Lịch sử Đức Phật Thích Ca

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549 )


I. VĂN :

A. BỐI CẢNH ẤN ĐỘ :

Từ thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, Ấn Độ đã có một nền văn minh khá cao. Aryan sau khi đã chinh phục Ấn Độ, họ lại bị chinh phục bởi ảnh hưởng huyền bí của thiên nhiên, của dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ … Xã hội lúc bấy giờ phân hoá, có nhiều giai cấp, rất nhiều những bất công trong xã hội. Có thể tóm lược 4 đẳng cấp  như sau :

         1. Bà La Môn : Gồm các đạo sĩ có kiến thức uyên bác, là đẳng cấp lãnh đạo về tinh thần.

         2. Sát Đế Lỵ : Gồm giới quý tộc dòng dõi vua chúa, là đẳng cấp nắm quyền cai trị nhân dân.

         3. Phệ Xá : Gồm giới Nông, Công, Thương.

         4. Thủ Đà La : Hàng tôi tớ lao động.

Riêng giai cấp hạ tiện ( Paria) bị loại ra khỏi đẳng cấp cuối, bị đối xử như thú vật, ai cũng có quyền đánh, giết.

B. LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT :

1. Sự ra đời của Thái tử TẤT ĐẠT ĐA :

Từ cung trời Đâu Xuất, Bồ tát Hộ Minh quán chiếu và quyết định chọn cõi Ta Bà cho lần tái sinh sau cùng của mình.

Một đêm, trong giấc ngủ an lành, hoàng hậu MAYA mộng thấy một con voi trắng sáu ngà chui vào hông bên phải, sau đó bà thọ thai. Suốt thời kỳ mang thai, hoàng hậu MAYA được hoàn toàn khoẻ mạn, về cả thân lẫn tâm.

Theo phong tục Ấn Độ, phụ nữ mang thai khi sắp sinh phải về nhà cha mẹ đẻ đợi ngày lâm bồn. Đang chuẩn bị lên đường, vào một buổi sáng đẹp trời, chim hót, hoa cười, hoàng hậu MAYA ra vườn thượng uyển để thưởng cảnh. Khi đến gốc cây Vô Ưu (Asoka), thấy màu sắc của hoa thật rực rỡ, hoàng hậu MAYA vịn cành định hái hoa, liền đó Thái tử ra đời. Bấy giờ là ngày trăng tròn tháng Veaka nhằm ngày rằm tháng tư  âm lịch, vào năm 624 trước Tây lịch. Vườn thượng uyển gọi là vườn Lâm Tỳ Ni (Lum Bi Ni) thuộc nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu).

Người trị vì nước này là Vua Tịnh Phạn, thuộc dòng dõi Sakya ( Thích Ca ) đã đặt tên cho Thái tử là Siddharta ( Tất Đạt Đa) nghĩa là “ Người được toại nguyện ”. Các đạo sĩ Bà La Môn được mời đến đoán vận mạng của thái tử. Quan sát 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của thái tử, họ kết luận đây là bậc chuyển luân thánh vương hoặc nếu xuất gia sẽ thành bậc chánh đẳng chánh giác. Riêng tiên A Tư  Đà, sau khi nhìn tướng mạo thái tử đã cười vang rồi lại khóc ròng. Khi được hỏi vì sao, nhà tiên tri giải thích là ông vui vì Thái tử sẽ đắc quả Phật và sẽ giảng pháp cứu đời nhưng ông đau buồn vì mình không thể sống đến ngày Thái tử chứng quả để được nghe pháp.

2.  Cuộc sống của Thái tử TẤT ĐẠT ĐA :

a.  Cuộc sống cung đình :

Bảy ngày sau khi thái tử ra đời, hoàng hậu MAYA thác sinh về cung trời Đao Lợi. Thaí tử được dì là Mahabaxàbađề nuôi dưỡng. Thái Tử được giáo dục rất hoàn mỹ. Đến tuổi đi học, Thái tử nổi tiếng thông minh, văn võ toàn tài, lại luôn khiêm tốn, lễ độ, được mọi người yêu quý.

Năm mười sáu tuổi, Thái tử kết hôn cùng công chúa Daduđàla, sau khi đã thắng tất cả các vương tôn, công tử trong các cuộc thi theo tục lệ. Con trai của Thái tử tên là La Hầu La ( nghĩa là trói buộc ).

