Quy Y Tam Bảo

Hòa thượng Thích Đức Thắng

Quy y Tam bảo còn gọi là Tam quy y, Tam quy, Tam tự quy, Tam quy giới, hay Thú Tam qui y. Tam quy y theo tiếng Sanskrit gọi là Tri-Śaraṇa-Gamana, Pali gọi là Ti-Saraṇagamana, có nghĩa là cứu hộ, hướng về.

Vậy Tam quy y có nghĩa là quay đầu nương tựa vào ba ngôi báu, để cầu mong cứu hộ thoát khỏi vĩnh viễn tất cả mọi khổ đau. Tức có nghĩa là quay về nương tựa nơi Phật, quay về nương tựa nơi Pháp, quay về nương tựa nơi Tăng.

Và khi chúng ta muốn trở về nương vào Tam bảo để trở thành một người con Phật thật sự thì phải trải qua một nghi thức hành lễ quy y và nhận lãnh năm điều cấm giới, tùy theo sự phát nguyện thọ trì của mình một trong năm điều giới cấm đó. Sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, lúc này chưa có Tăng bảo, nên chỉ có quy y nhị bảo tức chỉ cho đức Phật và Giáo pháp của Ngài. Và theo Ngũ phần luật 15 thì người lãnh thọ Tam quy giới đầu tiên chính là thân phụ của Tỳ-kheo Da-xá.

I. PHÂN LOẠI TAM QUY Y

Tam quy y có thể phân ra làm hai loại:

1. Phiên (bỏ) tà Tam quy: Tức là bỏ tà đạo mà quay về chính đạo để nhận lãnh Tam quy y (Phật, Pháp, Tăng).

2. Thọ giới Tam quy: Gồm có bốn loại:

– Ngũ giới Tam quy: dành cho các vị tín đồ sống tại gia, trước khi muốn nhận lãnh năm giới thì vị đó phải nhận lãnh quy y Tam bảo trước rồi sau đó mới nhận lãnh năm điều giới cấm.

– Bát giới Tam quy: người muốn thọ Bát trai giới thì trước hết người đó phải nhận lãnh quy y Tam bảo, rồi sau đó mới nhận lãnh bát trai giới.

– Thập giới Tam quy: dành cho những vị mới xuất gia, trước khi nhận lãnh mười giới để trở thành Sa-di, Sa-di-ni thì trước tiên phải nhận lãnh quy y Tam bảo, sau đó mới được phép nhận lãnh mười giới.

– Cụ túc giới Tam quy: dành cho những vị nhận lãnh cụ túc giới để trở thành một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, trước tiên phải nhận lãnh quy y Tam bảo, sau đó mới được phép nhận lãnh cụ túc giới.

II. MỤC TIÊU HƯỚNG ĐẾN CỦA QUY Y TAM BẢO

Theo Câu Xá luận 14 thì, mục tiêu hướng đến của quy y Tam bảo là nhằm giải thoát vĩnh viễn tất cả mọi khổ đau cho chúng sanh.

Theo Đại thừa Nghĩa chương 10 thì đưa ra ba nghĩa:

1. Xa lìa ác bất thiện của sinh tử.

2. Mong cầu Niết-bàn xuất thế.

3. Lợi ích chúng sanh.

Theo phần cuối quyển đầu của Pháp giới Thứ đệ Sơ môn thì Giáo pháp của đức Phật lấy dụng Tam quy này làm gốc, nhằm phá ba tà (Tà ngữ: do sân, si sinh ra nghiệp của lời nói; tà nghiệp:do sân, si sinh ra nghiệp của thân; tà mạng: do tham dục sinh ra hai nghiệp thân và ngữ), để cứu ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), tiếp dẫn ba thừa (Thinh văn, Duyên giác, Bồ tát) ra khỏi ba hữu (Dục hữu: gồm có trời dục giới, người, tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, ở những nơi này tùy theo nghiệp nhân của chúng sinh mà thọ quả báo nên gọi là dục hữu; sắc hữu: chỉ cho sắc giới chư thiên Tứ thiền, tuy xa lìa thân thô nhiễm dục giới, nhưng lại có sắc thanh tịnh, nên gọi là sắc hữu; vô sắc hữu: là cõi vô sắc của chư thiên tứ không, tuy không có sắc chất làm chướng ngại, nhưng cũng tùy theo nhân đã làm ra mà chịu quả báo, nên gọi là vô sắc hữu), thông cho tất cả các giới phẩm, cùng các pháp lành của xuất thế.

