VẤN ĐỀ TU-HỌC & PHỤNG SỰ LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

Có nhiều anh chị huynh trưởng có thói quen khi nào cũng than là quá bận rộn, không có thì giờ để tham dự một trại huấn luyện, một khóa học dành cho huynh trưởng, một ngày tu bát quan trai, không có thời gian để hạ thủ công phu hay lễ Phật, bái sám v.v…Cứ thế ngày tháng vẫn âm thầm trôi qua nhanh, hết ngày rồi đến đêm, hết xuân rồi sang hè, thu đến và đông sang, rồi lại xuân… Ngày tháng trôi qua vùn vụt, năm khác tiếp năm này tuổi đời ngày càng chồng chất, đường đời đã đổ bóng hoàng hôn nhận thấy công việc đã giảm bớt có thể bắt đầu tu, bắt đầu phụng sự, bắt đầu cống hiến cho lý tưởng được rồi, thì ôi thôi gối đã mỏi, chân đã chồn, sức khỏe đã suy hao, nhiệt huyết đã tàn lụi. Thế là lời hẹn mai kia mốt nọ khi công việc đời đã giảm thì sẽ bắt tay lo cho tâm linh, phụng sự lý tưởng đã không bao giờ thực hiện được. Bi kịch đó đã xảy ra cho rất nhiều anh chị huynh trưởng, thế nhưng lớp sau lại sa vào vết xe đổ của lớp trước mà không tự mình bứt phá mở ra một con đường mới mà không đi theo lối mòn cũ của đàn anh.
Một câu chuyện mang tính ẩn dụ độc đáo khiến cho ta nhiều suy ngẫm trong cách sống.
Một hôm vị thiền sư kêu đồ đệ mang cái bát ra rồi nói
-Con hãy bỏ đầy vào bát bằng những hạt sạn lớn
Đệ tử vâng lời lấy sạn bỏ đầy vào bát.
Thiền sư hỏi:- Bát đầy rồi có thể bỏ gì thêm được nữa không ?
-Không thể bỏ thêm được nữa, nếu bỏ thêm chúng cũng sẽ rơi xuống thôi thầy ạ,đệ tử trả lời
– Vậy con mang ít cát lại đây và bỏ nó vào bát. Thiền sư bảo đệ tử
Đệ tử lại mang cát đến, bỏ cát vào bát qua những kẽ hở giữa những hạt sạn. Không ngờ, bằng cách này, chiếc bát đựng thêm được khá nhiều cát cho đến khi chúng bắt đầu bị rơi ra ngoài.
-Vậy bây giờ đã đầy chưa?. Thiền sư già hỏi.
“Đầy rồi thầy ạ”, đệ tử trả lời.
-Vậy con tiếp tục đi lấy thêm ít nước và đổ vào bát. Thiền sư nói tiếp.
Người đồ đệ trẻ tuổi làm theo và đổ nước vào bát cho đến khi không còn một kẽ hở nào được nhìn thấy.
-Lần này đã đầy thật chưa? Thiền sư lại hỏi.
Vị đệ tử nhìn bát đã đầy nhưng không dám trả lời, vì anh ta không biết sư phụ còn có thể cho thêm cái gì khác vào chiếc bát đó.
Thấy vậy, thiền sư liền cười, nói: “Con đi lấy cho ta muỗng muối đến đây”. Và rồi ông bỏ muối vào nước, mực nước trong bát không hề bị tràn ra ngoài.
-Con nói xem việc này nói lên điều gì? Thiền sư hỏi đệ tử
-Con biết rồi, việc này nói lên rằng, thời gian chỉ cần dồn nén lại, chúng ta sẽ có.
-Đó không phải là điều ta muốn nói với con. Vị sư phụ già lắc đầu, nói:
Nói xong, ông liền đổ tất cả những thứ trong bát vào một cái chậu, để lộ ra một cái bát trống rỗng. Vừa chậm rãi làm, thiền sư vừa nói: “Lúc nãy chúng ta bỏ những hạt sạn vào trước, bây giờ chúng ta làm ngược lại, con xem sẽ thế nào nhé.”
Nói đoạn, ông bỏ một thìa muối vào trong bát, sau đó đổ nước vào. Đổ đầy rồi, ông tiếp tục bỏ cát vào, nước bắt đầu tràn ra. Và khi cát đã được bỏ đầy bát, lão thiền sư nói với tiểu đồ đệ: “Con xem, bây giờ có thể những hạt sạn lớn vào bát không?”
-Dạ không ạ. Đệ tử trả lời
Thiên sư giảng giải: “Nếu cuộc đời con là một cái bát, khi trong bát chứa toàn những thứ nhỏ nhặt như cát, nước, vậy thì những thứ lớn hơn như những hạt sạn chẳng hạn, làm sao con có thể bỏ vào bát được nữa?”
Nói đến đây, vị đệ tử trẻ tuổi mới thực sự hiểu hết ý đồ của thầy mình.
Trong cuộc sống cũng thế, nếu chúng ta không biết cách sắp xếp thời gian cho từng công việc một cách hợp lý thì luôn cảm thấy bận rộn và quá tải, không thể làm được việc khác. Ngược lại cũng với quỹ thời gian như thế nếu biết sắp xếp hợp lý thì việc gì cũng chu toàn. Vấn đề tu học của người huynh trưởng cũng không khác, nếu đợi đến lúc hoàn toàn rảnh rổi mới nghĩ tới việc tu học và phụng sự lý tưởng thì có thể không bao giờ chúng ta làm được.
Tâm Lễ

 

Bài khác nên xem

7.200 người nghe Đức Dalai Lama khai thị

phuocthanh

Huy Hiệu Lễ Hiệp Kỵ GĐPT Việt Nam 2015

ducquang

BHD GĐPT Lâm Đồng tổ chức Trại Lộc Uyển

phuocthanh