chính.

–   Nghiệp chướng : ý nghĩ, lời nói, hành động xấu, ác.

–   Minh tâm kiến tánh : sáng rõ chân tâm, thấy rõ thể tánh nghĩa là giác ngộ.

–   Thần thông : phép bí mật, chỉ các bậc giác ngộ mới hiểu và làm được.

–   Tự tại : không bị ràng buộc, chi phối bởi hoàn cảnh, chướng ngại xung quanh.

b.  Phân đoạn

Bài Sám hối có thể chia làm ba đoạn :

–   Đoạn 1 :  “ Đệ tử kính lạy …  Thánh hiền Tăng ”: đệ tử xin kính lạy Tam Bảo.

–   Đoạn 2 :  “ Đệ tử lâu đời …  thần thông tự tại ”: đệ tử xin thú nhận lỗi lầm đã tạo từ nhiều kiếp trước, nguyện làm việc lành và cầu xin chư Phật gia hộ tinh tấn tu hành, mau thành đạo quả.

–   Đoạn 3 :  “ Đặng cứu độ …  đồng thành Phật đạo ”: đệ tử nguyện hồi hướng công đức cho các bậc tiền nhân, cha mẹ, anh em, bạn bè và tất cả mọi người đồng thành Phật đạo.

c.  Đại ý của bài Sám hối:

Bài Sám hối có các ý chính sau :

–   Xin kính lạy Tam Bảo và xin thú nhận lỗi lầm đã làm từ nhiều kiếp trước đến nay.

–   Xin theo lời Phật dạy để tu tập, bỏ ác làm lành, cầu Phật gia hộ.

–   Xin hồi hướng cho các bậc tiền nhân, cha mẹ, anh em, bạn bè và tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo.

II.  TƯ :

Trong Thập chủng đại nguyện của Ngài Phổ Hiền Bồ tát có ghi :

“  Tứ giả sám hối nghiệp chướng ”

Tội lỗi của em do em tạo nghiệp nhiều đời vì 3 động lực chung : tham- sân- si. Nay nhờ Đức Phật chỉ dạy về Phật tính ở mỗi người, chỉ dạy cho em cách tránh xa điều xấu, ác để không tạo thêm nghiệp dữ và năng làm việc lành, em cảm thấy tâm hồn an ổn.

Sám hối là bài Kinh có ý nghĩa dễ hiểu. Gia Đình Phật Tử lấy làm bài Kinh tụng chính trong nghi thức tụng niệm của mình. Đọc tụng bài Kinh này thì phải cố gắng thực hiện ý Kinh, làm lành tránh dữ. Như vậy đọc tụng mới có ý nghĩa chân chính.

 III. TU :

–   Nếu chưa tự sám hối, em đến chùa dự các lễ sám hối vào tối 14 và 29 ( hoặc 30 ) /âm lịch.

–   Trước khi sám hối, em nên sửa soạn thân tâm thật sạch sẽ để được thật tinh tấn.

–   Trong khi sám hối, em phải nghĩ đến những căn bản tội lỗi, những nguy hại, đau khổ do lỗi của em gây ra cho người khác, tìm thấy nguyên nhân và nhất niệm dứt bỏ, không được tái phạm.

 IV. CÂU HỎI :

  1. Bài Sám hối được đọc tụng vào những lúc nào ?
  2. Sám hối là gì ?
  3. Chúng ta sám hối với ai ?
  4. Tại sao chúng ta xưng với đức Phật là đệ tử ?
  5. Đại ý bài sám hối nói gì ?
  6. Khi sám hối phải có thái độ thế nào ?
  7. Em sẽ làm gì để chứng tỏ em thực hành khi đã đọc tụng bài Sám hối ?

Bài khác nên xem

Kỳ thi kết khóa Bậc Lực năm học 2014 – Miền Liễu Quán

Chuyện tiền thân : Chiếc cầu muôn thuở

datthinh

GĐPT Cam Ranh tu Bát Quan Trai lần thứ nhất – năm 2013

Huệ Quang GĐPTVN