Lãnh thổ – Lãnh hải – Biên cương: Ý DÂN – Ý VUA

Thời kỳ Pháp thuộc, Mặc dù chịu sự bảo hộ của Pháp, Nam triều mất quyền tự chủ, trong đó có quyền ngoại giao, nhưng về danh nghĩa vẫn là đại diện cho quốc gia, nên trước các yêu sách của chính quyền Quốc Dân Đảng Trung Hoa và sự đề nghị cung cấp dữ kiện liên quan đến vấn đề Biển Đông, ngày 3 tháng 3 năm 1925, Thượng Thư Bộ Binh Thân Trọng Huề thay mặt triều đình Huế đã xác nhận chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa bằng một văn thư, trong đó có đoạn như sau: “Quần đảo Hoàng Sa luôn luôn thuộc về Việt Nam và đó là vấn đề không thể chối cãi được…”

Trong bản báo cáo ngày 22/1/1929, Khâm Sứ Pháp ở Trung Kỳ là Le Fol nhấn mạnh các quyền được nước An-Nam khẳng định và duy trì từ lâu trong diễn biến tranh chấp các đảo trên biển Đông giữa Trung Quốc với chính quyền bảo hộ Pháp. Ông viết như sau: “Thân Trọng Huề, nguyên Thượng Thư Bộ Binh, qua đời năm 1925, trong thư ngày 3 tháng 3 năm đó, đã khẳng định rằng “Các hòn đảo đó bao giờ cũng thuộc nước An-Nam. Không có gì phải tranh cãi về vấn đề này”.

Những câu nói bất hủ:

Lý Thường Kiệt (1019-1105):

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Dịch:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!

Bài thơ tương truyền là của danh tướng Lý Thường Kiệt đang đêm sai người tâm phúc đọc vang trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát (thuộc địa phận sông Như Nguyệt, khúc sông Cầu, huyện Yên Phong, lộ Bắc Ninh – nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Bài thơ như một bản Tuyên Ngôn Độc Lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt chống lại cuộc xâm lăng của quân Tống lần thứ 2.

oOo

Lê Thánh Tông (1442-1497):

“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”

(Chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông với các quan phụ trách biên cương đứng đầu là Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy vào tháng tư năm 1473, được chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

oOo

Trần Hưng Đạo [Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn] (1228-1300):

“…Các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?”.

(Dụ Chư Tỳ Tướng Hịch Văn, thường gọi là Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo thảo ra để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh Thư Yếu Lược, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Nguyên-Mông với Đại Việt lần 2).

oOo

Trần Nhân Tông (1258–1308):

Vua Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, là vị vua thứ 3 của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước Trần Anh Tông) trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi 15 năm (1278–1293) và làm Thái Thượng Hoàng 15 năm.

Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 2 và thứ 3. Trần Nhân Tông là vị hoàng đế nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam.

Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm Đầu Đà). Ông là Tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này. Về sau ông được gọi cung kính là “Phật Hoàng” do những việc này.

Ông sinh vào ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (tức 7/12/1258) và viên tịch ngày 3 tháng 11 âm lịch năm Mậu Thân (tức 16/11/1308), được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lợi cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.

Ông đã để lại bản di chúc dặn dò con cháu, cũng là lời dặn dò cho muôn đời hậu thế nước Việt, gần ngàn năm qua vẫn còn nguyên chân giá trị:

“Các người chớ quên , chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.

Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:

Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác.
Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.

Cũng chính Trần Nhân Tông là vị vua đầu tiên có tư tưởng dân chủ, lấy ý kiến của quần chúng đồng bào trước họa chiến tranh của đất nước trước một cường quốc xâm lăng mạnh hơn gấp bội bằng cách triệu tập các bô lão về họp ở điện Diên Hồng để tham khảo về đường lối giữa lúc dầu sôi lửa bỏng. Hội Nghị Diên Hồng chính là một Đại Hội Quốc Dân, một Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân, một kỳ họp Quốc Hội đặc biệt đầu tiên vào thời ấy. Hội nghị đã bày tỏ quyết tâm sắt đá của toàn dân đánh giặc đến cùng, đem lại quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân Đại Việt. Tiếng hỏi của vua và lời đáp đồng thanh của các bô lão khắp mọi miền đất nước giữa Hội Nghị Diên Hồng năm nào cho đến giờ vẫn còn âm vang đồng vọng ngập tràn khí thế oai hùng anh của dân tộc Việt:

– Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?

