Pháp Thoại : Trị liệu và chuyển hóa cơn giận

Thích Thái Hòa

 Hôm nay nhằm ngày 7/10/ Tân Mão ( tức là ngày 2/11/2011) tại Trượng thất của gia đình bác sĩ Minh, tôi xin chia sẻ pháp thoại đến với đại chúng : Trị liệu và chuyển hóa cơn giận.

 Cơn giận của mỗi chúng ta từ đâu mà tới? Có khi nào đại chúng hiểu chưa, và trong chúng ta ít ra cũng có vài lần cơn giận nổi lên. Có phải không?

 Cơn giận đến với chúng ta từ tâm bất như ý. Ta nhìn một cái gì đó, một đối tượng nào đó, một ai đó mà không bằng lòng, thì cơn giận trong tâm ta sẽ xuất hiện.

Ta ngửi một mùi vị, một hương thơm, mà hương thơm đó, không phù hợp với tâm ý của ta, thì cơn giận trong ta nổi dậy.

Ta ăn một thức ăn, mà thức ăn đó không vừa ý ta, thì cơn giận trong ta nổi dậy.

Khi ta tiếp xúc với các xúc trần, nóng lạnh, trơn nhám, mà không vừa ý, thì cơn giận trong ta nổi lên.

Khi ta nghĩ một điều gì đó đã qua, mà không vừa ý, thì cơn giận trong ta nổi lên.

Hay ta đang nghĩ một điều gì đó, mà không phù hợp với tâm ý của ta, thì cơn giận trong ta nổi lên.

Hay ta nghĩ về một tương lai, mà tương lai đó, không đáp ứng nhu cầu của ta, thì cơn giận trong ta nổi lên.

Mỗi khi cơn giận trong ta nổi dậy, ta không còn hạnh phúc và an lạc nữa.

Thường thường cơn giận đến với chúng ta, từ nơi người thân của chúng ta hơn là những người xa lạ . Con cái giận cha mẹ, vợ giận chồng, chồng giận vợ, bạn bè giận nhau v.v… lúc đó lý trí của ta bị lu mờ, khiếncho lời nói và hành xử của ta thuộc về bản năng.

Do đó, lời nói không còn dễ thương, và hành xử không còn tao nhã, caothượng. Vì vậy, đức Phật dạy cho chúng ta phương pháp nhiếp phục cơn giận ở nơi tâm ta. Nhờ nhiếp phục cơn giận và tâm ta yên lắng, tasẽ làm chủ được ta, ta không đánh mất ta giữa cuộc sống này.

Nếu ta mơ ước bất cứ cái gì cũng đều thỏa mãn, thì điều đó không bao giờ xảy ra. Mình nói điều gì mà mọi người cũng đều làm theo mình một trăm phần trăm, điều ấy cũng không bao giờ xảy ra.

Xin đại chúng đưa bàn tay mình lên và hãy nhìn sâu vào bàn tay của mình, bàn tay của mình có làm cho mình như ý không, trong bàn tay không có ngón nào giống ngón nào cả phải không?

Nhìn từ bàn tay, mình sẽ thấy trong cuộc đời sẽ không có chuyện như ý đến với mình, mà phần nhiều đến với mình toàn những chuyện bất như ý.

Mình nghĩ như vậy, thì tâm sân hận của mình sẽ lắng xuống và tâm bao dung độ lượng của mình sẽ trỗi lên.

Giả sử bàn tay mà năm ngón đều bằng nhau, thì sẽ là bàn tay dị thường.

Nên, bàn tay không dị thường là bàn tay trong đó không có ngón nào giống ngón nào cả.

Mình hiểu như vậy, nên mình chấp nhận cuộc đời có nhiều thành phần, nhiều hòan cảnh, nhiều điều kiện sai khác nhau v.v… Chấp nhận được sự khác biệt nhau để sống là một sự chấp nhận thông minh và chỉ có những người thông minh mới có khả năng chấp nhận nầy.

Do đó, người ta đến với mình, dù là hình thức này hay hình thức khác, mình đều nhiếp phục được cơn sân hận của mình. Và chỉ khi nào mình có trí tuệ, mới nhiếp phục được cơn sân hận. Nếu không có trí tuệ, thì ta rất dễ bực bội, và sân hận khi thấy người khác không giống mình.

Cơn giận sẽ làm mất hạnh phúc và rút ngắn tuổi thọ của chúng ta, làm cho chúng ta sẽ bệnh họan và khổ đau.

