Ý nghĩa mùa pháp nạn

phat-giao-viet-nam

 

Đối với Phật Giáo, pháp nạn không phải chỉ mới xảy ra từ thời cố Tổng thống Ngô Đình Diệm với sự kiện triệt hạ cờ Phật Giáo, đàn áp đẫm máu tối rằm tại đài Phát thanh Huế và tiếp nối là những cuộc xuống đường của nhiều thành phần xã hội, Thanh niên, Sinh viên, Học sinh, Công nhân, Giáo chức, Nghiệp đoàn, các tôn giáo bạn v.v… Mà pháp nạn đã có ngay từ ngày Phật đang còn trụ thế do ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA, NI KIỀN TỬ, LỤC SƯ tạo nên.

Do vậy nhắc lại sự kiện 50 mươi năm pháp nạn không phải là khơi lại đống tro tàn lịch sử, khích động những hận thù tôn giáo hay hối tiếc những sự kiện đã qua như tác phẩm “SỰ ĐÃ RỒI” của Jean Paull Sartre vì lẽ Quá khứ, Hiện tại và Vị lai đều bất khả đắc cả. Tất cả đã qua rồi và nhắc lại như là những bài học lịch sử không thể nào quên. Không phải chỉ riêng cho chúng ta mà là cho tất cả mọi người.

Lật lại “HỒ SƠ ĐÀN ÁP PHẬT GIÁO” do HỘI PHẬT GIÁO TRUNG VIỆT thiết lập năm 1962 gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Chủ tịch Quốc hội nước VIỆT NAM CỘNG HÒA và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc qua sự chuyển đạt của Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu thì từ khi về nước giành Độc lập cho đất nước từ tay người Pháp và lập phòng tuyến cho Thế giới Tự do ngăn chặn sự bành trướng của hệ thống XÃ HỘI CHỦ NGHĨA đã có hàng trăm ngàn Phật giáo đồ đã bị cưỡng bức cải đạo, giam cầm và thủ tiêu. Sự kiện triệt hạ cờ Phật giáo chỉ là hiện tượng GIỌT NƯỚC CUỐI CÙNG làm tràn ly nước mà thôi.

Đã đến lúc chúng ta công bố trước đồng bào, trước nhân loại trên toàn Thế giới bằng tiếng HỐNG của con SƯ TỬ không phải để biểu hiện quyền uy mà là bằng năng lực của  YÊU THƯƠNG của THANH TỊNH, của HÒA HỢP và TRÍ TUỆ để xiễn dương CHÂN LÝ HÒA BÌNH của chư Phật làm cho cây khô đâm chồi nẫy lộc, làm cho hoa héo có thể tốt tươi đưa cuộc sống đến chỗ an lành hạnh phúc. Trong quá khứ, hiện tại và vị lai đạo Phật chỉ bảo vệ cái tốt, tranh đấu trong xây dựng để cải tổ và hướng thiện nâng tầm cuộc sống. Tuyệt đối đạo Phật không chủ trương lật đổ chánh phủ để tham gia chánh quyền. Trước sau, xưa nay quan điểm, lập trường thái độ của Phật Giáo giản đơn trong sáng gói gọn dưới các hình thức:

1. Bày tỏ quan điểm, chấp nhận đàm phán trong tinh thần, tự do, dân chủ, trung thực, đôi bên cùng có lợi trong tinh thần lợi lạc quần sanh.

2. Bất hợp tác trong những chủ trương đường lối không có lợi cho quốc gia dân tộc và nhân loại.

3. Tuyệt thực, nhịn ăn lấy mạng sống của chính mình để cảnh giác những thế lực vô minh.

4. Tự thiêu thân xác mình để cảnh tỉnh những thế lực vô minh đừng vì những đam mê: DANH LỢI, TÀI LỘC và QUYỀN LỰC mà che mờ LƯƠNG TÂM và CHƠN LÝ.

NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ MÙA PHÁP NẠN 1963

1. ĐẠO PHẬT KHÔNG ĐẶT SỰ TỒN TẠI CỦA MÌNH TRÊN NGUYÊN VỊ CÁ BIỆT MÀ ĐẶT SỰ TỒN TẠI CỦA MÌNH TRÊN SỰ TỒN TẠI CỦA DÂN TỘC VÀ NHÂN LOẠI.

– Chính quyền nền đệ nhất Cộng hòa miền Nam Việt Nam chỉ coi Thiên chúa giáo là một tôn giáo được tự do học đạo tu đạo và truyền đạo. Đạo Phật và các đạo khác được coi như là những hội đoàn: Thanh niên, Nông dân, Phụ nữ, Hội Đá gà, Hội Chim Cá Cảnh… Nhưng Phật giáo không tự đấu tranh cho chính mình và khi bị đẩy vào thế phải tự vệ. Phật giáo đòi hỏi sự công bằng và bình đẳng cho mọi tôn giáo. Nên Phật giáo đã được sự hậu thuẩn của mọi thành phần Quốc dân, mọi thành phần tôn giáo.

