Chư tôn đức và Lam viên GĐPTVN thành kính tưởng niệm Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

KÍNH DÂNG TUỆ SỸ THƯỢNG NHÂN

Cuộc lữ hề đi thôi
Vượt thác ghềnh hề chèo với trăng
Mang mang hề đất trời
Mơ Trường Sơn hề Thiên lý độc hành.

Thưa bậc Thiện tuệ!
Hỏi trang Thượng sỹ!
Người từ đâu đến
Người đi về đâu?
Hỏi gió Trường sơn, mặc khách về đâu, chỉ thấy rừng cây, đứng ngắm trăng ngàn mơ huyễn thoại
Gọi triều Đông hải, cô thuyền ẩn tích, mới hay con sóng, xóa nhòa vết nhạn giữa tầng không.
Gõ thất Duy-ma, thất chủ đã lên Hương Tích mượn bồ đoàn, tám vạn bốn ngàn tòa đãi khách
Vào hang Ca-diếp, Đầu đà đang ẩn Kê Túc đợi Từ thị, thiên bá ức linh tải chờ người.
Hỏi Trúc Đạo Sinh đá gật đầu cười
Đến Đường Lâm Tế sư rền giọng hét
Bụi chẳng thèm bay, bóng trúc quét
Nước không gợn sóng, ánh trăng soi
Tào Khê chảy mãi không lời
Linh sơn mây trắng ngàn đời du du.

Kính lạy Giác linh Tôn sư!
Con về lạy dưới chân Thầy
Nghe bao pháp nhũ đủ đầy trong tâm
Chùa xưa vọng tiếng chuông trầm
Cỏ cây mây nước cũng thầm dâng hương.

Nhớ Giác linh xưa!
Hương quán Quảng Bình
Xuất sanh Pakxé
Ấu niên vào chùa ngâm kinh xướng kệ
Bảy tuổi hồi hương học đạo hành Thiền.
Hải Đức Nha Trang quy tụ trí thức ba miền
Quảng Hương Già Lam thu hút anh tài khắp chốn.
Học đường Vạn Hạnh gửi tâm tư giữa trời Nam hỗn độn
Tạp chí Tư Tưởng dâng ý nguyện về Phật Việt thiêng liêng.
Viết sách, làm thơ, chơi nhạc tùy duyên
Khảo cứu, biên thư, dịch thuật mẫn cán.
Khóc vận mệnh bao phen khi quê hương lửa đạn
Buồn trí thức nửa mùa lúc tổ quốc lâm nguy
Giun dế cắn đứt cà non Người vì đời đổ lệ tàm ty
Bọ rùa nhắm tàn dãy bí Thầy phong kín nổi hờn ngoan thạch(1).
Dấn thân ư? Oan ức không cần biện bạch
Tù đày ư? Khóa miệng cũng vẫn hành Thiền
Trở về sau bản án chung niên
Dựng lại cả một miền Tuệ giác.
Đem cái học Khổ, Không hỏi Ngài Duy-ma-cật
Vận hùng tâm Thọ, Nguyện vấn hoàng hậu Thắng Man
A-tỳ-đạt-ma Câu-xá ngàn trang
Trường, Trung, Tạp, Tăng A-hàm bốn bộ.
Truyền thống tổ tiên đang dần vào tuyệt lộ
Đại lao cổ đức làm Bỉnh pháp Tỳ-kheo
Cô thân giữ vững tay chèo
Tử sinh bóng hạc bọt bèo trường không.

Kính lạy Giác linh Tôn sư!
Tổ quốc bốn mươi kỷ tâm linh, rót xuống trăm năm đấng Tuệ tài kiệt xuất
Quê hương hai ngàn năm Phật giáo, vọng về thời đại bậc Sỹ khí vô song.
Tuệ ngọc ngời soi, ngoan thạch châu tuần, trí đức bàng hoàng trời kinh viện
Giới châu ánh hiện, mây ngàn hội tụ, biện tài chất ngất đất già-lam
Tuyết lãnh hạc gầy, nhả hạt linh đơn, chữ nghĩa tam thiên dậy ba đào bốn biển
Hằng giang nguyệt ấn, khơi nguồn huyền thoại, kinh thư bát vạn nhòa cổ lục năm châu.
Giấc Mơ Trường Sơn gọi gió biển về đâu
Ngục Trung Mỵ Ngữ(2) gieo u sầu nhân thế
Độc đối thanh tùng kể lể
Đạp trước hồng lô ngủ vùi(3)
Thỏng tay vào chợ rong chơi
Dời trang Kinh Phật vào đời mông lung.

