Bhimrao Ramji Ambedkar người đã giúp cho Phật Giáo hồi sinh ở Ấn Độ
Phật giáo hoàn toàn biến mất trên bán lục địa Ấn độ từ thế kỷ XIII. Hơn bảy thế kỷ nằm im trong quên lãng, Phật giáo đã hồi sinh trên phần đất này. Sự hồi sinh đó nhờ vào công trình của một con người khác thường là Bhimrao Ramji Ambedkar (1892-1956), một Phật tử trung kiên sinh ra từ giai cấp tiện dân, nhưng đã trở thành bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ Nerhu, và là cha đẻ của bản hiến Pháp Ấn độ ngày nay.
Sức tàn phá của các đạo quân Hồi giáo và sự suy tàn của Phật giáo trên đất Ấn
Triều đại Pala được thành lập trên đất Ấn vào năm 750, là một triều đại che chở cho Phật giáo, nhưng lại suy vi khi bước vào thế kỷ thứ XI. Khi một đế quốc đã suy tàn thì không còn đủ sức để chống giữ biên cương, vì thế các đạo quân Hồi giáo từ Apganixtan tràn vào cướp bóc và tàn phá miền tây nước Ấn, đói kém hoành hành, dân chúng chạy loạn khắp nơi. Tăng đoàn Phật giáo cũng tản mác theo dân chúng, ngược lên Tây tạng hoặc di tản sang phía đông trong vùng thủ phủ Ma-kiệt-đà, hoặc vượt biển sang Inđônêxia. Trong số những tăng sĩ vượt đèo lên Hy-mã-lạp-sơn có một vị rất nổi tiếng là đại sư A-đề-sa (Atisa), vị này được xem là người đã phục hồi Phật giáo ở Tây tạng, vì trước đó Phật giáo đã gần như bị tận diệt dưới sự ngược đãi của vương quyền.
Bước sang thế kỷ XII, không còn một vương quốc Ấn độ nào đủ sức ngăn chận các đạo quân Hồi giáo, và vào năm 1192 thủ phủ Delhi bị các đạo quân Thổ nhĩ kỳ và Apganixtan chiếm đóng. Các vị vương công (sultan) người Thổ nhĩ kỳ và Apganixtan lại tiếp tục xua quân tiến sang phía đông, và vào cuối thế kỷ XII thì toàn thể thung lũng sông Hằng đều bị các đạo quân Hồi giáo chiếm đóng. Chùa chiền, tu viện Phật giáo cũng như các đền thờ Ấn giáo đều bị tàn phá, tăng sĩ Phật giáo bị giết hại. Các tu viện đại học thuộc Đại thừa và Tan-tra thừa như Na-lan-đà, Odantapuri và Vikramashila… đều bị san bằng. Odantapuri và Vikramashila là hai tu viện lớn, tương đương với Na-lan-đà, do nhà vua Dharmapala (783-820) thành lập dưới triều đại Pala, trong mỗi tu viện số tăng sĩ lên đến hơn mười hai ngàn người, ngày nay chỉ còn lưu lại những vết tích trong tiểu bang Bihar. Phật giáo chỉ còn rơi rớt lại trong dân gian dưới hình thức các nghi lễ truyền thụ của Tan-tra thừa (Mật tông) do những cư sĩ đảm trách, nhưng cũng mai một dần. Nhà du hành người Ý Marco Polo khi đến Ấn độ vào thế kỷ XIII có ghi chép rằng Phật giáo đã biến mất, chỉ còn lại một số di tích điêu tàn mà thôi.
Trong khi Phật giáo biến mất trên đất Ấn vì các đạo quân xâm lược, thì Ấn giáo lại vượt qua được sự tàn phá của các đạo quân này. Chẳng qua vì sự phân chia giai cấp của Ấn giáo đã ăn sâu vào các tầng lớp xã hội kèm theo những nghi lễ và thói tục dân gian, tất cả những thứ ấy rất khó xóa bỏ. Đồng thời Ấn giáo cũng không có những tổ chức đồ sộ, tập trung đông đảo các thành phần giáo sĩ, dễ bị tiêu diệt như trường hợp của Phật giáo. Vì thế khi các đạo quân Hồi giáo san bằng chùa chiền và các tu viện đại học, giết hại tăng đoàn thì Phật giáo cũng biến mất theo. Ấn giáo tuy có bị ngược đãi nhưng nhẹ tay hơn vì Ấn giáo tôn thờ kinh Vệ-đà như một thứ « Thánh kinh », tương tự như người Hồi giáo đối với kinh Coran và đạo Dô-rô-át (Zoroastrism) đối với Thánh kinh của họ. Dô-rô-át là một tôn giáo cổ phát sinh từ thế kỷ thứ I trước công nguyên, thờ một vị Trời sáng tạo là Ahura Mazdà. Đạo này từng phát triển trong các vùng Cuốcdixtan (Kurdistan), I-ran, I-rắc, Xiri (Syrie) ngày nay, nhưng về sau đã bị thay thế dần bởi Hồi giáo bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII. Khác với Ấn giáo, Phật giáo là một tôn giáo « vô thần » nên bị truy lùng và tận diệt.
