Pháp Phái Liễu Quán – Chùa Thuyền Tôn – Huế

VÀI NÉT VỀ CHÙA THIỀN

CHÙA THIỀNTÔN

 Chùa Thiền Tôn là một trong những danh lam thắng cảnh của cố đô Huế.

Chùa được dựng trên một ngọn đồi cao, phía đông nam Thành phố, cạnh núi Thiên Thai, thuộc Thôn Ngủ Tây, Xã Thủy An, Huyện Hương Thủy, (nay là Huyện Hương Phú) Tỉnh Bình Trị Thiên. Chùa cách thành phố Huế chừng 7 cây số.

Từ trung tâm Thành phố, ngược lên Nam Giao, rẽ sang tay trái thẳng đến Ba Đồn, hướng lên Chín Hầm dọc theo chân đồi Thiên Thai, một con đường nhỏ sẽ đưa chúng ta đến chùa.

Trước mặt chùa một đồi thông xanh mát, khung cảnh thật trang nghiêm hùng vỹ. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ khẩu, ba căn hai chái, phía trước là tiền đường. Mặt tiền, tôn trí các tượng Phật và Bồ Tát; mặt sau là nơi thờ các vị Tổ khai sơn quá cố. Căn giữa chánh điện, có treo bức hoành bằng dòng chữ Hán “THIÊN THAI THUYỀN TÔN TỰ”, cạnh có 4 chữ nhỏ “Cảnh Hưng bát niên”.

Hòa Thượng LIỄU QUÁN là vị Tổ khai sơn chùa Thiền Tôn, họ Lê, húy THIỆT DIỆU, làng Bạc mã huyện Đồng xuân, tỉnh Phú Yên.

Không biết chùa được dựng lên từ năm nào, theo bức hoành trên, chùa được xây vào năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747), nhưng theo tài liệu về cuộc đời của Tổ LIỄU QUÁN, được khắc trên Bia đã dựng tại tháp Ngài, thì Tổ LIỄU QUÁN viên tịch vào năm 1742. Sự kiện này, chứng tỏ chùa Thiền Tôn chắc chắn không phải được xây cất lần đầu vào 1747. Có lẽ năm này là năm chùa được trùng tu.

Căn cứ theo tiểu sử của Ngài LIỄU QUÁN. Chùa Thiền Tôn được xây cất vào khoảng năm Vinh Thạnh thứ 4 (Đời Lê Dụ Tôn, 1708) sau khi Ngài ra Long Sơn (chùa Từ Đàm – Huế) cầu pháp với Hòa Thượng TỬ DUNG xong, mới vào lập thảo am tu hành ở núi Thiên Thai, về sau trở thành chùa Thiền Tôn.

Năm Canh Thìn (1940), tức năm Bảo Đại thứ 15, sau một thời gian dài không được tu bổ, sơn môn Tăng già Thừa Thiên (tức GHPGVNTN Thừa Thiên) cùng môn phái Thiền Tôn đứng ra đại trùng tu, từ đó chùa trở nên nguy nga đồ sộ như ngày nay.

Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên Đệ nhị TĂNG THỐNG GHPGVNTN là vị kế thừa đời thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế, đời thứ 8 pháp phái LIỄU QUÁN.

Hiện nay đa số các vị lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam đều xuất thân từ Phái này.

Qua nhiều biến cố lịch sử, chùa Thiền Tôn vẫn tồn tại, hy vọng tồn tại mãi cho các thế hệ tiếp nối.

Hữu Thế sưu tầm

 VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI NGÀI LIỄU QUÁN

Tổ Liễu Quán ra đời vào ngày 18 tháng 10 năm Đinh Mùi (1667), tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình bình dân, mồ côi mẹ từ thuở lên sáu. Năm 12 tuổi, Ngài được thân phụ dẫn đến bái yết Hòa Thượng Tế Viên, chùa Hội Tôn, xin cho xuất gia học đạo. Trong thời gian tu học ở đây, Ngài đã là một đạo đồng thông minh chăm chỉ. Tuy bên ngoài là hình ảnh một chú điệu ngây thơ, chất phác, nhưng bên trong mang sẵn một bản hoài của vị Bồ Tát giáng trần, một hạnh nguyện của bậc Thánh Tăng xuất thế. Với trí tuệ siêu việt, với đức tin dõng mãnh, Ngài chững chạc bước vào đời.

