Bút ký đọc “Cư trần lạc đạo phú”

but-ky-doc-cu-tran-lac-dao-phu

Tìm hiểu bài “Cư trần lạc đạo phú” của Trần Nhân Tông, tôi đã đọc công trình “Toàn tập Trần Nhân Tông”(1) của Lê Mạnh Thát và một số tài liệu khác. Tôi vô cùng sửng sốt thấy hiểu biết của mình về lịch sử dân tộc có những lỗ hổng “nghiêm trọng”: “Hóa ra tôi học lịch sử trung đại Việt Nam mà không hề biết lịch sử Phật giáo trong thời kỳ này. Tôi có biết Nho gia thường có tâm thế “xuất nhập”, thoải mái trong tam giáo nhưng nhưng tôi không ngờ Nguyễn Du lại có thể đọc kinh Kim Cương “ngàn lần có lẻ” (2)và Nguyễn Trãi lại đắc ý đến thế với “thượng thừa thiền” sau lần gặp Thiền sư Đạo Khiêm(3), bạn cố tri của ông. Tôi ngưỡng mộ anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông mà hầu như không biết gì về những công trạng cũng hết sức to lớn của ông về mặt mở nước, dựng nước, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, ông đã chủ trương “sử dụng tiếng Việt như một ngôn ngữ chính thức cùng với chữ Hán”(4), ông cũng là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền thuần túy Việt Nam “làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam mấy trăm năm tiếp theo”(5), đồng thời ông là tác giả của bài phú nổi tiếng mà tư tưởng “cư trần lạc đạo” vẫn chưa được xem là một yếu chỉ của thiền phái Trúc Lâm…

Trong “Cư trần lạc đạo phú” không chỉ có từ “Phật tính”, từ này được dùng trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết bàn…, đặc biệt trong bản dịch Lục tổ đàn kinh của Huệ Năng đại sư (dịch giả Thiều Chửu), từ này được sử dụng mươi lần. Phải chăng trong những câu thơ sau đây trích dẫn từ bài phú):

Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt
”(6).

Bổn là tính Phật. Ta loay hoay tìm Phật ở đâu đâu vì ta khuẩy (tức là quên mất) bổn. “Bổn” (bản) là bản tâm, bản tính trong lòng, đó chính là Bụt trong nhà, có thể nói Bụt ở ngay trong lòng mình và đó là tính Phật vậy.

Trong Phật giáo thiền tông, Phật tính là ý niệm trung tâm. Tôi cố hình dung những khâu quan trọng nhất của quá trình tu thiền dẫn đến Phật tính.

Bắt đầu của Thiền là thực hành luyện tập trong hơi thở và tâm tưởng mà sự chủ động dẫn đến “sạch lòng” (tịnh tâm), tức là rửa sạch những phiền não, vọng niệm.

“Sạch lòng” thì đạt tới Bát Nhã (trí, huệ, minh) và “sáng lòng” (minh tâm).

“Sáng lòng thì thấy “tính Phật” (“minh tâm kiến tính”). Tính Phật vốn có sẵn trong tâm, “sáng lòng” thì nó lộ ra.

Tóm lại, tu thiền dẫn đến “minh tâm kiến tính”.

“Lòng” là từ Việt đồng nghĩa với từ Hán Việt “tâm”. Trong ngôn ngữ học thuật hiện nay, từ “tâm” lấn át từ “lòng”. Thực ra nói “có lòng”, “sáng lòng” vẫn dễ nghe hơn “có tâm”, “minh tâm”.

Trong “Cư trần lạc đạo phú”, “lòng” là một từ – chìa khóa được nêu lên vài chục lần, trong những mệnh đề quan trọng.