Thầy ơi!
Với các bậc kỳ tài, Thầy trọng thị, khiêm cung
Cùng những kẻ hậu lai, Thầy từ ái, nâng đỡ
Chưa thấy Thầy chê bai ai dù chuyện hay chuyện dở
Chẳng thấy Thầy khuất phục ai dù bạo thế cường quyền
Pañca-sīla Người rất mực trinh tuyền
Pātimokkha Thầy tinh chuyên trì niệm.

Than ôi! Lô hỏa thuần thanh chừ tắt lịm
Hỡi ôi! Chiên đàn hải ngạn chừ thanh lương
Huyết thống tâm linh tìm đâu chỗ tựa nương
Sự nghiệp thánh điển còn ai người chèo lái
Thất chúng về vọng bái
Ngườti thanh thản ra đi
Trên linh đài Người mỉm mật huyền vi
Dưới kim quan Chúng thầm thì huyết lệ
Xao xác tiếng gà bên trời Tây kể lể
Bơ vơ điệu thở giữa hồn Việt ngậm ngùi
Kính dâng vài chữ bồi hồi
Trường Sơn viễn mộng xa rồi Thầy ơi!!!

Thùy Ngữ Thất, Mạnh Đông năm Qúy Mão.
Đệ tử Thích Nguyên Hiền kính lễ.

Chú thích:

(1) Hai câu này lấy ý từ bài thơ TA BIẾT trong Giấc Mơ Trường Sơn.
(2) Giấc Mơ Trường Sơn và Ngục Trung Mỵ Ngữ là tên hai tập thơ chữ Việt và chữ Hán của Tuệ Sỹ.
(3) Độc đối thanh tùng và Hồng lô thụy bãi là những ý trong các bài thơ của Ngục Trung Mỵ Ngữ.

oOo

CUNG VĂN BÁI BIỆT THẦY

Thầy là bậc xuất trần thượng sĩ, việc đến đi đâu có vướng bận gì. Thị hiện là chu toàn hạnh nguyện, thị tịch là Ta Bà hết duyên. Sớm nghĩ việc báo ơn Thầy Tổ, tuổi trăng tròn đã xuất hộ, chuyển pháp luân, vô úy thuyết biện tài. Lục độ hành thâm Bát-nhã khai, dựng Tư Tưởng, thực thi Vạn Hạnh, góp phần không nhỏ. giải trừ Pháp Nạn, kề vai gánh vác phong trào Chấn Hưng Phật Giáo, âm thầm nhưng mãnh liệt, vượt ba đào đi đến chổ thống nhất các tông chi giáo hệ mà không phải quốc gia nào cũng làm được trong lịch sữ truyền thừa Phật Giáo trên hai ngàn năm trăm năm qua.

Thầy là một Hòa Thượng không có chùa, không có nhà, không có giường tòa, không có đệ tử riêng, nhưng học trò thì vô số kể, trong nước, ngoài nước trên khắp cả địa cầu. Thầy thông thạo nhiều ngoại ngữ đến chổ uyên thâm, xứng tầm vóc “vô sư trí vi tôn”.

Trong hậu bán thế kỹ XX, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát… là những bậc tài tuấn trong tư tưởng học thuật triết học, không dành riêng cho một tôn giáo nào, được bao người ngưỡng mộ, kính phục. Vì sao? Vì “phương trời viễn mộng” là con đường vô sanh, là con đường “thiên lý độc hành” nên những người đến đây hòa quyện với khói lam chiều bay, từ những căn nhà bếp bé nhỏ, là đà trên ngọn cỏ, hòa hiệp với màu hoàng y của Tăng Ni thượng sĩ luôn giữ gìn nếp sống Lục Hòa trong bản thệ Tăng-già từ ngàn xưa.

