( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện
do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )
1. SƠ TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA :
Bồ-Đề Đạt-Ma dịch là Pháp, tức quy tắc hay chấp trì. Nghĩa là sơ tổ của phái Thiền-tông Trung-Quốc và là tổ thứ 28 của Phật giáo Ấn-Độ. Ngài kế thừa Phật Pháp từ tổ Ca-Diếp là đệ nhất tổ.
Ngài người Nam Thiên-Trúc dòng Sát-Đế-Lợi, con trai thứ ba của vua Hương-Chí, với tên thật là Bồ-Đề-Đa-La. Sau khi gặp tổ thứ 27 là Bác-Nhã-Đa-La và được nối dòng Tông pháp nn được đổi tên từ Đa-La sang Đạt-Ma. Sau khi hòan tất nhiệm vụ thống nhất các giáo phái giữa hai vị Thiền sư Phật Đại-Tiên và Phật Đại-Thắng cũng như khuyên vua Dị-Kiến chuyên tu tịnh nghiệp và hộ trì Tam bảo, Ngài phú chúc cho đệ tử là Bát-Nhã-Mật-Đa ở lại Thiên Trúc và lên thuyền của vua ban để vượt biển sang Trung Hoa theo di chúc của Thầy, trải qua hàng ngàn dặm với nhiều nguy khó sau 3 năm cuối cùng đến đất Quảng-Châu vào thời vua Lương Võ Đế niên hiệu Phổ Thông thứ VII ngày 21.9.Canh Tý (520). Tại đây ngài được vua Võ-Đế đón về đất Kiến-Nghiệp, nhưng tiệt nhiên không nói một lời nào cả. Sau khi ở Quảng-Châu một thời gian, Ngài vượt sông sang đất Ngụy, nhưng đến đời Hậu-Ngụy (?) năm Chánh-Hiếu-Minh nguyên niên, Ngài dừng chân tại chùa Thiếu-Lâm, suốt ngày ngồi xoay mặt vào vách mà tọa thiền nên người đương thời gọi Ngài là ty quán (xoay mặt vào tường). Trong thời gian ở chùa Thiếu-Lâm có nhiều thiền giả đến học đạo thiền với Ngài, trong số đó có ngài Huệ-Khả (sau được truyền y bát). Ngài đã giảng về bốn hạnh Đại thừa nhập đạo có 2 cách :
– Lý nhập : là noi giáo nghĩa mà ngộ được chơn tâm, nên tin tưởng sâu sắc cái sự thật là chúng sanh với chư Phật vốn đồng một thể tánh chơn như.
– Hạnh nhập : có 4 nghĩa tóm lược là báo oan hạnh, tùy duyên hạnh, vô sở cầu hạnh và xứng pháp hạnh.
Đến năm Kỷ Dậu (529) ngài thấy nhân duyên đã hết nên phú chúc y bát cho Huệ Khả và dặn dò các môn đồ cũng như nói trước những sự việc sẽ xảy ra 200 năm sau khi ngài thị tịch (y bát không cần truyền – đời Lục tổ). Trước khi tịch Ngài truyền pháp cho ngài Huệ-Khả qua bài kệ sau :
Ta đến từ đất lành
Truyền pháp cứu quần sanh,
Một hoa nở năm cánh (*)
Quả mãn tự nhiên thành.
( Ngô bổn lai tư độ,
Truyền pháp cứu quần sanh
Nhứt hoa khai ngũ diệp
Kết quả tự nhiên thành ! )
Ngài tịch vào năm 529 ngày mùng 9 tháng 10 Kỷ Dậu niên hiệu Đại-Thông năm thứ 2 đời nhà Lương. Hài cốt được an táng tại núi Bi-Nhĩ – Vua Lương Võ Đế có khắc bia ghi công hạnh Ngài. Đến đời Đường Đại-Tông vua sắc phong cho Ngài là “ Viên-Giác Đại-Sư ”.
