Nhớ Rằm, mồng Một

Một người Phật tử bình thường thể hiện nếp sống người Phật tử như thế nào? Đi chùa lễ Phật, quy y Tam bảo, giữ  năm giới, biết tụng kinh, học và thực hành Phật pháp, hoặc … không có gì khác với người không có tôn giáo, chỉ cần tự mình biết là Phật tử? Thật khó để trả lời câu hỏi đó vì có nhiều câu trả lời. Theo tôi, dâng hương hoa trên bàn thờ Phật và ăn chay mỗi tháng 2 ngày, rằm và mồng một âm lịch, một cách chín chắn là thể hiện rất phổ thông của người Phật tử.  Thật ra người Phật tử có nhiều việc phải học, phải tu, nhưng đây là biểu lộ rõ nét nhất. Tuy giới đầu tiên trong năm giới không theo triệt để – hầu như đa số Phật tử cũng như vậy – nhưng ít nhất hai ngày trong một tháng tự nhắc nhở mình về tâm từ bi, cố gắng không sát sinh, ngoài ra tâm hướng về Phật trong hai ngày đó cũng làm cho mình có ý thức giữ luôn các giới khác: không bê tha say sưa quá chén, không tà dâm, không nói dối, không trộm cắp …

Tôi cũng chỉ là người Phật tử thể hiện nếp sống như thế và được thừa hưởng truyền thống gia đình như thế. Thật ra cha mẹ tôi có căn cơ vững vàng hơn tôi ngày nay rất nhiều. Cha tôi suốt đời cần mẫn đóng góp Phật sự, suốt đời say mê đọc kinh, còn mẹ tôi, tuy quanh năm suốt tháng ở nhà lo cho gia đình, nhưng bao giờ cũng giữ gìn trang nghiêm bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, lo hương hoa, cúng kỵ tuy đơn giản nhưng tươm tất, và tuy ít đi chùa nhưng lần nào đi cũng thành kính lạy Phật, đảnh lễ tôn đức, chư Tăng Ni, thăm hỏi bà vãi và chúng điệu, xong ra viếng tháp Tổ và tháp quý ngài trú trì trước đây.

Truyền thống ăn chay hai ngày rằm, mồng một và bàng bạc thành kính hướng về Tam bảo là một tập quán của gia đình tôi, cũng như nhiều gia đình khác theo Phật, và tôi nghiệm ra rằng một gia đình bền vững cần phải có những tập quán tốt đẹp, kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác, như nền móng đạo đức, như sợi dây êm ái liên kết mọi người trong gia đình; ngược lại, nếu thiếu tập quán tốt đẹp, gia đình sẽ dễ bị những vọng động bên ngoài kéo mỗi người một ngả. Suy rộng ra, một dân tộc thiếu bản sắc văn hóa hoặc để mất bản sắc văn hóa cũng dễ bị những thế lực văn hóa ngoại lai chi phối. Chính truyền thống ăn chay trong hai ngày rằm và mồng một, cùng với việc giữ tinh tấn, thân, miệng, ý ít nhất trong hai ngày đó của người Phật tử đã góp phần vào bản sắc văn hóa ngàn đời của dân tộc. Còn riêng về Huế, một thời trước đây, thể hiện truyền thống đó rất rõ, tại chùa, tại nhà, và hơn nữa, tại đa số quán xá: ngày rằm, mồng một chỉ dọn chay, vì thế Huế có bản sắc riêng, đó là thành phố Phật giáo .

