Phật Di Lặc Và Pháp Hội Long Hoa

Phật Di Lặc Và Pháp Hội Long Hoa 

Ngày một tháng Giêng đầu năm Âm lịch theo truyền thống Phật giáo Bắc tông là ngày vía của Đức Phật Di-lặc, vị Bồ-tát đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký trở thành vị Phật tương lai. Thế nên đối với người Phật tử, chào mừng một năm mới cũng có nghĩa là chào mừng nhau trong niềm tin và hy vọng rằng một vị Phật sẽ sớm ra đời mang lại hạnh phúc và an lành cho muôn loài chúng sinh. Di-lặc tiếng Phạn là Maitreya (Sanskrit), Metteyya (Pāli), còn Phật giáo Tây Tạng thì gọi là Jampa. Người Trung Hoa dịch là Từ Thị hay Từ Tôn tức là người tu tâm Đại Từ. Một số kinh sách Đại thừa còn gọi Ngài bằng một danh hiệu khác là Ajita Bồ-tát (phiên âm là A-dật-đa, Hán dịch là Vô Năng Thắng), nhưng tựu trung khi nói đến Phật Di-lặc là nói đến vị Phật của Đại Từ Bi, Đại Hoan Hỷ. Một điểm đáng chú ý là trong khi Phật giáo Nam tông rất “dị ứng” với ý niệm Bồ-tát, họ chỉ xem tiền thân của Đức Phật Thích Ca khi chưa thành Phật là Bồ-tát còn những vị Bồ-tát Đại thừa khác, theo họ chỉ là những nhân vật hư cấu, tuy nhiên ở đây, Bồ-tát Di-lặc đều đã được cả hai truyền thống Nam, Bắc tông kính ngưỡng, tôn thờ.

Hình Tượng Phật Di-lặc

Thiết tưởng trước khi đi sâu vào việc tìm hiểu một số đặc trưng của vị Phật tương lai, chúng ta cũng cần nên biết qua về hình tượng của vị Phật Di-lặc hiện đang được người Phật tử ViệtNamthờ phượng, sùng kính. Đó là hình ảnh của một ông Phật với chiếc bụng tròn quay đang ngồi hở rốn ra với nụ cười luôn rộng mở. Chung quanh Ngài là sáu em nhỏ đang trèo lên người đùa vui nghịch phá. Theo thiển ý chúng tôi, ông Phật bụng phệ này không thể nào là hình ảnh biểu trưng cho vị Phật tương lai Di-lặc. Trước tiên, một vị Phật thường xuất hiện qua một thân tướng trang nghiêm với đầy đủ 32 tướng tốt như được mô tả trong kinh điển truyền thống Phật giáo. Bụng phệ thì nhất định không thể nào là một hảo tướng rồi! Ông Phật Di-lặc này nếu thêm vào một chiếc quạt phe phẩy trên tay là ta có ngay hình ảnh của một đại phú gia Tàu chính hiệu. Thế mà một số nhà được gọi là nghiên cứu Phật học còn vẽ rắn thêm chân, lý giải hình ảnh 6 đứa bé bao quanh Ngài là hình ảnh tượng trưng cho lục căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý), và lục trần đang quậy phá người tu, nhưng bậc giác ngộ vẫn an nhiên tự tại. Đã là một vị Phật rồi thì đâu còn dính mắc gì đến chuyện lục căn, lục trần nữa mà gọi là quậy phá?

