Đạo từ của Hòa thượng Thích Minh Tâm tại lễ Hiệp kỵ của GĐPTVN trên Thế giới

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Vọng hướng đảnh lễ Chư Lịch Đại Tổ Sư khai sơn tạo tự, truyền giáo – truyền giới, để hôm nay chúng con được thừa kế các Ngài duy trì mạng mạch Phật Giáo.

Trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh này, tại nước Việt Nam, tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành, xã Long Đức; tại ngôi Già lam Phật Ân tu viện, con tin tưởng rằng Chư anh linh Thánh Tử Đạo, các bậc Tiền bối Hữu công, các Anh hùng Liệt sĩ, các vị đã hy sinh để bảo vệ quê hương đất nước, giờ phút này tề tựu tại trước Linh đường để chứng minh lòng thành của toàn thể Lam Viên và tất cả các Phật Tử hiện diện.

Con xin được thay mặt Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ, Hội Đồng Giáo Giới Gia Đình Phật Tử Việt Nam, với tư cách Nhiếp sự vụ Thanh Niên do Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ủy thác, kính đảnh lễ Chư Tôn Đức, con xin được thay mặt các Ngài, như Ban Tổ Chức đã sắp xếp, con chỉ xin được làm công việc Tăng sai, thay mặt cho các Ngài để có vài lời với Lam Viên hiện diện. Mong Chư Tôn Đức từ mẫn cố, đại từ mẫn cố.

Nhân dịp Chung thất Hòa Thượng Chánh thư ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống – Hòa Thượng Nguyên Chứng đã quảy gót về Tây, sơn hà nhỏ lệ, gió mây lặng nhìn; năm châu bốn biển tiếc thương một nhân tài kiệt xuất đã ra đi 49 ngày tại đất nước Việt Nam; Gia Đình Phật Tử Việt Nam tổ chức Lễ Thù Ân. Hôm nay đây, xin vọng hướng các bậc Tiền bối: Hòa Thượng Đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Đệ nhị Tăng Thống Thích Thuyền Tôn (HT. Giác Nhiên), Đệ tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ và Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ – Xử lý Viện Tăng Thống. Mong các Ngài thương tưởng chúng con về đây chứng giám lòng thành.

Thưa toàn thể Lam Viên.

Một lời của Tôn Sư thường dạy chúng ta: “Con người sống phải có lý tưởng. Đánh mất lý tưởng thì không còn gì để mất”. Như vậy, lý tưởng quả là một con thuyền chân chánh nhất, quan trọng nhất của một đời người. Nếu để đánh mất lý tưởng thì không còn gì để mất. Đó là lời Hòa Thượng ân sư Thích Trí Quang, vị Đệ nhất đầu tiên Chánh thư ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – Viện Tăng Thống. Mục đích của Gia Đình Phật Tử đã nói rõ là đào tạo thanh thiếu nhi, con em Phật Tử trở thành những Phật Tử chân chánh và là một công dân xứng đáng của đất nước. Một Phật Tử chân chánh là biết bảo vệ, duy trì và đặc biệt là tuân theo lời dạy của Đức Thế Tôn. Một công dân xứng đáng, phải là một người yêu nước, thương dân, biết hy sinh phần cá nhân của mình để phục vụ dân tộc. Do đó Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất luôn luôn đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của dân tộc và nhân loại, chứ không đặt sự tồn tại của mình trên phương diện cá biệt. Đó là lý tưởng hôm nay thầy trò chúng ta phải biết, và mục đích của Gia Đình Phật Tử Việt Nam là thế.

Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã có hơn 80 năm trên đất nước thân yêu của chúng ta. Giờ đây Lam Viên đã có khắp nơi trên thế giới là một điều hãnh diện, bởi lẽ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã sản sinh, đã duy trì, đã nuôi nấng các bậc mà trong giờ phút này không có một vị tu sĩ nào bốn, năm mươi tuổi trở lên mà không phải là Thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chỉ ngoại trừ những người kế tục còn nhỏ tuổi. 40 tuổi trở lui một tuổi mới có thể quên, không nhớ, không biết Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nhưng từ 50 tuổi trở lên thì chắc chắn không ai có thể quên.

