Phật Giáo Với Thiên Nhiên

Phật Giáo Với Thiên Nhiên

TRUNG PHONG

Con người trong từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, nhờ hít thở không khí mà sống, nếu thiếu không khí thì vạn vật đều bị hủy diệt. Không khí trong lành, con người sống khỏe mạnh trường thọ. Không khí ô nhiễm, con người bị đau yếu, bệnh tật, chết yểu. Không khí, cảnh vật tạo nên môi trường sống. Vì vậy, môi trường chung quanh rất quan trọng trong đời sống con người.

Quan niệm sống của người phương Đông xa xưa rất chú trọng đến vấn đề này. Người Tây phương do tiến bộ khoa học công nghiệp quá nhanh, đời sống thiên về vật chất, hiện thực, hầu như xem nhẹ vấn đề này, và bây giờ khi vỡ lẽ thì đã đến lúc khó cứu vãn mới vội la lên cứu thiên nhiên như cứu lửa.

Hiện nay, nhân loại đang phải chịu đựng những biến chuyển bất thường tai hại do chính con người tạo ra làm hủy diệt môi trường, ô nhiễm môi sinh, chặt phá cây cối, đốt rừng làm rẫy, khai thác cây gỗ, đất đá, nước ngầm một cách bừa bãi mà hậu quả là lũ lụt, hạn hán, sóng thần, động đất đe dọa đời sống của nhân loại.

Người Phật tử ý thức điều này, từ xưa đến nay thích sống với thiên nhiên, coi trọng thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để tạo một cuộc sống tốt, hòa nhập với thiên nhiên trong mọi sinh hoạt để nâng cao đời sống tâm linh, hướng thượng và thánh thiện.

Nhìn vào cuộc đời đức Phật, nét nổi bật chúng ta có thể thấy ngay: Ngài đản sanh dưới cây Vô Ưu trong vườn Lâm-tỳ-ni, ra đời Ngài hòa nhập với hoa lá, lớn lên rời bỏ cung vàng đi tìm đạo cũng “tuyết lãnh tu hành, lục niên khổ hạnh” và sau khi tắm mát dưới sông Ni-liên-thuyền, Ngài tĩnh tọa trên thảm cỏ dưới gốc cây Bồ-đề và phát lời đại nguyện “Dù thịt tan xương mục nếu không tìm được đạo giải thoát quyết không rời khỏi nơi này”. Ngài thiền định 49 ngày đêm và thành đạo “Bồ-đề thọ hạ hàng phục ma quân, công viên quả mãn, đổ tinh đạo thành”.

Sau khi thành Chánh giác, đức Phật đi giáo hóa khắp nơi như một chuyến vân du dài 49 năm, điểm thuyết giáo đầu tiên là vườn Lộc Uyển, điểm dừng chân cuối cùng là dưới hai cây Sa-la để nhập Niết-bàn. Như vậy ta thấy:

Đức Phật sinh ra dưới gốc cây.
Thiền định dưới gốc cây.
Thành đạo dưới gốc cây.
Thuyết pháp dưới gốc cây.
Cuối cùng nhập diệt cũng dưới gốc cây.

Từ một vị hoàng tử trong cung vàng điện ngọc, Ngài thoát ra ngoài với thiên nhiên, với núi sông hoa lá cỏ cây, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Sau đức Phật, các vị Tổ Sư cũng sống với thiên nhiên tu thành chánh quả.
Đệ nhất Tổ Phật giáo Trung Hoa là ngài Đạt-ma. Trước khi truyền pháp cho nhị tổ Huệ Khả cũng “cửu niên diện bích”. Tổ Bách Trượng cũng thiết lập tông thiền hướng dẫn chư tăng sống với ruộng vườn cây cỏ. Ở Việt Nam, đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông xa lánh ngai vàng tìm lên tận núi Yên tử sống với núi rừng, chim muôn, khe suối. Thời cận kim, tổ Trần Hữu Đức tìm lên núi Tàkú cất am tranh ở Đá Bàn hạ, rồi lên Đá Bàn thượng tham thiền. Ở đâu, đệ tử cũng tìm đến rộn ràng. Ngài lại lên gần đỉnh núi tìm vào hang đá ẩn tu (bấy giờ là Trường Thọ Tự có hang đá Tổ ở sau chùa. Tổ Bảo Tạng cũng lên núi (Long Hải) bây giờ là khu di tích lịch sử Ninh Đạm (còn một ngôi tháp nhỏ gần cạnh suối nước trong mát quanh năm).