Thế thì do đâu lại xuất hiện ra một ông Phật Di-lặc như thế? Thật ra đây chỉ là một phiên bản của nhân vật Hòa thượng Bố Đại, một vị thiền sư sống vào thời Hậu Lương (907–923 CE), mà theo truyền thuyết là hóa thân của Phật Di-lặc. Các nghệ nhân Trung Hoa là những người rất giàu tưởng tượng, đã lấy cảm hứng từ câu chuyện này để sáng tạo ra hình ảnh của một ông Phật Di-lặc như thế. Phiên bản thứ hai của Hòa thượng Bố Đại là ông Thần Tài. Cả hai vị này – Phật Di-lặc và ông Thần Tài- hình tượng bên ngoài đều được điêu khắc na ná giống nhau, khiến nhiều người đã lầm tưởng cả hai vị này là một, thế nên trước khi rời khỏi nhà hay đi làm ăn buôn bán phương xa, họ cũng cố gắng xoa vào bụng của ông Phật bụng phệ này một cái, với hy vọng là công chuyện làm ăn sẽ suôn sẻ, thu gặt nhiều tài lộc. Vô hình chung, trong dân gian, ông Phật Di-lặc này đã biến thành người ban phát tài lộc, hay nói rõ hơn, đây là một ông thần giữ của không hơn không kém. Phật giáo Việt Nam, như ta biết, đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm bởi Phật giáo Trung Hoa trong một thời gian dài hằng bao nhiêu thế kỷ nên đã mang hình tượng “ông thần giữ của” bụng phệ của Tàu lên bàn thờ và gọi đó là vị Phật tương lai! Tuy nhiên như ta biết, cởi bỏ một chiếc áo đã mặc lâu đời không phải là chuyện dễ dàng.

 Bồ-tát Di-lặc, thế kỷ thứ 2, giai đoạn phát triển của nghệ thuật Càn Đà La

Thật ra, Bồ-tát Di-lặc đã có mặt rất lâu đời trong lịch sử Phật giáo, song song với sự hình thành và phát triển của Phật giáo Đại thừa hoặc ngay cả thời gian trước đó. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một bức tượng điêu khắc của Bồ-tát Di-lặc xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, trong thời kỳ vàng son của Phật giáo Càn-đà-la. Thông thường Bồ-tát được mô tả đang ngồi với đôi chân đặt lên mặt đất hay kiết già trên pháp tòa như đang chờ đợi đến phiên mình ra đời để cứu độ chúng sinh. Theo truyền thống, Ngài được trang phục trong lớp áo của một vị Tỳ kheo hoặc theo hàng vương giả Ấn Độ. Một chiếc khăn lụa (khata) được quấn chung quang thắt lưng Ngài như một chiếc đai. Cũng như các vị Bồ-tát khác, Ngài thường được mô tả trong tư thế đứng nhiều hơn là ngồi với trang sức đầy ngọc ngà châu báu trên người. Một nét đặc trưng khác là trên chiếc khăn trùm đầu của Ngài có đính vào một ngôi tháp nhỏ, tượng trưng cho ngôi tháp đựng xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Như một người con có hiếu luôn luôn mang theo tro cốt của cha mình ở trên đầu, hình ảnh này khẳng định một cách dứt khoát rằng, Ngài là người thừa kế duy nhất của Đức Phật Thích Ca, không ai có thể tranh cãi được.

Phật Di-lặc và Hội Long Hoa

Về sự ra đời của Phật Di-lặc, đã được Đức Phật Thích Ca nói rõ trong kinh “Phật Thuyết Kinh Di-lặc Hạ Sanh Thành Phật”:

Tôi nghe như vầy: Một thời gian nọ, Đức Thế tôn ở tại núi Linh thứu, trong thành Vương Xá, đồng thời có các vị Tỳ kheo tụ hội đông đủ. Bấy giờ có Thầy Xá-lợi-tử là bậc đại trí huệ tối thắng trong hàng đệ tử của Phật. Vì Thầy nặng lòng thương xót thế gian nên từ chỗ ngồi liền đứng dậy và, trịch vai áo phải, quỳ gối sát đất, chắp tay thưa Phật:

“Bạch Đức Thế tôn: Nay con có chút việc muốn thưa hỏi, mong Phật giảng cho!”

Phật nói với Thầy Xá-lợi-tử rằng: “Tùy ý hỏi gì tôi sẽ nói cho.”

