An cư kiết hạ

 

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )


A. GIỚI THIỆU :

Từ thuở Phật còn tại thế, mỗi năm chư Tăng, Ni vân tập về một nơi, tuỳ theo tu viện hay Tịnh xá trong mùa mưa, để cùng nhau kiểm điểm lại công tác Phật sự, cùng nhau sách tấn tu học. Những ai được Giáo đoàn công nhận học khá, siêng làm đúng chánh pháp, thì được cho một tuổi gọi là Lạp. Đó là mùa AN CƯ của các chư Tăng Ni, đó là thời gian quý Ngài cùng nhau gợi ý để sám hối, nếu trong năm qua đã phạm giới luật.

Thời gian an cư thường kéo dài ba tháng, ngày cuối cùng của mùa an cư gọi là ngày TỰ TỨ.

Ở nước ta do khí hậu đặc biệt của miền nhiệt đới, chư Tổ ngày xưa đã chế lập việc an cư nhằm mùa nắng ( mùa nắng ở miền Bắc, Trung miền cao nguyên và Nam là mùa mưa ) thường thì bắt đầu vào Rằm tháng tư ( Phật Đản ) và kết thúc vào Rằm tháng 7 (Vu Lan ). Do vậy An cư được kèm theo chữ Kiết hạ, và chư Tăng Ni ViệtNam lấy tuổi xuất gia qua mỗi mùa An cư gọi là Hạ Lạp.

B. NỘI DUNG :

I. Ý NGHĨA  VÀ XUẤT XỨ :

–    Tôn trọng sự sống : Nhằm mục đích tránh giẫm đạp côn trùng bởi sự sống chỉ có một nên không thể xâm phạm sự sống dù đó là loài vi sinh.

–    Theo Tứ Phần luật San Bổ Tùy Cơ Yết ma số 4 giải thích : thân tâm đều tĩnh lặng là an; quy định thời gian ở một chỗ gọi là cư; là thời gian mà Tăng chúng quy tụ một chỗ ở thanh tịnh để cùng nhau tu hành, kiểm điểm hành vi, cử chỉ y theo luật Phật mà hành trì.

–    Pháp An cư lúc đầu do Bà La Môn giáo thời cổ đại ở Ấn độ thực hành, về sau Phật giáo chọn dùng.

–    Kinh Du hành trong Trường A Hàm 2, Phật Bản Hạnh tập kinh 39 đều có chép sự tích Đức Phật và đệ tử an cư tu hành.

II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ AN CƯ :

–    Theo Kiền Độ An cư trong Luật Tứ Phần 37 quy định như sau : An cư dưới cội cây, trong thất nhỏ, trong hang núi, bọng cây, trên thuyền, nơi làng xóm hoặc có thể nương theo người chăn trâu, người ép dầu, người đốn cây.

–    Pháp An cư trong Luật Ngũ phần 19 : Cấm an cư ở nơi không có người cứu hộ, giữa gò mả, nơi cây không có tàng, nhà lợp bằng da thú, chỗ đất trống.

–    Trước khi An cư phải sửa sang phòng xá, phân phối phòng xá và những vật cần dùng cho đại chúng một cách công bằng.

–    Tỳ kheo và Sa di An cư cùng một chỗ, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma ni, sa di ni An cư cùng một chỗ.

–    Trong luật tạng Pàli quy định : Tỳ kheo không an cư thì phạm tội ác tác ( Đột kiết la ).

–    Theo Kiền độ Ca hi na, Luật Tứ phần 43, khi kết thúc an cư phải thi hành 4 việc : Tự tứ, giải giới, kiết giới và thụ công đức y ; Sau khi an cư viên mãn, đại chúng xét lại hành vi của mình trong thời gian an cư, nếu có tội thì tự bày tỏ tội của mình, sám hối lẫn nhau gọi là Tự tứ ( ngày Tự tứ gọi là Tự tứ nhật, Phật hoan hỉ nhật ). Khi kết thúc an cư, phải giải trừ cương giới quy định gọi là Giải giới. Sau khi an cư viên mãn, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni tăng thêm một Pháp lạp ( còn gọi là Hạ lạp là phép tắc chuẩn định thứ lớp lớn nhỏ của người xuất gia ).

III. THỜI HẠN AN CƯ :

–    Theo điều Sàng Nhục Pháp trong Luật Ma-ha Tăng Kỷ 27 : nếu địa điểm An cư gần thì có thể phân phối vào ngày rằm tháng 4, nếu xa hoặc có người An cư quá đông phải dời đến một nơi khác để An cư thì được phân phối vào ngày 13 tháng 4.