Ghi chú :
(*) Từ đời ngài Đạt-Ma truyền dòng Thiền xuống tới đời ngài Huệ-Năng là 5 đời. Câu thứ ba trong bài kệ có ý nói dòng Thiền do Ngài sáng lập sẽ kế tục được 5 đời truyền pháp. Đó là : Ngài Huệ-Khả, ngài Tăng-Xáng, tổ Đạo-Tín, tổ Hoằng-Nhẫn và tổ Huệ-Năng.
2. NHỊ TỔ HUỆ KHẢ (486-593)
Ngài họ Cơ, sinh trưởng ở Võ Lão, thân phụ tên là Tịch, hai ông bà đã lớn tuổi mới sinh Ngài.
Từ nhỏ ngài đã thông tuệ, thường đàm luận về các học thuyết của Lão và Trang Tử. Năm 30 tuổi, ngài được xem qua sách Phật, biết rằng đây là đạo lý thâm diệu nên thôi tham cứu sách thế gian chuyển qua nghiên cứu Phật pháp. Sau đi viễn du tìm thầy học đạo, khi đến Lạc Dương, núi Hương Sơn, chùa Long Môn thì gặp Thiền sư Bảo Tịnh, xin xuất gia tu hành. Sau đó ngài đến chùa Vĩnh Mục thọ giới tại Phù Du Giang Tử, chẳng bao lâu Ngài đã tinh thông cả kinh điển Luật-Luận.
Năm 33 tuổi ngài trở về Hương Sơn tu thiền trên núi suốt 8 năm liền. Một hôm trong thiền định Ngài có linh cảm đi về phươngNamsẽ gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ngài đến yết kiến thiền sư Bảo Tịnh hỏi ý kiến, Thiền sư cho biết là điềm lành, đi về phương Nam sẽ gặp chơn sư rồi đổi tên cho Ngài là Thần Quang. Ngài đến tham lễ Tổ Đạt Ma và khi đắc pháp được đổi tên là Huệ Khả.
Sau khi đắc pháp ngài qua xứ Nghiệp Đô giáo hóa chúng sanh trong suốt 34 năm dưới nhiều hình thức. Khi thì giả dạng thế gian, khi vào tiệm rượu, hoặc hóa thân người giúp việc, làm thuê, làm mướn v.v. . . Sau đó Ngài đến chùa Khuông Cữu, huyện Quảng Thành, có Pháp sư Biện Hòa đang giảng kinh, ngài cũng giảng ngoài cửa Tam Quan, thiện nam tín nữ rút ra ngoài nghe pháp khiến thầy Biện Hòa giận, đi cớ quan. Ngài bị bắt và bị gia hình về tội “ làm việc phi pháp ” (ngài biết trước điều này sẽ xãy ra, nhưng vì nợ nên vui lòng thọ lãnh).
Ngài Tăng Xán được tổ truyền y bát với bài kệ :
Bổn lai duyên có đất
Nhơn đất giống bông sanh
Nếu không có giống sẵn
Bông đâu có lẽ thành.
Ngài biết trước sẽ có quốc nạn, nên đã dặn dò Tăng xán thân và y pháp cho khéo, đợi thời hoằng hóa mới được.
Ngài hưởng thọ 107 tuổi, an táng tại Tù Châu. Sau khi Ngài viên tịch đến đời vua Đức Tông nhà Đường, ngài được truy phong là Đại Tổ Thiền Sư.
3. TAM TỔ TĂNG XÁN
Ngài người đất Từ Châu, nguyên là một Cư sĩ bị bệnh phong cùi vô phương cứu chữa. Ngài xuất tài sản lập ngôi thiếu thất cúng dường Tam Bảo. Ngài cầu nhị tổ Huệ Khả xin sám hối nghiệp chướng may ra có thể bớt bệnh. Tổ bảo :
– Lành thay. Lành thay, ông cứ đem cái tội ra đây, ta một lòng sám hối cho.
Ngài loay hoay một hồi rồi bạch : Bạch tổ, con tìm mãi mà không thấy.
Tổ bảo : ta đã sám hối cho con rồi đó.
