Phật Pháp với Tuổi Trẻ: Bài số 30″Con đường Bồ Tát”

Kính thưa quí vị và các bạn

Trong những bài Phật pháp, Anh Chị Em huynh trưởng và đoàn sinh GĐPTVN được học rằng Bồ-tát là “Bồ-đề Tát-đỏa”, có nghĩa là loài hữu tình đã giác ngộ và giác ngộ cho loài hữu tình khác, hay: Bồ-tát là những người có tâm “thượng cầu hạ hóa”, trên thì cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, v.v… mấy chữ “giác ngộ”, “hóa độ”… quả thật là rất thâm sâu đối với chúng tôi.

Bên cạnh đó, lại nghe nói “Gia đình Phật tử là một pháp môn tu” hay “người huynh trưởng GĐPT cũng theo hạnh nguyện Bồ-tát” cũng đi theo con đường Bồ-tát; có người chấp nhận dễ dàng, có người còn chưa thoải mái, cho rằng nói như vậy là hơi đề cao người huynh trưởng GĐPT. Mặt khác, có những anh chị huynh trưởng lớn đã thọ giới Bồ-tát… làm các em huynh trưởng trẻ cũng hơi thắc mắc; do đó, vấn đề này cũng đang là vấn đề “thời sự” mà các em muốn tìm hiểu. Xin mời quí vị theo dõi cuộc hội luận bỏ túi giữa các huynh trưởng quen thuộc A, B, C.

A: Đề tài của chúng ta hôm nay là nói về các vị Bồ-tát phải không?

B: Có vô số Bồ-tát mà chúng ta được nghe danh hiệu, có ba vị Bồ-tát và hai vị Phật mà anh chị em chúng ta tu học theo hạnh nguyện của các ngài: Bồ-tát Di Lặc (hạnh Hỷ xả), Bồ-tát Quán Thế Âm (hạnh Từ bi), Bồ-tát Văn-thù Sư-lợi (hạnh Trí tuệ), đức Phật Thích-ca (hạnh Tinh tấn) và đức Phật A-di-đà (hạnh Thanh tịnh).

C: Cái đó mình thấy dễ hiểu rồi vì cứ được học đi học lại, nhưng mình còn nghe “Bồ-tát tại gia”, nghĩa là họ không xuất gia gì cả mà vẫn được gọi là Bồ-tát và có nhiều vị thọ Bồ-tát giới nữa, nghĩa là sao hở các bạn?

A: Thật ra, anh chị em huynh trưởng chúng ta cũng được coi là đang tu Bồ-tát hạnh và hành Bồ-tát đạo rồi đó, bạn biết không?

B: Đúng vậy, khi chúng ta phát nguyện làm huynh trưởng, dù dưới hình thức nào, đọc những lời nguyện có thể sai khác nhau nhưng nội dung vẫn là một, đó là nguyện hoằng dương Phật pháp, làm lợi ích chúng sanh.

C: Nhưng chúng mình đã làm lợi ích gì cho chúng sanh đâu? Ăn rồi lo ba cái đám con nít cũng chưa xong, mình thấy mình vô dụng quá! Nghe ai nói mình đang đi trên con đường Bồ-tát, mình thật xấu hổ vô cùng!

A: Ai bảo bạn so sánh với đức Quán Thế Âm làm chi? Bồ-tát cũng có nhiều mức độ chứ! Chúng mình chăm sóc một đàn em chẳng hạn, hằng tuần bạn phải đón các em đi sinh hoạt, đưa các em về nhà, đến Đoàn chúng ta dạy các em học Phật pháp, hoạt động thanh niên, cho các em vui chơi, giải trí lành mạnh và phát triển trí óc… coi như chăm sóc đời sống trí tuệ và sức khỏe cho các em, thay cha mẹ các em một ngày Chủ nhật, có nhiều khi đưa các em về, các em đói bụng ta phải lo cho các em ăn, v.v… như vậy là ta đã làm lợi ích cho chúng sanh rồi! Các em của chúng ta cũng là chúng sanh chứ bộ!!☺☺!!

B: Phải! Phải! Chúng ta đã đưa các em đến gần với Phật pháp; chúng ta thường dạy cho các em và cũng như tự nhắc nhở chúng ta “Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”, như vậy là chúng ta không chỉ biết lo cho bản thân mình mà còn nghĩ đến người khác, đó là tâm địa Bồ-tát chứ còn gì nữa?

C: Mình đồng ý với các bạn rồi, nhưng mình nghe nói muốn tu Bồ-tát đạo thì phải phát tâm Bồ-đề, mình không nhớ mình đã phát tâm vào lúc nào, còn các bạn có nhớ không?

