Dù sống trong bất kỳ xã hội nào, loài người đều cần phải có sự phát triển, phát triển là yếu tố cần thiết và tối thượng biết bao. Phát triển về kinh tế nhằm tạo ra nhiều của cải, vật chất đáp ứng nhu cầu về dân số ngày càng tăng – Phát triển về tri thức nhằm tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, miền đất mới đáp ứng những nhu cầu tìm kiếm và khám phá những điều mà con người chưa hề biết đến – Và phát triển Văn hóa nhằm đáp ứng các nhu cầu thư giãn sau những quá trình làm việc mệt nhọc…… Phát triển có tầm ảnh hưởng to lớn và quyết định sự sống còn của xã hội loài người là vậy! Nhưng, sự phát triển ấy nếu không có sự đồng đều – không có sự quản lý – cảm thông – yêu thương – chia sẻ và không hướng đến lợi lạc cho xã hội, cộng đồng, loài người thì đó chỉ là sự phát triển khập khiển đáng thương nhất mà chúng ta đang phải gánh chịu chứ không phải ai khác.
Bản năng Tham ái – chấp ngã vốn có của con người đã khiến các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã phát triển ra những máy móc, vũ khí có thể tàn phá, hủy diệt thiên nhiên và giết người hàng loạt trong vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống Nhật Bản năm 1945. Cũng thế, khi nền kinh tế phát triển, của cải vật chất được tạo ra trở nên thừa mứa và cuộc sống đầy đủ hơn kéo theo những đòi hỏi to lớn hơn nhằm thỏa mãn những nhu cầu không bờ bến của con người. Từ đó, chúng ta lại tư duy ra những phương tiện, thú vui khác nhau để làm món ăn tinh thần trong những lúc nhàn rỗi. Những văn hóa xa sỉ, lai căn, dị biệt, khác thường bắt đầu có đất phô diễn. Những thói hư, tật xấu, tệ nạn, cướp bốc, bất công, tiêu cực, hối lộ trong xã hội và những biểu hiện suy đồi tư cách đạo đức, thực dụng bắt đầu nẩy sinh…Những chuyện Bất hiếu – Bất nhân – Bất nghĩa trở thành những mẫu chuyện thường nhật đầy rẫy, nhan nhảng trên khắp các phương tiện truyền thông.
Ngày nay, những chuyện yêu thương nhố nhăng, thiếu suy nghĩ, cưới xin, rồi quay lưng, bỏ mặt nhau trong một thời gian ngắn là những chuyện không hiếm gặp trong xã hội. Phải chăng đó là hệ quả tất yếu của sự phát triển và tiêm nhiễm những văn hóa lai căn với những lối sống buông thả, những ham muốn chung đụng xác thịt hay chỉ muốn tìm chút cảm giác mới lạ rồi phút chốc trở nên trơ trẽn và nhàm chán!? Kết quả là những thế hệ con cháu sinh ra trong xã hội đã bị tổn thương và thiếu thốn về mặt tình cảm gia đình từ lúc tấm bé, liệu rằng một ngày kia khôn lớn ai dám chắc những đứa trẻ thơ ấy không đi vào những vết xe đỗ hay trượt dài trong những tháng ngày vô ích mà cha mẹ chúng đã vô tình tô vẽ cho Nó ngay từ lúc lọt lòng…… Có lẽ, câu trả lời xin dành cho những cá nhân hiện đang có những suy nghĩ và lối sống dị biệt, khác thường và ích kỷ hiện nay!
Vậy, câu hỏi được đặt ra cho chúng ta là làm sao để có được hạnh phúc gia đình trong xã hội hiện nay!?
Trong kinh Thi Ca La Việt (Sìgalovàda sùttra), Đức Phật dạy bổn phận làm chồng có 5 điều đối với vợ – Làm vợ cũng có 5 điều đối với chồng……Chẳng hạn:
* Vợ đối với chồng có năm việc:
Một là chồng đi đâu về phải đứng dậy nghênh tiếp.
Hai là khi chồng đi khỏi phải lo mọi việc nấu nướng, quét dọn chờ chồng về.
Ba là không được có lòng dâm dục với người khác, chồng có trách mắng cũng không được có thái độ trách mắng lại.
Bốn là hãy làm theo lời chồng răn dạy, có nhặt được vật gì cũng không được che giấu.
Năm là khi chồng ngủ nghỉ, phải lo sắp xếp xong rồi mới ngủ.
* Chồng đối với vợ cũng có năm điều:
Một là đi đâu phải cho vợ biết.
Hai là việc ăn uống đúng giờ, cung cấp áo quần cho vợ.
Ba là phải cung cấp vàng bạc châu báu.
Bốn là những vật ở trong nhà nhiều ít đều phải giao phó cho vợ.
Năm là không được ngoại tình, bằng cách nuôi dưỡng, hầu hạ, chuyển tài sản cho
người tình bên ngoài .
Đây là mối quan hệ hai chiều sòng phẳng, nó khác hẳn với tư tưởng quan hệ một phía: Quân, Thần, Phụ, Tử và coi khinh phụ nữ (không có Mẫu) của Nho giáo. Ngẫm ra, người ta chỉ cần thực hiện đúng những lời dạy của Phật, thì thiết nghĩ gia đình trong thiên hạ hạnh phúc hơn rất nhiều. Trong gia đình, quan hệ vợ chồng là điểm xuất phát, làm cơ sở cho các mối quan hệ khác, vì thế nó rất quan trọng. Thực tế không ít trường hợp gia đình hạnh phúc, hoặc bất hạnh và điều đó để lại di chứng cho thế hệ sau cũng xuất phát từ mối quan hệ này.
Ngay những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bất hạnh thì những thiệt thòi của chúng đã ghi vào tâm khảm – những thiệt thòi ấy, những mặc cảm ấy thường có khi cả đời chúng cũng không thể xóa được và cũng không có gì để bù đắp được!
Như vậy, ngay trong một gia đình, tất cả mọi người chí ít cũng phải lấy Ngũ Giới của người Phật tử làm tiêu chí để giữ mình. Chỉ đơn cử, không ít những trường hợp vì say rượu sinh ra những hậu quả không lường trước được như cha giết con, chồng hại vợ, anh em bất hòa, chia lìa, kiện cáo lẫn nhau để rồi gia đình tan nát, tù tội…
Phổ quát hơn, con người nói riêng, phải biết chế ngự và đi đến từ bỏ tập khí sinh tử: đó là Tham – Sân – Si. Nó bắt nguồn từ ái dục, cho nên ái dục là nguồn gốc của mọi đau khổ. Khái quát thì tất cả những hiện tượng gây rắc rối cho xã hội hiện nay, suy cho cùng nó từ cái tâm hữu ngã của chúng ta mà ra.
Tóm lại, hạnh phúc gia đình là nhân tố quan trọng để xây dựng nên một xã hội tốt đẹp. Vì thế, việc “Phật hóa gia đình” là việc làm hết sức cần thiết. Muốn vậy mỗi thành viên trong gia đình hãy nỗ lực hết mình nghiên cứu và thực hành giáo lý Phật dạy, có lối sống đạo đức tốt đẹp làm mô phạm cho những thành viên khác, trong đó cha mẹ làm gương cho con cháu và ngược lại.
Một điều thực tế cho thấy, hiện nay các gia đình Phật tử, ít nhiều người ta đã thực hiện việc này có hiệu quả và thiết thực những điều Phật dạy đem lại nhiều hạnh phúc gia đình trong xã hội. Điều này hay lắm thay!!
Nguyên Linh