Năm 1967, tôi viếng thăm Đại học Yale và được một giáo sư Mỹ đang nghiên cứu Tây Tạng học đón tiếp tôi với bộ mặt thật hớn hở, sung sướng, và một câu đón chào mà tôi không bao giờ quên: “Tôi sung sướng đón chào Thầy, vì tôi chắc rằng Thầy đến đây không phải để cải hóa tôi theo Đạo của Thầy”. Tôi chỉ mỉm cười, không đáp lại nhưng chính khi ấy, tôi cảm giác được “tất cả sự sung sướng” của tôi khi “được một bậc Thầy như đức Phật”. Cái cảm giác sảng khoái, “nhẹ nhõm”, hay dùng cho đúng danh từ Phật học hơn là Passaddhi (khinh an) ấy của ông bạn giáo sư Mỹ, khi cảm thấy mình không bị đe dọa, bị giáo hoá, cũng là cảm giác chung cho tất cả những ai được đối thoại với đức Phật khi Ngài còn sống hay khi trực tiếp hoặc gián tiếp được tiếp nhận giáo lý của Ngài. Được gặp đức Phật, đối thoại với Ngài, được đọc những lời Ngài dạy hay chiêm ngưỡng hình bóng giải thoát của Ngài, chúng ta đều linh cảm khả năng giáo hóa thần diệu của Ngài. Điểm đặc biệt là chúng ta không bị đóng vai trò thụ động, chúng ta không cảm thấy bị giáo hóa, bị chinh phục, vì đức Như Lai chỉ là người chỉ đường (Tathàgato ak-khataro), chúng ta là người đi trên con đường ấy. Đức Như Lai chỉ là vị giới thiệu phương pháp suy tư chín chắn (yo-niso mana-sikaro), chính chúng ta là người suy tư và quyết định.
Câu chuyện sau đây chứng tỏ không bao giờ đức Phật gợi cho chúng ta những tình cảm dao động làm chi phối sự suy tư chín chắn của chúng ta. Ngài khuyên chúng ta hãy bình tĩnh sáng suốt, như thật (yathàbhùtam) xác nhận sự việc rồi có những thái độ thích nghi.
Khi được các vị Tỳ-kheo hỏi, vì sao ngoại đạo Suppiyo lại dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, Pháp, Tăng, còn thanh niên Brahmadatta trái lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp và Tăng, đức Phật trả lời nhẹ nhàng nhưng thật sự vô tư và sáng suốt, Ngài kính trọng “con người” trong các vị Tỳ-kheo, khuyên các vị này nhận xét bình tĩnh, vô tư, dựa trên những sự kiện xác đáng để bỏ bác hay tán thành:
“Này các Tỳ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các Thầy chớ có vì vậy sanh lòng căm phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các Thầy công phẫn và phiền muộn, thời các Thầy có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng?”
“– Bạch Thế tôn, không thể được!
“Này các Tỳ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng các Thầy phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: ‘Như thế này, những điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi.’
“Này các Tỳ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các Thầy không nên hoan hỷ, tâm không nên thích thú. Này các Tỳ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, nếu các Thầy hoan hỷ, thích thú, thời sẽ có hại cho các Thầy. Này các Tỳ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng thời các Thầy hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: ‘Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này điểm này chính xác việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi’.”
Trường Bộ kinh, Đại tạng.
Khi sắp nhập Niết-bàn, một lần nữa đức Phật dặn dò các vị Tỳ-kheo cần phải thận trọng, chớ có vội tin những lời, dầu được xem là tự đức Phật nói hay từ các vị Thượng tọa đa văn đa trí nói:
“Này các Tỳ-kheo, có thể có vị Tỳ-kheo nói: ‘Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của bậc Đạo sư’. Này các Tỳ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của vị Tỳ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật. Nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với luật thì các thầy có thể kết luận: ‘Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế tôn, và vị Tỳ-kheo đã thọ giáo sai lầm’. Và này các Tỳ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật, và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với luật, thời các thầy có thể kết luận: ‘Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế tôn. Và vị Tỳ-kheo ấy đã thọ giáo chân chánh’.”
Chúng ta phải thận trọng, không hủy báng, không tán thán, học hỏi từng chữ, từng câu, rồi đem đối chiếu với kinh, đối chiếu với luật; có phù hợp mới chấp nhận, không phù hợp thời không chấp nhận. Thái độ suy tư chín chắn, phối hợp thích nghi, thật là một phương pháp hữu hiệu và thực tiễn, khi phải đối trị với những phức tạp tuyên truyền xuyên tạc.