Không ai là khách đến để xưng tán hay sớt chia mất mát thương đau hay ngõ lời tiễn biệt, cũng không ai là chủ tang để có đáp từ mà tất cả chỉ nhìn nhau như trao cho nhau nguồn năng lượng tin yêu cuộc sống, để vượt qua phong ba, để thành toàn sự nghiệp độ tha: Hãy cất tiếng hát ca nối được vòng tay lớn để dựng xây đất nước sơn hà.

Thầy ơi! Một khi nến trí tuệ đã thắp thì lông vảy sừng vuốt móng của chúng sanh rụng xuống; Đức Thế Tôn thả thuyền từ tiếp độ, đưa tất cả đồng lên thuyền cập bến vô sanh thầy nha./.

Thạnh Không

oOo

TUỆ SỸ – BUÔNG TAY NƠI VÁCH NÚI

 

Không có ngôn từ nào đủ để miêu tả chính xác và đầy đủ về chân dung một người nhỏ thó về ngoại hình nhưng quá khổ về tầm vóc của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy không chỉ là một nhà tu. Thầy là một nhân vật văn hóa vĩ đại với dấu ấn vĩ đại trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Thầy là nhà thơ, Thầy là nhà văn, Thầy là nhà nghiên cứu Phật học, Thầy là triết gia, Thầy là thiền sư, Thầy là giảng sư của nhiều thế hệ…

Thầy là một người rất Việt Nam, một con người phi thường, một nhân vật ngoại hạng. Tất cả những gì được tích lũy trong con người bình dị này đều do tự học. Thầy tự học tiếng Phạn, tự học chữ Hán, tự học dương cầm… Chỉ có một trí tuệ siêu việt khác thường mới có thể lãnh hội ít nhất 12 ngôn ngữ với trình độ thông thạo tuyệt luân… Đạo Phật được truyền dạy qua Thầy là một môn Phật học cao thâm vượt quá khuôn khổ một tôn giáo với tín ngưỡng thờ phụng dân gian để trở thành một triết lý huyền diệu mà không bao giờ có thể thẩm thấu đến tận cùng nếu chỉ “tu” mà không có “học”.

Thầy Tuệ Sỹ đã cứu tôi, dù tôi không phải là đệ tử của Thầy. Những năm tháng nghèo khổ và hoàn toàn lạc lõng vô định những năm 1990, tôi đã đi tìm những cái phao triết học, đặc biệt Phật học, để dò dẫm bước tới. Và chỉ khi “gặp” được Thầy Tuệ Sỹ, cùng với những trí tuệ trác tuyệt ở thời của Thầy, trong đó có Phạm Công Thiện, Thích Minh Châu, Trí Hải…, tôi mới tự “trị liệu” được cho mình. Tôi vĩnh viễn biết ơn những vị thầy này, đặc biệt Thầy Tuệ Sỹ.

Một số nhân vật xuất hiện trên đời dường như để cho thấy họ vượt ra khỏi và hoàn toàn không bị bất kỳ quy luật thông thường nào có thể khiến họ khuất phục. Cuộc đời của Thầy Tuệ Sỹ không chỉ là tấm gương đồng bóng loáng sáng rực cho trí tuệ minh mẫn và sức làm việc cổ kim hiếm có mà còn là hình ảnh sừng sững đứng vững trước những trận phong ba kinh hồn, từ bản án tử hình đến những năm tháng tù tội. Từ khi là giảng sư Phật học tại Đại học Vạn Hạnh khi chỉ hơn 20 tuổi, Thầy Tuệ Sỹ đã là một cây cổ thụ. Suốt hơn nửa thế kỷ, cây cổ thụ Tuệ Sỹ không ngừng tỏa bóng mát cho thế gian.

Giờ đây cây cổ thụ đã trút hết lá. Thầy phẩy tay áo cà sa, thanh thản, mỉm cười. Nếu những năm tháng sống ở đời không khác gì việc níu vào vách núi để làm những gì phải làm cho chúng sinh, bây giờ Thầy nhẹ nhàng buông tay. Thầy, đứng dậy, đi về với Phật.

Mạnh Kim

oOo

TRẦM XUYÊN

Trùng trùng dư ba
Triều âm dậy sóng
Thầy ngồi yên lặng
Phướng động lao xao.

………………………………..

