Tuỳ duyên mà hành Đạo

IMG_1301

Lời Ban Biên tập: nhân ngày Hiệp Kỵ, BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam cung thỉnh Hoà thượng Thích Kiến Tánh- Giám Luật Hội Đồng Tăng Già Chứng minh quang lâm chứng minh buổi lễ. Hoà Thượng đã gởi bài viết cho trang nhà GĐPT Việt Nam.com. Nay chúng con xin được đăng bài của Hoà Thượng lên trang nhà. chúng con đê đầu đảnh lễ tri ân Hoà Thượng đã quan tâm đến chúng con. Kính chúc Hoà Thượng pháp thể khinh an chúng sanh dị độ.

Tuỳ duyên mà hành Đạo

Dòng chảy của thời gian vô tận, thay đổi theo từng chu kỳ của cuộc sống “Cái thấy hôm nay, không phải cái thấy ngày hôm qua, hai cái thấy không giống nhau” như kinh Kim Cang đức Phật đã dạy: Tiến trình tâm thức của chúng ta cũng thế, mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ diễn biến khá phức tạp, nhất là thời kỳ tiến bộ của khoa học như ngày nay, văn minh con người có phần đổi thay theo nhịp điệu của thời gian biến chuyển không ngừng. Nếu chấp chặt vào một nền giáo lý hoặc tư tưởng nào sẽ bị loại trừ. Giáo lý Phật Đà là một nền tảng uyên nguyên, là chân lý của trí tuệ đầy sức sống của Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi.

 Nếu hành giả tu qua mọi pháp môn biến nó thành giáo điều chấp chặt vào đó hoặc chạy theo khuôn sáo rỗng tuếch, thì Phật Giáo sẽ không còn là đạo giác ngộ và giải thoát nữa. Đạo Phật sẽ còn là một cái vỏ không hồn. Vì thế mà các Tổ, chư thiện tri thức tùy thời xuất xử, không chấp chặt, không xa rời, tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Nhưng nhớ một điều đừng cải biến (sửa đổi biến mất bản chất thanh tịnh).

 Có một vị tu sĩ người Đức xuất gia tại chùa Viên Giác, Thầy đã nghiên cứu học tập Thiền–Mật của một số quốc gia trên thế giới, Thầy hỏi Lão Tăng:

-Tại sao Phật giáo Việt Nam không lập tông?

Lão Tăng trả lời theo ý nghĩ riêng của mình:

-Phật giáo Việt Nam chỉ có một tông duy nhất là “Tổng Trì Tông” hay còn gọi là “Tối Thượng Thừa Tông”. Lấy giới luật làm căn bản, khuya trì tụng Lăng Nghiêm, chiều trì kinh A Di Đà, hồng danh sám hối, tối trì kinh các kinh Đại Thừa như: Pháp Hoa Kinh, Kim Cang Kinh, Niết Bàn Kinh v.v…, giữa đêm Thiền quán. Như vậy tinh thần tu tập của Phật Giáo Việt Nam không hướng về con đường “Phật tri kiến” thì còn con đường nào hơn.

Thật ra cái diệu dụng mọi pháp môn chỉ nhằm mục đích đưa chúng sanh được an vui giải thoát là vãng sanh. Vãng từ bờ mê, sanh về biển giác. Cho nên nhất tâm bất loạn là Thiền đại định. Khi xưng danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, hành giả chỉ chú tâm vào danh hiệu Phật, như một thác nước tuôn chảy tương tục không ngơi nghỉ, dần dần đến chỗ nhất tâm, chánh tư chánh định Như Lai, hốt nhiên phát sanh tuệ giác, bởi lẽ danh hiệu Phật là Hư Không tạng, là Viên Giác tạng, là Vô Cấu tạng, là Tịch Tịnh tạng… Nhờ dụng công niệm Phật hành giả thường biết các pháp không cố định, không có tự tánh, tự lìa xa huyễn hóa sanh diệt, thể nhập lý vô sanh. Đó gọi là “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức Giác” mà trong kinh Viên Giác Phật đã dạy. Giác là tánh thường biết, không phóng tâm theo huyễn, không còn phải hủy diệt hoặc thay đổi bản chất của huyễn, không thể diệt bỏ sóng mà tự nhiên có nước? Nước là sóng, sóng là nước. Tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tọa thiền chỉ nhằm mục đích chuyển ba độc: “Tham, sân, si” thành Tam vô lậu học Giới – Định – Tuệ. Đừng để cho ngoại cảnh làm chủ mình, đừng để sáu trần loạn động sáu căn, đừng để sáu căn quấy nhiễu sáu thức.

Kinh Lăng Nghiêm lời Phật dạy, đã bao gồm cả Thiền – Tịnh – Mật.

Thiền chỉ rõ chơn tâm “Nhất minh tinh, lục hòa hợp”. Ông chủ thường ra vào sáu căn tự tại mà không thể nhận nên mắc khổ trầm luân.

Tịnh là lắng lòng, nhiếp niệm, không cho tâm viên ý mã phóng túng buông lung, xoay tánh nghe, tánh thấy… trở vào liền đủ diệu dụng.