Dân chúng Kalama phân vân đến hỏi đức Phật:
“Bạch Thế tôn, có nhiều ẩn sĩ và Bà-la-môn đến viếng Kesaputta. Họ chỉ giảng giải và sáng tỏ những lý thuyết của riêng họ, khinh miệt, lên án và phỉ báng những lý thuyết của những người khác. Nhưng bạch Thế tôn, về phần chúng con, chúng con luôn luôn hoài nghi và hoang mang không biết vị nào trong số những nhà ẩn sĩ và Bà-la-môn khả kính ấy đã nói sự thật và vị nào nói sai quấy.”
Đức Phật trả lời, với thái độ suy tư, trầm lặng trong sáng như hồ nước trong của những tâm hồn sáng suốt:
“Phải đấy, hỡi những người Kalama, các người hoài nghi, hoang mang là phải; các người nghi ngờ nhữngđiều đáng nghi ngờ. Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Này các người Kalama, khi nào các người biết rằng: ‘Những việc này là xấu, những việc này là bất thiện, những việc này bị người có trí chỉ trích, những việc này nếu tuân theo và thực hiện sẽ mang lại tai hại và xấu xa’, thì các người hãy từ bỏ chúng… Này các người Kalama, khi nào các người biết rằng: ‘Những việc này là tốt, những việc này là thiện, những việc này được người có trí tán thán, những việc này nếu tuân theo và thực hành sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp’, thì các người hãy chấp nhận chúng.”
Tăng Chi bộ I, Đại tạng, kinh Các vị ở Kesaputta.
Chúng ta thấy rõ, đức Phật bao giờ cũng kính trọng sự suy tư, nhận xét và quyết định của chúng ta, Ngài không muốn chúng ta nhắm mắt tuân theo Ngài, vâng theo sự phán xét của Ngài. Ngài không muốn chúng ta đóng vai trò thụ động, nhắm mắt tin theo truyền thống, tin đồn hoặc dựa vào uy tín cá nhân hay của Thầy mình để khỏi phải suy tư, quyết đoán. Ngài đòi hỏi ở những Phật tử một sự suy tư chín chắn, một ý thức kinh nghiệm bản thân, rồi mới đánh giá sự việc là thiện hay ác, tiếp đến mới có thái độ tuân theo hay từ bỏ. Chúng ta sung sướng vì đức Phật trọng chúng ta, vì đức Phật tin ở khả năng suy tư chín chắn của chúng ta, vì chính thái độ rất “người” trong chúng ta có những tiềm năng nhận xét khá chính xác, khỏi đóng vai trò thụ động, nô lệ cho ai cả.
Khi nói đến giáo dục, chúng ta thường liên tưởng đến đào tạo kiến thức, huấn luyện khả năng chuyên môn cho học viên. Nếu có đề cập đến tác phong đạo đức, thời xem vấn đề này như một vấn đề luân lý đạo hạnh, ấn định bởi truyền thống hay tập tục xã hội. Quan niệm này không đi ra ngoài mục đích và đường hướng giáo dục đương thời, nhưng đã bỏ rơi hay không đánh giá đúng mức quan trọng hai khía cạnh “thái độ” và “phương pháp” của giáo dục mà theo chúng tôi nghĩ phải đóng một vai trò quan trọng để xây dựng một nền giáo dục gọi là toàn diện hay trọn vẹn.
Vấn đề sở dĩ đặt ra ở đây là vì con người của chúng ta khi đối mặt với các sự vật bên ngoài hay những khái niệm bên trong đều có những phản ứng, những thái độ, những cử chỉ của thân thể, của miệng nói hay của ý thức, những danh từ mà đạo Phật gọi bằng danh từ chuyên môn là Kàyakamma (thân nghiệp), Vacikamma (khẩu nghiệp) và Manokamma (ý nghiệp). Một người thích uống rượu bia, cảm thấy sung sướng khi có chai rượu trước mặt mình và có cử chỉ đem chai rượu về cho mình để uống. Trái lại một người ghét rượu thời cảm thất khó chịu khi có chai rượu trước mặt và muốn xua đuổi chai rượu như xua đuổi ruồi, muỗi. Còn nếu không ghét cũng không thích rượu, thời đối với rượu có cử chỉ thản nhiên, tự tại.