A: Thì hồi nãy bạn B đã nói rồi đó, chúng ta không những chỉ phát tâm, phát nguyện một lần mà đã nhiều lần rồi. Này nha, vào GĐPT đeo hoa sen là đã phát nguyện làm một đoàn sinh GĐPT “trở thành Phật tử chân chánh sống đúng theo tinh thần Phật giáo” như vậy không phải là phát tâm cầu đạo Vô Thượng rồi sao? Rồi mục đích GĐPT là đào tạo những con người tốt có đạo đức, và góp phần xây dựng xã hội… như vậy là mục đích hướng đến mọi người, hướng đến cộng đồng, hướng đến tha nhân; đó chính là tâm Bồ-tát, không phải sao?

B: Rồi đến làm huynh trưởng chúng ta đi bao nhiêu trại huấn luyện thì mỗi lần kết thúc trại chúng ta đều phát nguyện, nghĩa là phát tâm rộng lớn (phát Bồ-đề tâm) và lập nguyện kiên cố không thối chuyển trong nghề huynh trưởng của mình, cái nghề suốt đời lo cho thế hệ đàn em.

C: A, mình nhớ ra rồi! Chúng ta có học Khuyến phát Bồ-đề tâm văn của ngài Thật Hiền phải không? Rồi mình còn tóm tắt là phải phát tâm chân, chính, đại, viên chứ đừng phát tâm kiểu ngụy, tà, tiểu, thiên đó mà!

A: Đúng vậy, tâm Bồ-đề được biểu hiện qua ba tâm thái chủ yếu, đó là: Trực tâm, Thâm tâm và Đại bi tâm. Trực tâm là tâm ngay thẳng chánh trực không quanh co, đó chính là tâm thánh thiện của mình. Tu Trực tâm là phát triển con mắt, cách nhìn và tấm lòng ngay thẳng không thành kiến cố chấp hay thiên vị.

B: Còn Thâm tâm là khuynh hướng hành thiện, nuôi lớn và tích tập căn lành phát triển cho đến chỗ toàn thiện và Đại bi tâm là tình thương vô hạn, là tính vị tha, bình đẳng với mọi người, là lòng lân mẫn, đức hy sinh, có thể quên mình để đem lại hạnh phúc cho người.

C: Phải rồi, con đường phát triển tâm Bồ-đề gọi là con đường Bồ-tát đi hay Bồ-tát đạo.

A: Người mới phát tâm thì gọi là Bồ-tát sơ phát tâm; người đã phát triển tâm Bồ-đề đến chỗ viên mãn thì gọi là Phật.

B: Theo kinh Hoa nghiêm, người đi trên con đường Bồ-tát phải trải qua những giai đoạn tiến hóa về tâm linh: từ phàm phu lên Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng và Thập địa.

C: Điều này thì các bạn phải nhắc lại cho mình rõ ràng và chi tiết hơn, chứ mình không học kinh Hoa nghiêm và cũng không tụng kinh Hoa nghiêm bao giờ cả!

A: Giai đoạn phàm phu là giai đoạn chưa phát tâm tu hành; giai đoạn này chắc là anh em mình đã qua, vì chúng mình đã phát tâm tu hành rồi mà! Tiếp đến là giai đoạn Thập tín, là hướng cuộc đời mình về Đạo pháp; chúng ta chắc đang ở trong giai đoạn này. Thập trụ là giai đoạn rèn luyện công phu thiền định, chuyển hóa phiền não. Trọng tâm tu hành trong giai đoạn này là phát triển Trực tâm

B: Thập hạnh là giai đoạn mà người tu khai triển lòng đại bi, kết duyên với chúng sanh, giáo dục chúng sanh và hóa độ chúng sanh; Thập hồi hướng là giai đoạn phát triển đều khắp ba tâm: Trực tâm, Thâm tâm và Đại bi tâm và Thập địa là giai đoạn cuối cùng trước khi Bồ-đề tâm viên mãn, ấy là dứt trừ vọng tâm, không còn phiền não…

C: Nghe các bạn trình bày mình nghĩ rằng quá trình tu tập không phải rạch ròi từng giai đoạn, phải từ 1 đến 2, từ 2 đến 3… mà nội dung tu tập hòa quyện lẫn nhau, ví dụ khi chúng ta hướng đời mình vào Đạo thì mình cũng đồng thời phát Bồ-đề tâm và phát triển các Tâm: Trực tâm, Thâm tâm và Đại bi tâm chứ hả?

A: Nói một cách tổng quát thì như vậy nhưng phương pháp tu hành theo Hoa nghiêm thì Thập tín là giai đoạn đầu tiên vào Đạo; trong giai đoạn này trọng tâm tu tập là về Thân hạnh, gồm có hai công hạnh chính: Cúng dường chư Phật và thân cận thiện hữu.