Như vậy, Phật, Tổ đều sống với thiên nhiên, sống ở những nơi thanh tịnh, xa chốn phồn hoa, u nhàn tỉnh mịch để thiền quán tìm về nguồn cội của “chơn tâm”.
Sinh hoạt của Phật tử chú trọng quán chiếu của tâm, các thiền sư noi gương chư Phật, chư Tổ cất thảo am tu hành, xa lánh trần tục. Đa số các chùa xây dựng ở những nơi thanh vắng, ngay cả những ngôi chùa làng là những ngôi chùa của tập thể Phật tử dân làng. Khi lập chùa, các vị bô lão, tiên chỉ, tộc trưởng cũng chọn những nơi có cảnh trí thiên nhiên đẹp, sơn thủy hữu tình để lập chùa, làm nơi tu tâm dưỡng tánh cho dân làng, cho Phật tử bá tánh thập phương. Người Phật tử khi đến chùa cảm thấy tâm hồn thanh thoát, nhẹ nhàng để vun bồi đời sống đạo đức tâm linh tốt đẹp mới xây dựng được cho mình một cuộc sống hướng thượng làm căn bản cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình góp phần xây dựng cho xã hội, quốc gia, nhân loại.
Hiện nay, không gian các ngôi chùa ở thành phố chật hẹp, lầu nhà cao, người ở đông đúc, nên các vị tu sĩ đã tìm cách tạo một khung cảnh thiên nhiên nho nhỏ để hít thở sáng chiều, dù không thay được cái thi vị đậm đà của hương đồng cỏ nội nhưng cũng nhẹ bớt cái tù túng của sắt, thép, bê tông.

Ngày xưa, các vị vua chúa thỉnh thoảng tổ chức những cuộc tuần du, săn bắn, mục đích săn thú thì ít mà dã ngoại để sống với thiên nhiên thì nhiều. Người ta lúc về già hay lo nghĩ đến hậu sự cho mình, các vua chúa cũng tìm trước cho mình nơi để xây lăng tẩm, mộ phần ở những nơi có núi, sông, cảnh trí thiên nhiên thơ mộng.

Trong cuộc sống văn minh hiện nay, con người đang quan tâm, đang nỗ lực bồi đắp trả lại những gì đã cướp mất của thiên nhiên nhưng không thấm vào đâu so với những gì mà con người đã phá hoại. Song, có còn hơn không; nơi nào còn và có thì cố gắng bảo tồn, nơi nào chưa hay không có cũng tìm cách tạo nên cho có. Các công viên trong thành phố, các bồn hoa được chăm sóc chu đáo, chính là để giảm bớt sự nặng nề, khô khan của nhà đúc, nhà xây, đường nhựa nóng bỏng, các nhà lầu cao tầng cũng cố tạo cho được một khoảng nhỏ không gian để trồng hoa, trồng cỏ. Trong phòng khách cũng trang trí cây cảnh, cỏ cây; thật thì tốt, không có thì cỏ cây giả, chậu giả cũng làm cho phòng khách trang nhã dễ thương.

Các công sở, xí nghiệp, công ty cũng trang trí trước sân, trước cổng các bồn hoa, cây cảnh để thêm vẽ trang nhã trịnh trọng cho cơ sở mình.