Tóm lại, con người của chúng ta đứng trước các đối tượng bao giờ cũng có một trong ba phản ứng: Một là ưa thích, đem về cho mình đối tượng mình ưa thích; hai là ghét bỏ, đẩy xa mình đối tượng ấy; thứ ba là thản nhiên, không ưa thích cũng không ghét bỏ. Đạo Phật gọi cử chỉ đem về cho mình là tham (lobha), cử chỉ đẩy xa mình ra là sân (dosa), và cử chỉ thản nhiên là xả (upekkhà). Định nghĩa này không bao hàm một ý nghĩa luân lý, đạo đức gì mà chỉ là một phản ứng của con người trước những đối tượng sai khác. Đức Phật với cái nhìn tâm lý của Ngài, thấy con người luôn luôn bị chi phối, bị ảnh hưởng bởi sự vật bên ngoài, không tự tại, không tự chủ. Và phương pháp giáo dục ở nơi đây là nhằm huấn luyện con người được tự chủ, tự tại đối với các đối tượng. Nói một cách khác, con người phải được giáo dục như thế nào để con người trở thành một người chủ đối với đối tượng, chứ không phải là một người nô lệ của đối tượng.
Đức Phật đi xa hơn, Ngài tìm nguyên nhân của tham và của sân. Ngài tìm hiểu tại sao con người lại có hai phản ứng trái ngược đối với đối tượng, và Ngài tìm thấy rằng sở dĩ có tham vì hiểu lầm có một tự ngã, nên đem về cho mình cái gì tự ngã ưa thích; sở dĩ có sân, vì hiểu lầm có một tự ngã, nên hất xa mình ra cái gì tự ngã ghét bỏ. Sự hiểu lầm ở nơi đây, đạo Phật gọi là si hay moha. Chúng ta có tham vì có si, chúng ta có sân vì có si, tham luôn luôn đi đôi với si và sân luôn luôn đi đôi với si chớ tham không khởi lên một lần với sân. Và giáo dục ở nơi đây nhằm trừ diệt si hay thay đổi một quan điểm sai lầm bằng một quan điểm đúng đắn, thay hiểu lầm (vô minh) bằng trí tuệ. Nói một cách khác, giáo dục theo đạo Phật chú trọng lấy trí tuệ (duy tuệ thị nghiệp) diệt trừ si mê, si mê trừ, thời tham và sân cũng được diệt trừ luôn. Chỉ cần có một kiến thức, một quan điểm, một cái nhìn đúng đắn (giác ngộ), thời mọi hành vi thiện ác, tham sân đều được diệt trừ (giải thoát). Vấn đề giáo dục không còn là vấn đề đạo đức, luân lý nữa, mà là vấn đề kiến thức, vấn đề tri kiến, vấn đề trí tuệ, vấn đề thái độ, vấn đề phản ứng.
Lời khuyên sau đây của vua A-dục, trong Bia ký số XII có thể khiến nhiều người không bằng lòng: “Người ta không nên chỉ kính trọng tôn giáo của riêng mình và bài bác những tôn giáo của kẻ khác, mà phải kính trọng tôn giáo kẻ khác vì lý do này hay lý do khác. Như thế ta có thể làm cho tôn giáo mình phát triển và giúp đỡ các tôn giáo nữa. Nếu không, tức là ta đã đào huyệt cho chính tôn giáo của mình và còn làm hại các tôn giáo khác. Kẻ nào chỉ kính trọng tín ngưỡng của mình và bài xích những tín ngưỡng khác, thực ra họ đã làm thế vì sùng tín ngưỡng của riêng mình, nghĩ rằng: ‘Tôi sẽ làm rạng danh tôn giáo của tôi’. Nhưng trái lại, khi làm thế họ đã tổn thương tôn giáo mình một cách trầm trọng hơn nữa. Bởi thế sự hài hòa là tốt đẹp: Mọi người nên lắng nghe và có thiện chí lắng nghe những lý thuyết mà người khác đề xướng”.
Con đường thoát khổ, W. Rahula – Thích nữ Trí Hải dịch.
Chúng ta hiểu rằng: Là Phật tử, không phải nghĩa là theo một tôn giáo tên Phật giáo mới được gọi Phật tử, mà chính cần có cử chỉ tôn trọng các tôn giáo khác, các tư tưởng khác mới là Phật tử. Cử chỉ trầm lặng bình thản trước sự vô thường của đức Thế tôn cùng cử chỉ tôn trọng các tôn giáo khác, các tư tưởng khác với mình là hai thái độ, hai cử chỉ, biểu hiện chất liệu giải thoát và khoan dung của đạo Phật. Giáo hóa, giáo dục ở nơi đây chính giúp chúng ta có một thái độ, có một cử chỉ thích nghi, hợp lẽ khi chúng ta phải đối diện với những tình trạng đa diện của xã hội ngày nay. (…)
Thích Minh Châu
* Đoạn trích từ bài viết cùng tên trong sách Chánh pháp và Hạnh phúc của HT.Thích Minh Châu, Nxb. Tôn giáo, 2001.