Trong bài phú, Phật và Tâm (Bụt và Lòng) hầu như đồng nhất. “Chính Bụt là lòng…” (Hội thứ ba), kinh Phật là “kinh Lòng” (Hội thứ tám), “rèn lòng làm Bụt” (Hồi thứ tám), “sạch giới lòng… nên Bồ – tát trang nghiêm” (Hội thứ sáu)… Hẳn là Nguyễn Du nghĩ đến Phật và Phật tính khi ông viết: Thiện căn ở tại lòng ta/ chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Huệ Năng có nói đến “thiện căn Phật tính”)(7).

Trong bài phú, “tính sáng” như là một thuộc tính của “minh tâm” và Phật tính được nhắc đến nhiều lần.

“Yêu tính sáng yêu hơn châu báu” (Hội thứ nhất)

“Gìn tính sáng tính mới hầu an” (Hội thứ hai)

“Di Đà là tính sáng soi” (Hội thứ hai)

“Gìn tính sáng, chớ lạc tà đạo” (Hội thứ ba)

———————————————————-

Trong bài phú không nói đến từ “Phật tính”. Tuy nhiên có những ám dụ về Phật tính: “Bụt trong nhà”, của “báu trong nhà”, vả chăng có những ngữ cảnh “lòng” có thể hiểu như đồng nghĩa với Phật tính.

Phật tính là “mầm giác ngộ vốn sẵn trong tất cả mọi người, mọi chúng sinh” (7).

Khi chúng sinh là Phật” thì Phật tính ở họ là năng lực” “thấy ngay chân như ở trong tâm mình”, “tự soi vào tâm, tự thấy bản tính”, “tự ngộ ra được, chẳng phải cầu ở ngoài”(8)…

Và với khoảnh khắc đốn ngộ thì năng lực ý thức này trở thành tâm “vô niệm”, vừa thấy được vạn “pháp” bằng “trực giác thuần túy” (“Bát – nhã”) vừa tách khỏi tư duy, hoàn toàn trống trơn, không “ý niệm”, không đối lập”(9), không còn sự đối lập giữa sắc và không, giữa sinh và tử, giữa thị và phi, giữa thiện và ác, giữa ảo và chân… “Trong ảo sắc cũng là chân sắc, nơi phàm thân cũng thực là pháp thân” (Trần Thái Tông). “Vô niệm” là “đối với mỗi nghĩa có nghĩ đó mà không chấp trước cái có nghĩ”(10), tức là có nghĩ những ý niệm, đối lập nhưng không chấp trước những ý niệm, đối lập. Trong đời sống học thuật hiện nay (ở nước ta cũng như trên thế giới). Chính sự chấp trước riết ròng ý nghĩa những khái niệm, sự tuyệt đối hóa những đối lập là đầu mối của những cảnh bi hài trong giới học thuật được Trần Nhân Tông nêu lên trong bài “Hữu cú, vô cú”: Mấy gã thầy Tăng/ dập đầu vỡ trán. Vô số cát song/ kiếm đâm dao bổ, Thuyết lý ồn ào/ liến láu tranh cãi(11)

Đầu nguồn triết học phương Tây, với châm ngôn nổi tiếng “Tự anh hãy biết lấy bản thân anh” Socrates đã chuyển sự chú ý của con người từ Thượng đế trên cao vòi vọi tới sự tự ý thức bên trong con người. Với quan niệm “gia trung hữu bảo” (xem bài kệ kết thúc “Cư trần lạc đạo phú”) không phải sự chú ý được chuyển mà chính “Thượng đế” được chuyển vào bên trong lòng người “(gia trung”). Vì Phật tính trong lòng người chính là Thượng đế của con người. Phật không phải là Thượng đế của con người (Thượng đế hiểu theo nghĩa nguyên tắc thần quyền cao nhất ở bên ngoài con người vẫn được chấp nhận trong giáo lý nhiều tôn giáo lớn ở phương Tây). Phật không phải là “Chân lý”, Phật chỉ là người hướng đạo những ai muốn tìm chân lý, Phật không phải “mặt trăng”, “Phật chỉ là “ngón tay”, còn thấy được “mặt trăng” hay không đó là do nỗ lực tu tập của từng người. Phật, Pháp, Tăng là “tam bảo”, nhưng xét đến cùng, Phật cũng như Tăng và Pháp là những phương tiện giúp đỡ sự tu tập của những tín hữu, một khi “hết vô minh”, “phiền não”(12) khắc phát lộ Phật tính có sẵn trong lòng bất cứ ai trong chúng sinh.