Sau bảy năm, Ngài đã chăm lo tu học rất tinh tấn và thường hầu hạ giúp đỡ Thầy, không ngại khó nhọc, nhưng đường tu chưa được thành tựu thì Sư phụ của Ngài đã tịch diệt. Ngài lo cư tang cho Thầy để làm trọn niềm hiếu kính ân sư. Sau đó, với chí nhiệt thành hăng say trên bước đường tìm chân lý, Ngài không quản núi sông cách trở, đèo ải nguy nan đã quyết chí vượt suối, băng ngàn tìm thầy học đạo. Năm 1680, Ngài chỉ một mình một bóng vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, ra tận Thuận Hóa, đến núi Hàm Long Thiên Thọ yết kiến Giác Long Lão Tổ (Tổ khai sơn chùa Hàm Long Thiên Thọ, tức chùa Báo Quốc ngày nay), cầu xin thọ giáo và theo tu học ở đây được mười một năm. Đến năm Tân Mùi (1969) được tin thân phụ đau yếu Ngài phải trở lại quê nhà, để lo phụng dưỡng. Hằng ngày lên núi đốn củi, đem về đổi gạo nuôi cha, thời gian thấm thoát bốn năm mà Ngài không ngại khổ nhọc. Sau khi thân phụ từ trần, Ngài lo trai tuần siêu độ cho vong linh thân phụ sớm được siêu thoát, hầu vẹn toàn chữ hiếu. Qua năm Ất Hợi (1965), Ngài lại trở ra Thuận Hóa thọ giới Sa Di với Hòa Thượng Thạch Liêm. Hai năm sau tức năm Đinh Sửu (1697), Ngài được thọ Cụ túc giới với Đại lão Hòa Thượng Từ Lâm. Đến năm Kỷ Mão (1699), Ngài bắt đầu đi tham lễ khắp các chốn Thiền lâm, chịu bao khó khăn gian khổ, nếm đủ mùi đắng cay, đạm bạc trải hơn ba năm. Vào năm Nhâm Ngọ (1702), Ngài đến núi Long Sơn bái yết Hòa Thượng Tử Dung (Minh Hoằng), Tổ khai sơn chùa Ấn Tôn, tức chùa Từ Đàm bây giờ) cầu pháp tham thiền, Hòa Thượng dạy Ngài tham câu:

            “Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ?”

Dịch là:

            “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?”

Ngài đã lãnh thọ yếu chỉ “thoại đầu” rồi chuyên tâm tu luyện, tham cứu ròng rã sáu, bảy năm trời, nhưng chưa tỏ ngộ được. Ngài tự cảm thấy hổ thẹn và càng tinh tấn tham cứu. Một bửa nọ, nhơn đọc truyện “Truyền Đăng Lục” đến câu:

            “Chỉ vật truyền tâm, người không hiểu được”

bỗng nhiên Ngài tỏ ngộ. Mùa xuân năm Mậu Tý, Ngài trở ra Long Sơn cầu Hòa Thượng Tử Dung ấn chứng, Ngài đem chỗ công phu của mình tuần tự thuật lại sự duyên tỏ ngộ và nêu câu:

            “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”

Hòa Thượng Tử Dung liền nói:

            “Huyền nhai tán thủ

            Tự khẳng thừa đương

            Tuyệt hậu tái tô

            Khi quân bất đắc”.

Dịch là:

            “Ra nơi hố thẳm buông tay

            Lao mình nhảy xuống hiểm nguy cam đành

            Chết đi sống lại chính mình

            Không còn ai kẻ đối khinh được nào”.