Vua cha xây cho Thái tử ba toà cung điện dành riêng cho từng mùa ( mưa, nóng, lạnh ) với đầy đủ tiện nghi và luôn có cung tần, mỹ nữ đêm ngày ca múa, săn đón mua vui cho Thái tử. Nhưng hạnh phúc thế gian không làm cho Thái tử say đắm, không đủ để Thái tử quên đi ấn tượng của lần theo cha đi dự lễ cày cấy vào năm lên 9 tuổi. Ngài đau xót khi thấy người và vật phải vất vả và khổ đau trong cuộc tranh sống ( Lần ấy Thái tử đã ngồi dưới gốc cây theo lối kiết già và chứng nhập sơ thiền ).

b.  Thái tử tiếp xúc với đời :

Thái tử đã khẩn cầu vua cha để được du ngoạn ra ngoài hoàng cung.

–   Lần thứ nhất, ra cửa Đông : Ngài gặp một cụ già lưng còng, tóc bạc, mắt lòa.

–   Lần thứ nhì, ra cửa Tây : Ngài gặp người bệnh rên la khổ sở.

–   Lần thứ ba, ra cửa Nam: Ngài gặp một đám tang người đưa khóc kể sầu đau. Mỗi lần được người phu xa giải thích về những hình ảnh không thể tránh được ấy của cuộc sống, Thái tử càng nhận rõ hơn thực trạng đau khổ của kiếp người, của chúng sinh vì định luật sinh, già, bệnh, chết.

–   Lần thứ tư, ra cửa Bắc : Ngài gặp một vị sa môn, hình ảnh của sự thanh thoát, cao quý. Cuộc gặp gỡ này càng thúc bách nhu cầu tìm đạo giải thoát ở Ngài.

Lão, bênh, tử là ba bức tường thành mà chúng sanh không thể vượt qua được, ngoài con đường giải thoát.

3.  Thái tử Xuất Gia :

Nhận thấy vô thường và khổ đau bao trùm cuộc sống, một đêm, sau buổi yến tiệc linh đình, thừa lúc mọi người đang ngủ say, Thái tử truyền Xa Nặc thắng ngựa Kiền Trắc, lặng lẽ vượt thành, xuất gia tìm đạo.

Theo hướng Đông Nam, hướng về dãy Hi Mã Lạp Sơn, Ngài vượt qua dòng sông A Nô Ma thì dừng lại, tự cắt tóc, cởi hoàng bào, trao gươm cho Xa Nặc, truyền dắt ngựa, mang tóc, áo bào, gươm báu trở về trình lại với vua cha ý chí xuất gia của mình. Hôm ấy là ngày trăng tròn tháng hai.

Thái tử tìm đến học đạo với A La La Ca Lam, một đạo sư nổi tiếng đã chứng đắc Vô sở hữu xứ định. Không bao lâu, Ngài đã chứng đắc những gì Đạo sư đã chứng đắc. Được Đạo sư mời hợp tác giảng dạy chúng đệ tử, nhưng Ngài biết đây chưa phải là đích của giải thoát nên đã cáo từ. Rời thành Tỳ Xá Ly đến Vương Xá, thủ đô vương quốc Ma Kiệt Đà, Ngài gặp vua Tần Bà Xa La, được vua ngỏ ý nhường lại nửa vương quốc, Ngài đã từ chối. Đến thọ giáo với Uất Đầu Lam Phất, cũng chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài đã đạt được thành quả như thầy, chứng đắc Phi tưởng Phi phi tưởng xứ định. Biết rằng đây vẫn còn ở trong vòng sinh tử, Ngài lại ra đi. Chẳng còn ai để tìm đến học, Ngài quyết định tự thực hiện lấy cứu cánh giải thoát, cùng 5 anh em Kiều Trần Như  tu khổ hạnh.

Trong 6 năm, Ngài tự ghép mình vào những phép tu đau đớn cùng cực của thể xác. Nhưng rồi Ngài cũng nhận ra cách tu cực đoan này chỉ làm tổn hại cả thể chất và tinh thần, không thể dẫn đến giải thoát nên Ngài quyết định chấm dứt việc tiết thực, ăn uống trở lại để lấy sức, tinh cần đi vào ngõ thiền định với kinh nghiệm của lần chứng Sơ thiền trong dịp theo vua cha dự lễ “ xuống đồng” lúc nhỏ. Năm anh em Kiều Trần Như thấy Ngài thay đổi lối tu hành nghĩ là Ngài đã thoái chí cầu đạo nên cùng nhau bỏ đi nơi khác.