B: Phải rồi, xong đến Tâm hạnh; Tâm hạnh chú trọng việc chuyển hóa tâm tư tình cảm, cũng có hai công hạnh chính, đó là nhu hòa  nhẫn nhục. Cuối cùng của Tu thập tín là Tánh hạnh, hai pháp tu chủ yếu của giai đoạn này là Thâm tâm bình đẳng và Từ bi thâm hậu.

C: Cảm ơn các bạn rất nhiều, mình tóm tắt lại nha: Thân hạnh là tu cúng dường chư Phật để có lòng Tin, gần gũi thân cận thiện tri thức để học hỏi chánh kiến chánh hạnh. Tâm hạnh là huấn luyện Tâm nhu hòa, lời ái ngữ, hành động nhẹ nhàng, tập nhẫn nhục chịu đựng nghịch cảnh, để phát triển trí tuệ và Tánh hạnh là huân tập tâm khiêm hạ, bình đẳng vị tha đối với mọi người, biết tha thứ khoan dung và tận tụy với tha nhân.

A: Như vậy là bạn nắm vững vấn đề rồi, bây giờ chúng mình phải “giải quyết” chuyện “Bồ-tát tại gia” cho bạn nữa, bạn B có ý kiến gì không?

B: Bồ-tát tại gia theo mình nghĩ là người tu tại gia đã thọ Bồ-tát giới. Nếu là vậy thì người ấy đã thọ 5 giới rồi (giống như chúng mình lúc qui y), đã thọ 10 giới rồi (Thập thiện) và sau đó mới thọ giới Bồ-tát tại gia. Mình nói theo sách vở thôi chứ mình chưa thọ Bồ-tát giới nên không chính xác đó nha, bạn C phải tra cứu lại!☺☺!!

C: Như vậy người tu tại gia có phải là Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di không?

A: Phải! Bốn chúng đệ tử đồng tu của đức Phật là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni (xuất gia) và Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di (tại gia). Bồ-tát giới dành cho hàng Xuất gia gồm 58 điều giới với 10 điều trọng và 48 điều khinh. Còn Bồ-tát giới dành cho người tại gia thì gồm 34 điều giới, trong đó 6 điều trọng và 28 điều khinh.

B: Như vậy, sáu giới trọng Bồ-tát giới của người Phật tử tại gia phải giữ gồm 4 giới như của chúng ta cộng thêm 2 giới nữa (hơi khác một chút): 1. sát, 2. đạo, 3. dâm, 4. vọng, 5. không nói xấu bốn chúng, 6. không bán rượu.

C: Như vậy, người Bồ-tát tại gia được uống rượu sao?

A: Cái này chắc phải hỏi lại các anh chị đã thọ giới Bồ-tát tại gia mới biết được.

B: Mình nghĩ rằng giới thứ 6 của Bồ-tát tại gia phải ghi lại rằng “không mua/bán/uống rượu” mới được. Bạn C còn điều gì thắc mắc nữa không?

C: Bây giờ mình hết thắc mắc rồi và nghĩ rằng ACE chúng mình đeo hoa Sen với Năm cánh trên là Năm hạnh, ba cánh dưới tượng trưng cho ba ngôi Tam bảo, có nghĩa là ACE mình đã tu tập Thân hạnh, Tâm hạnh và Tánh hạnh rồi. Ngoài ra đối với các em mình (không muốn cũng không được) luôn kiên nhẫn trong việc giáo dục các em từ dạy tiếng Việt đến dạy Phật pháp, chịu đựng các em khó tính khó nết, mà vẫn dịu dàng không la mắng to tiếng hay đánh đập các em, như vậy chúng mình cũng xứng đáng được gọi là đang tu hạnh Bồ-tát và đang đi trên con đường của Bồ-tát.

A: Như vậy là bạn đã “ngộ” rồi đó!

B: Đúng vậy! Chúc mừng bạn đã ngộ đuợc một điều rất lý thú.

C: Cũng nhờ các bạn nhắc nhở; buổi nói chuyện này đối với mình thật lợi lạc, cảm ơn các bạn vô cùng! Xin tạm biệt, hẹn gặp lại lần sau!

A & B: Tạm biệt! Tạm biệt!■

Tâm Minh Vương Thúy Nga

Bài khác nên xem

Ba Pháp Ấn – HT. Thích Đức Thắng

phuocthanh

Suy nghĩ về hướng giáo dục đạo Phật cho tuổi trẻ của HT Thích Tuệ Sĩ

phuocthanh

Vị Thầy của nhiều thế hệ

phuocthanh