Ăn chay mỗi tháng 2 ngày cho thật chí thành, xem ra không phải dễ, nhất là thời kỳ tuổi trẻ là tuổi chạy theo ngũ dục. Ngày trước món ăn chay không phong phú như bây giờ, chủ yếu chỉ là tương, chao, xì dầu, rau sống, vả, mít… cho nên, tuổi còn nhỏ mà đến ngày ăn chay thì có phần kém phấn khởi; rồi đi làm việc, bạn bè rủ rê hoặc liên hoan, tiệc tùng thì dễ quên ăn chay; nhưng càng trưởng thành tôi càng cảm nhận rằng, ăn ngon không chỉ đến từ món ăn, mà do cảm nhận từ ý lành tôn trọng sự sống của muôn loài, là từ nguồn vui được hưởng tinh khiết của thiên nhiên, mà nhất là ăn chay làm cho tâm thanh tịnh. Bởi thế, thức ăn chay bao giờ cũng đảm bảo rất sạch sẽ, chén đĩa bao giờ cũng thật vệ sinh. Hơn thế nữa, người nấu và dâng cúng thức ăn chay phải tinh tấn, nghĩa là đem lòng thành kính từ trong từng động tác. Tinh tấn từ chuẩn bị hoa, quả thức ăn, vật dụng cho đến tinh tấn thân khẩu, ý. Đó là bài học không lời mà cha mẹ tôi để lại cho con.

Khi cha tôi mất thì mẹ càng chuyên tâm hướng về Phật. Hương hoa chu đáo trên bàn thờ Phật đã đành, cứ mỗi trưa rằm, mồng một, mẹ tôi còn làm mâm cơm chay cúng cha tôi và tổ tiên, người thân quá cố, một việc mà trước đây không có khi còn cha tôi. Và sau này, mẹ tôi không còn nữa, tôi vẫn tiếp tục công việc đó để trước hết biết ơn Phật đã cho tôi sống trong chánh pháp, đồng thời biết ơn cha mẹ như là người con Phật chín chắn truyền tâm cho tôi.

Vào ngày rằm, mồng một và các ngày lễ vía, cha mẹ tôi thường đi chùa hoặc đến với khuôn hội; còn tôi, tôi không giữ được đều đặn như vậy. Hầu như thế hệ như tôi ít đi chùa hơn thế hệ trước; và thế hệ sau càng ít hơn nữa. Nhưng rồi duyên lành cũng đến, Ni sư trụ trì một ngôi chùa ngoại ô bảo tôi, cứ rằm, mồng một đến chùa, trước là lễ Phật, sau là dùng cơm chay với các Phật tử bổn đạo của Ni sư, vui lắm.

Chùa ngoại vi thành phố, nằm khuất trong đường đất yên tĩnh. Từ một khoảnh đất trũng, lầy lội, ni sư đã đổ thêm đất, và hàng năm đất cao thêm nhờ ni sư mua đất phù sa do lụt lội, xây dựng thành ngôi chùa khang  trang, chánh điện uy nghi, và vườn chùa có cây cảnh thích hợp, có hồ sen xinh xắn, vừa có cây ăn trái và rau xanh mát mắt êm dịu giữa mùa hè. Chùa chỉ có một ni sư và đệ tử; bình thường đệ tử đi học thì cảnh chùa vắng lặng. Một lần tôi đến chùa trong cảnh thanh tịnh đó, Ni sư đắp y vàng, đọc kinh Đại Niết Bàn ngoài hiên. Ni sư đang trong cảnh an tịnh tuyệt đối, còn tôi cảm nhận thời gian gõ nhịp đều đều trong không gian thoang thoảng mùi hương; một hồi, khi nhận ra tôi, Ni sư tươi cười: “Hay thật ! Đọc trong  kinh, Đức Phật răng mà thấy trước thời mạt pháp. Chừ mình cũng thấy những chuyện giống như rứa”.

Khác với khung cảnh bình thường, chiều rằm, mồng một, chùa đông vui thấy rõ. Cũng như một số chùa ở Huế, chùa cúng thí thực, cô hồn vào hai buổi chiều đó, một cách rất chu đáo; mâm cúng cô hồn, mâm cúng đất đai, và đặc biệt một mâm bày ra dưới đất, tôi ngạc nhiên hỏi, thì ni sư cho biết mâm này dành cho những người Chiêm Thành đã nằm xuống trên vùng đất này. Đây cũng là dịp để những Phật tử bổn đạo của ni sư về chùa lễ Phật. Phần lớn những bổn đạo này là các bác, các chị tiểu thương chợ Đông Ba. Cả ngày bận rộn chuyên buôn bán, cuối chiều thì mới thu xếp hàng hóa, kết toán tiền nong , cho nên lúc trời vào tối, các Phật tử này mới đền lễ chùa. Họ đều đứng tuổi, buôn bán đã lâu, xem như “thành phần cơ bản” của chùa trong những ngày rằm, mồng một. Trong thành phần này có vài Phật tử hành nghề khác; còn tôi và một số vị nữa, người thì cán bộ nhà nước, người thì về hưu, người thì nghề tự do, cứ “đến hẹn lại lên” theo lời Ni sư dặn, và thỉnh thoảng một vài vị xuất hiện, như là khách mời của chùa. Nhưng một thành phần đông đúc hiếm có là gia đình của “thành phần cơ bản” và bạn bè của những người trong thành phần này, từ em thiếu nhi đến bà cụ già, và nhất là nam nữ thanh niên, sinh viên học sinh. Tôi đâm vui lây với lứa tuổi thanh xuân này: sao các em tìm cảnh thanh tịnh, đến chùa lễ Phật, chứ không chạy theo những thú chơi phồn hoa?

