Gởi Chút Ngậm Ngùi – Giác Đạo

(Thành kính đảnh lễ Giác Linh Đại lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác)

                    Vậy là ngày mai đây, nhục thân Hòa Thượng sẽ nhập kim quan,

sau đúng một tuần, tin tức về sự viên tịch của Hòa Thượng  đã được loan báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông  Phật giáo.

                     Mấy chục năm trường  đăng đẳng, anh em chúng con  vẫn chưa được một lần  diện kiến lại  kể từ ngày Hòa thượng  trở gót ra đi, dù thời gian đó vẫn nuôi rất nhiều  hy vọng. Nay thì  một lần nữa Hòa Thượng đã thật sự xa tất cả rồi. Ở phương trời này chúng con chỉ  biết cúi đầu ngưỡng vọng về một tượng đài sáng đẹp hiển hiện trên cõi thế này  suốt 86 năm trường với 66 hạ lạp rực sáng.

                     Chúng con không dám nói nhiều về công hạnh hy sinh to lớn của Hòa thượng cho Đạo Pháp và Dân Tộc nhưng trên hết và  nổi bật nhất nơi công đức ấy chính là tính tuân thủ  kỷ luật  rất chặt chẽ. Cho đến những năm cưối đời tinh thần ấy càng luôn bộc lộ nơi  sự lăn xả cùng các công tác  Phật sự và từ thiện xã hội  nơi xứ người.

                     Vô thường không tiếp sức và từ chối ủng hộ cho Hòa Thượng tiếp tục sứ mệnh  của mình trên cõi thế này, như thể muốn nhắn gởi với  đàn hậu tấn hãy tiếp bước, làm tròn phận sự một sứ gỉả Như Lai. Ai rồi cũng phải thế, nhưng với Hòa thượng  làm sao mà chúng con có thể  bằng lòng với định luật  khắc nghiệt, đáng ghét đó?

                      Mấy mưoi năm trước, ngày Hòa Thượng từ giã chúng con, Hòa Thượng còn kịp để lại đâu đây trong  giảng đường chùa Ấn Quang những thanh âm chơn chất, hiền từ và rất  đặc trưng Nam Bộ bài giảng về pháp Tri Túc. Chúng con không nghĩ đó còn là hành trang chúng con mang theo trong  cuộc đời thời gian tiếp theo của mình, và nó quả thật  giúp ích rất lớn  trong nhận thức chúng con trước cuộc sống chật vật đầy lo toan cơm áo.

                       Sự Tri Túc mà Hòa Thượng  giảng hôm ấy rất vui, rất sâu sắc. Chỉ một cổ xe y áo  vua Ba Tư Nặc đem đến tinh xá dâng cúng  và với cuộc đối thoại  hào hứng giữa đức Thế Tôn với vị vua này, đã được Hòa Thượng biến cải thành câu chuyện vui, sau này khi có điều kiện tìm hiều sâu thêm kinh điển chúng con mới biết điều đó.

                      Nhớ nhất chi tiết  vị vua này nhận thấy  nhiều sa môn y áo đã cũ và sờn rách, bèn đem dâng cúng  một cổ xe  y áo mới. Và đây là cuộc đối thoại theo cách diễn giài của Hòa thượng:

                      Đức Thế Tôn nói: Quốc Vương chớ lo, coi vậy mà y áo cũ đó  mấy vị sa môn còn sử dụng được rất lâu.

                     Vua: Sử dụng hoài, rách nát thì bỏ ?

                     Đức Thế Tôn: Chưa! Vá chằng vá đụp lại mà mặc.

                    Vua: Vá hoài, hết vá được nữa thì sao?

                    Đức Thế Tôn: T hì làm mền mà đắp.

                    Vua: Rồi rách nữa, hết làm mền được thì chắc phải bỏ?

                   Đức Thế Tôn: Chưa! Hết làm mền  đắp được thì dùng làn nùi    giẻ lau chén bát.

                    Vua: Rồi hết lau chén bát được thì bỏ?

                  Đức Thế Tôn: Chưa! Hết lau chén bát được thì dùng làm nùi giẻ lau nhà lau chân .

                   Vua:Rồi lau nhà lau chân  hết được chắc chắn hết làm gì được nửa phải bỏ?

                 Đức Thế Tôn : Chưa! Khi hết dùng lau nhà lau chân được nữa thì bầm to bầm nhỏ nó ra, trộn với đất, trét lên làm vách nhà mà ở!

 

                 Phương ngữ Nam Bộ của Hòa Thượng nhấn mạnh  từng chữ cuối như thế không khòi  gây bật cười và thú vị. Ai cũng hiếu, không nhanh thì muộn, có khi cái sự muộn này kéo dài mãi trong cưộc sống, đối mặt với bao  sự ma sát. Chúng con thuộc thành phần này .

                 Có những khi anh em chúng con đi sinh hoạt về trể, không về thay đồ mà đạp xe thẳng vào Ấn Quang cho kịp  giờ Hòa Thượng giảng. Khi chuông trống Bát Nhã báo chấm dứt thời pháp, chúng con đến chào  thì Hòa Thượng  vỗ vai từng đức  nói “Chừng nào quởn kéo cả đòan vô chùa Thầy sinh hoạt  ha. Ở chùa Thầy có bông sen trắng, đẹp lắm”.

                 Khi được  mở lời như thế thử hỏi ai không  phấn khởi và tự hào với chung quanh. Thế mà sự ỷ lại và điều kiện  di chuyển không cho phép, đã chặn đứng  những bước chân đến với dịp may hiếm có ấy, để rồi không lâu sau đó chúng con ngỡ ngàng hay tin Hòa Thượng đã đi.

                Bây giờ thì sự ra đi ấy mới thật sự  đến với chúng con.

                 Chúng con  không biết  chùa Pháp Luân , không biết thành phốHouston,Texasnhư thế nào, trong tâm khảm chúng con chỉ có một Hòa Thượng Thích Hộ Giác  hiền hòa từ tốn còn đứng đâu đó  trong một góc giảng đường chùa Ấn Quang như  độ nào. Và chỉ có như thế mà thôi.

                  Ngày nhập kim quan, từ nơi xa xăm, chúng con xin vọng niệm  lời ai điếu này kính viếng Giác Linh Hòa Thượng. ngưỡng mong Hòa Thượng  hồi nhập ta bà để tiếp tục dìu đỡ chúng con trên bước đường tu học.

                  Nếu cho phép người Phật tử được nói lời ái lụy thì chúng con  xin được phép nói rằng  Hòa Thượng mất đi  là  phật giáo VN mất một viên ngọc  minh châu  quý giá.

 

Cầu nguyện Giác linh Hòa Thượng  Cao Đăng Phật Quốc.

 

 

GiácĐạo DƯƠNG KINH THÀNH

Bài khác nên xem

BỒ TÁT ĐỜI CON.

Linh Nguyên

Vọng bái Chơn linh anh Tâm Đắc – Phan Văn Ngậc

Huệ Quang GĐPTVN

Hoài niệm về Anh!

phuocthanh