Giáo pháp của Đức Phật tuyên thuyết là một sự trải nghiệm sinh động mang tính ứng dụng rất thiết thực chứ không phải là những giáo thuyết nặng phần lý luận, những giáo điều khô cứng. Vì vậy để thực hành giáo pháp của Đức Phật một cách có hiệu quả, chư tổ đã đề ra giáo lý TỨ Y, nói đầy đủ là Tứ Y và Tứ Bất Y, (bốn điều cần nương theo và bốn điều không nên nương theo). Đó là:
1.Y pháp bất y nhân: Tức là chỉ nương theo giáo pháp mà tu tập chứ không y cứ theo người nói pháp. Vì pháp là chân lý do chính Đức Phật trực tiếp chứng nghiệm và tuyên thuyết, tuy các đệ tử hậu duệ của ngài thì nói lại lời của Phật nhưng việc hành trì thì có thể chưa đạt đến như ngôn thuyết. Chúng ta là kẻ hậu sinh chỉ biết nghe pháp qua lời thầy, tuy nhiên nếu vị thầy nói pháp chưa hẳn là mẫu mực và có đời sống phạm hạnh thì ta cũng không nên vì đó mà có định kiến, cố chấp để rồi mất đi cơ hội được nghe chánh pháp. Vì pháp chánh là đạo, trước khi đức Phật nhập diệt ngài khuyên chúng đệ tử sau khi ta nhập diệt các con hãy nương theo giáo pháp mà tu hành. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói cụ thể hơn về vấn đề này, y pháp bất y nhân có nghĩa là y chỉ vào Pháp tánh tức Phật tánh, vì pháp tánh thường trụ, không y chỉ vào người (nhân) vì là hữu vi tức vô thường, sanh diệt.
2.Y nghĩa bất y ngữ: Y nghĩa là y theo nghĩa lý của kinh chứ đừng chấp vào văn tự. Đức Phật giảng pháp thường dùng những ngôn ngữ ẩn dụ cao siêu để tuyên tuyết về một chân lý nào đó, nên học phật thì phải y theo giáo nghĩa mà thực hành, nếu chỉ y theo ngôn ngữ, văn tự mà làm thì đôi khi không đúng với ý chỉ của Phật.
3.Y trí bất y thức: Là nương theo trí tuệ, không nương theo vọng thức phân biệt. vì chỉ có trí tuệ mới nhận chân được chân lý, từ đó chúng ta nương theo mà tu tập, đoạn trừ phiền não, vượt thoát khổ đau và chứng ngộ chân lý. Còn vọng thức phân biệt hoặc kiến thức thế gian thì thường chỉ là sự hiểu biết có giới hạn và do ngã chấp nên không hiển lộ được chân lý khách quan.
4.Y kinh liễu nghĩa bất y kinh bất liễu nghĩa: Là chỉ nương theo kinh điển chỉ rõ việc tu tập tiến tới quả vị giải thoát. Theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, kinh điển được Phật tuyên thuyết tùy căn cơ chúng sanh nên có cao thấp, khác biệt. Dù mục tiêu cứu cánh vẫn là giải thoát sanh tử, song trên tinh thần phương tiện thì những kinh điển thuyết minh về con đường thể nhập Nhân thừa,Thiên thừa v.v… được gọi là kinh bất liễu nghĩa (chưa nói hết ý nghĩa thâm diệu, toàn triệt của giáo pháp). Những kinh điển chỉ thẳng đến quả vị giải thoát viên mãn (Phật quả) là kinh liễu nghĩa.
Giáo lý TỨ Y là một pháp thù thắng giúp cho người tu tập biết cách ứng dụng Phật pháp một cách thông minh và không sợ đi lệch hướng. Tất cả các pháp phương tiện nếu biết thực hành một cách linh hoạt và uyển chuyển theo từng căn cơ, hoàn cảnh, thì sẽ mang lại một sự lợi ích thiết thực nhất trên hành trình tu tập theo giáo pháp Như Lai..