– Quyết chiến! Quyết chiến!

– Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?

– Hy sinh! Hy sinh!

— oOo —

Đọc thêm:

Hội Nghị Diên Hồng

Để chủ động đối phó với dã tâm của đế quốc Mông-Nguyên, năm 1282, triều Trần đã triệu tập đội ngũ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp đến tham dự Hội Nghị Bình Than để bàn định chiến lược và những kế sách cụ thể trong cuộc đọ sức không thể nào tránh khỏi với kẻ thù. Cuối năm 1284, để thống nhất ý chí và cũng là đệ tập hợp sức mạnh của toàn dân, triều đình nhà Trần đã trân trọng mời các vị bô lão đại diện cho nhân dân các làng xã về dự một cuộc hội nghị đặc biệt tổ chức tại kinh thành Thăng Long. Địa điểm hội nghị là cung điện Diên Hồng, vì thế, sử thường gọi đây là Hội Nghị Diên Hồng.

Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Hoàng Đế Trần Nhân Tông đích thân chủ trì hội nghị. Tại Hội Nghị Diên Hồng, các vị bô lão đã được chính thức nghe thông báo những tin tức về việc quân giặc đã áp sát biên giới phía Bắc nước ta và cho biết: Nếu chấp nhận hòa với quân giặc nghĩa là mất tất cả, còn như nếu toàn dân đồng lòng liều chết để đánh thì có thể giữ được tất cả. Vậy, Đại Việt nên hòa hay nên đánh? Và tiếng hô quyết đánh đã rung chuyển cả điện Diên Hồng. Hiểu được lòng dân, nhà Trần đã tự tin vạch ra được những kế sách chống xâm lăng sắc sảo và chuẩn xác. Chiến thắng vĩ đại vang lừng của cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Mông-Nguyên diễn ra vào năm 1285 gắn chặt với thành công của cuộc hội nghị này.

Hội Nghị Diên Hồng là một sáng tạo rất độc đáo của nhà Trần, là biểu hiện của ý thức tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của toàn dân. Nhiều nhà sử học đã trân trọng gọi đây là điển hình của tinh thần dân chủ thời trung đại.

Lời bài hát “Hội Nghị Diên Hồng”

Nhạc: Lưu Hữu Phước – Lời: Việt Tiến.

Toàn dân! Nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển
Tuông giày non sông rền vang tiếng vó câu
Gây oán nghìn thu!

Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến?
Diên Hồng tâu lên cùng Minh đế báo ân
Hỡi đâu tứ dân!

Kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi
Ôi Thăng Long! Khói kinh kỳ phơi phới
Loa vang vang, chiếu ban truyền bốn hương
Theo gió bay khắp miền sông núi réo đời.

Lòng dân Lạc Hồng
Nhìn non nước – Yêu quê hương
Giống anh hùng nâng cao chí lớn
Giống anh hùng đua sức tráng cường.
Ta lên đường
Lòng mang tâu đến long nhan
Giòng Lạc Hồng xin thề liều thân liều thân!

Đường còn dài
Hờn vương trên quan tái
Xa xa trông áng mây đầu non Đoài

Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
Đoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
Nhìn bao quân Thoát lấn xâm tràn nước ta
Ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la!

Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
Quyết Chiến!

Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
Quyết Chiến!

Quyết chiến luôn
Cứu nước nhà
Nối chí dân hùng anh.

Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
Hy Sinh!

Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
Hy Sinh!

Thề liều thân cho sông núi
Muôn năm lừng uy!


— oOo —

Đọc thêm:

Thơ chiến trận của Trần Nhân Tông

Tượng Hoàng Đế Trần Nhân Tông.