Trần Nhân Tông đặt rất cao yêu cầu đổi mới trong nhận thức. Trong một bài giảng ở chùa Vĩnh Nghiêm, trước ba câu hỏi của thiền sinh:

– Thế nào là Phật?

– Thế nào là Pháp?

– Thế nào là Tăng?

Cả ba lần ông chỉ có một câu trả lời: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”(13).

Phật, Pháp, Tăng là “Tam bảo, là Nguyên lý của những nguyên lý trong giáo lý đạo Phật. Trần Nhân Tông kiên quyết phủ định cách hiểu theo lối trước chính Nguyên lý ấy. Bất cứ sự đổi mới nhận thức nào cũng phải bắt đầu bằng sự nghi ngờ, phủ định cách hiểu cũ. Trần Nhân Tông là một tấm gương của sự đổi mới tư tưởng và nhận thức. Chắc ông biết quá rõ những vụ án văn tự và sự cố chấp riết róng của người đời trong cách hiểu các thứ kinh bổn… chỉ cần “rời” kinh một chữ đủ bị lên án biến kinh Phật thành “ma thuyết”(14). Trong lịch sử tư tưởng thế giới và trong nước… không biết bao nhiêu người đã bị truy hại, bức hại vị tội dám nghi ngờ cách hiểu cũ những nguyên lý.

Đổi mới đặt ra vấn đề cách đối xử với những truyền thống.

Trong một buổi Thiền sư Trúc Lâm đại đầu đà (tức Trần Nhân Tông) khai đường ở chùa Vĩnh Nghiêm, có một thiền sinh hỏi: “Dùng công án cũ để làm gì?”.

Thiền sư trả lời: “Mỗi lần nêu ra một lần mới”(15)

Trong một buổi khai đường khác ở viện Kỳ Lân, cũng vấn đề này được đặt ra, câu trả lời in hệt nhưng cách hỏi “xóc óc” hơn:

Một thiền sư hỏi: “Dùng đờm dãi người xưa làm gì?”

Thiền sư trả lời: “Mỗi lần nêu ra một lần mới”(16)

“Công án cũ”, “đờm dãi người xưa” thuộc về truyền thống. Trong quan niệm của Trần Nhân Tông, truyền thống cũng phải đổi mới (tức là phải có cách hiểu mới và vận dụng mới) và đổi mới truyền thống phải có tính cập nhật: “mỗi lần nêu lên một lần mới”.

* * *

 “Cư trần lạc đạo” là một tư tưởng lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tôi giật mình khi đọc câu đầu trong bài kệ ở cuối bài phú “Cư trần lạc đạo”:

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên

Ở đời vui đạo, hãy tuỳ duyên(17).

Hoá ra tư tưởng “cư trần lạc đạo” cũng như những tư tưởng lớn khác cũng phải “tuỳ duyên” mà hiểu, mà vận dụng. Mọi nguyên lý và tư tưởng dù cao siêu, cơ yếu đến đâu mà tách ra khỏi cái “duyên” níu kéo, nương vịn của những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của cuộc sống không tránh khỏi trở thành những giáo điều vô duyên, có khi chỉ còn là những “đờm dãi” của người xưa (hoặc người đời nay). Càng ngày tôi càng thấm thía lời căn dặn của Vua – Phật Trần Nhân Tông về cách đối xử với những truyền thống:

Mỗi lần nêu lên một lần mới

* * *

 “Cư trần lạc đạo phú” được sáng tác bằng tiếng Việt thế kỷ XIII, nay đem giới thiệu cho độc giả thế kỷ XXI nhất thiết phải “xử lý” mới văn bản. Độc giả ngày hôm nay đọc vào nguyên bản (tất nhiên đã được chuyển sang chữ Quốc ngữ) chắc đọc một hai trang là bỏ, dù cho văn bản được chú giải rất kỹ. Nhất thiết phải phóng tác lại bằng tiếng Việt văn học hiện đại. Tôi rất mừng đọc được trên Viet Times, Vietnam Net cập nhật ngày 11/03/2008 một đoạn Hội thứ hai của bài phú (từ câu 15 đến câu 12) do ký giả Phạm Tuấn Phong phóng tác. Tôi giới thiệu ở đây đoạn trong nguyên bản và đoạn được phóng tác để bạn đọc có căn cứ để suy nghĩ về vấn đề phóng tác bằng tiếng Việt hiện đại cho độc giả ngày hôm nay những áng văn nôm cổ (có nên phóng tác không. Phóng tác như thế nào…)

 Đoạn trong nguyên bản:

Gìn tính sáng tính mới hầu an;

Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.

Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương;

Dừng hết tham sân, mới lảu lòng viên giác.

Tịnh độ là lòng trong sạch,

chớ còn hỏi đến Tây Phương;

 Đoạn phóng tác:

Giữ tính lặng(18) thì tính mới yên.

Nén được sự nghĩ lầm thì lòng không sai.

Quên được cái thân giả dối thì thực tướng sáng bền;

Diệt hết lòng tham, lòng giận thì hiểu rõ lòng mầu nhiệm

Thái độ ở trong lòng sạch của mình

Nếu giữ được lòng yên lặng:mình đã có Phật tính rồi.

Tôi chờ đợi sự phán xét của bạn đọc. (Dĩ nhiên không bàn về cách người phóng tác hiểu đoạn trích dẫn trên)… Tôi nghĩ rằng Phạm Tuấn Phong thực sự hiểu tư tưởng canh tân của Trần Nhân Tông.

Hỏi: Thế kỷ 21, đọc “Cư trần lạc đạo phú” làm gì?

Đáp: “Mỗi lần nêu lên một lần mới”.

 Chú thích:

1. NxB. Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000.

2. Xem bài Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài của Nguyễn Du.

3. Xem Lê Mạnh Thát, sách đã dẫn, tr,343.

4. Xem sách đã dẫn, tr.8.

5. Như trên.

5. Như trên, tr.406.

6. Xem Huệ Năng Đại sư, Lục tổ đàn kinh, Thiều Chửu biên dịch, Nxb Tôn giáo, 2002,

tr. 23.

7. Xem bài “Phật giáo Việt Nam hiện nay học tập và tiếp thu được gì ở Phật giáo đời Trầncủa Đinh Văn Vinh, Vạn Phật Đảnh Forums (Sóo (31) 2005.

8. Xem Lục tổ đàn kinh, tr, 29.

9. Xem Anna Cheng, Histoire de la pensee chinoise, Editions du Seuil, 2002, tr.410 – 411.

10. Xem Lục tổ đàn kinh, tr.41.

11. Dẫn theo bản dịch thơ của Băng Thanh, xem Thơ văn Lý Trần, tập II, Nxb Khoa Học Xã Hội , Hà Nội, 1989, tr, 489.

12. Xem “Cư trần lạc đạo phú”, hồi thứ bảy.

13. Lê Mạnh Thát, sách đã dẫn, tr, 419, 420.

14. “Ly Kinh nhất tự đức đồng ma thuyết”, chuyển dẫn từ Lê Mạnh Thát, sách đã dẫn, xem  trang 342.

15. Như trên, tr, 421.

16. Như trên, tr. 435, 436.

17. Bản dịch của Lê Mạnh Thát.

18. Tính lặng hay tính sáng? H.N.H.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 71

Bài khác nên xem

Về: Bài thơ ” Mất Mẹ” của Xuân Tâm

ducquang

Nhạc karaoke: Xuân Lam – Tâm Trí Quang Vui

ducquang

Tâm sự về chiếc Áo Lam thân thương !

phuocthanh