Ngày nay tuy Ấn giáo không bành trướng được ra bên ngoài lãnh thổ Ấn, nhưng vẫn ảnh hưởng một cách sâu đậm trong xã hội với tám mươi phần trăm dân số theo Ấn giáo. Sự kỳ thị và phân chia giai cấp do Ấn giáo chủ trương vẫn tiếp tục chi phối xã hội một cách nặng nề mặc dù chính phủ đã thực hiện nhiều cố gắng để loại trừ tệ nạn này. Xã hội Ấn độ được phân chia thành bốn giai cấp hay đẵng cấp theo thứ tự trên dưới như sau : 1- Brahmana : hàng giáo sĩ và lãnh đạo tôn giáo, 2 – Ksatriya : vua chúa, vương công, những người học thức uyên bác, 3 – Vaisya : các nghệ nhân, thương nhân, nông dân…, 4 – Sutra : những kẻ tôi đòi, hầu cận,… Ngoài bốn giai cấp vừa kể, còn một tầng lớp nữa không được xếp vào một đẳng cấp nào cả, đó là những tiện dân, những người thấp hèn, sống bên lề xã hôi không được trà trộn với các giai cấp khác. Theo Ấn giáo, nghiệp (karma) quyết định giai cấp bất di dịch của một cá thể suốt cuộc đời họ.
Bhimrao Ramji Ambedkar là ai ?
Ông sinh ngày 14 tháng 4, năm 1891 ở Mhow thuộc tiểu bang Madhya Pradesh, trong một gia đình tiện dân. Thuở nhỏ ông có trí thông minh khác thường và nhờ thế mà ông được vị vương công của tiểu bang Baroda, còn gọi là Badodara, chú ý và cho tiền đi học. Năm 1912 ông được nhận vào trường Elfinstone College ở Bombay, và sau đó lại được đưa sang Mỹ để học thêm. Ông đỗ tiến sĩ về kinh tế ở Đại học Columbia và sau đó sang Anh quốc tiếp tục học ở trường London School of Economies.
Khi trở về quê hương ông hoạt động chính trị nhưng không tránh khỏi những khó khăn vì nguồn gốc tiện dân của mình, khiến ông bị các giai cấp khác tìm đủ mọi cách ám hại. Tuy nhiên ông vẫn quyết liệt bênh vực và nhất định đứng về phía giai cấp tiện dân, bất đồng chính kiến cả với Gandhi về những các biện pháp thiếu quyết liệt để bảo vệ những người tiện dân, chẳng hạn như những đề nghị thiết lập luật bầu cử riêng và thành lập quốc hội riêng cho họ. Chủ trương của Bhimrao Ramji Ambedkar là đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối của người tiện dân trong xã hội. Ông tổ chức những cuộc kháng cự bất bạo động chống lại việc cấm người tiện dân không được phép bước vào các đền thờ Ấn giáo và uống nước ở các vòi nước công cộng, vì các hành vi ấy sẽ làm dơ bẩn đền thờ và ô nhiễm nước uống.
Khi người Ấn giành được độc lập, Nerhu đứng ra thành lập chính phủ đầu tiên và đã bổ nhiệm Bhimrao Ramji Ambedkar làm bộ trưởng tư pháp và giao cho ông trọng trách soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên cho nước Ấn. Ông đưa vào hiến pháp Ấn các điều khoản như sau : cấm tất cả mọi hình thức kỳ thị giữa các tầng lớp dân chúng, bình đẳng cho người tiện dân và bình đẳng cho người phụ nữ, tự do tôn giáo… Hơn nữa ông còn đưa ra nhiều biện pháp cải thiện vai trò của người phụ nữ trong xã hội, nâng đỡ người nghèo khó, giúp con cái họ được đi học, mọi người đều được quyền xin việc làm tương xứng với khả năng của mình, không được căn cứ vào giai cấp từ trước của họ.
Bhimrao Ramji Ambedkar (1892-1956)
Sự hồi sinh của Phật giáo ở Ấn độ :
Chịu ảnh hưởng các nền dân chủ Tây phương, B.R. Ambedkar chống lại toàn bộ hệ thống phân chia giai cấp trong xã hội Ấn. Ông bất đồng chính kiến với Gandhi khi Gandhi cho rằng phân chia giai cấp là phù hợp với Ấn giáo và cũng chính vì quan điểm quyết liệt này mà ông đã gặp nhiều khó khăn và thất bại. Là một người Phật giáo trung kiên ông nhất quyết bước theo con đường của Đức Phật, một con đường mở rộng để xoá bỏ mọi giai cấp và tất cả những hình thức kỳ thị. Chính Đức Phật đã xem sự phân chia giai cấp trong xã hội chỉ mang tính cách văn hoá, ý thức hệ và tín ngưỡng đơn thuần mà thôi. Đức Phật đặt con người ra ngoài mọi hệ thống gò bó và giả tạo, đưa người phụ nữ lên ngang hàng với nam giới. Ngài xem tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng với nhau trên phương diện tâm linh và đều có quyền như nhau trên đường giác ngộ. Tăng đoàn là một hình thức dân chủ, đón nhận tất cả mọi giai cấp trong xã hội.