Ngài Liễu Quán vỗ tay cười lớn, Hòa Thượng Tử Dung nói: “Chưa nhằm!”

Ngài Liễu Quán nói:

            “Bình thùy nguyên thị thiết”.

Dịch là:

            “Xưa nay sự thật rõ ràng

            Quả cân này vốn là bằng sắt kia”.

Hòa Thượng Tử Dung nói: “Chưa nhằm!”

Ngài Liễu Quán nói:

            “Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thực dĩ đa thĩ”

Dịch là:

            “Nếu như sớm biết đèn là lửa

            Chắc chắn rằng cơm chín đã lâu”

Hòa Thượng rất khen ngợi chỗ khế hội.

Mùa hạ năm Nhâm Thân , Hòa Thượng Tử Dung vào Quảng Nam dự hội Chử Sơn. Ngài Liễu Quán đem trình bày kệ dục Phật. Hòa Thượng liền hỏi:

            “Tổ Tổ tương truyền, Phật Phật thọ thọ

            Vị thẩm truyền thọ cá thậm ma?”

Dịch là:

            “Xưa nay Phật Tổ truyền nhau

            Chẳng hay Phật Tổ truyền trao vật gì?”

Ngài Liễu Quán nói:

            “Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng,

            Qui mao phất tử trọng tam cân”.

Dịch là:

            “Tảng đá mọc măng cao một trượng,

            Lông rùa làm chổi nặng ba cân”.

Hòa Thượng nói tiếp:

            “Cao cao sơn thượng hành thuyền

            Thâm thâm hải để tẩu mã”.

Dịch là:

            “Lung linh nước chảy qua đèo,

            Ngựa đua dưới biển, thuyền trèo trên non”.

Ngài Liễu Quán tiếp theo:

            “Chiết giác nê ngưu triệt dạ hồng

            Nhất huyền cầm tử tận nhật đờn”.

Dịch là:

            “Trâu đất gãy sừng thâu đêm rỗng

            Đòn cầm dây đứt suốt ngày rung”.

Ngài ứng đối rất nhặm lẹ, thật là cơ cảm khế hợp, được Hòa Thượng ấn chứng.

Từ đó, Ngài đi khắp nơi để hoàng dương chánh pháp hết Huế đến Phú Yên, rồi từ Phú Yên trở ra Huế. Truyền rằng, có lần từ Phú Yên ra Huế chỉ trong có mấy tiếng đồng hồ. Hôm ấy, Ngài vừa đến Huế vào khoảng một giờ đêm, đến ngang miếu thờ Thần Hoàng xóm Ngũ Tây, cách chùa Thuyền Tôn bây giờ độ vài cây số, gặp lúc trời mưa, Ngài vào miếu nghỉ lại, khi đó các vị thần trong miếu lánh đi để nhường chỗ cho Ngài trọ. Các vị thần ấy xuống xóm gõ cửa báo mộng cho dân làng biết là có một vị Bồ Tát vào nghỉ trong miếu, vì Ngài là bậc có oai đức nên ta phải nhường chỗ, sáng ngày các người phải lên miếu để đón rước Ngài và thỉnh Ngài về bổn sở, thì ta mới trở về miếu được. Theo điềm báo mộng ấy, sáng sớm dân làng tập trung khăn áo kéo đến, thấy Ngài còn đang ngồi trong miếu. Hỏi mới biết Ngài từ Phú Yên ra từ chiều qua, lúc mặt trời chưa lặn, ai nấy đều kinh ngạc. Sau đó có người nhơn vào Phú Yên có việc, hỏi thăm thì đúng như vậy. Bằng chứng là trước khi đi, Ngài còn dự một buôi lễ Trai đàn, mà ai cũng đều thấy, từ đó người ta mới tin rằng, Ngài có thần túc. Liên tiếp ba năm: Quí Sữu (1733), Giáp Dần (1734), Ất Mão (1735), Ngài đã không quản khó nhọc gian lao, nhận lời mời của chư Tôn môn, các Tể quan cư sĩ ở Huế, dự bốn lễ Đại Giới đàn. Qua năm Canh Thân (1740), Ngài khai Đại Giới đàn Long Hoa truyền giới, để ban bố giới pháp cho hàng hậu tấn. Lúc bấy giờ, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1728-1765) rất sùng kính đạo hạnh của Ngài, nên đã nhiều lần thỉnh vào cung đàm đạo, nhưng Ngài vẫn một mực từ chối. Truyền rằng, lúc sanh tiền, ngoài thời gian tu luyện nơi thảo am, và những lúc đi du phương hóa đạo, Ngài thường trú tại chùa Viên Thông dưới chân núi Ngự Bình bây giờ, vì khi ấy, chùa Thuyền Tôn chưa phải là tự vũ nguy nga, mà chỉ là một thảo am tầm thường, nên Chúa Nguyễn thường ngự đến Viên Thông thăm viếng, đàm đạo. Vì vậy tên núi “Ngự” phát xuất từ đó, và các đời vua triều Nguyễn sau này cũng thường đến viếng chùa, đàm đạo với các vị trụ trì kế tiếp, đồng thời để du sơn ngoạn cảnh.

Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742), Ngài chứng minh lễ Đại giới đàn chùa Viên Thông, với số giới tử xuất gia cũng như tại gia cầu thọ giới rất đông.

Bấy giờ, thân tứ đại đã yếu dần, lớp cà sa đã đượm thắm phong sương, vì Ngài đã lê theo gót thời gian hơn bảy mươi năm xả thân hành đạo, cứu khổ, độ mê. Nên cuối mùa thu năm ấy, Ngài cảm thấy trong người yếu kếm sắp xả báo thân, bèn họp đồ chúng lại và dạy rằng: “Nhơn duyên đã mãn, ta sắp chết vậy”.

Lúc ấy, ai nấy đều đau buồn than khóc, Ngài khuyên rằng: “Các ngươi khóc lóc mà làm chi? Chư Phật ra đời còn nhập Niết Bàn; ta nay đi lại rõ ràng, về tất có chỗ, các ngươi không nên khóc lóc và đừng nên buồn thảm lắm!”.

Cuối tháng mười một năm ấy, nhằm ngày 21, một buổi sớm mai, Ngài ngồi dậy ngay thẳng, tự cầm viết, viết bài kệ rằng:

            “Thất thập dư niên thế giới trung

            Không không sắc sắc diệc dung thông

            Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý

            Hà tất bôn man vấn tổ tông”.

Dịch là:

            “Ngoài bảy mươi tuổi trong thế giới

            Không không sắc sắc thảy dung thông

            Ngày nay nguyện mãn về quê cũ

            Nào phải ân cần hỏi tổ tông”.

Viết kệ xong, Ngài hỏi đồ chúng rằng: “Sau khi ta đi, các người phải nghĩ cơn vô thường nhanh chóng, cần phải siêng năm tu học trí tuệ. Các người phai nên gắng tới, chớ bỏ quên lời Ta”.

Rồi Ngài dùng nước trà, các đệ tử làm lễ xong, Ngài hỏi: “Đến giờ Mùi chưa?. Các đệ tử thưa: “Đúng giờ Mùi”, thế rồi Ngài ngồi an nhiên thị tịch, vua nghe tin đến lễ bái và ban cho Ngài bia ký tự hiệu:

“ĐẠO HẠNH THỤY CHÁNH – GIÁC VIÊN – NGỘ HÒA – THƯỢNG”

Ngài tịch lúc hai giờ chiều, ngày 21 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742), tại chùa Viên Thông, dưới chân núi, thọ 72 tuổi. Truyền rằng: Khi Ngài tịch không những để lại cho chư Tăng, vua quan sĩ thứ nỗi buồn thương tiếc, mà còn cảm động cả đất trời, cho đến nước sông như không chảy, mây ngàn như chẳng trôi. Nên có câu rằng:

            “Chung tuần Ngự lãnh vân vị tán

            Mãn nhật Hương giang thủy bất lưu”

Tạm dịch:

            “Núi Ngự tuần đầy mây chẳng rã

            Sông hương ngày trọn nước không trôi”.