Hạt cải thuở nào
Hàm dung nhật nguyệt
Tịnh như băng tuyết
Giới thể châu viên

……………………………..

Lãng đãng cuối miền
Nụ cười vô niệm
Sa La hàm tiếu
Phong thử trù hư.

………………………

Mạc dạ thu quá
Nguyệt cái trầm xuyên
Tiệm thứ câu huyền
Thạch miên trụ giả.

Kính dâng Hòa Thượng Tuệ Sỹ
Oklahoma November 15.2023
Thích Nguyên Nguyện

oOo

THÀNH KÍNH ĐẢNH LỄ GIÁC LINH THẦY TUỆ SỸ

Thầy đến cõi trần
Hề! Nào có ngại ngần chi
Bước chân trần đi trên sõi đá
Để dấn thân trong cuộc đời nghiệt ngã
Xem thế gian lớp lớp diễn tuồng
Đổi trắng thay đen gây cảnh nhiễu nhương
Làm rệu rã đạo, đời xuống dốc
Thầy như cánh buồm trong cơn bão tố
Định hướng thuyền đời giữa lúc phong ba
Đang điêu linh trong bể khổ, ái hà
Dấn thân trọn cuộc đời qua sống chết
Thầy bất tử như thường hằng sự sống
Việc tử sanh như phất chút bụi trần
Như gió núi, mây ngàn, như bóng nguyệt luân
Bản án tử đã trở thành bất tử
Như sự sống từ cội nguồn chân lý
Thầy bước đi an lạc giữa cuộc đời
Thầy đã gieo mầm sự sống thanh lương
Hề! Bạo lực, cường quyền nào ngăn chân thầy bước
Tử bất tử như vô sanh, vô diệt
Thầy khứ lai như thị, bởi thường minh
Như ánh trăng đêm rằm, ánh sáng khôi nguyên
Đôi vầng nhật nguyệt sáng soi vô tận
Sử kim cổ đạo, đời tỏ rạng
Nối gót tiền nhân
Thầy thắp sáng niềm tin
Khơi lên ngọn tuệ đăng Phật, Tổ lưu truyền
Để dựng lại những gì đang đổ nát Chân lý, niềm tin
Hề! Như đôi vầng nhật nguyệt
Ai đổi thay được mọi sự vận hành
Thầy là ánh dương hồng rực sáng giữa trời Đông
Là đuốc tuệ sáng soi ngàn muôn lối
Kính lạy Thầy bậc Thượng Nhân, Đại Sĩ.

Đệ tử Nguyên Hoàn LÊ MINH TOÀN

oOo

CÚI ĐẦU

Trời mây xám che mờ con đường cũ
Gió chướng thổi về che khuất vầng trăng!
Trên đồi Hy Mã dấu lặng đã thành băng
Cung trời cũ vết hằn mờ tinh tú
Mặt trời khuất dưới chân đồi lá rũ
Cánh hạc gầy giã biệt một chiều đông!
Trắng màu sương một tiếng chuông ngân
Là tiễn biệt chia ly nguồn tư tưởng!
Giấc mơ trường sơn trở thành hợp xướng
Để hòa âm đánh thức địa cầu
Cho loài người mở mắt nhìn nhau
Nâng yêu thương lên đời vạn thể
Con cúi đầu thành tâm đảnh lễ.
Nguyện Giác Linh hồi nhập Ta Bà.
Nhân loại thiết tha một bậc tinh hoa
Để dìu dắt thương đau về an lạc
Nam Mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Phan Hồng Liên

oOo

HỠI NGƯỜI THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH

(Khóc thầy Tuệ Sỹ)

Hỡi người thiên lý độc hành
Người đi sương tuyết long lanh dấu hồng
Mênh mông là bước mênh mông
Người đi người vẫn tâm không người về
Phương trời viễn mộng xa mê
Người đi người vẫn đang về tâm không.