Lễ Phật xong, cũng như mọi người, các em tản ra vườn, hoặc giúp chùa nấu nướng, sắp đặt hương hoa, mâm cỗ. Lễ xong, tất cà mọi người quây quần quanh hai dãy bàn dài, cùng ăn một cách tự nhiên. Ni sư rất ít cầm chén mà đi đi lại lại, thăm hỏi người này người khác. Câu chuyện trao đổi thường là chuyện gia đình, chuyện phố phường, xã hội, không mấy khi động chuyện quốc gia đại sự và Ni thường hay kể chuyện về nghiệp báo, nhân quả. Đó là điều tâm đắc của những bác, của những chị tiểu thương, và tôi nghĩ rằng với nghề buôn bán, đã tin một cách tiên thiên về nghiệp báo , nhân quả như vậy thì làm sao buôn gian bán lận; và với tư cách người mẹ, tín tâm như thế thì làm sao không ảnh hưởng tốt  đến đạo đức con mình? Cho hay, chỉ với một triết lý phổ thông như thế  đạo Phật đã góp phần xây dựng đạo đức con người vô cùng to lớn từ ngàn xưa; thế mà ngày nay, việc giáo dục bỏ qua triết lý đó cho nên có người sẵn sàng dấn thân vào tội ác, thậm chí giết người cướp của, có thanh niên hăng máu đâm chém, hành hung người khác mà lý do chẳng đâu vào đâu; tất cả những người như thế không hề nghĩ rằng mình sẽ chịu nghiệp báo.

Nhìn cảnh chùa hôm nay, tôi nhớ lại một thời khó khăn trong giai đoạn lịch sử vừa qua, Ni sư đã hết lòng lo lắng và học tập của những trẻ em có hoàn cảnh không may, và bây giờ tuổi đã cao, không còn xông pha công tác xã hội nữa thì ngôi chùa mà Ni sư tạo dựng là nơi hội tụ những Phật tử bận rộn làm ăn, cũng như bóng mát cuộc đời cho thanh thiếu niên trong xã hội đầy cám dỗ và bất trắc. Trên đường về, tâm hồn thơ thới, cho dù trăng sáng hay rả rích mưa, cho dù trời dịu mát hay trở gió mùa đông bắ ; đến trước ngõ tôi vẫn thấy phảng phất mùi hương, đúng là các chị buôn bán nhỏ bên lề đường mới thắp hương khấn vái đâu đây. Như thế, tôi đã hưởng trọn vẹn ngày rằm, mồng một thật ý nghĩa: buổi trưa lễ Phật ở nhà, cúng cha mẹ, buồi tối đi chùa, lạy Phật, cung kính Ni sư, gặp được những Phật tử thuần thành như cha mẹ mình hồi trước thế thì làm sao tôi không nhớ ngày rằm , mồng một ?  

CAO HUY HÓA

Bài khác nên xem

Đón Mừng Đại lễ Phật Thành Đạo 8/12/2012 (AL) – 1/1/2012 (DL)

phuocthanh

BHD Bà Rịa Vũng Tàu viếng tang đảnh lễ giác linh Hòa thượng viện chủ chùa Từ Nhãn

Tâm Lễ

Thơ : Hoa Lam Rụng Cánh Của Nguyên Hoành

phuocthanh