Qua câu nói Ngài hoát nhiên đại ngộ. Đảnh lễ bày tỏ chỗ sở đắc của mình. Tổ hoan hỷ khen : “ Đây là pháp khí của ta ”. Tù đó bệnh phong cùi của ngài giảm dần rồi dứt hẳn. Hai năm sau Ngài lại truyền giao tâm ấn cùng y bát cho đệ tử là Đạo Tín. Kê phú chúc rằng :
Hoa chủng tùy nhân địa
Tòng địa chủng hoa sinh
Nhược vô nhân hạ chủng
Hoa địa tận vô sanh
Dịch :
Hoa nhân nơi đất gieo trồng
Cũng do nơi đất nẩy mầm nở hoa
Nếu không gieo hạt giống ra
Hoa tàn đất rửa quyết là không sinh.
Ngài nói xong bài kệ liền vào thị tịch. Nhằm vào năm vua Đường Đế nhà Tùy. Tháp Ngài xây ở đất Thu Châu. Về sau một mình nhà vua ngự giá ra xem được ngọc xá lợi 300 hạt, đem chia cho khắp nơi để tôn trí cúng dường. Đến đời vua Huyền Tôn nhà Đường sắc phong cho ngài hiệu là Giám Trí Đại Thiền Sư.
4. TỨ TỔ ĐẠO TÍN :
Ngài dòng dõi họ Tư Mã người đất Châu Kỳ. Ngài là người xuất chúng phi thường, thuở ấu thơ rất hâm mộ đạo Phật, các môn giải thóat ngài đều tỏ rõ như người trước kia đã học tập. Khi được thừa kế di phong của Tổ Tăng Xán thì ngài thu nhiếp thân tâm chưa từng ngủ nghỉ, hơn 60 năm trường không bén chiếu.
Ngài gốc người Hà Nội, sau về ở núi Phả Châu đất Lý Châu mở trường giảng dạy đồ chúng. Vào năm Quý Mão niên hiệu Trinh Quan, vua Thái Tông triệu ngài vào kinh, Ngài khiêm tôn dâng sớ từ tạ hai, ba lần. Vua thấy thế nổi giận hạ lệnh sai sứ giả đưa chiếu chỉ triệu hồi, lần nầy nếu Ngài không phó kinh thì cắt lấy đầu đem về. Sứ giả đến nơi đưa chỉ dụ, Ngài liền kê cổ đến sát lưỡi gươm mà thần sắc vẫn nghiễm nhiên tự tại. Sứ giả thấy thế lấy làm lạ, liền làm trạng tâu về kinh. Vua nghe biết sự việc như thế liền khen ngợi và tỉnh ngộ. Vua ban tặng lụa là châu báu để cho Ngài tùy ý.
Một hôm ngài cho gọi môn đồ là Hoằng Nhẫn và bảo rằng : Ta có y pháp xưa kia tổ trao truyền, nay ta giao phó cho ông, ông hãy giữ gìn lấy và nghe ta nói kệ sau đây :
Hoa chủng hữu sinh tánh
Nhân địa hoa sinh sinh
Đại duyên dữ tính hợp
Đương sinh, sinh bất sinh.
Dịch :
Gieo trồng hoa có tính sinh
Hoa nhân địa vẫn phát sinh đời đời
Đại duyên với tính hợp rồi
Hoa kia sanh nở đời dời bất sanh.
Ngài phó chúc kệ xong liền vào thị tịch. Tháp ngài xây ở ngay sau núi Phá Đầu. Sau này vô cớ tự nhiên tháp mở ra mà hình dáng của Ngài vẫn y như lúc còn sống. Các đệ tử thấy thế cũng không đóng cửa tháp lại, chỉ đảnh lễ rồi để nguyên cửa tháp như thế. Đến đời vua Đại Tông nhà Đường thì pháp hiệu của Ngài được vua đổi lại là Đại Y Thiền Sư.
5. NGŨ TỔ HOẰNG NHẪN
Ngài họChuở đất Ký Châu, huyện Hoàng Mai. Thuở nhỏ ngài đã có cốt cách khác với bọn nhi đồ.
Khi được gặp tổ Đạo Tín, tổ hỏi rằng : Ông họ gì ? Ở đâu ? Ngài đáp : Con họ phi thường. Tổ hỏi : Phi thường là họ gì ?. Ngài bạch : là Phật tính. Tổ lại hỏi : Ông không có họ sao ? Ngài nói : là tánh không vô cố.