Hiểu được giáo lý TỨ Y một cách thấu triệt như vậy thì trên hành trình tu tập người phật tử sẽ giữ vững đức tin vào giaó pháp của Phật mà không bị giao động bởi những ma chướng của thế gian.
Hiện nay đang có một chiến dịch tập kích truyền thông nhằm triệt hạ uy tín của Phật giáo và làm mất niền tin ở tín đồ. Chiến dịch tập kích truyền thông này nhắm vào một vài sự kiện Phật giáo được tổ chức ở một địa phương nào đó hoặc một vài cá nhân trong lúc hành đạo có phần khiếm khuyết, lệch lạc rồi tập trung vào khoách đại, phát tán, bình luận bêu rếu, xuyên tạc, nhục mạ…, cuối cùng họ la toáng lên là Phật giáo đã đến thời mạt pháp, ma tăng hoành hành, cổ xúy mê tín dị đoan, xúi dục tín đồ làm những việc mê muội v.v…. Những bài viết này xuất phát từ giới truyền thông bẩn, những người vốn không có thiện cảm với Phật giáo, hoặc những người muốn hạ nhục Phật giáo vì một mưu đồ lẩn khuất nào đó. Dĩ nhiên là với những người muốn đạt đến mục đích bêu rếu đạo Phật thì họ dùng nhiều phương tiện để phát tán và lôi kéo nhiều người a dua theo. Đòn phép của họ tuy cũ nhưng rất hiệu quả, để xuyên tạc sự thật về một vài sự kiện Phật giáo mới được tổ chức mà họ cho là sai trái, cắt ghép hình ảnh cũ ở một nơi nào đó rồi lồng vào sự kiện mới xảy ra, sau đó phát tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Để thu hút và và thuyết phục người đọ, họ cũng trang bị cho mình một số kiến thức về giáo lý đạo Phật để chứng minh rằng họ là phật tử hay ít ra họ cũng là người am tường giáo lý đạo Phật , nhưng chiêu trò này đã thuyết phục được người phật tử sơ cơ hoặc người không am tường giáo lý chứ những người có hiểu biết khá thấu đáo thì nhận ra ngay đây chỉ là những kẻ “biết một mà không biết mười”, đem giáo lý đạo Phật ra để khoe mẽ với người thiếu hiểu biết chứ thực ra họ cũng chỉ là những người mù rờ voi mà thôi!.Những người nhẹ dạ cả tin, kể cả những người được xem là phật tử cũng hùa theo than thở Phật giáo đang thời mạt pháp thật. Thế là họ đã rơi vào bẫy truyền thông bẩn và những kẻ đố kỵ, ganh ghét chủ trương đánh phá Phật giáo vì những mục đích, âm mưu đằng sau được che dấu kỷ.
Nếu người phật tử kể cả những người không phải là phật tử có nhận định sáng suốt và tìm hiểu thật cặn kẻ thì thấy rằng Phật giáo du nhập vào nước ta đã hai ngàn năm và văn hóa, giáo lý đạo Phật đã hòa nhập với văn hóa bản địa để trở thành cái mà hôm nay chúng ta gọi là HỒN VIỆT là BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC và đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt từ bao đời nay. Cho nên dù người Việt hiện nay có theo đạo nào đi nữa thì trong tâm thức họ vẫn tin tưởng vào giáo lý nhân quả, nghiệp báo, luân hồi của đạo Phật và cũng chính những giáo lý đó đã tạo nên một xã hội Việt Nam sống nhân văn, nề nếp trật tự, kỷ cương, đạo đức luân lý xã hội được duy trì qua hàng ngàn năm. Một xã hội thực hành đức trị dựa theo giáo lý đạo Phật thì sẽ tạo ra một xã hội yên bình và hạnh phúc, vì con người vốn sợ nhân quả và nghiệp báo nên không làm những điều xấu ác mà ngược lại tự nguyện thực hành những điều thiện lành để tránh gặt quả ác và nghiệp báo xấu đến với mình.