Thầy Xá-lợi-tử nói lời kệ tụng thưa hỏi Thế tôn:

“Đại sư thọ ký cho

Phật hạ sanh sau này,

Hiệu Ngài là Từ Thị,

Như các kinh đã dạy,

Xin đấng Nhơn Trung Tôn

Phân biệt lại lời tụng

Về thần thông oai đức,

Chúng con muốn được nghe.”

Đức Phật nhân đấy đã cho đại chúng biết thêm một số chi tiết về sự giáng sanh của Bồ-tát Di-lặc như sau: Thuở đó, dưới thời vua Hướng Khư, một vị Chuyển Luân Thánh Vương rất mực nhân từ, cai trị khắp cả bốn châu bằng chánh pháp nên nhân dân đều an lạc, không hề có chiến tranh và khổ nạn. Các quốc độ đều giàu có, không hề có hình phạt hay tai ách. Những người sinh trong nước Ngài đều đã tu hạnh lành từ nhiều kiếp. Quan phụ chánh đại thần của vua là Bà-la-môn Thiện Tịnh, một người đa văn, thông kim bác cổ, tất cả các luận nghị đều nghiên cứu thấu đáo, xứng đáng là một vị quốc sư tài ba xuất chúng. Phu nhân của Ngài là hiền nữ Tịnh Diệu, đạo đức nhân từ, thân tướng đoan nghiêm, ai trông thấy cũng sinh lòng cảm mến, kính trọng.

Lúc bấy giờ Bồ-tát Di-lặc đang ở cung trời Hỷ Túc, thấy thời cơ đã đến liền nhập thai vào bà Tịnh Diệu. Cũng giống như truyền thuyết về sự ra đời của Đức Phật Thích Ca, phu nhân Tịnh Diệu mang thai Bồ-tát trong mười tháng rồi trong dịp đi dạo vườn Diệu Hoa thì sinh ra Ngài từ hông bên phải. Bồ-tát ra đời với đầy đủ 32 tướng tốt, “thân sắc vàng chói, tiếng như Đại phạm âm, mắt giống lá sen xanh, tứ chi đều viên mãn.” Ngày Đức Đại Từ Tôn ra đời, trời rải hoa chào mừng, vua trời Đế Thích đã đến bồng ẳm Ngài, chào đón một vị Đại giác mới ra đời cứu độ chúng sinh trong ba cõi. Rồi rồng thiêng đến phun nước tắm Ngài và chư thiên cầm lọng che cùng đẩy xe Ngài về cung. Tuy nhiên khi lớn khôn, chứng được lẽ Thành, Trụ, Hoại, Không, thấy chúng sinh vẫn còn lẩn quẩn trong vòng luân hồi sinh tử, Ngài đã phát nguyện đi tu và chứng quả giải thoát dưới gốc cây Long Hoa, một tên gọi khác của cây Bồ-đề, nhưng đặc biệt cây Bồ-đề này có tàn lá sum suê che phủ đến 600 mét. Phật Di-lặc đã thuyết pháp độ chúng dưới gốc cây Long Hoa này trong ba hội: Hội thứ nhứt độ được chín mươi sáu ức người thành bực Thanh Văn, hội thứ hai độ được chín mươi bốn ức người thành Thanh Văn, hội thứ ba độ được chín mươi hai ức người thành Thanh Văn. Đó là thời kỳ người ta gọi là Long Hoa Tam Hội.

Như vậy biểu tượng Long Hoa gắn liền với vị Phật tương lai Di-lặc. Đây là một biểu tượng hoàn toàn Phật giáo được tôn trọng bởi tất cả các tông phái. Ngay tại Việt Nam, Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật giáo Hòa Hảo cũng đã nhiều lần bày tỏ lòng mơ ước của Ngài về Hội Long Hoa trong các kệ giảng của mình. Tại Tây Ninh, thánh địa của Đạo Cao Đài – cũng là một giáo phái Phật giáo – có chợ Long Hoa, như là một nhắc nhở bổn đạo nỗ lực tu hành để hướng về Hội Long Hoa của Phật Di-lặc. Ngoài ra, việc sử dụng danh xưng hay biểu tượng Long Hoa cho những mục tiêu khác là việc làm của những kẻ tà đạo mà người Phật tử cần phải lưu ý, đề phòng. Tuy nhiên ý niệm về Phật Di-lặc, Hội Long Hoa là một ý niệm rất mực hấp dẫn, dễ dàng lôi cuốn quần chúng, thế nên trong lịch sử đã có những nhân vật tự xưng mình là Phật Di-lặc tái sanh, hoặc sử dụng ý niệm Long Hoa cho những mục tiêu chính trị. Nổi tiếng nhất, phải kể đến là:

•           Võ Hậu (tức Võ Tắc Thiên) đời Đường. Do sự bất lực của chồng và con, bà là người thực sự cai trị nhà Đường từ năm 665 đến năm 690 và tự xưng mình là Phật Di-lặc tái sanh. Năm 690, bà dẹp bỏ luôn nhà Đường, lập ra nhà Hậu Chu (周) rồi lên ngôi xưng hiệu là Thánh Thần Hoàng Đế (聖神皇帝), gọi Lạc Dương là “Thánh Đô” và cai trị Trung Hoa kể từ năm 690 cho đến năm 705.

•           Chu Nguyên Chương đời Minh: Năm 1531, Hàn San Đồng thủ lãnh Bạch Liên Giáo cùng với Lưu Phúc Thông, tư lệnh quân nổi dậy, đã phát động một cuộc khởi nghĩa nhằm lật đổ triều đại nhà Nguyên. Hàn San Đồng đã tung ra khẩu hiệu chống Mông Cổ như sau: “Đế quốc Nguyên Mông đang trên đường hoàn toàn sụp đổ. Phật Di-lặc đã ra đời và Minh Vương đã xuất thế.” Ông ta tự xưng mình là Minh Vương và con trai, Hàn Lâm Nhi, là Tiểu Minh Vương. Tuy nhiên sau khi Hàn San Đồng và Lưu Phúc Thông qua đời, Chu Nguyên Chương, một tăng sĩ tu xuất đã thực sự nắm trọn binh quyền. Ông ta cho người ám sát Hàn Lâm Nhi và đưa cuộc khởi nghĩa đến thành công, lập ra triều đại nhà Minh.

•           Gần đây nhất (1955) là L. Ron Hubbard, giáo chủ giáo phái Scientology (Mỹ), cũng tự xưng mình là “Metteya” (Maitreya), vì theo ông, căn cứ vào những tài liệu Phạn ngữ, ông ta có những đặc tính hoàn toàn giống với đặc tính của vị Phật tương lai Di-lặc.

Trong thời đại ngày nay, ý niệm về Phật Di-lặc đã trở thành một ý niệm phổ quát trên toàn thế giới. Nhiều tổ chức xã hội, giáo dục ngoài Phật giáo cũng đã dùng danh xưng Di-lặc đặt tên cho tổ chức mình.

Phật Di-lặc và Cung Trời Đâu Suất.

Dưới thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, việc Ngài thọ ký cho Bồ-tát A-dật-đa (Di-lặc) trở thành vị Phật kế tục Ngài trong tương lai có thể đã gây ra một số hoài nghi thắc mắc trong hàng thánh chúng, những cao đồ của Đức Phật vì A-dật-đa là một nhân vật không tên tuổi, ít ai biết đến. Trong Kinh “Phật Thuyết Quán Di-lặc Bồ-tát Thượng Sinh Đâu-suất Thiên”, Ngài Ưu Ba Ly đã đại diện thánh chúng nêu thắc mắc này với Phật Thích Ca, “Kính bạch Thế tôn, xưa kia Thế tôn nói trong kinh luật rằng A-dật-đa sẽ được thành Phật ở đời sau này. Nay con thấy rằng ông A-dật-đa còn đầy đủ tấm thân phàm phu và chưa dứt hết được các lậu hoặc. Khi Di-lặc mất, sẽ sinh nơi nào? Bản thân Di-lặc, con người hiện nay, tuy là xuất gia, không tu thiền định, không dứt phiền não. Thế tôn thụ ký cho ông Di-lặc, con không dám nghi. Nhưng con muốn biết, khi ông mất rồi, sinh vào nước nào?” Phật dạy rằng, Đức Di-lặc sẽ sinh vào cõi trời Đâu-suất (Phạn ngữ là Tusita), và sẽ dạy pháp Duy thức nơi đây cho đến khi thời cơ tới, sẽ lại sinh vào một gia đình Bà-la-môn ở nước Ba La Nại, thương xót chúng sinh khổ não nên xin cha mẹ cho đi tu, đến ngồi thiền định và thành Phật dưới gốc cây Long Hoa.