Thơ chiến trận là một phần sáng tác quan trọng không thể bỏ qua khi tìm hiểu thơ văn Trần Nhân Tông. Những vần thơ ông làm lúc trực tiếp cầm quân đuổi giặc không nhiều. Giới nghiên cứu đời sau lục tìm khắp các sách cũng chỉ tìm thấy vài ba bài ngắn ngủi. Nhưng điều đáng quý là những bài thơ ngắn ngủi ấy, bài nào cũng mang những giá trị sâu sắc cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật. Quan trọng hơn, trong thơ chiến trận của ông, ta nhìn thấy hình ảnh con người thời đại với tất cả sự tự tin, mạnh mẽ, hào hùng.

Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông tiến vào Ải Nội Bàng, mở đầu cho cuộc xâm lược nước Đại Việt lần thứ hai. Trước thế mạnh của giặc, Ải Nội Bàng thất thủ. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn thay đổi chiến lược, lui quân phòng thủ để bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản công. Tình thế trước mắt gặp nhiều khó khăn, lòng người không khỏi hoang mang, dao động. Trên con thuyền rút về Hải Đông, Trần Nhân Tông đề vào đuôi thuyền hai câu thơ bất hủ:

Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh.

(Việc cũ ở Cối Kê ngươi nên nhớ
Đất Hoan, Diễn vẫn còn kia mười vạn binh).

Hai câu thơ gợi nhắc điển cũ Cối Kê, lúc Việt Vương Câu Tiễn bị quân Ngô dồn vào ngõ cụt, binh sĩ tan tác, tưởng như không thể phục hồi lại được. Ấy vậy mà chỉ với một nghìn quân ít ỏi còn sót lại, Câu Tiễn đã xây dựng thành một đội quân hùng mạnh sau này thôn tính nước Ngô, hoàn thành bá nghiệp. Gợi lại tích xưa, Trần Nhân Tông muốn khẳng định niềm tin mãnh liệt của mình vào chiến thắng. Vị hoàng đế muốn nhắc nhở tướng sĩ của mình rằng đừng vội nản lòng vì những rối ren trước mắt, đừng quên chúng ta vẫn còn mười vạn quân Hoan-Diễn đang sẵn sàng chờ tiếp ứng. Một nghìn quân của Câu Tiễn còn làm nên việc lớn, huống hồ lực lượng của quân ta đang hùng hậu, chỉ tạm lui binh để thực hiện đại kế mà thôi. Tuy nhiên, giá trị của hai câu thơ này không dừng lại ở đó, cái chính là nó đã tạo ra một cái nhìn triết học mang tính biện chứng sâu sắc. Từ chiều sâu suy tưởng, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng một sự kiện Cối Kê sẽ lặp lại, không phải ở Trung Hoa thời Xuân Thu mà ở nước Đại Việt thời Trần. Trong hoàn cảnh nguy khốn mới thấy hết được bản lĩnh của Trần Nhân Tông – vị chỉ huy tối cao của toàn dân tộc. Giữa lúc thế giặc đang mạnh, lòng người không yên, con người ấy không mảy may nao núng, trái lại vẫn bình tĩnh, tự tin và nhận định tình hình một cách sáng suốt. Bàn về hai câu thơ trên, Nguyễn Huệ Chi cho rằng “nếu Trần Quốc Tuấn bày tỏ sự thấy (chiến thắng) bằng cái cách của con nhà tướng, đem đầu ra đánh cược với Trần Thánh Tông, thì Trần Nhân Tông lại thể hiện nó bằng tầm bao quát tinh xác tương quan lực lượng trên khắp mọi mặt trận khi đó, cả trước mặt mình và khuất xa sau lưng mình. Chưa nói đến đức bình tĩnh hiếm có, chỉ nội dung của lời thông báo cũng đủ chứng tỏ năng lực của một con người lãnh đạo kì tài”.

Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông). Nhìn con ngựa đá lấm bùn, ông xúc cảm làm bài thơ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Bài thơ chỉ hai câu mà trở thành danh thi, lưu truyền vạn thuở. Nó không đơn thuần khẳng định sức mạnh nội lực của dân tộc hay niềm vui chiến thắng mà còn thể hiện sự suy nghiệm sâu sắc cùng với cái nhìn quán thông kim cổ, giúp ta nhận ra được sự trường cửu của dân tộc. Hai câu thơ chứa đựng trong nó sự tồn tại đối xứng và chuyển hóa cho nhau giữa các khái niệm đối lập: “chiến tranh” và “hòa bình”, “động” và “tĩnh”. Chiến tranh trong một lúc, hòa bình là thiên thu. Cái động trong thoáng chốc, cái tĩnh là vĩnh hằng. Điều đặc biệt là để tạo ra nền hòa bình muôn thuở thì phải chịu gian lao trong chiến tranh. Để có cái tĩnh thì phải chuyển hóa nó từ cái động. Từ cái nhìn biện chứng, nhà thơ khái quát thành một nhận xét về dân tộc: Tuy phải nhiều phen binh lửa nhưng sẽ mãi mãi vững bền.

Một lần khác về thăm Long Hưng, trông thấy vẻ uy nghi đường vệ của lăng Thái Tông, một tứ thơ hào sảng phát khởi trong lòng vị hoàng đế:

Tì hổ thiên môn túc
Y quan thất phẩm thông
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
(Xuân Nhật yết Chiêu Lăng)

Dịch nghĩa:

Nghìn cửa quân tì hổ uy vũ,
Các quan thất phẩm áo mũ đầy đủ.
Quân sĩ có người đầu bạc vẫn còn.
Thường thường kể chuyện thời Nguyên Phong.
(Ngày xuân thăm Chiêu Lăng)

Những lời thơ mang khẩu khí của bậc đế vương anh hùng, toát lên vẻ đẹp hùng tráng và lãng mạn. Từ vẻ tôn nghiêm và uy vũ của đế lăng trong thực tại, qua câu chuyện của “người lính giá đầu bạc”, tác giả như làm sống lại không khí hào sảng, oanh liệt lúc Nguyên Phong (vua Trần Thái Tông) trực tiếp xông pha trận mạc, qua đó thể hiện lòng tự hào dân tộc và lòng nhớ ơn tổ tiên sâu sắc.

Ngoài những bài thơ trên đây, không tìm thấy trong thơ Trần Nhân Tông bài thơ chiến trận nào nữa. Có thể do ông không sáng tác nhiều. Cũng có thể tác phẩm của ông bị thất tán do chủ trương thủ tiêu văn hóa của giặc Minh đầu thế kỷ XV. Song cần thấy rằng, chuyện sáng tác nhiều hay ít không quan trọng trong địa hạt của thi ca. Cái quan trọng là với những vần thơ ít ỏi như thế, Trần Nhân Tông đã thể hiện được hào khí thời đại và vẻ đẹp tráng lệ của con người thời Trần – những con người mang trong mình tinh thần Đông A.

— oOo —

Tài liệu tham khảo:

Trần Nhân Tông – Đức Vua, Phật Hoàng của dân tộc Việt. Tham luận tại Hội Thảo “Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cuộc đời và sự nghiệp” tổ chức tại Quảng Ninh, ngày 26/11/2008.

Thơ chiến trận của Trần Nhân TôngHồ Tấn Nguyên Minh.

Sử Calichsuvietnam.vn

Các vị vua Việt Nam đã xác lập chủ quyền trên biển Đôngtongiaovadantoc.com

– Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia.

– Và các hình ảnh từ internet.

QUANGMAI

Bài khác nên xem

GĐPT Đức Hưng: Tặng quà từ thiện, Covid – 19 Đợt 1 (Ngày 04/7/2021)

nhuanphap

Cáo tang: NHẠC MẪU của HTr cấp Dũng Nguyên Lễ Trần Công Lộc TẠ THẾ

Huệ Quang GĐPTVN

Khánh Hòa: Lễ truy thăng cấp Tấn và tiễn đưa cố HTr Nguyên Thành

Huệ Quang GĐPTVN