B.R. Ambedkar quan niệm Phật giáo là một con đường giải thoát nhưng đồng thời cũng phải hướng Phật giáo vào những cải cách xã hội. Theo quan điểm của ông, Phật giáo còn là một nền triết học về đạo đức và đã thật sự đem đến cho ông một lý tưởng giúp ông dấn thân vào những hoạt động xã hội. Lý tưởng đạo đức đó hàm chứa vừa tính cách cá nhân lẫn tập thể, ảnh hưởng trực tiếp vào đời sống xã hội, vì thế ông thường xuyên bày tỏ ước vọng là Phật giáo sẽ có thể giúp con người đạt được lý tưởng đạo đức đó mà ông hằng mong ước. Ông hô hào những người tiện dân hãy trở về với Phật giáo vì đó là con đường có thể giải thoát cho họ. Ngày 14 tháng 10, năm 1956 có 380 000 người tiện dân xin quy y tập thể, quả thật đấy là một ngày lịch sử đã đánh dấu sự hồi sinh của Phật giáo trên đất Ấn. Nhưng tiếc thay, chưa đầy hai tháng sau đúng vào ngày 6 tháng 12 thì ông lại qua đời.
Phong trào xin quy y tập thể của người tiện dân tiếp tục lan rộng từ tiểu bang này sang tiểu bang khác nhưng đồng thời cũng có rất nhiều trở ngại lớn lao. Những trở ngại cấp bách nhất là không có tăng đoàn đủ khả năng hướng dẫn, không có chùa chiền, người tiện dân thì lại nghèo khó, không người lãnh đạo, không đủ phương tiện đóng góp vào những hoạt động tập thể. Những trở ngại khác là các cấp chính quyền Ấn giáo tìm mọi cách ngăn chận phong trào quy y của người tiện dân, họ cho rằng người tiện dân khi đã theo Phật giáo thì đương nhiên phải phủ nhận mọi quyền lợi mà nhà nước đã ưu đãi họ theo sự yêu cầu của B.R. Ambedkar. Gần đây hơn có một vị lãnh đạo khác là Udit Raj, sinh ngày 1 tháng giêng 1958, là một cựu công chức cao cấp trong chính quyền, nhưng ông đã từ chức và đứng ra thành lập một đảng chính trị gọi là đảng Công lý. Ông quy y Phật giáo ngày 4 tháng 11 năm 2001 và tiếp tục hô hào người tiện dân hãy tiếp tục trở về với Phật giáo và tổ chức những khoá ẩn cư cho họ.
Biến cố Tây tạng vào năm 1950 đã đưa hàng loạt người dân và cả hàng tăng lữ Tây tạng sang tị nạn ở Ấn độ. Họ tích cực xây dựng chùa chiền và thuyết giảng Đạo Pháp khắp nơi, đó cũng là một trợ lực không nhỏ cho phong trào quy y của người tiện dân Ấn độ. Sự hồi sinh của Phật giáo trên đất Ấn là một biến cố không thể phủ nhận đuợc, nhưng khó khăn còn nhiều. Một nền Phật giáo « phôi thai » còn lỏng lẻo, không tránh khỏi những hình thức thương mại như buôn bán ảnh tượng như những vật lưu niệm, thu hút người du lịch bằng những hình thức màu mè, và hàng tăng lữ còn bị mê hoặc bởi những tiện nghi vật chất.
Dù sao sự hồi sinh của Phật giáo trên đất Ấn cũng là một niềm hy vọng chung cho những ai mang hoài bảo muốn nhìn thấy một xã hội công bằng hơn, ít kỳ thị hơn và hạnh phúc hơn. Ngày nay người ta đã thấy rõ tiến bộ vật chất và những xu hướng bảo thủ và cực đoan đã và đang tàn phá xã hội con người như thế nào. Văn minh vật chất và các xu hướng tín ngưỡng cực đoan không thể giải thoát con người mà chỉ nô lệ hoá con người mà thôi. Giàu có vật chất sẽ tạo ra bất công, tham vọng và những xung đột ngấm ngầm, tất cả những thứ ấy ăn sâu một cách kín đáo vào các tầng lớp xã hội để tạo ra hận thù và lan tràn ra khỏi biên giới quốc gia để gây ra chiến tranh khắp nơi. Nếu những khối dân chúng đông đảo như Ấn độ và các quốc gia khác ở Á châu thực tâm quay về với Phật giáo, nhìn thấy giá trị của Từ bi và Đạo đức để cùng nhau tái lập sự công bằng, hài hoà và an vui trong xã hội, thì đấy sẽ là một niềm hy vọng chung cho mỗi người trong chúng ta, và biết đâu cái viễn ảnh ấy, cái sức mạnh ấy cũng có thể thay đổi được cả tương lai của nhân loại trên hành tinh này, hay ít ra cũng giữ được truyền thống tín ngưỡng của quê hương mình.
Bhimrao Ramji Ambedkar
Bures-Sur-Yvette, 25.11.08
Hoang Phong