Cung trời Đâu-suất là tầng trời thứ 33 theo truyền thuyết Phật giáo. Người ta có thể đến đó bằng năng lực thiền định. Một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo, Bồ-tát Thế Thân, vị tổ của Duy thức học, đã nhiều lần nhập định đến cung trời Đâu-suất để nghe Bồ-tát Di-lặc giảng kinh. Với trí nhớ tốt, Ngài đã ghi lại được những lời giảng này và để lại những bộ kinh được khẳng định là do chính Bồ-tát Di-lặc thuyết giảng. Gần đây nhất, người đã có cơ duyên đến thăm viếng cung trời Đâu-suất là Lão Hòa thượng Hư Vân. Tuy nhiên chính trong thời điểm này, Ngài đã nhập vào đại định đến thăm viếng cung trời Đâu-suất và gặp gỡ Bồ-tát Di-lặc. Câu chuyện này đã được Ngài ghi lại trong tự truyện như sau:

“Thầy vừa mộng thấy mình đến nội viện cung trời Đâu-suất . Nơi đó, thật rất trang nghiêm kỳ diệu, trên thế gian này không có nơi nào giống như thế. Thầy thấy Bồ-tát Di-lặc đang ngồi trên tòa cao thuyết pháp. Trong chúng hội có vài mươi vị, đều là pháp hữu thuở xưa của Thầy như hòa thượng Chí Thiện chùa Hải Hội ở Giang Tây, pháp sư Dung Cảnh ở núi Thiên Thai, ngài Hằng Chí ở Kỳ Sơn, hòa thượng Bảo Ngộ ở cung Bá Tuế, hòa thượng Thánh Tâm ở núi Bảo Hoa, luật sư Độc Thể, hòa thượng Quán Tâm ở Kim Sơn, tôn giả Tử Bách v.v… Thầy cung kính chắp tay chào và được chư vị chỉ tay ra hiệu bảo ngồi bên phía Đông, nơi có một chỗ trống. Tôn giả A-nan làm Duy Na, bèn đến ngồi kế cận thầy. Đại chúng cùng nghe Bồ-tát Di-lặc thuyết ‘Duy thức Định”. Đang giảng, đột nhiên Ngài Di-lặc dừng lại, chỉ tay về hướng Thầy và nói: “Con hãy trở về đi!”

Thầy đáp: Đệ tử nghiệp chướng nặng nề. Không dám trở về.”

Ngài Di-lặc bảo: “Nghiệp duyên của con chưa dứt. Hãy đi về, rồi sau này trở lại.”

Kế đến, Ngài Di-lặc nói bài kệ:

“Thức cùng tri khác ra sao?