2. Sự đam mê hư danh bất chấp sự thật của Linh mục Ngô Đình Thục đã gây công phẩn trong nhân dân làm sụp đổ chế độ. Ông Ngô Đình Diệm xây dựng quản lý tôn giáo bất công, nhưng đã bao năm qua Phật Giáo vẫn treo cờ, sau các cuộc lễ chính vẫn được phát thanh tường thuật các cuộc lễ. Có điều Linh mục đã báo cáo với Vatican, Việt Nam Thiên chúa giáo đã tăng trưởng thạnh mậu trên 80%, Phật giáo không còn dấu hiệu nào chứng tỏ là một tôn giáo mà là chỉ còn những tàn dư mê tín dị đoan. Vatican lại chọn đi thăm Việt Nam đúng vào mùa Phật Đản đó mới là nguyên nhân chính của vấn đề.

3. Ông Ngô Đình Diệm bị ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Khổng Mạnh QUYỀN HUYNH THẾ PHỤ mà ra sức hỗ trợ anh mình bất chấp lẽ phải. Từ đó việc TỀ GIA ông đã không làm tròn làm sao TRỊ QUỐC BÌNH THIÊN HẠ được.

4. Buông lỏng quản lý: Tay chân thuộc hạ của chế độ muốn tỏ rõ thái độ trung thành nô bộc của họ qua hành động trấn áp triệt để Phật giáo để dâng công mới có cảnh tàn sát ở đài Phát thanh. Một điều không đáng có và có thể tránh một cách dễ dàng.

5. Việc thương tiếc chế độ NGÔ ĐÌNH DIỆM của một số người là quyền tự do hợp pháp của họ. Không ai nhân danh gì để xúc phạm đến họ. Nhưng có những tư duy rằng Phật giáo đã tiếp tay với chính quyền Hà Nội để lật đổ chế độ ông Ngô Đình Diệm là những tư duy sai lầm không có cơ sở.

– Các điệp viên tình báo nằm cạnh Tổng thống Diệm, Tổng thống Thiệu lũng đoạn chế độ làm chao nghiêng chế độ là những người đội lốt Thiên chúa giáo xâm nhập vào chế độ qua cánh cửa nhà thờ chứ không phải Phật giáo.

– Lý thuyết chánh trị gia Ngô Đình Nhu đi thương thuyết bắt tay với chính quyền miền Bắc chứ không phải Phật Giáo.

– Những thất bại dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam, sự thành công cũng như những sai lầm của miền Bắc đều là những bài học lịch sử có giá trị xương máu không nhỏ. Nhân dân ta ai ai cũng phải gắn sức học tập. Để tránh những sai lầm trong tương lai. Chiến tranh dù xảy ra dưới bất kỳ hình thức nào cũng là điều nhân loại không ai ham muốn. Tư tưởng Quốc Gia cực đoan hay tôn giáo cực đoan đều là những mồi lửa mà loài người chân chánh đều tránh xa. Những biến động ở Trung Đông, Triều Tiên, Trung Quốc là những điểm nóng chứng minh cho những luận chứng nầy.

Cây đèn trước khi tắt nó cũng lóe lên một phút huy hoàng. Để chấm dứt thời kỳ Tượng pháp bước qua thời kỳ Mạt pháp đó là tình trạng chùa to Phật lớn được kiến lập tràn lan trên đất nước ta. Khi cái không khí trang nghiêm hòa hợp và thanh tịnh ngày một rời xa khung cảnh tráng lệ huy hoàng nầy.

6. Mạt pháp hiễn lộ: Dễ thấy như phá chùa đập tượng đàn áp đánh đập, thủ tiêu tăng ni.

7. Mạt pháp tiềm ẩn: Đạo Phật chỉ còn là hình thức, chùa chiền không còn là nơi câu hội bốn chúng để cùng nhau tu học hoằng dương chánh pháp mà chỉ còn là nơi tham quan du lịch, cúng dường, thọ dùng lợi dưỡng.

8. Nhà Ngô mở màn đàn áp đẫm máu vào rằm tháng tư âm lịch, chưa đầy năm tháng sau thì chế độ sụp ngã. Ta-li-bân ở Áp-ga-nix-tân vô cớ đánh phá các tượng Phật cũng chưa đầy năm tháng sau Ta-li-bân bị tiêu diệt. Ác giã ác báo chứ đạo Phật không báo. Hãy ghi nhớ sâu sắc về vấn đề nầy mà Phật tử phải bình tĩnh không manh động dưới bất kỳ hình thức nào!

Nay tưởng niệm Pháp Nạn một cách ý nghĩa nhất là ghi nhớ không quên những bài học lịch sử mà thế hệ cha anh chúng ta đã phải trả bằng một giá rất đắc. Cung kính thân chào chư độc giả./.

  (Thị Nguyên)

Bài khác nên xem

(BHD Gia Định) Trại Dũng liên quận Gò Vấp – Bình Thạnh 2019

nhuanphap

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu thi vượt bậc Đoàn Sinh năm 2019

Tâm Lễ

BHD Gia Định: Trại kết khóa LT HL HTr ADục 23, Lộc Uyển 31, năm 2016 – Phần 1

Áo Lam