Khúc Đồng Dao Tuổi Thơ

Khi con ra khỏi cánh nôi
Cũng là khi con ê a tròn trịa khúc đồng dao mẹ dạy.
Bên cánh võng trưa hè,
Gió – nắng lang thang chơi đùa trong vườn ngoài bờ dậu.

Con muốn hỏi khúc đồng dao tròn hay méo?
Úp lá khoai rồi mười hai chong chóng,
Áo trắng áo xanh lượn lờ
…với những cánh cò trong câu hát.
Miệng khúc khích cười với răng sún
…và mùi khét nắng trên đỉnh đầu.

Con đã đi qua cánh đồng,
Đo chiều dài cánh đồng với đôi cánh con cò trong câu hát ru của mẹ.
Chưa định được hình thì cánh cò đã “đậu cành mềm và rớt xuống ao”,
Bẻ đôi khúc đồng dao, nhưng con không đo được chiều dài và rộng
Ba nói rằng: “tình mẹ sao đo được rộng hay dài!”

Mẹ có lần bảo con: Khúc đồng dao là quê hương của mẹ,
Con yêu mẹ, yêu những nhọc nhằn, yêu những lo toan…
Quê hương có mẹ nên có khúc đồng dao “ê a tròn trịa”
Ngớ ngẩn nhưng vẫn – thích mang theo đến cuối cuộc đời.

 

Đồng dao – những câu thơ hồn nhiên nhất lại chính là những câu thơ khó viết nhất…

Cá rô cá rạch/ Gặp trận mưa rào/ Mày chẳng ở ao/ Mày lên rãnh nước/ Nước xuôi mây ngược/ Mày thích ra sông/ Thoả chí vẫy vùng…

Bài đồng dao này tôi nghe ngoại hát vào một chiều mưa, khi một con cá rô nhỏ xíu lạc theo dòng chảy lách tách rơi vào sân nhà tôi. Ngoại bắt nó thả vào thau nước, để ngày mai tôi đem thả nó về lại ruộng đồng.

Ấu thơ tôi lớn lên cùng đồng dao. Những câu hát ngô nghê dù có nghĩa hay vô nghĩa cũng chứa đựng một tâm hồn trong trẻo, một cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời. Những chiều mưa dầm ngồi trước hiên nhà nhìn bong bóng mưa lần lượt vỡ tan ra, tôi lại lẩm nhẩm: Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp.

Những đêm trăng sáng, chúng tôi thường tập trung trên bãi cát để chơi trò “Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc…” hay túm tụm lại và thay nhau đọc từng câu: Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo/ Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút/ Ông trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa/ Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính, cho đến khi không tìm ra người bạn nào cho ông trăng nữa thì thôi. Rồi trò Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế. Cả những trò chơi đơn giản nhất cũng có câu hát : Tập tầm vông tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không?

… Lâu rồi không nghe ai hát đồng dao. Cả những đứa trẻ ở miền quê xa cũng đã bắt nhịp được với cuộc đua của những con số trong sổ điểm. Bây giờ, những đứa trẻ sinh ra đều phải là thiên tài. Khi tôi lớn lên, “trẻ con” xa lạ với “thiên tài”. Những đứa trẻ quanh tôi chỉ quen với những bài đồng dao mỗi sáng và mỗi tối, với đất đai và cỏ cây. Bây giờ, mười lăm năm sau, những đứa trẻ ấy đang học tiến sĩ ở nước ngoài, khi chưa đầy 30 tuồi. Bây giờ, những đứa trẻ ấy là kiến trúc sư, giảng viên đại học, nhà báo và nhạc sĩ, vẫn sống hạnh phúc với mỗi ngày đang đến và những câu đồng dao trong kí ức.

Cũng như tôi, họ vẫn nhớ bài đồng dao về chiếc đồng hồ: Lúc la lúc lắc/ Tích ta tích tắc/ Ngày ngày đêm đêm/ Chỉ giờ chỉ khắc/ Người đời nhờ tôi/ Lúc làm lúc chơi/ Có giờ có giấc/ Ngày thức đêm ngơi.

Khi nhìn vào chiếc đồng hồ, bạn nhìn kim nào trước? Kim giờ hay kim phút? Tôi thì nhìn kim giây. Tôi thích những chiếc đồng hồ có kim giây. Khi chiếc đồng hồ còn chạy tốt, đó là chiếc kim duy nhất chuyển động bất cứ lúc nào ta nhìn vào mặt đồng hồ. Nó báo hiệu sự sống. Bây giờ, người ta ngày càng thích giản đơn, và những nhà sản xuất đồng hồ nhiều lúc bỏ quên mất chiếc kim giây.

Tôi thấy buồn vì người ta đã bỏ quên những khúc đồng dao đâu mất, loại chúng khỏi cuộc sống của trẻ con, xoá chúng khỏi ký ức của người lớn. Khi người ta còn nhớ về tuổi thơ, là người ta còn có thể sống tốt đẹp. Trở về với đồng dao, là trái tim ta trở về với niềm hứng khởi nguyên sơ và ngời sáng. Tình yêu cuộc sống bỗng trỗi dậy và được thanh lọc khỏi những bộn bề rác rưởi của bao nhiêu năm tháng bon chen.

Cuộc đời bắt đầu từ những điều nhỏ bé, thời gian bắt đầu từ một giây. Và nhân loại, chẳng phải bắt đầu từ trẻ con đó sao?!

Nhong nhong nhong xách dép chạy rong
Đem cuộc sống lên bàn cân…nghiêng choáng váng
Mệt mỏi, lo toan, muộn phiền chênh vênh về một hướng
Bước xuống đời với cảm giác muốn ngủ quên.

Nhong nhong nhong mang bình toong uống nước
Hớp một ngụm, hai ngụm, ba ngụm…
Sặc hơi men quá khứ nặng nề…
Chưa đã khát khi trong lòng còn uất ức.

Nhong nhong nhong mang đòn gánh trên vai
Gánh hằn hộc, sổ sàng, hỗn xược trọn cả hai đầu quang gánh
Đi bao xa cho hết đoạn đường đời?
Bỏ quang gánh…hằn đỏ cả hai vai…nhức nhối.

Nhong nhong nhong lên lầu cao hóng gió
Gió tự ti, mặc cảm cho một kiếp người
Đi về đâu khi đường trần ta chưa tìm ra lối?
Muốn ngủ quên ở một ngõ cụt không lối ra.

Nhong nhong nhong bước ra trời lộng gió
Hạt hy vọng được ươm từ tuyệt vọng
Cơn mưa rào tưới mát mầm xanh
Cuộc sống bắt đầu…
Là khi mầm cây lớn nhanh cùng cuộc sống
Nhuộm màu hồng cho mỗi bước ta đi.

 

Lệ Mai – GĐPT Từ Nghiêm

Bài khác nên xem

Một chuyện độc đáo về Anh

datthinh

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG VẪN CÒN BAY

Tâm Lễ

Tuệ Sỹ – DẪN VÀO THẾ GIỚI VĂN HỌC PHẬT GIÁO

phuocthanh