Sau đây là năm phương pháp để chuyển hóa cơn sân hận:

1- Khi một người có lời nói không dễ thương, nhưng hành động lại dễ thương, thì ta hãy nhìn vào hành động dễ thương của người ấy, mà không chú tâm vào lời nói không dễ thương của người ấy, thì cơn giận trong ta từ từ lắng xuống.

2– Khi một người có hành động dễ thương, nhưng lời nói lại không dễ thương, thì chúng ta hãy nhìn vào hành động dễ thương của người ấy, mà không chú tâm vào lời nói không dễ thương của người ấy, thì cơn giận trong ta sẽ được nhiếp phục.

3– Khi tiếp ta xúc với một người, mà lời nói không dễ thương, hành động không dễ thương, nhưng tâm hồn của họ có chút ít dễ thương, thì ta hãy nhìn vào tâm hồn có chút ít dễ thương của họ, lúc đó cơn giận trong ta sẽ được nhiếp phục.

4– Khi tiếp xúc với một người mà lời nói không dễ thương, hành động không dễ thương, tâm hồn không dễ thương, thì Phật dạy chúng ta nên khởi tâm từ bi đối với người đó. Ta hãy nghĩ, nếu một người mà lời nói, hành động và tâm hồn không có chút gì dễ thương hết, thì đời sống của họ sẽ rơi vào đời sống khổ đau hoàn tòan, và họ đang đi vào chỗ tối tăm. Khi thấy một người nghèo nàn phước đức và sắp rơi vào chỗ tối tăm, thì mình ghét họ làm gì nữa, mình nên thương họ. Nhờ vậy, tâm sân hận của mình được lắng xuống.

5– Đối với người vừa có lời nói dễ thương, vừa có hành động dễ thương, lại có cả tâm hồn dễ thương.

Trong trường hợp này, mình không cần phải nhiếp phục cơn sân hận. Nhưng có một lý do để làm tâm mình bất an. Đó là tâm ganh tỵ nơi mình. Trước người đó, mình nên khởi tâm tùy hỷ và kính trọng, mà không nên khởi tâm ganh tỵ.

Hay trước một người vừa có lời nói dễ thương, vừa có hành động dễ thương, lại có cả tâm hồn dễ thương, mình lại sanh tâm mặc cảm, tủi hờn, làm cho mình không dám gần gũi, thân cận họ. Chính tâm mặc cảm như vậy cũng làm cho mình khổ đau.

Khi những hạt giống mặc cảm, tủi hờn trỗi dậy, mình hãy nhiếp phục bằng cách nghĩ :

May quá, trên cuộc đời này có những người thật dễ thương như vậy, để ta có cơ hội nương tựa, học hỏi, gần gũi. Do đó, tâm xấu nơi mình được lắng xuống.

Trên đây là năm phương pháp, mà đức Phật dạy cho chúng ta để nhiếp phục cơn sân hận.

Khi ta nhiếp phục được cơn sân hận, thì ta sẽ có khuôn mặt tươi vui, dễ thương, và đẩy lùi được bệnh tật. Khi cơn giận trong ta nổi lên, thì huyết áp sẽ tăng lên, có thể dẫn đến đau bao tử, kiết lỵ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ v.v… Khi cơn giận trỗi lên sẽ gây ra cho ta nhiều thiệt hại và nguy hiểm.

Do đó, muốn có tâm hồn yên lắng và hạnh phúc, thì ta phải nhiếp phục cơn sân hận nơi ta. Chúng ta không thể nào có hạnh phúc được, khi tâm ta đang sân hận.

Và tâm sân hận cũng đi từ lòng tham của chúng ta. Ta tham, nhưng không được, cơn giận liền khởi lên trong tâm ta. Cơn giận cũng có thể đi từ sự mù quáng của chúng ta. Chẳng hạn, ta thấy người khác làm ăn thành công do họ có những phương pháp thích ứng, mà ta sanh tâm ganh tỵ. Tâm ganh tỵ đó, phát sinh từ nơi những hạt giống si mê nơi tâm ta.

Tóm lại, khi ta nhiếp phục được tâm sân hận, thì ta sẽ có hạnh phúc và tuổi thọ được tăng trưởng.

Đệ tử Thu Cúc – Tâm Lý phiên tả

Bài khác nên xem

Đạo Phật và Chữ Hiếu

datthinh

Giới đức là cao quý nhất

phuocthanh

(HT Thích Nhất Hạnh) Thân tâm và thế gian

nhuanphap