Chuyện Nước bỏ người Già

Khi ngài A-nan đến xin nước uống, một thiếu nữ Thủ-đà-la ngần ngại không dám đưa, vì mình là giai cấp hạ tiện. Ngài A-nan bảo: “Tôi xin nước uống chứ không xin giai cấp”. Đức Phật ra đời không chỉ giải phóng cho con người thoát khỏi cảnh khổ đau của kiếp nhân sinh mà còn chữa trị căn bệnh nhọt ung nằm ngay trong lòng xã hội xứ Ấn từ ngàn xưa, là phân chia giai cấp, người nữ bị khinh miệt, những định chế, luật lệ phi lí…

 Ngài đã mở mắt cho mọi người thấy sự bất công trong cuộc sống đương thời và phán định giá trị phương thức giải quyết vấn đề thế nào.

Xin giới thiệu chuyện “Phá bỏ luật pháp sai lầm” (chánh văn “Khí lão quốc duyên 棄老國緣 – chuyện Nước bỏ người già”, trong kinh Tạp bảo tạng quyển 1, trang 449a27, Đại Chánh 4, số hiệu 203.

TOÁT YẾU NỘI DUNG CHUYỆN

Khi đức Phật ở tại nước Xá-vệ, Ngài dạy các Tỳ-kheo:

– Nếu ai cung kính người già cả thì được lợi ích lớn, như: những điều chưa nghe thì được nghe hiểu, tiếng tăm vang xa, được người trí kính trọng. Chính Ta cung kính cha mẹ, các bậc kỳ túc trưởng lão đâu chỉ ngày hôm nay, mà trong vô lượng kiếp ở quá khứ, Ta cũng từng làm như vậy.

Các Tỳ-kheo thưa hỏi Phật:

– Kiếp quá khứ, Thế Tôn cung kính cha mẹ như thế nào?

Đức Phật kể:

– Ở kiếp quá khứ lâu xa, có một nước tên là Bỏ người già (khí lão). Nước này, hễ có người già cả đều bỏ đi thật xa. Trong nước có một vị đại thần thấy cha mình đã già, vì lòng hiếu thuận không nỡ làm vậy; cho nên ông đào một cái hầm bí mật để người cha trong đó, tùy thời phụng dưỡng.

Một hôm, có một thiên thần bắt hai con rắn đến trước điện của vua và nói, nếu nhà vua phân biệt được con nào đực, con nào cái thì đất nước được bình yên. Nếu không phân biệt được thì sau bảy ngày nữa sẽ bị tiêu diệt tất cả. Nhà vua lo buồn, liền triệu tập quần thần thảo luận nhưng không ai phân biệt được. Vị đại thần kia mới về hỏi cha mình. Người cha nói, chuyện đó dễ biết thôi:

– Hãy để con rắn lên trên một vật mềm mịn, nếu thấy con nào cựa quậy thì đó là con đực; con nào nằm yên đó là con cái.

Vị đại thần tâu lại nhà vua, quả nhiên nhà vua phân biệt được. Vị thiên thần lại hỏi nhà vua:

– Ai đang ngủ mà gọi là thức? Ai đang thức mà gọi là ngủ?

Nhà vua cũng không thể hiểu. Vị đại thần kia lại về hỏi cha. Người cha giải thích:

– Đối với những vị học giả, người phàm phu gọi họ là thức, nhưng các bậc A-la-hán thì cho họ là những người đang ngủ.

Thiên thần lại hỏi:

– Làm sao có thể biết, nước trong một bụm tay nhiều hơn nước trong biển cả?

Nhà vùa cùng quần thần luận nghị cũng không hiểu. Vị đại thần về hỏi cha, ông giải thích:

– Ý ấy rất dễ hiểu. Nếu người có tín tâm thanh tịnh, lấy một bụm nước để cúng dường Phật, chúng Tăng, cha mẹ và các bệnh nhân nguy cấp. Nhờ công đức này, trải qua mấy ngàn vạn kiếp, người đó thọ hưởng phước vô cùng. Còn nước biển tuy nhiều nhưng chẳng hơn một kiếp rồi nó cũng khô cạn. Theo đó mà xét, một bụm nước nhiều gấp trăm ngàn vạn lần so với nước trong biển cả.

Vị đại thần đem ý của cha trả lời với thiên thần, vị thiên thần chấp nhận. Vị thiên thần lại hóa thành một người đói khổ, chỉ còn da bọc xương, đến hỏi:

– Ở thế gian có người nào đói khổ, ốm gầy như tôi không?