Thi thể của Ngài được an trí nơi Bảo tháp cách chùa Thuyền Tôn bây giờ độ hơn một cây số, về phía đông nam, là nơi mà trước kia Ngài đã ẩn thân lo tu thiền quán sáu, bảy, năm cho đến tỏ ngộ. Ngôi tháp ấy do nhà vua xây, rất nguy nga, mỹ lệ. Mặc dù trải qua mấy trăm năm, nhưng nét thời gian vẫn chưa thể làm phai mờ. Hiện nay ngôi Bảo tháp ấy đã biến thành hóa thân của Ngài, đang đứng uy nghi giữa rừng thông cổ thụ, nhìn ra dòng suối biếc, bốn mùa rào rạc chảy, như nhịp mõ trường canh bất tuyệt, để tán tụng pháp thân. Thật đúng theo tinh thần hai câu đối được đặt hai bên cửa tháp Ngài:

            “Bảo đạo trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục thủy.

            Pháp thân độc lộ y nhiên tọa lý khán thanh sơn”.

Tạm dịch:

            “Tiếng mõ vang lừng trước ngõ tuôn trào dòng suối biếc

            Pháp thân vòi vọi quanh tòa cao ngất dãy non xanh”.

Trước tháp có hồ bán nguyệt thiên nhiên, nước bốn mùa trong xanh, phản chiếu hình ảnh ngôi tháp và rừng thông. Thỉnh thoảng vài làn gió nhẹ thổi đến làm nước mặt hồ gợn sóng lung linh, khách hành hương đứng trên bờ nhìn xuống, trông hình ảnh của ngôi tháp và toàn cảnh núi đồi phản chiếu trên mặt hồ, như đang nhịp nhàng di chuyển và tiến xa dần đến tận cõi vô biên.

Truyền rằng những năm tu hổ hạnh thiền quan nơi đây, Ngài đã từng sống bằng rong dưới hồ này với muối trắng, cơm khô qua sáu bảy năm tròn. Chỉ chừng công hạnh cũng đủ để làm tấm gương sáng cho sau này, và thanh danh Ngài được truyền tụng lại thiên thu.

Ngài thuộc phái thiền Lâm tế chánh tôn, đời thứ 35. Theo pháp kệ thuộc dòng Lâm tế, do Tổ Nguyên Thiều truyền xuống:

            “Tổ đạo giới định tôn

            Phương quảng chúng Viên thông

            Hạnh siêu minh thiệt tế

            Liễu đạt ngộ chơn không …”

Ngài lấy chữ “thiệt” là pháp danh của Ngài (Thiệt Diệu) và chữ “tế” mà đặt tiếp theo thành một giòng kệ riêng truyền xuống là:

            “Thiệt Tế Đại Đạo

            Tánh Hải Thanh Trừng

            Tâm Nguyên Quảng Nhuận

            Đức Bổn Từ Phong

            Giới Định Phước Huệ

            Thể Dụng Viên Thông

            Vĩnh Siêu Trí Quả

            Mật Khết Thành Công

            Truyền Trì Diệu Lý

            Diễn Xướng Chánh Tông

            Hạnh Giải Tương Ứng

            Đạt Ngộ Chơn Không”

Ngài là Tổ khai sơn chùa Viên Thông và chùa Thuyền Tôn, cũng là vị sơ tổ của phái Thiền Tôn Trung Việt, được truyền bá đến ngày nay. Gọi là phái Thiền Tôn Liễu Quán. Tuy huyễn thân của Ngài không còn trong hiện tại, nhưng hương đạo của Ngài vẫn phưởng phất trong không gian, thấm đượm qua thời gian. Thật đúng với câu: “Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương” được tôn trí trước cửa tháp của Ngài, dư hương ấy, là tinh thần bản thân Phật Giáo Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Hồng danh của Ngài được luôn luôn vang vọng bên tai và trong lòng người Phật tử Việt Nam.