Sóng cùng nước đồng nhau

Chớ phân biệt bình bồn

Chất vàng không phân chia

Lượng tánh ba nhân ba

Một sợi gai nhỏ, một sừng ốc tí ti

Nghi thành ảnh tượng

Tánh bệnh hết khi tư hoặc dứt,

Như thân phàm phu trong nhà ảo mộng

Huyễn không chấp trước

Biết huyễn liền rời xa

Rời huyễn tức giác

Đại giác viên minh

Kính soi muôn vật

Phàm Thánh không hai

An nghiệp lành xấu

Bi nguyện độ sanh

Làm trong cảnh mộng

Đương đầu nghiệp lực trong bao kiếp

Nên tỉnh giác việc xảy ra

Thuyền từ bơi trong bể khổ

Chớ sanh tâm thối thất

Sen nở từ bùn lầy

Có Phật đà ngồi trong đó …

Còn rất nhiều câu kệ, nhưng thầy quên rồi. Ngài còn dặn bảo thầy nhiều điều mà nay không tiện nói ra.” (Trích “Đường Mây Trên Đất Hoa, Nguyên Phong dịch, tr. 136-138).

Di Lặc, Vị Phật Tương Lai

Mỗi một vị Phật có mặt trên thế gian này đều là một đại sự nhân duyên. Đó là cả một sự chuẩn bị lâu dài để khi cơ duyên đến là ta có một vị Phật ra đời, phù hợp với nhân sinh và thời đại, trong tinh thần khế thời và khế cơ của Phật giáo. Thời đại và môi trường mà Đức Phật Di-lặc ra đời, hành hoạt chắc chắn là khác xa với thời đại chúng ta. Những khác biệt đó đều đã được mô tả rõ trong kinh sách, đặc biệt là Kinh “Phật Thuyết Kinh Di-lặc Hạ Sanh Thành Phật”. Có hai điểm mà chúng ta không thể không quan tâm, đó là môi trường, thời đại và con người của thời đại Di-lặc, và thứ hai, vị Phật tương lai của chúng ta sẽ thuyết giảng giáo pháp nào để độ chúng, phù hợp với căn cơ của con người trong thời đại ấy?

Trước tiên, môi trường sống của con người trong thời đại Di-lặc đã hoàn toàn thay đổi. Cõi ta bà đầy hệ lụy của những thời đại xa xưa nay đã biến thành một cõi thiên đàng hạ giới, với “Địa cầu không gai góc, mọc những cỏ xanh mềm, chân người giẫm lên trên, giống như bông vải mịn.” Đâu đâu cũng có cây lành trái ngọt, lương thực và y phục đều thừa mứa, không ai còn phải quan tâm đến chuyện đói rách nữa. Tuổi thọ trung bình của con người trong thời đại này là tám muôn tuổi. Con gái năm trăm tuổi mới thành lập gia đình. Tất cả mọi người đều có thân tướng đoan nghiêm, đặc biệt là họ “không có các bệnh tật, lìa khổ thường an vui.”

Với tuổi thọ như thế, nhiều người sẽ cho rằng kinh sách đã đưa ra những chuyện hoang đường, không thể nào có được. Tuy nhiên dưới mắt nhìn khoa học, đây là chuyện rất mực bình thường. Như ta biết, với sự tiến bộ của Y khoa, con người của thời đại này đã có thể sống trên trăm tuổi. Song song với lãnh vực Y khoa, bộ môn Sinh học nay cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể qua các lãnh vực nghiên cứu về tế bào mầm, kỹ thuật nhân giống… Hãy tưởng tượng hàng ngàn năm sau, các bộ môn Y khoa và Sinh học sẽ còn tiến bộ đến mức nào! Các tế bào lão hóa chắc chắn sẽ được loại bỏ, các bộ phận trong cơ thể con người sẽ được thay thế, trẻ trung hóa,… thế thì con người của thời đại này muốn sống bao lâu mà chẳng được? Chuyện cãi lão hoàn đồng, đi tìm thuốc trường sinh bất tử sẽ không còn là giấc mơ của bạo chúa Tần Thủy Hoàng!