Tổ biết ngài là Pháp khí nên cho làm thị giả, rồi Tổ đi đến chỗ thân mẫu của Ngài, xin cho Ngài đi xuất gia.
Khi cơ duyên đã đến, tổ đem chánh pháp nhãn tạng trao truyền cho đệ tử là Huệ Năng qua bài kệ :
Hữu tình lai hạ chủng
Nhân địa quả hòan sinh
Vô tình ký vô chủng
Vô tình diệc vô sinh.
Dịch : Hữu tình gieo lại mầm non
Nhân do nơi đất quả còn tiếp theo
Vô tình giống đã không gieo
Tánh kia không có quả nào phát sinh.
Trao pháp xong, bốn năm sau Ngài mới thị tịch, đệ tử xây tháp tưởng niệm Ngài ở núi Hoàng, giáo pháp của Ngài truyền lại về sau lập thành hai tông. Ngài thần Tú truyền về Bắc tông thời đó rất thịnh hành. Ngài Huệ Năng truyền vềNamtông.
Về sau vua Đại Tông nhà Đường suy tôn thụy hiệu Ngài là Đại Mãn Thiền Sư.
6. LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Ngài Huệ-Năng là vị tổ thứ 6 nối dòng Thiền từ tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma thuộc Thiền phái Lâm-Tế của Phật giáo Trung-Quốc.
Ngài họ Lư, lúc nhỏ mồ côi cha. Gia đình lâm cảnh nghèo thiếu nên phải ngày ngày vào rừng đốn củi lấy tiền về nuôi mẹ. Một hôm, khi đem củi vào chợ bán, giữa đường nghe có người tụng kinh Kim-Cang tới đoạn : “ Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm … ”. Ngài dừng lại để nghe và ngộ được thâm ý của bài kệ, bèn tìm tới yết kiến ngũ tổ Hoằng-Nhẫn, lúc đó đang tu tại núi Hoàng-Mai ở đất Quán-Châu. Tổ thấy người hơi lạ kỳ, bèn cho vào liêu (chái bếp sau của chùa) làm việc giả gạo và từ đó mang tên là Lư-Hành-Giả. Tại đây, Lư làm việc ròng rã 8 tháng. Một hôm, Tổ biết cơ duyên đã đến, bèn họp đồ chúng lại và mỗi người phải trình một bài kệ để được truyền tâm pháp. Lúc đó, ngài Thần-Tú làm xong bài kệ đem trình tổ như sau :
Thân thị Bồ-đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài.
Thời thời cần phất thức
Vật sứ nhá trần ai.
(Thân như cây Bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng
Luôn phải năng lau chùi,
Làm gì có bụi bám.)
Ngài Huệ-Năng đọc được thâm ý của bài kệ và biết rằng chính người làm ra bài kệ nầy chưa đạt được tới chỗ thâm áo của đạo Thiền. Ban đêm, trong lúc mọi người đang ngủ, Huệ-Năng nhờ người viết bài kệ của mình lên vách, nội dung như sau :
Bồ-đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vơ nhất vật
Hà xứ nhá trần ai ?
Tạm dịch :
Bồ-đề chẳng thật phải cây,
Kiếng soi đâu hẳn vật dày đài gương
Xưa nay vạn pháp chẳng thường
Bụi trần há dễ bám nương được nào ?
Tổ biết được đó là bài do Huệ-Năng làm nên vào tận trong liêu hỏi :
– Gạo đã trắng chưa ?
Huệ-Năng đáp :
– Gạo trắng đã từ lâu.
Tổ lấy gậy gỏ miệng cối 3 cái rồi lui về phòng, Huệ-Năng ngộ được tâm ý Tổ và chờ tới canh ba mới vô õg cửa phòng của Tổ. Tổ truyền y pháp và bảo phải mau ẩn lánh về phương Nam trong một thời gian, nếu không sẽ có kẻ ám hại.