Vì vậy, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã có trên 80 năm; ai quên, ai nhớ, ai phản bội, ai trung thành? Ai quên thì đã quên; ai nhớ thì đã nhớ; ai phản bội thì đã phản bội; và ai trung thành thì đã trung thành. Và thầy trò chúng ta hôm nay tưởng niệm các bậc Tiền bối, thể hiện lòng trung thành đó. Ai phản bội – quyền của họ! Ai không ghi ơn – quyền của họ! Ai không tín nhiệm – quyền của họ! Ai quên Tổ tiên ông bà – quyền của họ! Ai quên lịch sử hào hùng của dân tộc – quyền của họ! Ai quên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – quyền của họ! Nhưng Thầy trò chúng ta là những kẻ hấp thụ nền giáo lý của đạo Phật, hấp thụ nền văn hóa của dân tộc Việt Nam 4.000 năm văn hiến, không có quyền quên! Hấp thụ cái tinh thần yêu nước, thương dân, hy sinh cá nhân của mình cho đại thể, thầy trò chúng ta không có quyền quên! Do đó, duy trì nền móng đạo đức của dân tộc, là bổn phận của thầy trò chúng ta. Góp phần để bảo vệ, làm rạng danh cho đất nước, là bổn phận của chúng ta.

Năm 1975, đáng lẽ cả thế giới hướng về Việt Nam để noi gương thầy trò chúng ta. Đã có Đại Hội Thanh Niên Phật Giáo quốc tế đến tại Việt Nam để lấy cái mẫu mực, cái tổ chức của Gia Đình Phật Tử Việt Nam mà nhân rộng ra khắp nơi trên thế giới; vì họ thấy cái Tổ chức quá đẹp, một Tổ chức xây dựng cho một đàn hậu bối, một thế hệ trẻ biết yêu nước, thương dân, yêu người, mến vật, trung thành với con đường lý tưởng, trung thành với quê hương, trung thành với giang sơn tổ quốc. Chính đó là niềm hãnh diện của Gia Đình Phật Tử Việt Nam chúng ta.

Người Phật Tử Việt Nam phải hiểu rõ điều đó, để thấy rõ rằng cái ánh sáng Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật lan tỏa khắp nơi trong từng hơi thở của thầy trò chúng ta. Chúng ta may mắn đã hấp thụ được tinh thần Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật, được hấp thụ tinh thần yêu nước thương dân của Lê Lợi, của Quang Trung, của Trưng Vương, của Triệu Ẩu; được hấp thụ tinh thần của Lê Đình Thám, của Nguyễn Khắc Từ, của Hoàng Thị Kim Cúc, của Phan Duy Trinh, của Lương Hoàng Chuẩn, tất cả các Anh Chị… Tinh thần đó phải được nhen nhúm và nuôi dưỡng ở trong từng mỗi hơi thở của chúng ta, trong mỗi ý nghĩ của chúng ta, trong mỗi hành động của chúng ta, trong mỗi việc làm của chúng ta.

Người Phật Tử, hãnh diện mình là con dân của đất nước Việt Nam, hai vai gánh nặng. Một vai gánh cái trách nhiệm với quê hương, với đất nước, có bổn phận phải làm rạng danh cho tổ quốc. Một vai gánh nặng trách nhiệm với Giáo Hội, với các bậc Tiền bối, tiếp nối sự nghiệp của các Ngài trong vấn đề hoằng truyền Chánh pháp và đặc biệt là tu dưỡng đúng với Chánh pháp. Chùa to Phật lớn là cần, nhưng chùa to Phật lớn phải chứa đựng cái tinh thần của Chánh pháp. Chùa to Phật lớn không có nghĩa là để làm cái nơi để cho ma quân hoành hành, để cho ác tâm xâm nhập. Chúng ta có bổn phận phải làm cho ngôi chùa có một tinh thần phụng sự quê hương, chứ không phải bè phái, chứ không có lợi dụng; và việc làm hôm nay của quý vị là PHÁP HỘI THÙ ÂN.