Sau khi đã hồi phục sức khoẻ, sa môn Cồ Đàm chọn một gốc cây lớn nơi khu rừng xanh tươi cạnh dòng sông Ni Liên. Ngài tọa thiền với lời thệ nguyện : “ Chỉ rời khỏi chỗ này khi nào chứng được quả giải thoát ”.

Giữ chánh niệm, Ngài tỉnh giác hành thiền. Ma vương tìm mọi cách quấy phá nhưng không lay chuyển được Ngài.

Vào đêm trăng tròn tháng chạp ( có sách ghi là mùng 8 tháng chạp ), Ngài chứng ngộ chánh giác. Canh một, Ngài thấu suốt các kiếp sống quá khứ và nẽo tái sinh của mình, chứng tuệ giác đầu tiên là Túc mạng minh. Sang canh hai, Ngài thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình và chúng sanh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, chứng Thiên nhãn minh. Đến canh ba, Ngài tác ý nghịch chiều duyên khởi, biết rằng đây là đời sống cuối cùng, không còn tái sinh, tâm Ngài thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, chứng tuệ giác cuối cùng là Lậu tận minh. Đúng vào lúc sao Mai vừa mọc, Ngài tác ý thuận và nghịch chiều duyên khởi, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lúc bấy giờ, quả đất rung động, nhạc trời chúc tán, mưa hoa cúng dường.

Sau đêm thành đạo, Đức Phật còn tiếp tục tham thiền cho đến hết 49 ngày. Ma vương tiếp tục phá phách nhưng không được, cuối cùng đành khẩn cầu Ngài đi thẳng vào niết bàn. Đức Phật trả lời là Ngài chỉ nhập diệt sau khi đã có một giáo hội bền vững.

4.  Đức Phật truyền đạo :

Chấp nhận lời thỉnh cầu truyền bá giáo pháp của Phạm Thiên, Đức Phật nghĩ ngay đến A La La Ca Lam, nhưng bằng tuệ nhãn, Ngài biết vị này vừa qua đời tuần trước. Nghĩ đến Uất Đầu Lam Phất, Ngài dùng tuệ nhãn biết vị này vừa từ trần đêm qua. Đức Phật lại nghĩ đến 5 anh em Kiều Trần Như, biết họ đang ở vườn Lộc Uyển, gần thành Ba La Nại, Ngài quyết định đến đó. Tại đây, Ngài thuyết pháp Tứ Diệu Đế ( còn được gọi là kinh Chuyển pháp luân, truyền bá con đường Trung đạo ) độ lần lượt cho cả 5 anh em. Như  vậy là ngôi Tam Bảo đã được thành hình.

Tiếp đó, Đức Phật độ cho Da Xá và chưa tròn 2 tháng, Ngài đã có 60 đệ tử đạt quả vị A La Hán, lập thành Giáo hội Tăng già, có trách nhiệm hoằng dương chánh pháp.

Cảm hoá 3 anh em Ca Diếp, 3 nhà tu sĩ khổ hạnh thờ lửa, giáo đoàn của Đức Phật có trên 1000 vị. Sau khi độ cho Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên ( 2 vị trước đó theo Bà La Môn giáo ) chứng đắc quả vị A La Hán, Đức Phật triệu tập tất cả đệ tử để tấn phong Đức Xá Lợi Phất làm Đệ nhất đệ tử và Đức Mục Kiền Liên làm Đệ nhị đệ tử.

Trong 49 năm thuyết pháp và giáo hoá, Đức Phật đã độ cho hàng vạn ức đệ tử, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Ngài cùng các đệ tử đi hoằng hoá trong 9 tháng nắng, còn 3 tháng mưa thường tập trung ở các tịnh xá chuyên tu và hướng dẫn đệ tử.

5.  Đức Phật nhập niết bàn :

Vào năm 80 tuổi, Đức Phật quyết định nhập niết bàn. Ngài cùng chúng đệ tử đi đến rừng Sala của dòng họ Malla ở Kusinara. Rừng Sala đang trỗ hoa trái đầy cành.A Nan treo võng cho Đức Thế Tôn nằm giữa 2 cây Sala. Sau khi dạy đệ tử những lời sau cùng, Thế Tôn nhập định rồi viên tịch. Hôm ấy là ngày trăng tròn tháng 2.

Những lời dạy sau cùng:

Này A Nan, giáo pháp ta đã giảng dạy, sau khi ta diệt độ, pháp và luật ấy sẽ là đạo sư.