Ở Hải Hưng, công ty Bùi Văn Tuyển (BVT) đã xây dựng tại công ty một cảnh trí đậm nét văn hóa dân tộc và Phật giáo. Bước vào cổng chúng ta sẽ thấy ngay những thắng tích Phật giáo: Phổ Đà Sơn có từ bi động của đức Quán Thế Âm, vườn Lâm-tỳ-ni thái tử Tất-đạt-đa đản sanh, vườn Lộc Uyển nơi đức Thế Tôn thuyết bài Pháp đầu tiên chuyển bánh xe pháp, có giả sơn, có khe suối, có cảnh mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, có cảnh dân làng giã gạo đêm trăng. Ông bà BVT là những Phật tử thuần thành đã thành lập công ty sinh hoạt theo tinh thần Phật giáo.

Ở Nhơn Trạch, Đồng Nai công ty gạch men Kim Phong thiết trí ngay giữa sân lớn một hồ sen có tượng đức Quán Thế Âm tay cầm bình tịnh thủy, nhìn ra mặt đường. Hằng ngày, hàng ngàn công nhân qua lại cũng cảm nhận sự phấn khởi khi nhìn vào cảnh trí thơ mộng và trang nghiêm này.

Các bệnh viện, trường học lại càng quan tâm hơn, cảnh trí mát mẻ xanh tươi khiến bệnh nhân nhanh chóng bình phục, việc dạy và học của thầy trò cũng có kết quả tốt hơn.

Không lạ gì khi các bậc tiền bối trang trí trước nhà những hòn non bộ có suối reo, nước chảy, có cá lội, chim kêu; hoặc nơi giải trí, uống trà, ngâm thơ của các cụ nơi vườn tược cây cảnh, gọi là vui thú điền viên.

Trong cuộc sống, khi chúng ta đi qua một cánh đồng thơm mùi lúa chín, một ngọn đồi bướm liệng, ong bay, một dòng suối róc rách nước chảy, hay ven theo một dòng sông nước xanh trong mát, và nhìn lên đỉnh núi hùng vĩ vươn cao lòng chúng ta dạt dào tình yêu đất nước. Sơn hà cẩm tú là đây. Tức cảnh sinh tình, các thi sĩ lúc ấy hồn thơ lai láng “cầm bút lên mà nhã ngọc phun châu”. Các nhà quân sự khi xung trận, sát khí đằng đằng nhưng khi đối diện với cảnh trí thiên nhiên thơ mộng thì lòng gợn lên một chút bâng khuâng làm dịu đi ánh mắt bốc lửa, hận thù, sân si. Đêm về, trên vọng gác giữa rừng sâu, các chiến sĩ thả lỏng tay súng để nhìn ngắm sao trời, lắng nghe gió thổi cành lá đong đưa, phảng phất hương rừng giữa ánh trăng lung linh huyền ảo mà vơi dần oán đối. Như vậy, thiên nhiên rất cần thiết với con người, với cuộc sống của toàn nhân loại.

Phật dạy: “Tàn phá thiên nhiên là một tội ác”. Thiên nhiên giúp ta an tịnh tâm hồn, thiên nhiên giúp nhân loại có những vần thơ đẹp, những áng văn hay, những tác phẩm văn học bất hủ. Một con người chai đá đến đâu cũng có chút rung cảm nhè nhẹ trước cảnh sơn thủy hữu tình.

Hơn ai hết, người Phật tử sống hòa nhập với thiên nhiên, cảm nhận trọn vẹn sự cần thiết của thiên nhiên, phải biết bảo vệ thiên nhiên, xem như là một bổn phận cao cả để xứng đáng làm người.

Tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai có câu đối:

“Hoa lá cỏ cây là Bát Nhã Lăng Nghiêm
Chim hót suối reo là Pháp Hoa Viên Giác”.

Hãy trân quý thiên nhiên!

Bài khác nên xem

Nói Về Trường Ca Lửa Từ Bi – Đức Quảng

ducquang

Mè Đen – Bổ Như Thuốc Tiên!

ducquang

Đình Chùa Cổ Việt Nam

phuocthanh