Không có tu sĩ nào, không có ngôi chùa nào trong Chánh pháp mà không có 2 ngày đảnh lễ Thù Ân trong chùa. Vị tu sĩ nào không biết đảnh lễ Thù Ân, không phải là tu sĩ Phật Giáo. Ngôi chùa nào không có đảnh lễ Thù Ân, không phải là ngôi chùa của Phật Giáo mà ngôi chùa của ma vương. Vị tu sĩ nào không biết nghi thức của đảnh lễ Thù Ân, chỉ lạm dụng cái tinh thần của Phật Giáo, vì danh, vì lợi, vì cái bả danh lợi phù phiếm phồn hoa mà quên đi căn bản của người tu sĩ, thầy trò chúng ta không phải hạng đó! Vì vậy, việc làm hôm nay của toàn thể Lam Viên khắp nơi trên thế giới tưởng nhớ các anh chị tiền bối hữu công như lời của anh Trưởng ban đã trình bày trong lời Tác bạch tưởng niệm.

Ngay cả nhà cách mạng yêu nước – Cụ Nguyễn Đình Chiểu – tuy Cụ bị mù vẫn nhắc nhở chúng ta rằng: “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ. Thà đui mà khỏi tanh nhơ, còn hơn có mắt ăn dơ thúi rình. Thà đui mà giữ đạo mình, còn hơn có mắt mà đổi hình thay râu”. Đổi hình thay râu là phản bội quê hương, đổi hình thay râu là phản bội đất nước, đổi hình thay râu chính là đi ngược lại truyền thống của Tổ tiên, của ngàn năm văn hiến, nên lịch sử của dân tộc Việt Nam đã oai hùng như thế. Pháp Hội Thù Ân là một hình thức ghi ơn, nhớ ơn và phải nỗ lực làm thế nào để xứng đáng là con dân của đất nước Việt Nam oai hùng, làm thế nào để xứng đáng là một Phật Tử thuần thành của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đó là trách nhiệm của thầy trò chúng ta.

Lịch sử của dân tộc đã thể hiện một cách rõ ràng: Khi dựng nước là có chùa Khai Quốc; khi lập nước là có chùa Kiến Quốc; khi đất nước thanh bình là có chùa An Quốc; khi giặc ngoại quốc xâm lấn thì có chùa Trấn Quốc. Chỉ một ngôi chùa ở tại thủ đô Hà Nội sừng sững đó, đẹp đẽ đó, oai hùng đó, chùa Trấn Quốc mãi mãi có với quê hương đất nước. Chùa đó chính là chùa Khai Quốc; chính là chùa Kiến Quốc; chính là chùa An Quốc, và hôm nay là chùa Trấn Quốc. Mở nước, dựng nước, yêu nước, bảo vệ đất nước, chính là tinh thần của chùa Trấn Quốc; đó là văn hóa Phật Giáo. Vì vậy, nền văn hóa Việt Phật mãi mãi còn sống với tất cả chúng ta.