Nhật Chiêu

oOo

MỘT CHIỀU CUỐI THU

Tin sét giáng để tim tôi như ngừng đập,
Lòng dặn lòng, ngấn lệ giọt ai bi,
Bao rong ruổi, “cuộc chơi” theo ngày tháng,
Giữa cõi trần, gian dối đầy truân chuyên,
Dẫu vẫn biết, đến và đi giữa cõi trần như thay áo,
Như những chiếc lá vàng về cội cuối mùa thu,
Như “Giấc Mộng Trường Sơn” chân “NGƯỜI” đi mấy thuở,
Giữa điệp trùng, bi tráng vạn lần qua,
Như đã hẹn, mai “TA” về nơi “Cung Trời Hội Cũ”,
Trong muôn ngàn cung điệu khúc trường ca,
Và, Chiều nay, Một chiều tàn thu “NGƯỜI” yên giấc,
Mộng vo tròn trong cõi tịnh thiên thu ….

Tâm Thể
Cali, rạng đông Quý Mão – 24.10.2023

oOo

KINH LẠY GIÁC LINH THẦY

Kính lạy giác linh Thầy.
Thầy ơi! Thầy ra đi như một hành tinh lạc,
Thầy đi vào vô biên, chúng con buồn ngơ ngác.
Thầy đi mang theo cả tình đạo vị thương yêu,
Ngôi già lam còn nhớ, hoa cỏ vẫn mong chờ.
Thầy một lần nhắm mắt là qua hết một đời,
Chúng con buồn quay quắt ngân ngấn lệ đầy vơi…

THANH DŨNG

oOo

AI ĐIẾU HÒA THƯỢNG TUỆ SỸ

Một giọt sương rơi
Cho hiên chùa thêm quạnh
Một vầng trăng về tây
Cho biển tối thêm sâu
Một Tăng Triệu thời nay
Giũ áo qua cầu
Tiếng thạch sùng khuya
Gió lùa tàng kinh các
Cầm đèn tuệ chênh vênh sống một đời cao sĩ
Vóc hạc gầy mong manh hồn chứa hết tam thiên
Chí cao vợi cô đơn dặm trần không tri kỷ
Phiên chợ đời phũ phàng Sao đắt đỏ chữ duyên
Trời nam lặng một bóng người
Vai gầy cõng đạo, một trời sở tri việc xong,
Quẳng gậy mà đi hổ khê áo cỏ dặm về trăng soi…

Toại Khanh

oOo

NIỆM ƠN NGƯỜI CẢ CUỘC ĐỜI TẬN TỤY

“Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều.”
“Đời cần thì ta đến, đời không cần nữa thì ta đi.
Có gì mà vui hay buồn trong đây?”
Than ôi, nước chảy đôi dòng
Thuyền không bến đỗ
Nước chảy đôi dòng, dòng lệ, dòng đời, hay dòng sông đất khổ
Thuyền không bến đỗ, bến này, bến nọ, hay bến bãi phù hư.
Dòng nào rồi cũng trở về biển tánh Tỳ-lô
Bến nào rồi cũng bước lên bờ tâm Bát-nhã.
Nhưng giữa cuồn cuộn sóng trào của thị phi nhân ngã, của thế lực cường quyền, con thuyền độc mộc nhồi trên ngọn sóng, bậc hoa tiêu vẫn giữ vững tay trèo, kiên trung và vô úy.
Đó là hình ảnh tuyệt trù của bậc cao tăng Phật Giáo Việt Nam giữa ba đào thế thái…
Thiết nghĩ,
Sóng trùng khơi vỗ thấu ngọn tùng
Mây viễn xứ che mờ đỉnh hạc nhưng Tiếng Ca-lăng vẫn lãnh lót giữa rừng khuya và Hương Mạc-lỵ cũng tỏa lan trên đỉnh tuyết.
Lòng trung kiên bất tuyệt Tâm hướng thượng vô cùng
Đạo Pháp sáng ngời dù giữa chốn lao lung
Hạnh nguyện rạng soi đến từng miền hắc ám…

Thế Luân

oOo

KÍNH DÂNG NGƯỜI MỘT NÉN NHANG TÂM

Như áng mây bay Người về Tây
Thiền môn nhớ dáng hạc hao gầy
Một đời trí tuệ hồn mây gió
Cốt cách Người Hiền mãi còn đây…
Người đã về KHÔNG với gió mây.
Tám mốt mùa xuân mãi trọn đầy
Thõng tay thanh thản ung dung bước
Mắt sáng yêu thương miệng mỉm cười.