Chia tay Tổ, Ngài về phươngNamvào tháng giêng năm Nghi-Phụng nguyên niên và gặp được ngài Ấn-Tông Pháp-sư ở chùa Pháp-Tánh. Sư nghe qua tông yếu Thiền của Ngài, bèn nhận cho làm đệ tử. Đúng vào ngày 15 tháng ấy, Pháp-sư bèn nhóm họp các vị Đại-Đức lại để làm lễ thế phát (cạo tóc) cho Huệ-Năng. Trong thời gian tu học tại chùa Pháp-Tánh, Huệ-Năng tỏ ra tinh tấn và được Bổn-Sư để ý cũng như Tăng chúng mến trọng, nên ngày mồng 8 tháng 2, xin thọ giới Tỳ-kheo với ngài Trí-Quang Luật-sư. Sau đó, Ngài lui về đất Tào-Khê.
Ngày mồng 3 tháng 8 năm Quý Sửu, năm thứ hai niên hiệu Tiên Thiên (713 DL), sau bữa ngọ trai tại chùa Quốc Ân, Tổ gọi môn đồ và bảo :
– Các ông cứ ngồi yên tại chỗ, để ta nói lời từ biệt cùng các ông.
Thầy Pháp Hải thưa :
– Xin Hòa Thượng lưu lại giáo pháp gì để giúp cho người mê đời sau được thấy Phật tánh.
Tổ dạy :
– Các ông hãy lắng lòng nghe cho kỹ. Đời sau người mê, nếu biết rõ tánh chúng sanh của mình thì người ấy thấy Phật tánh. Nếu không thấy được tánh chúng sanh của mình thì muôn kiếp tìm Phật cũng không thấy. Nay tôi khuyên các ông hãy thấy được ở tự tâm của chúng sanh mà thấy tự tâm Phật tánh (Phật tánh chính ở nơi tâm minh chứ không đâu khác). Muốn tìm thấy Phật chỉ cần biết chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh không biết (mê) Phật, chứ không phải Phật không biết chúng sanh. Nếu ngộ tự tánh thì chúng sanh là Phật. Nếu mê tự tánh thì Phật là chúng sanh. Tự tánh bình đẳng chúng sanh là Phật, tự tánh chấp giữ tâm tà quấy hiểm độc thì Phật là chúng sanh. Nếu tâm các ông hiểm độc thì Phật các ông ở trong chúng sanh. Nếu một niệm ngay thẳng bình đẳng thì chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật ở nơi tâm ta mới là Phật chơn thật. Nếu tự tâm mình không có Phật thì tìm tâm Phật chỗ nào có được ? Phật ở tự tâm các ông là Phật thật (đừng nghi ngờ), ngoài tâm ra không có một vật nào được kiến lập. Muôn pháp đều do bổn tâm sinh ra (tâm là gốc sinh muôn pháp). Kinh nói; “ Tâm sanh tất cả các pháp sanh, tâm diệt tất cả các pháp diệt ”.
Nay ta lưu lại bài kệ để từ biệt các ông. Bài kệ gọi là “ Tự tánh chơn Phật ”. Người sau nầy nếu rõ được ý kệ thì sẽ thấy bổn tâm, tự thành Phật đạo. Kệ rằng :
Tự tánh chơn như Phật tỏ tường,
Tà kiến tam độc chính ma vương,
Tà mê lúc ấy ma ngự trị
Chánh kiến là khi Phật tại đường
Nội tâm tà kiến tham sân si
Ma quỷ lại qua có khác gì
Chánh kiến dẹp trừ tam độc ấy
Ma hóa thành Phật có lạ chi
Pháp, Báo, Hóa thân, ba thân nầy,
Ba thân một thể tự xưa nay.
Hướng vào chơn tánh ta tự thấy,
Phật chủng Bồ đề tự sáng ngay.
Vốn tánh thanh tịnh tự Hóa thân,
Trong hóa thân thanh tịnh có phần,
Tánh khiến Hóa thân hành chánh đạo,
Về sau viên mãn thiệt vô ngần.
Tánh nhiễm ô từ tịnh tánh sanh,
Trừ nhiễm ô là tịnh tánh thân
Trong tánh tự lìa các ngũ dục
Sát na kiến tánh tức là chơn
Đời nay may gặp Đốn giáo môn,
Bỗng ngộ tự tánh thấy Thế tôn,
Nếu muốn tu hành chóng thành Phật,
Đừng kiếm nơi nào khác tự tâm.
