QUANG CHÂU: Tình thương dưới mái Chùa!

Đã hơn 10 năm trôi qua hôm nay mới có dịp ghé thăm lại Ngôi chùa Quang Châu. Năm 2003, tôi là TS trại huấn luyện Htr cấp I – A Dục được tổ chức dưới mái chùa thân yêu này, nó thuộc Thôn Quang Châu – Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, do Ni sư Thích Nữ Minh Tịnh làm trú trì.
Đầu quốc lộ 1A vào đến chùa khoảng chừng 2km đường bộ đất đỏ, xung quanh là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn bao phủ làng quê vùng ven của một Tp trực thuộc TƯ. Ngày ấy mái chùa, cổng ngỏ còn rất đơn sơ, lác đác cư dân Phật tử sống cạnh chùa thường đến tụng kinh và lễ Phật.

Trong lần về thăm lại chùa lần này, tôi cùng quý anh chị thực hiện công việc đem một bữa ăn và những phần quà đến cho các em mồ côi do chính Ni sư cùng quý chư ni chùa Quang Châu đang bảo bọc và dạy dỗ. Vẫn mái chùa cũ kỹ ngày ấy, hiên chùa cổng ngỏ đã được chỉnh trang đôi phần và đặc biệt là giảng đường, nhà bếp được cải trang thành ngôi nhà 2 tầng với nhiều phòng ngủ, trang thiết bị cũng như những vật dụng thiết yếu phục vụ cho việc nuôi dưỡng và giáo dục 114 em mồ côi từ khắp mọi miền đất nước……Sau phần hỗ trợ các anh chị chuẩn bị thức ăn cho các em, tôi bắt đầu cho công việc tác nghiệp của mình với việc đảo quanh khuôn viên chùa kịp ghi lại những quan cảnh nơi đây. Hình ảnh các em nhỏ chơi đùa hồn nhiên, xem tv, rượt bắt, hát ca phút chốc khiến tôi hồi tưởng lại khoảng thời gian mình còn là những cậu học trò mẫu giáo được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và thầy cô!
Công việc tuy không cầu kỳ phức tạp nhưng Ni sư cũng tận tay cùng chúng tôi thiết soạn những dĩa thức ăn, những chiếc muỗng, đôi đũa cho các em dùng bữa. Hoàn tất công việc chuẩn bị đâu đã vào đấy, tôi bước đến chắp búp sen tay vái chào Ni sư, xin Ni sư chia sẻ đôi điều Duyên lành nào mà Ni sư có thể tạo lập phước điền xây dựng nên trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi này!? Với nụ cười an nhiên và tự tại của người xuất gia, Ni sư cất lên những tiếng trầm ấm với chúng tôi trong tiết chiều của đầu đông:
“ Năm 1996, tôi về làm trú trì chùa này, đến năm 1998 tôi đột ngột ngã bệnh rất nặng, phải vào đến tận Sài gòn xét nghiệm và điều trị. Kết luận của bác sĩ cho biết tôi bị Vỡ các mạch máu, không thể điều trị được, tự nhủ với lòng có lẽ nghiệp lực của mình đã đến, chỉ cuối xin chư Phật cho con được sống thêm 4 năm nữa để nuôi dạy 3 em mồ côi mà người ta bỏ trước cổng chùa trước đây! Đến năm 2002, thời hạn 4năm đã đến nhưng bệnh tình cũng không mấy biến chuyển xấu đi, tôi vẫn sống, tu tập và nuôi dạy các em đó. Trong một lần ghé thăm chùa, một chị Phật tử kể với tôi chuyện về một đứa trẻ bị bỏ rơi trong thùng rác, anh lao công đã không hề hay biết cho đến khi phát hiện ra đứa trẻ thì đã bị cuốn vào trong xe với những tạp chất lẫn lộn. Hôm ấy, tôi đã rất buồn, tối đến lễ Phật, đứng trước bửu điện, đảnh lễ mười phương chư Phật xong, tôi xin phát nguyện 3 điều:


1. Nếu thuận thế vô thường, con xin được làm người, được tiếp tục tu tập nhưng chưa hầu chư Phật, con chỉ xin được tiếp tục nuôi dạy các em bị chính cha mẹ mình bỏ rơi trong cuộc đời này!
2. Xin cho con luôn được tinh tấn, có sức khỏe để thực hiện công việc này được thành công hơn.
3. Xin long thần hộ pháp hãy cản đường những ai có ý định chối bỏ giọt máu của mình, xin quý ngài hãy chỉ dẫn họ đến với con, con xin được đón nhận và nuôi dạy chúng nên người, sống có ích cho xã hội.
Các anh chị biết không!? Cũng trong năm ấy, có một phái đoàn du lịch người Đài Loan sang Việt Nam tham quan, họ được một hướng dẫn viên du lịch VN tìm đến nơi này. Người ta đưa cho tôi một bao thư trong đó gần 100 triệu VNĐ, tôi nhờ anh HDV hỏi xem nhân duyên nào đưa quý vị đến đây? Ai là người giới thiệu và địa chỉ ở đâu để sau này tôi có thể đến gởi lời cảm ơn đến người ta? Lát sau, một người đàn ông trung niên lấy trong túi sách ra một tượng bằng gỗ, màu đen điêu khắc ngài Tế Điên Hòa Thượng, anh ta nói với tôi là do chính Ông này báo cho chúng tôi biết phải về VN và tìm đến ngôi chùa mang tên Quang Châu này! Biết rằng lời phát nguyện của mình đã được chư thiên, chư long thần hộ pháp chứng giám, như một động lực mãnh mẽ thôi thúc tôi phải thực hiện ngay lời phát nguyện của mình. Đầu năm 2004, tôi bắt đầu tiến hành ngay công việc tháo dở và bắt đầu xây dựng nên trung tâm nuôi dạy các em. Ni sư cười rất tươi và bảo rằng: “Có lẽ tiếng lành đồn xa quý anh chị ah! Từ đó ngày nào trước cổng chùa cũng có tiếng khóc của trẻ thơ đói sữa đang đòi Mẹ ôm ấp và vỗ về”. Sau hai năm kêu gọi thập phương thiện tín khắp nơi, tôi đã tạo lập nên được cơ ngơi như ngày hôm nay mà các anh chị đã thấy!…”
Kết thúc những lời chia sẻ cho bài viết này, tôi xin gởi đến tất cả quý anh chị em cũng như những ai đang đọc được vài dòng ngắn ngủi này là một câu chuyện do chính những Đạo hữu Phật tử đang hằng ngày giúp Ni sư chăm sóc các em: “ Cứ mỗi 2 tháng một lần, vào những buổi chiếu cuối tuần, Chùa có vị khách là một cô gái khoảng chừng 40t, dáng người rất cao và đẹp, Cô đến đứng ở khuôn viên dành cho các em vui chơi rất lâu, điều làm lạ là cô không bào giờ ôm các em, không bao giờ chào hỏi và nói với ai bất cứ điều gì, Cô đứng đó rất lâu và luôn ra về với những giọt lệ đang chực chờ rơi xuống…”
Điều này đáng suy ngẫm lắm thay, anh chị em ạ!

Nguyên Linh



Bài khác nên xem

Trang bị tủ thuốc gia đình

phuocthanh

Bồ kết đâu chỉ làm đẹp tóc

phuocthanh

Bhutan: Đặt tên hoàng tử theo nghi thức Phật giáo

phuocthanh