24.11.2023
Giác An con kính dâng Người

oOo

NGƯỜI ĐÃ ĐI RỒI

Người đã đi rồi!
Qua ngàn cây lẩn khuất
Đám sương mờ ngờ nghệch
Chiều nay vừa thấy bóng người qua.
Nắng vương trên đồi cao
Nhìn thấy người cười
Dáng mỏng manh như lau
Người bạc màu theo sương khói.
Gió vẫn hú mang theo từng cơn trào
Dâng cao bềnh bồng đóm lửa thinh không.
Mây núi chập chùng người nhìn lên chót vót
Ngập ngừng… rồi khua gậy cười vang cánh rừng xanh.
Rừng núi tiễn đưa
Hoàng hôn rũ lời đưa đón

Thân hạc mỏng nhẹ nhàng trong chốn không
Nước mắt tuôn rơi chỉ là trò huyễn hoặc
Gót chân gầy êm êm trong hư không.
Trái tim hồng ấm nồng mùi lan tỏa
Miệng mỉm cười một đoá hồn nhiên
Cuốn trôi nỗi muộn phiền u ám
Đời vô thường như lũ cuốn theo chân
Con sông chảy dài như cuộc đời mòn mỏi
Người nghỉ rồi mỏi bước dừng chân.
Đá vàng người kê gối
Ngập tràn nắng trải mơ màng
Nhánh hoa rừng héo rũ
Giấc ngủ ngả phía sau lưng.
Người thả hồn bay theo tự tại.
TITIVũ
Kính bái Hương linh Cao tăng Thạc đức Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.
oOo

NIỆM

Người nằm xuống năm châu đều đứng dậy,
Cúi đầu chào cung kính tiễn về Tây.
Thong dong bước người về nghe gió gọi,
Hoà chân tâm thắp sáng cả khung trời.
Con nước ấy lững lờ trôi chậm lại,
Thời gian kia như thấu hiểu chốn này.
Hoa bên đường đôi lúc cũng đổi thay,
Cỏ trở giấc sau bao ngày yên lặng.
Dòng sông kia âm thầm nghe tĩnh lặng,
Chốn nhân gian quảy dép cõi Niết bàn.
Đến là đến như ngàn sao lấp lánh,
Đi là đi tựa cánh hạc mây ngàn.
Tuỳ duyên hiện thênh thang qua cõi tạm,
Giữa nhân gian một kiếp hoá nghìn trùng.
Sen đã nở bên thềm xưa lối cũ,
Hương còn bay lan toả cả ngàn phương.
Rằm hạ nguyên – Ngày 15 tháng 10 năm Quý Mão (27/11/2023)
Thích Đức Thành
oOo