Này A Nan, sau khi ta diệt độ, có thể bỏ đi những giới nhỏ nhặt, chi tiết.

Này các vị Tì kheo, nếu có vị nào còn nghi ngờ hay thắc mắc gì về giáo lý của ta, về các phương pháp tu mà ta đã giảng dạy thời hãy hỏi đi, về sau chớ có hối tiếc. Thế Tôn hỏi 3 lần nhưng tất cả đều im lặng.

Này các vị Tì kheo, sau khi Như Lai diệt độ, quý vị hãy lấy giới luật làm thầy, các pháp hữu vi là vô thường, hãy cẩn thận chớ có buông lung.

Lễ hoả táng và dựng tháp tôn thờ xá lợi Phật :

Giàn hoả thiêu không thể bắt lửa cho tới khi tôn giả Maha Ca Diếp kịp về đảnh lễ. Xá lợi Phật được chia làm 8 phần để dựng tháp tôn thờ tại các nước mà Đức Phật đã từng đi qua.

 II. TƯ :

1.  Sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa là một sự thị hiện của một vị Bồ Tát, vì đời mà vào đời để cứu đời.

–   32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Thái tử Tất Đạt Đa cho em biết : Tuy đấy là thân người nhưng lại vô cùng cao quý, đặc biệt hơn con người bình thường. Đó là báo thân của Đức Thế Tôn do công đức tu tập của nhiều kiếp về trước.

–   Những hiện tượng lạ sau khi Tất Đạt Đa đản sanh nằm ngoài tầm hiểu biết và giải thích của thế gian. Vì đó là những sự kiện báo hiệu về sự ra đời của bậc sẽ đạt quả vị Chánh đẳng Chánh giác.

–   Bằng  trí tuệ thế gian, các nhà nghiên cứu đã nhìn nhận Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử, một nhân vật có thật chứ không do hư cấu, tưởng tượng mà có.

2.  Đời sống của Thái tử tại cung đình là một cuộc sống đầy đủ hạnh phúc thế gian, nhưng Ngài không bị đắm trước và cũng không bị ngã mạn.

3.  Việc Thái tử từ bỏ hạnh phúc thế gian để đi tìm hạnh phúc chân thật, tìm chân giải thoát là một gương sáng cho chúng sanh soi rọi. Điều này cho chúng ta nhiều suy nghĩ khi cứ loay hoay trong cuộc sống, đuổi bắt những bóng hạnh phúc như tiền tài, danh vọng, cái đẹp vật chất…

Tình yêu thương không phải chỉ nói mà phải thể hiện bằng hành động, bằng quyết tâm tìm con đường cứu muôn loài thoát khổ đau, không còn vướng trong sinh tử, luân hồi.

4.  Dù Đức Phật đã chứng được lục thông nhưng không bao giờ Ngài sử dụng một cách vô cớ. Ngài sống bình thường như bao nhiêu người khác, bình thường mà gương mẫu, gần gũi với mọi người, dung dị, chan hoà.

5.  Tuỳ căn cơ chúng sanh mà Ngài hoá độ. Không chỉ nhận đệ tử xuất gia, thoát ly thế tục mà Đức Phật còn nhận đệ tử tại gia, quan tâm đến đời sống gia đình, xã hội qua các cư sĩ và hạnh phúc thế gian của họ. Ngài đã dạy về 6 mối tương quan xã hội, về 7 điều kiện để một xã hội hưng thịnh, về 10 điều để thành người lãnh đạo tốt. Toàn bộ giáo lý của Ngài đều tập trung vào việc ly tham, ly sân, ly si, giải thoát và tri kiến giải thoát. Con đường đi vào giải thoát là con đường trung đạo của 2 mặt nhận thức và hành động, mà biểu hiện rõ nét nhất là Bát chánh đạo.

6.  Bằng quá trình hoằng pháp của mình, Đức Phật đã khẳng định tính thực nghiệm, bình đẳng, trí tuệ, từ bi… của đạo Phật. Ngài là bậc chánh đẳng chánh giác, là một nhà giáo dục lý tưởng, là bậc thầy đầy đủ giới đức, định đức và tuệ đức, ra đời vì hạnh phúc của chúng sanh, tìm ra con đường giải thoát và chỉ dạy cho chúng sanh con đường đi đến giải thoát.

III. TU :

Qua bài học, em không những học được ở Đức Phật của chúng ta, mà còn học được ở cậu bé Tất Đạt Đa mới lên chín tuổi.

