Niềm Vui Chánh Pháp

niem-vui-chanh-phapNhân dịp đầu xuân năm nay, tôi gửi đến quý Phật tử bài giảng có chủ đề Pháp lạc, hay Niềm vui Chánh pháp. Sở dĩ chúng tôi chọn đề tài này là bởi chúng tôi cảm nghiệm Pháp lạc hay lợi ích  thiết thực của lời Phật dạy đối với đời sống hàng ngày của người Phật tử chúng ta, một khi lời dạy ấy được chấp nhận thực hành hay được khéo vận dụng vào cuộc sống. Đức Phật mô tả Pháp của Ngài là ”thiết thực,hiện tại”, ”không có thời gian”, ”đến để mà thấy”, ”có khả năng hướng thượng”, ”để người trí tự mình giác hiểu”.

 Theo kinh nghiệm của những người chuyên hành trì thì Pháp của Đức Phật tựa như bánh mật mà vị ngọt của nó đến liền qua mỗi lần nếm.Nói khác đi, người ta sẽ cảm nhận Pháp lạc hay lợi ích thiết thực của những lời Phật dạy ngay trong khi thực hành chúng. Pháp ở đây tiêu biểu cho lời dạy của Đức Phật hay giáo lý của Ngài và như vậy Pháp lạc hay niềm vui Chánh pháp có nghĩa là niềm hạnh phúc hay an lạc đạt được nhờ thực hành Chánh pháp hay theo đuổi lời dạy của Đức Phật. Nói đến hạnh phúc tức là nói đến kinh nghiệm nội tâm mà tự thân mỗi người cảm nghiệm trong cuộc sống, tùy thuộc vào nhận thức và quan điểm của người ấy về cuộc đời và về ý nghĩa cuộc đời.

 Đạo Phật đề cập nhiều cấp độ hạnh phúc hay kinh nghiệm lạc thọ khác nhau và nêu rõ mức độ thù thắng giữa chúng.Ví dụ, thú vui giác quan hay sự thỏa mãn lòng ham muốn sắc đẹp, tiếng hay,  hương thơm, vị ngọt , vị ngon, cảm xúc êm dịu được gọi là dục lạc ( kàmasukha/nandi). Đức Phật gọi niềm vui hay hạnh phúc này là cảm giác lạc, hạ liệt lạc, phàm phu lạc, phi thánh lạc và khuyên các môn đệ của mình không nên tìm cầu bởi lạc ấy vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn, gắn với khao khát, thất vọng,lo âu, giành giật, tranh chấp, cướp bóc, đấu tranh, bạo động, chiến tranh, tội ác và hình phạt. Niềm vui của sự nỗ lực hướng thiện, bỏ ác làm lành, được cảm nhận ngay trong đời này và tận hưởng đời sau được gọi là thiên lạc (devasukha/rati). Loại hạnh phúc này được Đức Phật mô tả hướng thượng, tối thắng, không sợ hãi bởi nó phát sinh do tâm nguyện và công đức làm lành lánh dữ. Niềm vui hay sự tịnh lạc đạt được do điều phục tâm và nhờ chứng đắc cái thiền (jhàna) được gọi là thiền lạc  (samàdhipìti/jhànasukha). Đức Phật gọi niềm vui này là ly dục lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, giải thoát lạc bởi nó phát sinh do duyên ly dục, ly các ác bất thiện pháp, do tâm định, do xả niệm lạc trú và do xả niệm thanh tịnh, thông qua các cấp độ thiền chứng. Niềm vui hay sự an lạc do phát triển trí tuệ, thấy rõ bản chất các pháp, hướng đến đoạn trừ vô minh, tham ái, chấp thủ được gọi là giải thoát lạc hay Niết bàn lạc  ( Vimuttasukha/ Nibbànasukha). Đức Phật mô tả trạng thái giải thoát hay Niết bàn là tối thắng lạc ( Nibbànam paramam sukham). Như vậy, ngoại trừ dục lạc mà Đức Phật gọi là cảm giác lạc, hạ liệt lạc, phàm phu lạc, phi thánh lạc và khuyên các môn đệ của mình nên tránh xa vì vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn; thiên lạc, thiền lạc và giải thoát lạc được xem là tối thắng, cao thượng và được gọi chung  là Pháp lạc (Dhammasukha/pìti)  bởi chúng phát sinh trên cơ sở thực hành Chánh pháp hay theo đuổi lời dạy của Đức Phật.