Vậy mục tiêu hướng đến của việc Quy y Tam bảo là nhằm hoàn thiện luật tắc nhân quả qua quan hệ lệ thuộc thời gian, trong việc giải thoát tất cả mọi khổ đau mà chúng ta phải chịu trong ba cõi sáu đường về sinh tử của thế gian, để đạt đến cứu cánh Niết-bàn an vui xuất thế của phân đoạn sinh tử, chứ chúng ta chưa đề cập đến vấn đề biến dịch sinh tử trong nhận thức của Quy y Tam bảo.

Về văn cú cho nghi thức tổ chức lễ Quy y Tam bảo thì, trong nhiều bộ luận đều có ghi rõ ràng về vấn đề quy kính Tam bảo này như trong luận Đại Trí Độ 1, luận Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo tánh 1, luận Đại Thừa Khởi tánh, luận Phật Mẫu Địa Kinh 1, và luận A-tỳ-đàm Tâm đều có đưa ra văn dùng để đê đầu kính lễ đối với Tam bảo. Ngoài ra, nghi thức lúc thọ trì Tam quy còn tùy thuộc vào những lời dạy của các Giới sư.

Theo Tỳ-ni thảo yếu 5 (Vạn bản Tục 70, tr. 176c) ghi thì: “Con tên là… nguyện suốt đời nương về Phật, nương về Pháp, nương về Tăng (nói lên ba lần); Con tên là… đã nguyện suốt đời nương về Phật rồi, đã nguyện suốt đời nương về Pháp rồi, đã nguyện suốt đời nương về Tăng rồi (nói lên ba lần)”.

Theo Nghi thức thọ Bồ-tát giới của Trạm Nhiên (Vạn bản, Tục 105, tr. 5c) thì ghi: “Đệ tử tên là… nguyện thân, từ nay cho đến tận biên tế đời vị lai nương về Phật lưỡng túc tôn, nương về Pháp ly dục tôn, nương về Tăng chúng trung tôn (nói lên ba lần). Đệ tử tên là… đã nguyện thân, từ nay cho đến tận biên tế của đời vị lai nương về Phật lưỡng túc tôn rồi, đã nương về Pháp ly dục tôn rồi, đã nương về Tăng chúng trung tôn rồi (nói lên ba lần).”

Theo Tuyển trạch bổn nguyện niệm Phật, của Nhật Tăng-Nguyên Tín thì, Tam quy y có thể phân chia ra làm hai thừa riêng biệt: “Nguyện suốt đời” là Tam quy của Tiểu thừa, “Tận biên tế đời vị lai” là Tam quy y của Đại thừa.

Giữa Quy y và Kính lễ theo Đại thừa Pháp uyển Nghĩa lâm chương 4, thì quy y và lễ kính có bảy loại:

1. Quy y chỉ lệ thuộc vào hai nghiệp thân và ngữ (khẩu), còn lễ kính thì cho cả ba nghiệp thân, ngữ và ý.

2. Trong Quy y có đầy đủ cả Tam bảo, đối tượng của nó so ra thì rộng rãi; trong khi lễ kính chỉ quy kính một tôn (một trong ba tôn: Phật, Pháp, Tăng), đối tượng của nó chưa rộng.

3. Quy y lệ thuộc vào giới hạn của thời gian, cho nên nói rằng: “Tận biên tế đời vị lai” còn lễ kính không lệ thuộc vào giới hạn, vì dùng tâm kính ngưỡng nên không thể kể là lâu hay là tạm thời của một thời gian giới hạn nào đó.

4. Quy y với lòng thành khẩn, tạo ra biểu nghiệp cùng vô biểu nghiệp; còn kính lễ chỉ cần thiện biểu nghiệp tức là thành tựu.

5. Quy y tất cần hai nghiệp thân, khẩu, ý nghĩa của nó sâu rộng; kính lễ chỉ cần đủ một tức là thành tựu.

6. Quy y cần phải biểu hiện nơi hình tướng, cho nên chỉ có ở hai cõi dục và sắc; còn kính lễ chung cho cả ba cõi dục, sắc và vô sắc.

7. Quy y quán sát lý chân thật mà thành, nghĩa của nó hơn hết; kính lễ chỉ cần kính trọng Hiền thánh là thành tựu, nghĩa của nó vào hàng thứ yếu.

Bài khác nên xem

Để mong ước trở thành hiện thực

phuocthanh

Vài nét cuộc đời Sư Cô THÍCH NỮ HUỆ CHƠN

phuocthanh

Thờ Phật – Lạy Phật – Cúng Phật

datthinh