Tứ chánh cần

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

A. GIỚI THIỆU :

Hơn ai hết Đức Thế Tôn hiểu rõ sự quan trọng của sự tinh tấn, nên đã dạy bảo chúng ta trước khi đi sâu vào Đạo, phải chuẩn bị những phương tiện cần thiết, phải tỏ rõ một thái độ quyết tâm : Quyết tâm xa lánh điều dữ và thực hiện những điều lành. Đó chính là ý nghĩa của “ Tứ Chánh Cần ” một chi phần trong 7 chi phần của 37 phẩm trợ đạo thuộc phần Đạo đế của thuyết Tứ Diệu Đế mà Đức Thế Tôn đã thuyết giảng cho 5 anh em Kiều Trần Như trong bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển sau khi Ngài Thành đạo.

B. NỘI DUNG :

I. XUẤT XỨ VÀ VỊ TRÍ CỦA TỨ CHÁNH CẦN TRONG GIÁO PHÁP NHƯ LAI :

Tứ Chánh Cần là chi phần thứ 2 trong 37 phẩm trợ đạo, ngoài ra Tứ Chánh cần còn là chi phần chính trong Bát Chánh Đạo đó chính là Chánh Tinh Tấn; đồng thời Tứ Chánh Cần đều có sự liên hệ mật thiết với các phần còn lại trong 37 phẩm trợ đạo như : Định trong Tứ Như Ý Túc; Tấn căn, Tấn Lực trong Ngũ Căn, Ngũ Lực; Tinh Tấn trong Thất Giác Chi.

II. HÀNH TƯỚNG CỦA TỨ CHÁNH CẦN :

Tứ Chánh Cần là bốn sự nỗ lực tinh tấn trong tu tập hợp với chánh đạo :

1. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh

2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh .

3. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh

4. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh.

C. SUY NGHIỆM :

Tứ Chánh Cần quả là sức mạnh của sự tu tập giải thoát. Đó là đức tính cần yếu nhất để thành tựu mọi hạnh lành cũng như mọi đức tính khác.

Em cần quán chiếu, chiêm nghiệm tới lời dạy của đức Thế Tôn : Như sông Hằng chảy xuôi về Phương Đông, Tứ Chánh Cần được tu tập sung mãn sẽ xuôi về Niết Bàn. Rõ ràng Tứ Chánh Cần đưa hành giả đi nhanh đến giải thoát.

Tứ Chánh Cần là bài học về hành động, thực tu. Thực hành Tứ Chánh Cần là đem lại sự an lạc và thanh thản ngay trong cuộc sống này.

D. THỰC HÀNH :

Đã nhận thấy vai trò quan trọng và chủ yếu trong sự tu tập, em quyết định thực hành bốn sự nỗ lực tinh cần này, không giãi đãi, biếng nhác.

–   Luôn luôn tỉnh thức trong từng sát na, lấy ngũ giới làm hàng rào ngăn chặn để giữ gìn thân khẩu ý không cho móng khởi phát sinh những ác niệm.

–   Lấy giáo lý “ Nhân quả – Nghiệp báo ” làm tấm gương soi rọi để đọan tận những ác nghiệp đã phát sinh và sám hối chân thành những vi phạm đã xảy ra.

–   Luôn luôn quán niệm về vô thường để siêng năng làm việc thiện. Thân người khó được mà dễ mất, ta sẽ không đủ hành trang để đi đến bờ giải thoát. Nếu không siêng tạo nghiệp thiện, mà cứ hẹn rày hẹn mai, liệu cái bệnh, cái chết có chờ cho ta không ?

–   Luôn luôn tự khích lệ mình tiến lên trên bước đường tu học, vững tin ở chánh Pháp, ở Tam Bảo, ở chính mình, làm tăng trưởng mọi thiện Pháp đã sinh.

 Câu hỏi :

1.  Tứ Chánh Cần là gì ?
2.  Vị trí của Tứ Chánh Cần trong 37 phẩm trợ đạo ?
3.  Hãy giải thích câu : Tu tập Tứ Chánh Cần là làm tất cả thiện Pháp, tránh tất cả các ác Pháp, và giữ gìn tâm ý thanh tịnh ?
4.  Có người nói : “ Địa Ngục chứa đầy những người có ý tốt ”. Em hiểu câu ấy như thế nào ? Áp dụng Tứ Chánh Cần để nói lên sức mạnh của sự tu tập giải thoát là ở chỗ nào ?
5.  Áp dụng Tứ Chánh Cần trong cuộc sống hằng ngày như thế nào ?

 

Bài khác nên xem

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu tu Bát Quan Trai kỳ 4/2016

Tâm Lễ

Thường thức : Xem giờ phút

datthinh

BHD GĐPT Quảng Đức Sài Gòn tổ chức thi kết khóa Bậc Lực năm 2015

phuocthanh