Mật là năm đệ thần chú do Phật thuyết sai Bồ Tát Văn Thù đem đến cứu giải A Nan thoát khỏi tay dâm nữ Ma Đăng Già.

Năm đệ thần chú ấy nhằm quét sạch ma vọng tưởng năm ấm, còn gọi là năm mươi hiện tượng ngũ ấm ma, mà bất cứ hành giả nào trên bước đường tu tập cần phải hằng tỉnh, hằng giác. Khi quét sạch vọng tưởng ngũ ma hoặc ngũ ấm ma rồi thì Tuệ giác hiển hiện.

 Thời đại ngày nay ai cũng muốn tu tắt cho mau để Kiến Tánh Thành Phật, thật quá tham vọng, vượt bậc hơn Phật Tổ rồi! Vì Đức Phật dã trải qua khổ sở tu khổ hạnh Bồ Tát, thành tựu sáu pháp Ba La Mật với chúng sanh trong nhiều số kiếp để được Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn.

Sau giờ phút thành Phật, Ngài vẫn thể hiện pháp tánh bình đẳng, Ngài chia tòa ngồi cho Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp, Ngài nhắc nhở các đệ tử từng bước đi trên lộ trình giải thoát để được như Ngài: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” “Hãy tự mình thắp đuốc mà đi” và trên đường tu, biết bao thử thách mà gặp phải.

Dù ban đầu chứng sơ thiền đến nhị thiền, tam thiền, tứ thiền vượt qua nhiều kinh nghiệm mới phá vỡ các thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lìa tứ cú, tuyệt bách phi, thấu rõ bản lai diện mục, đạt đến tuệ giác vô thượng.

Thế mà nay chúng ta đã cô phụ bản hoài của Phật và chư Tổ, cứ giong ruổi theo trần lao, tục lụy, bã danh lợi của cuộc đời, thờ ơ với giác tánh, trầm mình trong cuộc sống say chết ngủ, quên hẳn đường về.

Tu chưa được gì, lại giương giương tự đắc. Nói độ tha mà mãi tự độ, độ đời mà cứ để đời độ. Còn Lão Tăng tự nhận mình ở chùa lâu lại càng ôm ngã chấp thật lớn chẳng biết phân minh chánh tà làm bạn với vô minh mà cứ ngỡ mình là bậc chân tu đạo hạnh “Thân ở đây mà tâm ở đâu”. Nợ của đàn na tín thí càng dày làm sao báo Phật ân đức? Chính vì Lão Tăng quá tham vọng mà vì huyễn trần dối gạt. Thật đáng thương cho Lão Tăng này vậy!

 Đức Thế Tôn, vị đạo sư cao quý của Trời và người. Ngài đã quán căn cơ của chúng sanh mà tùy bệnh cho thuốc. Thế giới này không biết bao nhiêu sự nhiêu khê, cuộc sống là cả một bãi chiến trường đấu tranh không dừng nghỉ, đưa đến nỗi tuyệt vọng khôn cùng của nhân loại. Nhưng thật may mắn trong đời, chúng ta đã nhận được một thông điệp vĩ đại về hòa bình yêu thương. Là nền tảng an lạc để xây dựng cuộc đời an vui ngay đây và tại đây. Ngài chưa bao giờ dạy chúng ta chối bỏ thế giới này, để đi tìm một thế giói khác. Người hành giả của Phật Đà là phải nổ lực ở nơi tâm linh và hành động, luôn luôn trân trọng cuộc sống và xây dựng cuộc sống trong tinh thần hiểu biết và yêu thương. Phải ý thức rằng bọn ma quân đang rình rập chúng ta, nếu chúng ta đánh mất chánh niệm. Mất chánh niệm là mất tất cả. Trong hoàn cảnh tu tập hôm nay, hành giả phải nhất quán về pháp môn tu tập của mình, không vọng ngoại, đi tìm cầu những điều không thực tế. Phải căn cứ vào lời dạy của đức Bổn Sư, Ngài đã thắp sáng ngọn đuốc tuệ giác. Chư Tổ đã mồi ngọn đuốc ấy truyền thừa cho đến hôm nay, nhất là chư Tổ Việt Nam chúng ta. Quý Ngài đã đi vào cuộc đời như một Bồ Tát Địa Tùng Dõng Xuất. Tại sao chúng ta có thể quay lưng lại với truyền thống hào hùng đầy từ bi và trí tuệ. Hãy “Quán nhiếp các pháp trong tư thế dung thông và tự tại”. Hãy xem chừng chúng ta bị bệnh nói nhãm rồi! Nguyện cầu tất cả nhìn nhau với sự hiểu biết và cảm thông.

 Sa Môn Thích Kiến Tánh

 

Bài khác nên xem

Tinh Thần Huấn Luyện Trại Huyền Trang

phuocthanh

Thầy Tâm Thanh Viết Gửi Linh Anh Như Tâm

ducquang

BHD GĐPT Khánh Hoà tổ chức Tổng kết năm 2012 và Bế mạc Trại Huyền Trang VI

phuocthanh