ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG VẪN CÒN BAY

                                                                                                                             

272672631_1677124025952232_4420236515258952623_n
                                                                                                       Đường xưa mây trắng vẫn còn bay.
                                                                                                      Tự tại thong dong với tháng ngày
                                                                                                      Không sinh không diệt, không sợ hãi
                                                                                                      An nhiên từng bước đến Liên Đài
Sáng nay thức dậy sau giờ tĩnh tọa và thiền hành, như thường lệ tôi kiểm tra điện thoại xem có tin gì mới không vì tôi có thói quen tắt nguồn điện thoại khi đi ngủ, thì thấy có tin nhăn của người bạn báo tin thầy Nhất Hạnh đã viên tịch hồi khuya rồi. Tôi lặng đi chốc lát không phải vì quá bất ngờ trước tin thầy ra đi mà im lặng để cúi đầu tiễn biệt một vị thầy mà tôi rất quy kính vừa từ giã cõi hồng trần. Tin thầy xã báo thân không làm cho những tín đồ Phật giáo và những người mến mộ thầy bất ngờ vì thầy đã chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Từ tháng 10 năm 2018 thầy đã trở về tổ đình Từ Hiếu, Huế là nơi mà cách đây tám mươi năm thầy đã giã từ cuộc sống tục lụy để vào chốn thiền môn. Suốt bao nhiêu năm tháng bôn ba hành đạo trong đó đã có bốn mươi năm hoằng dương chánh pháp nơi xứ người, giờ đây sự trở về chốn cũ của thầy ẩn chứa nhiều ý nghĩa, một sự trở về có nội hàm vừa về mặt hiện tượng vừa về mặt bản chất. Trong suốt chín mươi lăm năm trụ thế thầy đã dành hầu hết thời gian để thực hiện hạnh nguyện của một bậc xuất gia tu hành phát tâm hoằng hóa độ sanh, hành bồ-tát đạo mà thầy gọi là “Đạo Phật dấn thân”. Thầy đã sống và thực hiện trọn vẹn tâm nguyện của mình cho đến ngày giã từ dương thế. Giờ thì thầy đã sinh về một thế giới khác, nhưng “ra đi tức thị trở về” trong một ý niệm nào đó thì thầy vẫn còn hiện diện trong cõi ta bà này và tiếp tục dấn thân hoằng truyền chánh pháp, phụng sự chúng sanh.
Tôi bắt đầu làm quen với những tác phẩm của thầy từ khi mới học cấp hai, trong một lần tình cờ, người anh huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cho tôi mượn quyển “Tình Người” của Tâm Quán. Trong đó câu chuyện “Những hạt cơm Phật’ khiến tôi xúc động rơi nước mắt, câu chuyện kể về con thằn lằn chuyên ăn cơm cúng Phật, các chú tiểu thấy vậy sợ bất kính với Phật nên sau đó mỗi lần cúng Phật đều đậy chén cơm lại. Kết quả sau vài ngày con thằn lằn chết, sự việc đau lòng này khiến mấy thầy, mấy chú trong chùa rất buồn và ân hận xem như đây là một cái tang… Tôi đã đọc “Tình Người” với tất cả sự thích thú và say mê, lối hành văn giản dị, dễ hiểu, câu chuyện kể cũng rất đơn giản và gần gũi. Lúc đó tôi nghĩ chú Tâm Quán tuổi còn trẻ thế mà viết văn hay như thế tôi rất cảm phục, sau này tôi mới biết thì ra đó là thầy Nhất Hạnh đã viết quyển sách đó khi còn là một chú tiểu. Tâm Quán là pháp danh của thầy khi đó. Mấy mươi năm sau với sự ngưỡng mộ và tôn kính, tôi đã tìm đọc rất nhiều tác phẩm của thầy, những năm sau 1975 các tác phẩm của thầy rất khó kiếm, anh em huynh trưởng GĐPT chuyền tay nhau những cuốn sách của thầy được in roneo một cách say mê. Tôi nhớ hồi đó đọc quyền “Trái tim mặt trời” in roneo trên gấy xấu màu vàng thế nhưng tôi đã rất thích thú khi thầy so sánh việc trong cây tía tô với viết sách và nghệ thuật rửa chén trong chánh niệm, so sánh việc tu tập thiền định như để một ly nước táo tự lắng trong…. Đến nay thầy đã có 120 đầu sách viết sách về giáo lý đạo Phật, trong đó có hơn 40 tác phẩm viết bằng tiếng Anh và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Pháp, Đức Nga, Hà Lan, Nhật Bản… Trong các thư viện và nhà sách trên thế giới hầu như sách của thầy là một tác giả người Việt được trưng bày nhiều nhất…
Mấy hôm nay nhục thân của thầy đang quàn tại chùa Từ Hiếu, Huế và tang lễ được tổ chức theo nghi thức tâm tang và là một tuần lễ của khóa tu im lặng trước khi thực hiện nghi thức trà tỳ. Một tang lễ của một bậc long tượng Phật giáo, một danh nhân trên nhiều lãnh vực của thế giới được tổ chức trong trang nghiêm thanh tịnh và đơn giãn đến mức không thể đơn giản hơn! Truyền thông trong nước và thế giới liên tục đưa tin về cuộc đời và công hạnh của ngài. Rất nhiều hãng truyền thông, những lãnh tụ các nước trên thế giới, nhiều danh nhân, học giả, nhà nghiên cứu đã nói về thầy với sự ngưỡng mộ và tôn kính.