–    Trong thời gian an cư cấm ra ngoài; nếu trái quy định này thì phạm tội Ác tác. Nhưng theo Luật Tứ phần 37, nếu đi và về trong ngày hoặc có duyên sự đặc biệt Tăng chúng cho phép thì được ra ngoài,nhưng chỉ giới hạn trong vòng 7 ngày hoặc 15 ngày mà thôi, phương pháp này gọi là Thất nhật pháp, Thụ nhật pháp.

–    Thời gian an cư thông thường là 90 ngày. Theo Tứ phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao, thượng, phần 4 : ngày 16 tháng 4 là ngày đầu an cư, ngày 15 tháng 7 là ngày kết thúc an cư, ngày hôm sau ( ngày 16 tháng 7 ) là ngày Tự tứ ( Kinh Mục Liên và Vu Lan đều dạy : Công đức của chư Tăng 10 phương là không thể nghĩ bàn, Phật tử nên chuẩn bị Tứ sự cúng dường và cầu xin chư tăng cầu siêu độ cho cha mẹ 7 đời, cửu huyền thất tổ, trong thời gian An cư là thời gian thích hợp nhất nên ngày Tự tứ có 3 ý nghĩa :

1.   Ngày hoan hỷ của chư Phật ( vì giáo đoàn ngày một củng cố và phát triển )

2.   Ngày thọ Lạp của chư Tăng.

3.   Ngày xá tội vong nhân. (tha tội cho những người đã mất). Ngày Vu Lan. (báo hiếu).

–    Theo Đại Đường tây Vực ký 2, 8 : thời gian an cư là ngày 16 tháng 4 đến ngày rằm tháng 8.

IV. CHỦNG LỌAI AN CƯ :

Có 2 loại :

–    Tiền an cư, hậu an cư : Tiền an cư là bắt đầu từ 16 tháng 5, hậu an cư thì bắt đầu từ ngày 16 tháng 6.

–    Tiền an cư, trung an cư, hậu an cư : Tiền an cư là bắt đầu từ 16 tháng 4, Trung an cư thì bắt đầu từ ngày 17 tháng 4 cho đến rằm tháng 5, Hậu an cư bắt đầu từ 16 tháng 5.

C. SUY NGHIỆM:

An Cư Kiết Hạ là một phương pháp thực tế và đầy nhân bản :

–    Kết hợp vệc tu chứng và hành trì bằng việc chú trọng thực hành và duy trì giới luật trong một thời gian và một chu kỳ nhất định.

–    Làm sáng tỏ nghĩa vụ và bổn phận của người xuất gia lẫn tại gia về vấn đề hoằng pháp và hộ pháp.

–    Lập nên một nhân sinh quan đạo đức căn cứ vào Hạ lạp của hàng Tăng già : Người lớn tuổi mà Hạ lạp ít vẫn không được sự tôn trọng bằng người nhỏ tuổi mà Hạ lạp cao, bởi trọng hay khinh ở đây không đo lường hay so sánh về tuổi lớn, nhỏ, địa vị xã hội trước đây mà chỉ căn cứ vào trình độ tu chứng về đạo đức.

D. TU TẬP :

1.  Tự thân em hết lòng hộ giới bằng cách cúng dường theo khả năng, và tham gia đầy đủ các pháp hội, để có được chút ít trí tuệ hầu soi rọi cuộc đời mình.

2.  Chăm chỉ học tập và siêng năng tu trì, giữ gìn chùa tháp, chăm sóc Già lam, để Tăng Ni an tâm nhập hạ.

3.  Động viên khuyến khích đạo hữu, đoàn sinh cúng dường các trường hạ để các nơi đó có thêm kinh phí thực hiện những Phật sự rộng lớn có ích cho mọi người.

 

Tài liệu tham khảo : Theo kinh Thỉnh  Thỉnh, Trung A Hàm 29, Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội 5, Kinh Chánh Pháp Niệm, Luật Tứ phần 58, Cảnh Đức  truyền đăng lục, Gia Thái Phổ đăng lục, Thiền Uyển Thanh quy, Luận Hộ quốc Hưng Thiền.

 Ghi chú :  Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550. Nay chuyển sang chương trình Bậc Chánh Thiện.

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Quảng Đức Sài Gòn tổ chức thi kết khóa Bậc Lực năm 2015

phuocthanh

GĐPT Cam Ranh tu Bát Quan Trai Giới lần 2 – năm 2016

Huệ Quang GĐPTVN

Chương trình tu học Bậc Hướng Thiện

datthinh