 Chúng tôi nêu quan điểm Pháp lạc hay kinh nghiệm hạnh phúc của việc hành trì lời Phật dạy để xác minh một vấn đề quan trọng: Nếp sống Phật giáo luôn luôn là nếp sống hạnh phúc an lạc. Chúng ta sống theo lời dạy của Đức Phật có nghĩa là chúng ta đang sống hạnh phúc trong Chánh pháp, đang tận hưởng Pháp lạc. Để minh chứng cho quan điểm vừa nêu, chúng tôi muốn giới thiệu với quý Phật tử hai nếp sống mang lại Pháp lạc – nếp sống thực hành 10 điều thiện và nếp sống hành thiền – mà trong các bản kinh của Ngài, Đức Phật đã gọi là pháp hành hiện tại lạc tương lai quả báo cũng lạc.

 Thứ nhất là nếp sống thực hành 10 thiện nghiệp, được Đức Phật gọi là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo cũng lạc. Đây là nếp sống hay pháp hành liên quan đến việc tu tập thân khẩu ý mà người Phật tử cần theo đuổi nhằm mục đích tịnh tu tam nghiệp. Trong bản kinh Đắc Pháp Địa Kinh, Đức Phật nói đến mục đích sự tu tập và quả quyết  rằng người ta  sẽ đạt được hạnh phúc ngay lập tức qua việc thực hành 10 thiện nghiệp.Theo Ngài, hạnh phúc đến với con người ngay trong lúc người ấy đang làm điều lành, và lẽ tất nhiên sẽ đến sau khi điều lành đã được làm. Ngài ví sự kiện một người làm lành tựa như một người đau bệnh kiết nhận được một bát thục tô trộn lẫn với đường và mật, trong khi uống, người ấy được sảng khoái bởi vị ngọt bát thục tô, sau khi uống vị ấy được thoát khỏi cơn bệnh:

 “Này các tỷ kheo, ví như lạc, mật, thục tô và đường trộn lẫn với nhau. Rồi có người đi đến bị bệnh kiết lỵ. Và có người nói với người ấy như sau: ’Này bạn, đây là lạc, mật, thục tô và đường trộn lẫn với nhau. Nếu bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống, bạn sẽ được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, bạn sẽ được an lạc. ’Người kia có thể uống, sau khi suy nghĩ, không có từ bỏ. Trong khi uống, người kia được thích thú về sắc, về hương, về vị. Sau khi uống, người kia được an lạc. Này các Tỷ kheo, Ta nói pháp hành này giống như ví dụ ấy, tức là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo cũng lạc”.

 Như vậy, trái với quan điểm của một số người cho rằng, để theo đuổi mục đích tôn giáo, người ta phải hy sinh niềm vui hiện tại cho hạnh phúc mai sau, giáo lý của Đức Phật được giảng dạy cho việc nắm bắt hạnh phúc hiện tại lẫn tương lai. Kinh nghiệm thực hành 10 thiện nghiệp đuôc mô tả trên đây cho chúng ta thấy rằng từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ hạnh phúc trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham, sân, si là những việc làm mang lại niềm vui và hạnh phúc ngay lập tức cho người thực hành, đồng thời dự báo một tương lai tái sinh tốt lành cho người ấy sau khi từ giã cõi đời này. Như vậy, một người Phật tử chuyên tâm thực hành lời Phật dạy, quyết tâm bỏ ác làm lành, sẽ cảm nhận hạnh phúc ngay trong hiện tại, ngang qua việc làm của mình, đồng thời sẽ tận hưởng phước báo đời sau do nhân các thiện nghiệp. Vị ấy được gọi là người chiến thắng hai đời, đời này và đời sau.

 Thứ hai là nếp sống hành thiền, cũng được gọi là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo cũng lạc. Đây là nếp sống hay pháp hành liên quan đến việc huấn luyện tâm thức ngang qua pháp môn Tứ niệm xứ. Đức Phật gọi thiền là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo  cũng lạc bởi lẽ thiền đưa đến các trạng thái hỷ lạc và an tịnh ngay lập tức cho người thực hành; ngoài ra, thiền cũng dự báo một tương lai tái sinh tốt lành cho người hành trì, trong trường hợp vị ấy chưa đoạn trừ tận gốc các phiền não lậu hoặc:

 “Này các Tỷ kheo, thế nào là pháp hành hiện tại lạc và tương lai quả báo cũng lạc? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người ly dục, ly các pháp bất thiện, chứng và trú, Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ; diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm; ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba; xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện trú, Thiên giới,cõi đời này. Như vậy này các Tỷ kheo, được gọi là pháp hành hiện tại lạc và tương lai quả báo cũng lạc”.