–   Vào cái tuổi mà mọi cậu bé đều chỉ nghĩ đến học hành và vui chơi những trò đá bóng, bắn bi …, thì Thái tử Tất Đạt Đa đã biết trầm tư về những vấn đề liên quan đến cuộc sống khổ cực của con người và loài vật, cũng như phát khởi lòng từ rộng lớn trước những vật lộn của chúng sanh.

–   Vào thời điểm sáng chói nhất, hạnh phúc nhất của một thanh niên vương giả, đầy uy quyền, Thái tử đã từ chối tất cả để dấn thân vào con đường vô cùng gian khổ, để nhắm đến mục đích tối hậu là cứu mình, cứu đời ra khỏi cuộc tử sinh. Do đó, em nguyện :

  • Tập hướng suy nghĩ của mình vào những vấn đề  “ Thoát tục ” hơn là ăn uống, ngủ nghỉ, chơi đùa…
  • Tập trầm tư ( không phải tưởng tượng hay hồi tưởng, những kỉ niệm, những cảnh sống tiện nghi đầy đủ…) để nhìn thấy được tính chất vô thường, vô ngã trong mỗi sự vật và trong chính bản thân ta cũng như hiểu đúng thực nghĩa của chữ khổ trong đạo Phật.
  • Tập trầm tư về những vấn đề hạnh phúc, danh vọng, quyền uy…để thấy rõ bản chất thật sự của những vấn đề này, để hiểu được ý nghĩa sự ra đi tìm đạo của Thái tử Tất Đạt Đa cũng như để vạch cho mình một cuộc sống tri túc và tiến đến “ sống đạo ”.
  • Biết tập trung tư  tưởng thì bất cứ nơi nào cũng có thể thực hành thiền định. Đã có chân lý, đã có ngón tay chỉ  đường, sao lại không gắng sức tu tập.
  • Luôn mở rộng lòng từ, luôn hoà ái, khiêm cung, học tập theo những đức tính của Thái tử Tất Đạt Đa.

–   Học theo gương sáng của Đức Phật, tự thân bỏ cái sai, tránh cái lỗi, giữ cái đúng. Không sử dụng quyền lực khi tiếp xúc với người khác, kết hợp tình thương và trí tuệ. Hiểu biết để hành động chứ không để thuyết giảng, nói cho hay. Đối với mọi người luôn yêu thương, nhẫn nhục, hy sinh.

–   Vâng lời Phật dạy : coi giới luật là thầy, kính Phật, trọng Tăng, luôn tinh tấn để giải thoát.

–   Thường xuyên sám hối nghiệp chướng để thuận duyên hành đạo.

 IV. CÂU HỎI :

  1. Ý nghĩa ngày đản sanh và ý nghĩa xuất gia ?
  2. Vì sao khi quan sát nhân duyên, Bồ Tát Hộ Minh lại chọn cho mình lần tái sinh sau cùng là ở nước Ấn Độ ?
  3. Em có thể kể những tướng tốt của Thái tử Tất Đạt Đa ? ( Một số quý tướng : lòng bàn chân thẳng, gót chân thon, ngón tay và chân đều thon dài, tay chân mềm mại, răng đều đặn, giọng nói êm như giọng chim Ca Lăng Tần Già, mắt xanh có sợi lông trắng mịn giữa hai chân mày, có nhục kế trên đầu, vị giác nhạy bén, quai hàm sư tử ).
  4. Hãy kể về cuộc sống của Thái tử Tất Đạt Đa ?
  5. Về phương diện lịch sử, ngôi Tam Bảo có từ lúc nào ? Hãy giải thích ?
  6. Từ con đường hoằng hoá của Đức Phật, em rút ra bài học gì cho bản thân ?
  7. Vì sao ta gọi Đức Phật là nhà giáo dục lý tưởng ?
  8. Câu nói: “ Ngoài tuệ giác không có Phật giáo ” muốn khẳng định điều gì?

Bài khác nên xem

BHD.GĐPT Cam Ranh: Kỳ thi kết khóa Bậc học HTr và ĐS năm 2016

Huệ Quang GĐPTVN

BHD GĐPT Lâm Đồng đã tổ chức tổng kết Bậc Lực năm 2015, khai khóa Bậc Lực 2016.

phuocthanh

BHD Trung Ương GĐPTVN Tổ Chức Gỉai Trình Luận Văn Hoàn Tất Bậc Lực Lần 6

phuocthanh