(Trích tập san Liễu Quán)

 CHÙA THUYỀN TÔN

Chùa Thuyền Tôn là một Tổ đình lớn gắn liền với sự khai sáng của Tổ Liễu Quán.

Vào khoảng 1708, chùa chỉ là một thảo am nhỏ bé do Ngài tạm dựng để tu chứng thiền quán. Sau khi Tổ viên tịch, nền thảo am trở thành nơi xây tháp mộ và chùa được xây dựng qui mô cách đó lui vào khoảng 500m vào năm 1746 do công quả của Chưởng Thái Giám Mai Văn Hoan đời Chúa Nguyễn Phước Hoạt và thập phương tín chúng hai phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa và phủ Quảng Ngãi xứ Quảng Năm đương thời. Đại hồng chung cũng được chú tạo trong thời kỳ này, đề niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8.

Chùa tọa lạc tại ấp Ngũ Tây làng An Cựu, bên trái núi Thiên Thai, nên có tên là Thiên Thai Thuyền Tôn Tự, hay còn gọi là Thiên Thai nội tự, để phân biệt với Thiên Thai ngoại tự ở làng Dương Xuân.

Các vị cao túc đắc pháp của Tổ Liễu Quán đã kế tục trú trì chùa trong buổi đầu như Tế Hiệp Viên Minh, Tế Hiển Viên Giám, Tế Mẫn Tổ Huấn, và Tế Ấn Lưu Quang đều thuộc đời thứ 36 Lâm Tế chánh tông. Tiếp theo là các Hòa Thượng Đại Huệ Chiếu Nhiên, Đại Nghĩa Trí Hạo. Lúc này chùa được trùng tu lần thứ nhất do sư Đại Huệ chủ trì.

Cuối thế kỷ XVIII, vào thời Tây Sơn, tăng chúng xiêu lạc, chùa bị tiêu điều, nhưng các thiền sư Đạo Minh Phổ Tịnh, Đạo Tâm Trung Hậu vẫn còn cố gắng chống chỏi cho cơ ngơi chùa.

Năm 1808, Ngài Phổ Tịnh được Hoàng Hậu Hiếu Khương sắc cử làm trú trì chùa Thiên Thọ, Ngài Đạo Tâm Trung Hậu thay thế làm trú trì, đã được tín nữ Lễ Thị Ta phát tâm cúng dường trùng tu chùa.

Sau đó trú trì là Ngài Đạo Tại Sở Trí, Đại sư Tánh Thiện và Hòa Thượng Hải Nhuận kế tục cho đến cuối thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX là sư Tâm Thiền, dần dà qua thời gian chùa đã lâm vào cảnh hư hỏng đổ nát.

Mãi đến năm 1937, Hòa Thượng Trừng Thủy Giác Nhiên là pháp tử của Hòa Thượng Tâm Tịnh đang giữ cương vị tăng cang chùa Thánh Duyên đã được sơn môn suy cử kiêm chức trú trì Thuyền Tôn. Hòa Thượng đã ra sức phục hồi, đại trùng tu toàn diện: chính điện, tiền đường, đông phòng, tây xá, tạo nên quy mô như ngày nay.

Hơn 40 năm an trú tại chùa Thuyền Tôn, Hòa Thượng đã tiếp độ tăng chúng, chấn chỉnh thanh quy, trùng tu tự vũ, lại còn góp phần trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo và từ năm 1973, đảm nhận chức vụ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đến năm 1979, Ngài viên tịch, thọ thế 102 tuổi. Tháp mộ kiến lập trong vườn chùa.