Nếu được trong tâm tự thấy chơn,
Thì chơn ấy là nhân của Phật
Chẳng nhìn tự tánh tìm Phật ngoại
Khởi tâm cách ấy quá lầm sai .
Pháp môn đốn giáo đã truyền lưu
Cứu độ người đời phải tự tu.
Mai sau học đạo người nên nhớ,
Chẳng nắm pháp nầy quả mờ tu.
Đọc xong bài kệ, Tổ nói tiếp :
Các ông ở lại an vui, sau khi tôi diệt độ, đừng theo thế gian khóc lóc thảm thiết, nhận lễ vật phúng điếu, mặc tang phục . . . Những việc làm ấy không phải là chánh pháp, mà trái với ý tôi. Chỉ nên tự biết bổn tâm, thấy được bổn tánh, không động, không tịnh. Tôi ngại rằng tâm mê mà các ông không hiểu được ý, nên phải dặn dò thêm để các ông thấy được tự tánh, theo dó mà tu hành như khi tôi còn sống. Nếu trái lại thì dù tôi còn sống cũng không ích gì.
Rồi Tổ nói kệ rằng :
Lơ lơ thiện chẳng dính
Láo láo ác chẳng làm
Vắng lặng dứt thấy nghe
Thênh thang tâm chẳng vướng
(Ngột ngột bất tu thiện
Đằng đằng bất tạo ác
Tịch tịch đoạn kiến văn
Đẳng đẳng tâm vô trước)
Nói kệ xong, Tổ ngồi yên lặng, đến canh ba mới nói lời từ biệt với môn đồ : “ Tôi đi nhé ” rồi an nhàn thị tịch.
Ngài tịch vào ngày 3 tháng 8 niên hiệu Khai-Nguyên nguyên niên đời Đường-Huyền-Tông (712) thọ được 76 tuổi.
Tháng 11 năm ấy, quan chức và môn đồ ba Quận Quảng Châu, Thiều Châu và Tân Châu đều muốn rước thi hài của Tổ về Quận mình. Việc tranh dành cùng đi đến đốt hương khấn nguyện. Nếu khói hương bay về đâu, nơi đó được rước. Kết quả khói hương bay về Tào Khê. Ngày 13 tháng 11 rước thần khám và y bát được truyền về Tào Khê. Ngày 25 tháng 7 năm sau mới mở thần khám. Thầy Phương Biện dùng bột trầm hòa với sơn tô lên nhục thân của Tổ. Môn đồ nhớ lời huyền ký về chuyện “ trộm đầu ” nên dùng thiết bao quanh cổ của Tổ trước khi nhập tháp. Ngay khi ấy trong tháp tuôn ra một làn hào quang trắng bay thẳng lên không trung đến ba ngày mới tan biến.
Quan địa phương Thiều Châu tấu sớ lên vua xin lập bia kỷ niệm. Nhà vua y tấu sắc chỉ lập bia ghi lại đạo hạnh của Tổ. Bia ghi :
“ Tổ thọ 76 tuổi, năm 24 tuổi được trao truyền y bát, 39 tuổi xuống tóc, thuyết pháp lợi sanh 37 năm. Đệ tử đắc pháp 43 vị. Người ngộ đạo siêu phàm đông lắm (không kể xiết). Pháp y từ Sơ Tổ Đạt Ma truyền xuống, áo cà sa và bình bát quý do vua Trung Tôn hiến cúng, pho tượng của Tổ do Phương Biện đắp cùng pháp khí đạo cụ của Tổ đều tôn trí (thờ) tại đạo tràng Bảo Lâm. Riêng cuốn kinh “ Pháp Bảo Đàn ” được lưu truyền rộng rãi để hiển dương tôn chỉ Thiền, thiệu long Tam bảo, lợi ích quần sanh ”.
Đến đời vua Nguyên-Hịa năm thứ 10, vua sắc phong cho Ngài đạo hiệu là “ Đại-Giám Thiền-Sư ”.