Người phật tử cần tỉnh táo với cái bẩy truyền thông đánh phá Phật giáo đang bủa vây khắp nơi như lưới nhện. Hãy bình tâm mà suy xét đừng có hùa theo những bài viết bêu rếu đạo Phật rồi a tòng theo la toáng lên Phật giáo đã đến hồi mạt pháp. Những hiện tượng lệch lạc trong việc hành đạo thì thời nào cũng có, những vị tu sĩ cũng đang trên lộ trình tu tập, chưa phải là người đã chứng đạo nên đôi lúc hành xữ theo cảm tính, hoặc một việc làm sơ suất nào đó bị truyền thông bẩn rình rập, theo dõi rồi khuếch đại và phát tán tạo dư luận xấu trong xã hội. Truyền thông bẩn và các phần tử chủ trương đánh phá đạo Phật đã từng tạo ra tội ác, vì họ đã khiến cho một số tu sĩ vì trót lỡ lầm hoặc bị mắc bẫy của kẻ xấu phải tiêu tan đạo nghiệp như một vài trường hợp đã xảy ra trước đây.
Mấy ngàn năm giáo pháp của Đức Phật vẫn ngày một tăng huy và lan tỏa khắp toàn cầu, giáo pháp ấy vẫn rạng ngời chân lý dù cho biến thiên của thời cuộc, dù cho khoa học phát triển đến đâu thì giáo pháp của Phật vẫn là chân lý không cần điều chỉnh, trong khi giáo lý của một vài tôn giáo khác đã phải điều chỉnh lại vì những có những điều không còn đúng thực tế và không còn phù hợp với với một xã hội văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại. Dù cho có bị bất kỳ một thế lực ngầm nào đó chủ trương đánh phá Phật giáo bằng cách vin vào sự sai lầm của một vài sự kiện, một vài cá nhân thì Phật giáo vẫn duy trì và phát triển được tinh hoa của mình. Hiện nay trong sinh hoạt Phật giáo đa số các chùa, các tu viện, thiền viện trong đó Tăng Ni vẫn nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành và giữ vững thanh quy, có những cao tăng thạc đức vẫn âm thầm truyền bá ánh đạo vàng đi muôn nơi mà không cần người khác biết. Hiểu biết như thế để người phật tử kiên định đức tin vào chánh pháp và tin tưởng chánh pháp vẫn trường tồn. Những kẻ xấu đang tìm mọi cách để triệt hạ đạo Phật bằng những mưu đồ đen tối đồng thời tìm cách lôi kéo nhiều người tin theo. Phật giáo đối với dân tôc Việt Nam như là một cây bồ để đã đâm hoa kết trái hai ngàn năm nay, bóng mát của cây bồ đề đó đã bao trùm khắp đất nước. Hầu như mỗi một người Việt nào cũng được thụ hưởng bóng mát đó, chỉ có những kẻ đánh phá Phật giáo mới khuếch đại những cây tầm gửi nhỏ nhoi bám trên cây bồ đề rồi lu loa lên rằng đạo Phật là thế đó, chỉ có những kẻ âm mưu đánh phá Phật giáo mới tìm kiếm và phóng đại những con sâu nhỏ đang bám vào cây bồ đề đã hai ngàn năm tuổi rồi rêu rao Phật giáo là những con sâu “vĩ đại” đó.
Hơn lúc nào hết người phật tử chúng ta vẫn luôn kính tin Tam Bảo với niềm tin bất hoại, trong lịch sử hoằng pháp Phật giáo đã bị liên tục bị đánh phá bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau nhưng ánh đạo vàng vẫn ngày càng tỏa rạng…
Tôi xin mượn lời của nhà bác học vĩ đại Albert Einstein để kết thúc bài này: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được các điều kiện đó” (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description). (Albert Einstein, trích dẫn trong Madalyn Murray O’Hair).
Tâm Lễ
(Bài đã đăng trên trang: thuvienhoasen.org/a38221/giao-ly-tu-y-trong-dao-phat)