Thuyền Tôn vẫn còn bảo lưu được đường nét kiến trúc cổ, cũng như hệ thống thờ tự truyền thống. Chính điện thiết ba án thờ. Án giữa, trên hết là tượng Phật Tam Thế, phía trước là tượng Phật Thích Ca. Tiền án là tượng Bồ Tát Phổ Hiền, Chuẩn Đề và Văn Thù.

Án tả thờ ba tượng: Trưởng Lão Xá Lợi Phất, Bồ Tát Quán Thế Âm và Tôn Giả Ca Diếp. Án hữu thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Lại thêm hai án tả hữu tòng tự thiết trí mỗi bên 5 tượng Thập Điện Minh Vương. Mặt tiền của hai gian tả hữu thiết hai bàn thờ: bên tả là Quan Thánh, bên hữu là án thờ Thổ địa, Thổ công, Táo quân, Giám trai sứ giả và thần bổn địa Già Lam Hỏa nương.

Phía sau chánh điện tôn trí long vị của lịch Đại Tổ sư và các hương linh có công đức.

Nhà thơ Nguyễn Du trong thời gian làm quan ở Huế đã từng lên viếng chùa, Hình ảnh ngôi chùa cổ lấp ló dưới lá vàng mùa thu, vị sư già trong mây trắng và quả đại hồng chung thời Cảnh Hưng vẫn nung nấu trong nổi lòng hoài vọng của nhà thơ qua bài:

Vọng Thiên Thai tự

            Thiên Thai sơn tự đế thành đông

            Cách nhất điều giang tự bất thông

            Cổ tự thu mai hoàng diệp lý

            Tiền triều tăng lão bạch vân trung

            Khả liên bạch phát cung khu dịch

            Bất dữ thanh sơn tương thủy chung

            Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo

            Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.

Dịch thơ:

Trông chùa Thiên Thai

            Thành vua, đông có núi Thiên Thai

            Cách dải sông khó tới nơi

            Chùa cổ lá vàng thu phủ kín

            Triều xưa mây trắng sãi già rồi

            Thương cho đầu bạc còn vương lụy

            Cùng với non xanh trót phụ lời

            Chuông cũ Cảnh Hưng treo vẫn đó

            Nhớ hồi năm trước đã lên chơi.

(Phan Khắc Khoan và Lê Thước dịch)

Hiện nay Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đang giữ cương vị trú trì chùa Thuyền Tôn, đã và đang ra sức tôn tạo cảnh chùa, xứng đáng với uy vọng của một ngôi Tổ đình Thiền phái Liễu Quán.

(Trích từ “Danh Lam Xứ Huế”)

 PHÁP PHÁI LIỄU QUÁN

 

1.- Ngài THẬT – DIỆU hiệu Liễu Quán là Thiền phái Lâm Tế đời thứ 35.

2.- Ngài TẾ – MẪN, Tổ Huấn thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 36, kế vị trú trì chùa Thuyền Tôn, năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) phú pháp cho đệ tử là Đại Cận tự Phước Dương, với bài kệ:

            “Tổ đức Tôn phong tế thế truyền

            Pháp vô pháp thuyết thoại đầu viên

            Vu kim niệm nhữ thành tiêu bạn

            Hoằng đạo trừng quang biến đại thiên”.

3.- Ngài TẾ – HIỆP tự Hải Điện thụy Viên Minh.

4.- Ngài TẾ – ÂN tự Lưu Quang thụy Viên Giác.

5.- Ngài TẾ – HIỂN tự Trạm Quang thụy Viên Giám.

Cả ba Ngài này đều thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 36, có kế vị trú trì chùa Thuyền Tôn, nhưng chưa rõ năm nào (…)?

6.- Ngài ĐẠI – CẬN tự Phước Dương, đắc pháp với Ngài Tế Mẫn 1765.

(Ngài này không có thấy long vị thờ tại chùa Thuyền Tôn).