Tuy nhiên sẽ vẫn còn có người thắc mắc: Nếu tuổi thọ con người kéo dài thì địa cầu đâu còn đủ chỗ để chứa đựng một số lượng người đông đảo như thế? Nạn nhân mãn chắc chắn sẽ xảy ra! Xin đừng lo! Kinh “Phật Thuyết Kinh Di-lặc Hạ Sanh Thành Phật” đã giải quyết vấn nạn này: “Bấy giờ nước đại dương sẽ thu hẹp dần khoảng ba ngàn hai trăm du thiện na (1), và địa cầu sẽ mở rộng ra cả vạn du thiện na,” đủ chỗ để cho con người sinh sống. Điều này cũng không hề là chuyện hoang đường mà hoàn toàn phù hợp với vấn nạn đương đại. Các nhà khoa học về môi trường đã cảnh báo rằng quả địa cầu đang bị hâm nóng dần (global warming), và như vậy tiến độ bốc hơi nước chắc chắn sẽ dần dần gia tăng. Đến thời đại Di-lặc, đại dương sẽ thu hẹp dần là do hậu quả của vấn nạn này.

Trên đây, chúng ta đã có một cái nhìn phớt qua về môi trường và con người của thời đại Di-lặc. Một khi trái đất đã biến thành cõi thiên đàng hạ giới và con người “không có các bệnh tật, lìa khổ thường an vui,” chúng ta sẽ thắc mắc, không biết Đức Phật Di-lặc sẽ dùng pháp môn gì để độ chúng trong thời đại này? Trong Kinh “Phật Thuyết Quán Di-lặc Bồ-tát Thượng Sinh Đâu-suất Thiên”, Đức Phật Thích Ca đã hé mở cho chúng ta biết rằng Bồ-tát Di-lặc hiện đang ở cung trời Đâu-suất và đang giảng dạy pháp môn Duy thức. Điều này cho phép chúng ta suy đoán rằng, trong tương lai Đức Phật Di-lặc chắc chắn cũng sẽ dùng pháp môn Duy thức để độ chúng.

Duy thức là khoa học về Tâm, mà “Tâm dẫn đầu các pháp”, thế nên không có một pháp môn nào thích hợp hơn cho thời đại Di-lặc bằng Duy thức. Bởi vì một điều rất phù hợp với luận lý là, sự tiến bộ của khoa học luôn luôn đi song song với sự tiến bộ về mặt tâm linh. Khoa học ngày nay đang bước vào ngưỡng cửa nghiên cứu về Tâm, đến thời đại Di-lặc chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu cụ thể và con người của thời đại này chắc chắn cũng sẽ đạt được những tiến bộ nhất định về mặt tâm linh. Tâm quan trọng như thế, thế nên Kinh nói,“Tam giới duy tâm”- ba cõi duy chỉ là một tâm. Mở được cánh cửa vào Tâm tức là mở được cánh cửa vào vạn pháp, đạt đến chứng ngộ, giải thoát một cách nhanh chóng. Đức Phật Di-lặc sẽ giúp con người của thời đại này tháo gỡ những vướng mắc cuối cùng về Tâm để đạt đến chân lý. Những lời thuyết giảng của Ngài sẽ là sấm sét làm nổ bùng trí tuệ của những ai đang mấp mé bên bờ giác ngộ, đưa họ nhập quả vị Thanh văn. Thế nên trong suốt cả ba kỳ của Pháp hội Long Hoa, những người được Ngài độ thoát đều nhập quả vị Thanh văn một cách nhanh chóng. Đó là chức năng của vị Phật tương lai Di-lặc.

 Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Đương Lai Hạ Sanh Di-lặc Tôn Phật.

Tâm Hà Lê Công Đa

Chú thích:

(1)   Du Thiện Na (Yojana,) cũng đọc là: do tuần, do diên, du xà na. Đơn vị đo đường của Ấn Độ thời xưa. Một du thiện na bằng 16 dặm (lý) bên Tàu, tương đương với 32 miles (1 lý tương đương với 2 miles) theo hệ thống đo lường ngày nay.

Bài khác nên xem

Phật an cư không tiếp khách

phuocthanh

Tưởng niệm Cố Hòa Thượng Thích Nhật Liên

datthinh

Ý nghĩa Trai Đàn Chẩn Tế

phuocthanh