Tôi chi là một phật tử bình thường như hàng triệu phật tử khác quy ngưỡng thầy với tất cả tâm thành và quý kính. Tôi được duyên may đến với đạo Phật từ thuở niên thiếu qua sinh hoạt trong tổ chức Gia Đình Phật Tử và có lẽ vì yêu thích đọc sách nên đã được làm quen với tư tưởng của thầy từ rất sớm. Sau này tuổi đời chồng chất việc đọc sách có phần hạn chế nhưng tôi vẫn rất yêu thích đọc những tác phẩm của thầy. Tôi có một nhận định rằng thầy là một nhà tư tưởng vĩ đại, thầy đã đem giáo lý đạo Phật vốn rất cao siêu và thâm thúy đến với công chúng bằng thứ ngôn ngữ bình dị nhất, những triết lý cao siêu và uyên áo được thầy diễn tả bằng một lối diễn tả rất đơn giản và dễ hiểu nhất. Trong quyển sách Đường Xưa Mây Trắng thầy đã viết về đức Phật hết sức gần gũi và rất “người” chứ không thần thánh hóa hay mang nặng màu sắc huyền bí như những vị giáo chủ của các tôn giáo khác. Chính cuộc đời đức Phật qua ngòi bút của thầy Nhất Hạnh đã đưa đạo Phật đến gần với cuộc sống thường nhật của loài người và tạo thêm niềm tin trong sự tu tập của phật tử, từ một con người rất “đời” tu tập giác ngộ để thành Phật. Vì thế phật tử noi gương của Phật để tu hành mà không bị sa vào sùng bái đức Phật như một vị thánh chuyện ban ơn giáng họa và bắt tín đồ phải lễ bái cầu xin..
Thầy chủ trương “Đạo Phật đi vào cuộc đời” và thực hành đạo Phật dấn thân, thế nên thầy đã không nặng phần nghi thức cầu kiến mà chú trọng thực hành thiền quán, chánh niệm tỉnh thức trong từng giây phút hiện tại để thấy được hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây chứ không mưu cầu một thứ hạnh phúc trong lai, không quay về tìm hạnh phúc trong quá khứ. Có thể nói thầy là một nhà tu Phật giáo người Việt Nam đầu tiên thành công trong việc đưa tinh thần giáo lý đạo Phật vào xã hội Tây phương và đã được họ tiếp nhận như là một kỹ năng sống hạnh phúc giữa dòng đời tất bật bon chen của các nước văn minh công nghiệp…
Trong lần thầy về nước lần đầu vào năm 2005, lúc đó phật tử trong nước háo hức muốn gặp thầy lắm, thầy thuyết giảng ở đâu là có hàng chục ngàn người đến để nghe pháp thoại của thầy. Trong một buổi thầy chia sẻ pháp thoại ở Đại Tòng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu, một khuôn viên chùa rộng lớn như thế nhưng đông kín người, có điều là hầu hết đều giữ im lặng nghe thầy nói chuyện gần ba tiếng đồng hồ. Khi thầy hoàn tất buổi pháp thoại phật tử đứng hai bên đường cung đón thầy trong trang nghiêm, trật tự và cung kính, lúc đó tôi mới được trực tiếp diện kiến thầy. Thầy mỉm cười chào đáp lại sự cung kính đón tiếp của phật tử, tôi cảm nhận nơi thầy một nội lực về sự an nhiên đang lan tỏa trong không gian khiến cho mọi người cảm thấy hạnh phúc an lạc. Trong buổi thuyết giảng ở chùa Pháp Vân , quận Tân Phú, Sài Gòn bà con phật tử nơi tôi ở đã thuê hẳn một chuyến xe năm mươi chổ ngồi để lên nghe buổi pháp thoại của thầy. Hôm đó chùa Pháp Vân cũng đông kín người, thầy ngồi trong tư thế kiết già, dáng vẻ thanh thản và tự tại, thầy bắt đầu buổi pháp thoại bằng câu chuyện kể “Bích Câu Kỳ Ngộ”. Bích Câu Kỳ Ngộ là một câu chuyện cổ tích mang màu sắc huyền bí về mối tình của chàng nho sĩ tên là Tú Uyên với người đẹp trong tranh là nàng Giáng Kiều. Câu chuyện huyền thoại được thầy soi xét dưới con mắt thiền quán và qua nhãn quan của giáo lý đạo Phật trở nên rất thú vị về những khám phá mới của thầy mà trước đây chưa ai nói đến…
Trọn một đời người dấn thân phụng sự chúng sanh, bằng lối hành đạo mang tính sáng tạo và thiết thực đưa giáo pháp đạo Phật vào đời, những gì thầy đã làm được là đem đến sự an lạc, hạnh phúc giữa cuộc sống khổ đau cho rất nhiều người không luận là người phương Đông hay phương Tây, người theo đạo Phật hay đang theo một tôn giáo khác. Thầy đã làm được những việc mà rất nhiều nhà truyền giáo khác không làm được. Đó là ghi nhận của những nhà nghiên cứu Phật học, của những người mến mộ thầy chứ riêng với thầy thì vẫn “an lạc từng bước chân” trên “nẻo về của ý”.
Tôi viết những dòng này để tiễn biệt thầy vừa từ giã cõi hồng trần trong sự kính thương vô hạn của hàng triệu triệu người trên khắp thế giới, mặc dù tôi vẫn biết rằng thầy dù đến dù đi thì thầy an nhiên vì “đường xưa mây trắng” ngàn năm vẫn còn bay.
Tâm Lễ

 

 

 

Bài khác nên xem

Tập Truyện Ngắn Của Quảng ý Bùi Nguyễn Hiệp

phuocthanh

Giá Trị văn hoá của ngôi Chùa

phuocthanh

Một kỷ niệm chưa phai mờ theo thời gian.

Huệ Quang GĐPTVN