Nền tảng hạnh phúc Gia Đình

giaolydaophat2_jpgHạnh phúc gia đình bắt nguồn từ hạnh phúc vợ chồng gồm nhiều yếu tố, trong đó lòng thủy chung được xem là căn bản. Không có lòng thủy chung thì hôn nhân khó vẹn toàn, mà cuộc sống gia đình cũng không đảm bảo hạnh phúc êm ấm lâu dài.

Lòng thủy chung được thiết lập trên nền tảng sự hiểu biết, tình thương yêu và thái độ tôn trọng lẫn nhau giữa người vợ và người chồng. Nó là sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng của cá nhân trong đường hướng hoan thiện bản thân. Khi hai tâm hồn gặp nhau, khởi điểm đầu tiên của tình yêu có thể không hoàn toàn giống nhau. Nhưng sau đó hai tâm hồn bắt đầu cùng hướng về một mục tiêu phấn đấu nhằm xây dựng và phát triển hạnh phúc lứa đôi và cùng nương tựa, đỡ đần cho nhau trong đời sống vợ chồng. Lòng thủy chung càng sâu đậm khi cả hai tâm hồn ấy không rời bỏ mục tiêu chung của sự phấn đấu, sẵn sàng bỏ đi tính ích kỷ cá nhân và không ngừng thương yêu, đỡ đần cho nhau trong cuộc sống thường nhật. Khởi sự của đời sống hôn nhân là tình ái. Tình ái thủy chung nồng ấm lâu ngày trở thành tình nghĩa. Người ta gọi tình nghĩa phu thê mặn nồng là thế.

Theo tinh thần lời dạy của Đức Phật, lòng thủy chung của người vợ hay chồng càng được củng cố vững chắc khi cả hai cùng có chung một mục tiêu nỗ lực là sự giải thoát khổ đau hay thực nghiệm hạnhphúc chân thật. Điều này có nghĩa rằng đôi vợ chồng ấy cùng phát tâm hướng đến lý tưởng giác ngộ cao cả và lấy đó làm mục tiêu nỗ lực, và do đó cũng đồng nghĩa với đời sống hạnh phúc vợ chồng được bảo đảm vững bền và lòng thủy chung trở thành nền tảng của mục tiêu giải thoát tối hậu. Vì vậy, ngoài yếu tố hiểu biết, thương yêu, tôn trọng và chăm sóc cho nhau cả về vật chất lẫn tâm hồn. Đức Phật dạy mỗi đôi vợ chồng cần nỗ lực hướng về mục tiêu giải thoát giác ngộ bằng cách cùng theo đuổi một đức tin (gọi là đồng tín), cùng tuân giữ các điều khoản kỷ cương đạo đức tôn giáo, chẳng hạn Ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu (đồng giới), cùng rộng mở tâm chia sẻ bố thí (đồng thí), cùng nuôi dưỡng chánh kiến hay phát triển tuệ giác ngộ (đồng trí tuệ). Nội dung bài kinh “Xứng đôi” sau đây giới thiệu cho chúng ta cái nhìn và nếp sống hạnh phúc hướng thượng ấy:

“Một thời, Thế Tốn trú ở giữa dân chúng Bhagga tại núi Sumsumàra, rừng Bhesakalà, ở vườn Nai. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ gia chủ cha Nakulà, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ cha Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulà bạch Thế Tôn:

– Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà được đem về đây cho con khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.

Nữ gia chủ mẹ Nakulà bạch Thế Tôn:

–       Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulà, khi con còn trẻ nhỏ, con không bao giờ biết con có điều  gì xâm phạm đến gia chủ cha Nakulà, cho đến ý nghĩ cũng không, chờ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.

–       Vậy này các gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí đồng trí tuệ, thời trong thời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.

Cả hai, tín, bố thí,

Sống chế ngự, chánh mạng,

Cả hai vợ chồng ấy,

Nói lời thân ái nhau,

Đời sống nhiều hạnh phúc,

Chờ đợi hai người ấy.

Kẻ thù không thích ý,

Cả hai giới hạnh lành,

Ở đây sống theo Pháp,

Giữ cấm giới đồng đẳng,

Cả hai giới hạnh lành,

Sống hoan hỷ Thiên giới,

Hân hoan được thỏa mãn,

Đúng với điều sở cầu”.

1. Kinh Xứng đôi, Tăng Chi Bộ

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 28 | QUANG VŨ

Bài khác nên xem

Bảy bước chân đi tiêu biểu bảy yếu tố giác ngộ

datthinh

Tiểu sử Hòa Thượng tuyên Luật Sư Thích Đỗng Minh

phuocthanh

Tìm Hiểu Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam

phuocthanh