Cũng vậy, vị đại thần lại về hỏi cha. Người cha trả lời:

– Thế gian có người tham lam, bỏn xẻn, ganh ghét, không tin Tam bảo, không phụng dưỡng cúng dường cha mẹ, sư trưởng, nên đời sau phải đọa trong loài ngạ quỷ, cả trăm ngàn vạn năm không nghe nói đến tên cơm nước chi cả… người này khi chuyển động thì các khớp xương bốc ra lửa. Người này đói khổ kịch liệt hơn người kia gấp trăm ngàn vạn lần.

Câu hỏi đã được trả đáp. Vị thiên thần lại hóa làm một người tay chân bị trói, trên đầu bị niền, trong thân phun lửa, cả người cháy rực như bó đuốc, lại hỏi:

– Thế gian có người nào khổ sở như tôi chăng?

Nhà vua và các quần thần không trả lời được. Vị đại thần về hỏi cha, người cha nói:

– Ở thế gian, có người bất hiếu cha mẹ, nghịch lại sư trưởng, phỉ báng Tam bảo… đời sau phải đọa vào địa ngục núi đao, rừng kiếm, lò than… chịu nhiều đau khổ không thể kể hết. Lấy đó mà so sánh thì khốn khổ hơn người kia gấp trăm ngàn vạn lần.

Vị thiên thần lại hóa ra một người nữ đoan chánh xinh đẹp hơn người thế gian, rồi hỏi:

– Ở thế gian có người nào đoan chánh như tôi chăng?

Vị đại thần về hỏi cha. Người cha nói:

– Thế gian có người kính tín Tam bảo, hiếu thuận cha mẹ, tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục… sẽ được sanh thiên. Người này đoan chánh xinh đẹp hơn người kia nhiều.

Vị thiên thần lại lấy cây chiên đàn vuông vức ngay thẳng, hỏi:

– Cây này phần nào là đầu?

Vị đại thần lại hỏi cha, người cha trả lời:

– Hãy ném khúc cây ấy xuống nước, hễ phần gốc thì chìm, còn phần đầu thì nổi.

Vị thiên thần lại dẫn hai con ngựa trắng hình sắc hoàn toàn giống nhau, lại hỏi con nào là mẹ, con nào là con?

Vị đại thần về hỏi cha, người cha giải thích:

– Hãy lấy cỏ cho chúng ăn. Nếu là con mẹ sẽ nhường cỏ cho con ăn.

Những câu hỏi như vậy đều được giải đáp, vị thiên thần rất vui, ban tặng cho quốc vương những châu báu quí giá và nói với nhà vua:

– Tôi sẽ bảo hộ quốc thổ cho nhà vua, không cho kẻ địch bên ngoài xâm hại.

Nhà vua quá vui mừng, mới hỏi vị đại thần:

– Nước nhà hôm nay được bình an và có thiên thần ủng hộ là nhờ tài trí của khanh đó! Nhưng những câu trả lời đó có ai bày khanh không, hay khanh tự biết?

Vị đại thần tâu:

– Mong Hoàng thượng tha tội thì hạ thần mới dám thưa.

Vua nói:

– Nếu khanh có vạn tội đi nữa trẫm cũng tha, huống chi một chút tội nhỏ.

– Tâu Hoàng thượng! Thần có người cha già không nỡ bỏ đi, đã qui phạm phép nước đem giấu cha dưới hầm. Những lời giải đáp ấy đều nhờ tài trí của cha thần.

Nhà vua quá vui mừng vì người cha già đã cứu nguy cho quốc gia. Nhà vua liền ra lệnh mọi người trong thiên hạ không được bỏ người già nữa, phải hiếu dưỡng cha mẹ. Nếu ai bất hiếu sẽ bị tội lớn.

Đức Phật bảo:

– Người cha lúc ấy chính là Ta. Vị đại thần kia là Xá-lợi-phất. Còn vị vua lúc ấy là vua A-xà-thế, vị thiên thần là A-nan.

LỜI KẾT

Christian Andersen (1805-1875), nhà văn người Đan Mạch nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết lên”.