Vừa rồi chúng ta tưởng niệm ơn đức của các bậc tiền nhân, đặc biệt là Hòa Thượng Tuệ Sỹ, một con người đã quảy gót về Tây nhưng sơn hà phải nhỏ lệ, gió mây phải đứng nhìn. Vì vậy, tổ chức Gia Đình Phật Tử, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là ánh sáng của mê mờ, ánh sáng của trí tuệ, ánh sáng của từ bi, ánh sáng của tha thứ, ánh sáng của dung hòa, ánh sáng của bao dung, ánh sáng của tinh thần yêu thương đất nước. Ánh sáng đó phải được tiếp nối. Tiếp nối thế hệ này qua thế hệ khác, tiếp nối sự nghiệp của Thầy Tổ chúng ta. Chúng tôi tổ chức Lễ Tưởng Niệm 60 năm thành lập Giáo Hội bằng 5 phút im lặng. Chỉ im lặng thôi, đem lửa vào tim, tự nguyện với các bậc tiền nhân, tự nguyện nối tiếp sự nghiệp đó bằng sự im lặng. Một sự im lặng sấm sét. Một sự im lặng bằng cả hơi thở, sự im lặng bằng cả con tim, sự im lặng bằng cả dòng máu luân lưu trong mạch máu của mình để nối tiếp sự nghiệp của tiền nhân, của các bậc hy sinh để bảo vệ quê hương đất nước.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã làm được điều đó trong 9 năm trường. Từ năm 1963, đầu năm 1964 thành lập Giáo Hội và cho đến năm 1975. Chín năm trường, phát triển một hệ thống giáo dục từ trên xuống dưới, một hệ thống phục vụ từ trong ra ngoài, đã giáo dưỡng biết bao nhiêu thế hệ. Và ngay bây giờ, chúng ta cũng thấy rõ những người đang lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam bây giờ là con cháu, là cháu chắt được nuôi dưỡng trong lòng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ngoại trừ vĩ tuyến 17 trở ra, còn từ đó trở vào, không có vị nào không xuất thân từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, không có vị nào mà không phải là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Điều đó lịch sử đã chứng minh, không ai có thể phủ nhận được. Việc làm hôm nay của toàn thể các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử là phát triển cái thiện, phát triển ánh sáng. Không có ai nỡ lòng nào để ngăn chận cái thiện, không ai nỡ lòng nào để ngăn chận ánh sáng, không ai nỡ lòng nào đem bóng tối để thay cho ánh sáng, đem cái ác để thay cho cái thiện. Nếu làm như vậy có nghĩa là đồng lòng với tội ác. Vì vậy chúng ta tin tưởng một cách tuyệt đối rằng: Ai cũng có tâm huyết, ai cũng có tinh thần mến đạo mến đời, ai cũng có tinh thần yêu quê hương dân tộc, ai cũng có tinh thần yêu nước thương dân. Tất cả thầy trò chúng ta phải nuôi dưỡng tinh thần đó trong từng hơi thở của mỗi một Lam Viên.

Tôi thay mặt cho Hội Đồng Giáo Giới, thay mặt cho Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ, thay mặt cho Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tán thán cái tinh thần hiếu đạo, tán thán cái tinh thần tri ơn, tán thán cái tinh thần biết ơn và đền ơn đúng nghĩa của toàn thể Lam Viên khắp nơi trên thế giới; và quý vị cố gắng giữ vững tinh thần đó, không những bây giờ, không những kiếp này mà mãi mãi kiếp sau, không những đời này mà mãi mãi đời sau, vì đó là tinh thần của Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tinh thần của Lam Viên, tinh thần của thầy trò chúng ta: “Kim Cang bất hoại”. Hy vọng rằng Anh hùng Liệt sĩ, các bậc Tiền bối Hữu công sẽ chứng minh lòng thành của tất cả các Lam Viên. Đó là tinh thần của nền văn hóa Việt Phật; hể biết bảo vệ nền văn hóa đó tức là bảo vệ đất nước và quê hương.

Chúc quý vị an lạc, hạnh phúc trong hào quang Chư Phật, được che chở trong hồn thiêng sông núi, được các bậc tiền nhân chứng minh và chắc chắn các thế hệ kế thừa tiếp nối sẽ làm tròn và giúp lực cho thầy trò chúng ta vượt qua gian khó để hoàn thành cái sự nghiệp, cái trách nhiệm của những con người yêu nước thương dân, thương đời mến đạo.

Kính chúc Chư Tôn Đức an lạc, hạnh phúc. Chúc toàn thể Lam Viên tinh tấn trong tinh thần của Nhà Lam Bất Diệt.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.

Bài khác nên xem

Tưởng niệm Ân Sư: Thượng Tọa THÍCH ĐỒNG HUỆ

Huệ Quang GĐPTVN

Lời chúc Tết Nhâm Dần – 2022 của HTr Nguyên Tín Nguyễn Châu, Trưởng ban BHD Trung ương GĐPT Việt Nam

Huệ Quang GĐPTVN

BHD GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu thăm chúc tết, vấn an Chư Tôn Đức

Huệ Quang GĐPTVN