SINH ĐIẾU THI VIẾNG THẦY TUỆ SỸ

 
Nhật nguyệt vương heo may
giữa mùa thu Đông – Tây,
Ngô đồng một lá rụng, trời đất cùng vào thu.
Thu là Xuân khi mỗi lá rơi đẹp như một bông hoa vừa nở…
Người ra đi mùa thu, lá đang rụng là hoa đang trổ:
“Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát,
Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn.”
Nhớ hương xưa…
Thầy đã đến và đã ra đi từ vạn cổ,
Mỗi kiếp đời là một bước uyên nguyên:
Tiểu kiếp kia mặc áo hồ cừu,
Tiểu kiếp nầy mặc áo cà sa,
Tiểu kiếp nọ mặc hoàng bào…
Muôn tiểu kiếp vạn ta bà thế giới,
Hơn bảy mươi năm trước,
Chú Thương vượt Trường Sơn tìm nẻo Đạo,
Paksé, Nam Lào, Quảng Bình, Lao Bảo…
Núi thẳm, rừng thiêng, truông dữ, mặc đèo cao:
Vĩnh quyết, nhất tâm, nương mình Phật đạo.
Thắng duyên một thuở,
Huế trầm lắng, đơn sơ,
Mà được xem là kinh đô Phật giáo.
Bởi mái chùa và viện chủ là… Ôn:
“Ôn” là Ông mà cũng là ôn nhu, ôn hòa, ôn nhã, ôn hậu, ôn tồn…
Nên đã nhận và đặt pháp danh sa di 7 tuổi đời là Tuệ Sỹ.
Tuệ thông thái mà phát huy danh Sỹ,
Nên uyên thâm tài trí song toàn,
Đại tạng, hàn lâm, nội điển, kinh tàng…
Hán, Phạn, Pháp, Anh, Nhật, Đức… ngữ văn,
Quán thông triệt giữa trường văn thế đạo.
Thích Tuệ Sỹ:
Tuổi đôi mươi (1964) đã tốt nghiệp đại học Phật giáo,
Tuổi thanh xuân (1970) thành giáo sư đại học do những công trình nghiên cứu uyên thâm.
Tuổi trung niên: Một cõi tài hoa văn đàn thi phú,
Biên và dịch nhiều danh phẩm Đông Tây kim cổ…
Đạo và đời tương tác nhân văn.
Chiên đàn hương hỷ lạc,
Vườn hoa tâm thơm ngát là thơ.
Lời phiêu hốt bi hùng như sóng cả…
Giấc mơ Trường Sơn và những chân trời tuyệt lạ,
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Lịch sử sang trang,
Sư về bên cổ tích.
Từ tâm trong thế cuộc can qua,
Sách vở văn chương một thời xa lạ,
Nhân thế trông nhau qua những cặp kính màu.
Một thân thế một tâm hồn bên góc trời miên viễn,
Không ẩn tàng mà xuất xử với năm châu.
Cửa Thiền không khép,
Giữa cuộc bể dâu.
Thời thế, thế thời, thế thái biết về đâu;
Bát Nhã xuất ly; Đại Bi nhập thế,
Cõi tâm hư thao thiết tìm cầu:
Là tu sĩ không chỉ nguyện cầu,
Là thi nhân thơ càng dậy sóng…
Là học giả tay không nghìn phương trượng,
Quyết dấn mình ngọc bối vớt nông sâu.
Nước trong không sợ bẩn tay,
Cây ngay không sợ chết đứng;
Nên đã trải qua mấy bờ sinh diệt,
Nắng dọi, Thu về, vĩnh kết vẫn hôm nay!
Thầy Tuệ Sỹ,
Hòa thượng thiền sư Tuệ Sỹ,
Nhà thơ học giả Tuệ Sỹ,
Nhiều tên gọi một phiến đời kẻ sĩ,
Đã trùng trùng nối tiếp bước chân qua.
Nhậm vận thịnh suy – thăng trầm thành bại,
Giữa vàng thau lẫn lộn cõi Ta Bà.
Và cứ thế phiêu linh vời vợi,
Cứ an nhiên như đã về đã tới!
Xuất thì vui hồn nhiên như ngày mới,
Xử thì hoàn không về quán niệm cõi Tây Phương.
Thầy đó…
Chiều êm vắng tiếng dương cầm tịch tĩnh,
Mắt nhắm mơ hồ thư pháp rọi kinh xưa.
Có chín phẩm hoa sen như nụ cười phụ mẫu,
Sen nở thấy Phật trọn niềm vui,
Bồ tát viên dung là bạn lành.
Cuộc đời là quán trọ,
Nẻo về là thiên phương.
Nên trong Nẻo Về dặn dò giải thoát:
Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn,
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về?
Kính bạch Thầy:
Hôm nay, ngày mai, ít lâu hay lâu lắm về sau:
Sẽ có một ngày Thầy ra đi không về nữa;
Như đời thường hết thảy đã đi qua:
Bởi “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử…”
Không lại hoàn không nắng xế trăng tà.
Trong diệu lý Khổ, Duyên, Không;
Tam pháp ấn Thế tôn truyền dạy:
Chúng con được cung nghinh
Và tiễn biệt Thầy.
Nam mô Quán niệm Tâm không
Niết bàn Tự tại Bồ tát.
                                    Sacramento, Đêm Trung Thu 2023
                                       Nguyên Thọ TRẦN KIÊM ĐOÀN

Đang tiếp tục cập nhật 

 

Bài khác nên xem

Cáo tang: HTr Cấp Dũng Tâm Vinh – Đoàn Văn Lộc mệnh chung

nhuanphap

Tin tức Phật Gíao Thế Giới (tuần 3 tháng 1 năm 2015) – Diệu Âm lược dịch

phuocthanh

Tường Thuật Trại Trúc Lâm IV (phần I)

phuocthanh