Do chính cuộc sống viết lên nên những câu chuyện cổ tích nửa thần thoại, nửa thực tế còn in đậm trong lòng người đất Ấn, và lưu truyền khắp phương xứ Á Đông. Ai đã viết những câu chuyện này? Phải chính do những vị Tỳ-kheo sống cùng thời với đức Phật, hoặc sau đó vài mươi năm mới am hiểu đời sống người quê, chuyện dân gian bản xứ, những tập tục lâu đời ở Ấn Độ, viết theo cung cách truyền bá đạo Phật mà tập đại thành bộ “Văn chương tự sự” này.

Trong xã hội nguyên thủy xa xưa, nền văn minh còn thấp kém, khó khăn về sinh tồn, khi gặp hiểm ác, vứt bỏ lại người già ốm đau là khá phổ biến. Ở Ấn Độ cổ xưa còn có tục lệ, những người già yếu thường bị người ta lấy đất sét sông Hằng nhét vào miệng, vào mũi rồi ném xuống sông. Thời đó không có ý niệm gì về đạo đức, họ cho rằng nên làm như thế. Chuyện nước “bỏ người già” trong kinh nói đến cũng không ngoài tục lệ đó. Khi đạo Phật ra đời, đặt nền đạo đức thực tiễn trên những giá trị siêu việt, phát huy hết ý nghĩa trọn vẹn của nó trong liên hệ hòa điệu giữa con người và xã hội. Và trên phương diện thực tế, muốn có tình thương yêu hết thảy chúng sanh thì phải bắt đầu từ tình thương yêu trong gia đình giữa cha con, mẫu tử, chồng vợ, anh em với nhau. Cho nên vị đại thần bất tuân thủ phép nước, giữ lại người cha già để phụng dưỡng là thể hiện nhân cách đạo đức ấy.

Trong kinh Trường A-hàm, Du hành kinh phần 2 (D. 16 Mahāparinibbāna sutta) có ghi chép rằng (bản Hán và Pāli giống nhau), khi dân tộc Bạt-kỳ (Vajji) thành lập nước cộng hòa, có đến hỏi ý kiến Phật, đức Phật chỉ bảo 7 điều kiện để kiện toàn quốc gia, điều thứ 4 là kính trọng các bậc già cả trong nước, nghe theo ý kiến của họ (bản Hán: hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng). Do vậy mà trong văn kinh chuyện “nước bỏ người già”, khi vị thiên thần ra những câu đố, cả triều đình đều nan giải, chỉ có người cha già của vị đại thần mới trả lời thông suốt. Trong chuyện còn lặp đi lặp lại, người đau khổ nhất là người bất hiếu cha mẹ, và người phụ nữ đoan chánh là người hiếu thuận cha mẹ, v.v… Tức tôn chỉ của Phật, muốn kiến thiết một nền thịnh trị cho một đất nước phải đứng trên đạo đức, thiếu đạo đức, thiếu sự tôn kính người già thì đất nước có thể suy vong; suy vong theo cách nói ẩn dụ trong chuyện là xuất hiện một nhân vật thiên thần nói với nhà vua, nếu không trả lời được những câu hỏi thì sau bảy ngày cả nước bị tiêu diệt. Những câu đố mà vị thiên thần đưa ra, một phần dành cho người già từng trải nghiệm trong cuộc sống thường nhật mới am tường; một phần chỉ có người tu mới thể nghiệm, nhận thức được, hay nói cách khác các Tỳ-kheo đưa giáo lý đạo Phật vào truyện để giáo hóa dân gian.

Chung cùng, người cha già của vị đại thần là hiện thân một con người chân tu, một tấm gương đạo đức vô hành, ngồi một chỗ mà mang lại an lạc cho quốc gia, vì lời nói hợp với nguyên lí đạo đức. Chính ông đã chứng minh được khả năng của con người, chứng minh được tính cách khả hành của giáo lý đức Phật. Và người cha già là tiền thân của đức Phật, tức cũng muốn nói lên Phật giáo lấy sinh hoạt đạo đức làm yếu tố tôn giáo, người thế tục nhờ sự tu tập đạo đức mà dần dần tiến đến địa vị bậc Đại giác.■

Đã đăng: Tập san Pháp luân 58

 

Bài khác nên xem

Kinh Vu Lan Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch giải

phuocthanh

Phật Pháp với Tuổi Trẻ: Bài số 30″Con đường Bồ Tát”

phuocthanh

Tranh Chăn Trâu Đại Thừa và Thiền Tông – Thích Tuệ Sĩ

phuocthanh