7.- Ngài ĐẠI – NGHĨA tự Trí Hạo thụy Tịch Ngộ, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37 đệ tử của Ngài Tế Ân.

8.- Ngài ĐẠI – HUỆ tự Chiếu Nhiên thụy Viên Kế, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37 đệ tử Ngài Tế Ân.

9.- Ngài ĐẠI – TẠI tự Sở Trí, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 38.

10.- Ngài ĐẠI – TÂM tự Trung Hậu thụy Viên Giác, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 38, kế tục trú trì chùa Thuyền Tôn, có trùng tu chùa với sự ngoại hộ của tín nữ Lễ Thị Tạ pháp danh Tiên Quý.

11.- Ngài ĐẠO – MINH tự Phổ Tịnh thụy Viên Nhất, họ Nguyễn, nguyên quán Long Phước, Duy Xuyên, Thăng Bình-Quảng Nam; được thỉnh làm trú trì chùa Bảo Quốc ngày 15-9 năm Gia Long thứ 7 (1808), năm Gia Long thứ 14 khai Đại Giới đàn, và phú pháp cho 28 vị đệ tử. Ngài tịch năm Gia Long thứ 15 ngày 13-11, Bảo Tháp được tôn trí tại chùa Huệ Lâm.

12.- Ngài TÁNH – THIỆN tự An Cư, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 39 là đệ tử của Ngài Đạo Tâm Trung Hậu, vì Ngài tịch sớm nên Long vị ghi là: Thiền sư Chơn Linh.

13.- Ngài HẢI – NHUẬN, Phước Thiệm, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 40.

14.- Ngài THANH – LIÊM tự Hy Hữu hiệu Tâm Thiền, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41 là đệ tử của Ngài Hải Thuận Diệu Giác chùa Bảo Quốc.

15.- Ngài THANH – ĐỨC tự Gia Khánh hiệu Tâm Khoan, Ngài họ Phạm là đệ tử của Ngài Hải Thuận.

16.- Ngài TRỪNG – THỦY tự Chí Thâm hiệu Giác Nhiên. Hòa Thượng là đệ tử của Ngài Tâm Tịnh.

17.- Hòa Thượng TÂM – PHẬT tự Trí Đức hiệu Thiện Siêu là đệ tử của Ngài Trừng Thủy, thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 44.

18.- Hòa Thượng TÂM – THỊ tự Trí Nghiễm hiệu Thiện Minh.

19.- Hòa Thượng TÂM –                                 hiệu Thiện Bình.

20.- Hòa Thượng TÂM – HUỆ                         hiệu Thiện Giải.

 TRÚ TRÌ CHÙA THUYỀN TÔN

1) Ngài Thật Diệu – Liễu Quán: Khai Sơn

2) Ngài Tế Mẫn – Tô Huấn

3) Ngài Tế Hiệp – Hải Điện                             (Bốn Ngài này kế tục trước sau chưa rõ).

4) Ngài Tế Ân – Lưu Quang

5) Ngài Tế Hiển – Trạm Quang

6) Ngài Đại Nghĩa – Trí Hạo

7) Ngài Đại Huệ – Chiếu Nhiên

8) Ngài Đạo Tại – Sở Trí

9) Ngài Đạo Tâm – Trung Hậu

10) Ngài Tánh Thiện – An Cư

11) Ngài Hải Nhuận – Phước Thiệm

12) Ngài Thanh Liêm – Tâm Thiền

13) Ngài Thanh Đức – Tâm Khoan

14) Ngài Trừng Thủy – Giác Nhiên

15) Ngài Tâm Phật – Thiện Siêu

 

 

Bài khác nên xem

Tìm Hiểu Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam

phuocthanh

Ý Nghĩa Hình Tượng Hộ Pháp Giới Thần Trong Đại Giới Đàn Trong Phật Giáo Bắc Truyền

phuocthanh

Đạo Đức Phật Giáo – Nền Giáo Dục Hoàn Thiện, Hiện Đại

phuocthanh