Kinh Bố Thí
Người Dịch Hòa Thượng Thích Thiện Châu
“Bố thí là thù thắng, cao nhất,
Là sự phân phát, Thế Tôn khen.
Ruộng phước tốt nhất (1) với lòng tin,
Người trí biết, ai (mà) chẳng cúng dường (2)
Ai nói và nghe cả hai điều (3)
Với lòng tin trong đạo Thiện Thệ (4)
Và tinh tấn trong đạo Thiện Thệ
Ðược thanh tịnh – mục đích cao nhất.”
(3) – Ai nói và nghe cả hai điều: có nghĩa là giảng dạy và thực hành cả hai điều: tài thí và pháp thí.
(4) – Thiện Thệ (Sugata) : một trong 10 danh hiệu của Phật (: Khéo sống trong thế gian).
III -Bình luận
Kinh nầy rút ra từ tập Ittivutaka (Phật thuyết như vậy) số 98 trang 98 (Pâli Text Society). Nội dung là Phật dạy hai thứ bố thí: tài thí và pháp thí.
a – Tài thí : cho của cải như đồ ăn, thức uống, áo quần, thuốc men, nhà ở, tiền bạc hay phục vụ bằng công sức v.v… với mục đích giúp người khỏi thiếu thốn vật chất.
b – Pháp thí : cho lời hay, lẽ phải, cách sống, phương pháp tu dưỡng phù hợp với chơn lý nhằm mục đích giúp người phát triển trí tuệ và đạt được an vui lâu dài.
Trong hai thứ bố thí nầy, pháp thí là cao nhất vì nó có thể giúp người giác ngộ chơn lý và giải thoát khổ đau. Tuy so sánh như vậy song Phật vẫn khuyến khích chúng ta thực hiện cả hai, tài thí và pháp thí. Một cách tổng quát, đối với người cư sĩ thì tài thí dễ hơn. Tuy nhiên, người cư sĩ vẫn có thể san sẻ đạo pháp cho người khác, nhiều khi còn thuận tiện hơn. Và ngay trong sự cúng dường vật chất cho người xuất gia, người cư sĩ vẫn góp phần pháp thí qua sự hoằng hóa của người xuất gia trong mục đích đem lại an vui lâu dài cho mọi người.
Bố thí là phương pháp tu dưỡng đầu tiên của Phật tử. Vì chưa biết cho tức là không có từ bi hỷ xả. Mà thiếu từ bi hỷ xả thì khó mà tiến xa trên đường đạo. Ðã là một phép tu, bố thí cần được thực hiện dưới ánh sáng trí tuệ, nghĩa là phải biết cách cho: “Cách cho hơn của đem cho”. Người biết cho là người “trước khi cho thì có niềm vui trong lòng, trong khi cho thì hài lòng và sau khi cho thì hoan hỷ” (Xem An. III, 336).
Người biết cho còn phải biết rõ lợi ích của vật đem cho và kết quả của việc sử dụng chúng. Do đó, về vật chất ta chỉ nên cho những gì có thể thăng hoa sự sống mà không nên cho những gì phá hoại sự sống như rượu, thuốc độc, khí giới giết người, v.v…, và về đạo pháp, lẽ dĩ nhiên chúng ta chỉ nên cho chánh pháp, những lời giảng dạy hay kinh sách khế lý khế cơ có khả năng giúp người giác ngộ giải thoát mà không nên truyền bá những lý thuyết (giảng dạy cũng như sách báo) tà vạy, mê tín, dị đoan, gây thêm mê lầm và sợ hãi cho người. Hiện tượng ấn tống các “kinh sách” nhảm nhí như Hồi dương nhơn quả, Ðịa ngục du ký, Sấm giảng núi Sam, Di lạc chơn kinh v.v… là ví dụ điển hình. Thật ra, những người ấn tống kinh sách một cách bừa bãi, chỉ nghĩ đến việc cầu phúc lợi cho mình hơn là nghĩ đến việc giúp người giác ngộ giải thoát.
Bố thí là một phương pháp tu dưỡng chớ không phải là một lý thuyết cho nên kết quả tốt đẹp của nó chỉ những người biết cách cho và thường hay cho mới gặt hái được.
[ Trở Về ]