 Với kinh nghiệm của mình, Đức Phật mô tả trạng thái Sơ thiền là hỷ lạc do ly dục sanh và bảo hỷ lạc ấy thấm nhuần thân tâm người hành thiền, giống như cục bột tắm, được thấm nhuần nước ướt khi được trộn nhồi với nước. Ngài gọi trạng thái Nhị thiền là hỷ lạc do định sanh và bảo, hỷ lạc ấy thấm nhuần thân tâm người hành thiền, giống như một hồ nước, được thấm nhuần nước mát do lòng hồ được xây kín và do thỉnh thoảng trời có mưa lớn. Trạng thái thiền thứ ba (Tam thiền)  được Đức Phật gọi là xả niệm lạc trú và Ngài bảo, cảm giác lạc thọ ấy thấm nhuần thân tâm người hành thiền, giống như các hoa sen sinh ra và lớn lên trong nước, được thấm nhuần nước mát từ đầu cho đến gốc rễ. Bậc Đạo Sư mô tả trạng thái thiền thứ tư (Tứ thiền) là xả niệm thanh tịnh và bảo, trạng thái thuần tịnh ấy thấm nhuần thân tâm người hành thiền, giống như một người ngồi dùng tấm vải trắng trùm kín thân thể khiến toàn thân đều được phủ kín bởi tấm vải trắng.

 Những mô tả và lối so sánh về bốn trạng thái thiền trên đây của Đức Phật cho chúng ta một hình ảnh sống động về Pháp lạc hay kinh nghiệm hạnh phúc của pháp môn hành thiền là như thế nào. Và như vậy, chúng ta có thể nói rằng, một người hành thiền tức là một người đang sống trong hạnh phúc an lạc. Vị ấy hạnh phúc an lạc bởi thân tâm vị ấy được thấm nhuần, tràn đầy với hỷ lạc do ly dục sanh, với hỷ lạc do định sanh, với xả niệm lạc trú và với xả niệm thanh tịnh. Đức Phật gọi thiền (jhàna) là hiện tại lạc trú (ditthadhammasukhavihàra), nghĩa là sống hạnh phúc ngay trong hiện tại. Ngoài ra, Ngài cũng xem thiền là con đường dẫn đến cõi lành, tức một đời sống tái sinh tốt lành cho người hành thiền, trong trường hợp vị ấy chưa đoạn sạch các lậu hoặc.

 Điều chúng tôi muốn lưu ý với quý Phật tử là, chúng ta cần phải tuyệt đối tin tưởng ở giáo lý của Đức Phật và nỗ lực thực hành theo lời dạy của Ngài. Có như vậy chúng ta mới hưởng được Pháp lạc, mới thấy hết giá trị to lớn mà giáo lý đạo Phật đem đến cho chúng ta. Hai nếp sống, bỏ ác làm lành và hành thiền, mà chúng tôi vừa trình bày trên đây nói rõ giá trị thiết thực của giáo lý Đức Phật đối với đời sống của chúng ta. Đó là các chỉ dẫn đạo đức và tâm linh hết sức căn bản và cần thiết cho nếp sống hạnh phúc hướng thượng của người Phật tử. Hai nếp sống ấy vừa giúp chúng ta thành tựu hạnh phúc hiện tại và tương lai, vừa nâng cao giá trị đạo đức và tâm linh của đời sống chúng ta, khiến cho cuộc sống của chúng ta càng thêm tăng ý nghĩa và giá trị. Chúng ta có thể nói rằng, ít có hệ thống giáo lý nào mà phương pháp thực hành lại đơn giản nhưng cùng lúc đưa đến hai kết quả vừa thiết thực vừa cao quý như lời dạy của Đức Phật. Rõ ràng, để có hạnh phúc và nâng cao đời sống đạo đức tâm linh, người ta không cần tới bất kỳ phương tiện vật chất nào, ngoài việc xem xét nội tâm và sống đạo đức trong sạch.

 Và một điều mà chúng tôi muốn lưu ý với quý Phật tử là, chúng ta cần phải hết sức chân trọng gìn giữ và phát huy truyền thống đạo đức và tâm linh vốn có của chúng ta trong bối cảnh xã hội và thế giới đang có nhiều biến chuyển lớn, dẫn đến các quan niệm lệch lạc về giá trị nhân sinh như hiện nay. Gần đây chúng tôi có đọc một số sách báo của người Tây phương viết về đời sống văn hóa của họ so sánh với  văn hóa truyền thống Đông phương và nhận ra rằng, rất nhiều người Tây phương ngày nay hết lòng ca ngợi văn hóa Đông phương, đặc biệt là truyền thống tâm linh Phật giáo. Chúng tôi ngạc nhiên không phải vì chúng tôi không hiểu ra căn nguyên khiến văn hóa Tây phương khó tránh khỏi khủng hoảng, mà bởi chúng tôi nghĩ rằng văn hóa Đông phương nói chung và đạo Phật nói riêng hẳn phải có một giá trị đặc biệt thiết thực nào đó đối với nhân sinh mới khiến cho người Tây phương, vốn rất xem trọng các giá trị thực dụng, chú ý tới. Chúng tôi nêu vấn đề người Tây phương quan tâm đến Phật giáo để lưu ý với quý vị về giá trị của truyền thống đạo đức và tâm linh mà chúng ta may mắn được thừa hưởng. Chúng ta không nên vì một vài lợi ích vật chất trước mắt mà bỏ quên các giá trị tâm linh lâu đời của mình. Chúng ta đang có trong tay nhiều di sản văn hóa tâm linh quý giá mà những người khác đang tìm kiếm.

 Matthieu Ricard,  một khoa học gia thuộc Viện Pasteur Pháp, nói rằng xã hội Tây phương có thừa phương tiện để xoa dịu những đau khổ vật chất nhưng lại rất thiếu phương tiện để xây dựng hạnh phúc tinh thần. Ông cho rằng, thế giới Tây phương không cần đến các phương tiện vật chất nhưng cần đến tri kiến giúp cho con người thoát khổ. Jean Francois cũng thừa nhận, triết lý Tây phương không đáp ứng được các nhu cầu hiện nay của quần chúng (Tây phương), đang quay về với các truyền thống đạo đức cổ điển nhằm tìm kiếm những nguyên tắc chỉ đạo người ta phải sống như thế nào, phải vươn tới nghệ thuật sống và phải hướng dẫn cuộc đời mình ra sao. Theo ông,  phương Tây đã phát triển mạnh về khoa học nhưng không còn đạo đức và minh triết khả dĩ chấp nhận được.

 Chúng tôi dẫn vài ý kiến phát biểu của các khoa học gia phương Tây để chúng ta thấy rằng, người Tây phương quan tâm đến Phật giáo không phải vì họ thiếu các phương tiện để xây dựng hạnh phúc vật chất mà vì họ đang cần các chỉ dẫn căn bản cho cuộc sống đạo đức và tâm linh. Các chỉ dẫn căn bản về đạo đức tâm linh ấy là gì thì như chúng tôi đã trình bày, đó là nếp sống bỏ ác làm lành hay nếp sống hành thiền.

 Bởi vậy, chúng ta sống bỏ ác làm lành hay sống hành thiền theo lời dạy của Đức Phật tức là chúng ta đang trân trọng gìn giữ và phát huy các giá trị đạo đức và tâm linh của đời sống chúng ta, cùng lúc chúng ta có thể chia sẻ với người khác những kinh nghiệm đạo đức và tâm linh mà họ đang tìm kiếm. Tôi cho rằng đạo Phật có thể góp phần đáng kể trong việc chia sẻ với người khác những kinh nghiệm đạo đức và tâm linh, và tôi tin người Phật tử chúng ta có thể làm tốt việc này, bởi hơn ai hết, chúng ta hiểu rất rõ giá trị Pháp lạc hay hạnh phúc của việc thực hành lời Phật dạy và hơn ai biết, chúng ta là những người sống với lý tưởng lợi mình lời người.

 Cầu chúc quý Phật tử một năm mới thấm nhuần Pháp lạc.

 Chú thích

 1  Kinh Mật Hoàn  (Trung Bộ).

 2  Tiểu kinh Pháp Hành và Đắc Pháp Đa Thọ  (Trung Bộ).

 3  Đại kinh Khổ Uẩn  (Trung Bộ).

 4  Tiểu kinh Pháp Hành và Đắc Pháp đại kinh  (Trung Bộ).

 5  Đắc Pháp Đại kinh  (Trung Bộ).

 6,7,8,9  Hồ Hữu Hưng,  Đối thoại giữa Triết học và Phật giáo,tr.232,254,224,353.

Bài khác nên xem

Lịch sử Đức Phật Thích Ca – Kỳ 2

datthinh

Pháp Tự Tứ Của Tăng

phuocthanh

Kinh Bốn Pháp An Lạc

phuocthanh