Đại cương về săn sóc vết thương

I. ĐỊNH NGHĨA :

Vết thương được xem như là sự mất liên tục của mô mềm trong cơ thể như da, mô dưới da và cân cơ, có hay không có kèm theo thương tổn xương và các tạng.

II. NGUYÊN TẮC SĂN SÓC VẾT THƯƠNG :

–   Đánh giá : khi có vết thương dù lớn hay nhỏ, cũng phải được săn sóc để tránh nhiễm khuẩn. Không nên coi thường  những vết thương nhỏ, vì có khi những vết thương nhỏ mà gây tác hại lớn như trương hợp bị phong đòn gánh do đạp đinh, gai đâm, vết trầy xước da.

–   Nguyên tắc :

  1. Quan sát vết thương trước khi săn sóc.
  2. Vết thương phải được làm sạch cẩn thận.
  3. Làm nhanh không để trống vết thương lâu.
  4. Cần che vết thương đủ kín.
  5. Rửa trong vết thương trước, ngoài vết thương sau.
  6. Không gây thêm đau đớn cho bệnh nhân.

III. MỤC ĐÍCH :

–   Che chở ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn.

–   Giữ vết thương sạch mau lành.

–   Thấm hút dịch tiết.

–   Để đắp thuốc vào vết thương.

–   Cầm máu trong các trường hợp chảy máu nhẹ.

–   Cố định vết thương giúp giảm đau.

–   Giúp cho bệnh nhân an tâm.

IV. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN :

–   Chuẩn bị túi dụng cụ ( hộp cứu thương ).

–   Rửa tay ( bằng nước hay bằng Acool )

Quan sát vết thương :

–   Nếu quá dơ thì phải rửa trước bằng nước sạch cho trôi hết vết bẩn.

–   Nếu sạch thì sẽ bắt đầu săn sóc vết thương.

–   Dùng kềm gắp gòn thấm dung dịch ( Dung dịch diệt khuẩn ) là nước muối hoặc oxy già, hay Povidin ( Betadin ) rửa trong mặt vết thương cho đến khi thật sạch. Nếu không có bất cứ dung dịch nào trên đây, có thể rửa bằng nước chín.

–   Rửa rộng ra xung quanh vết thương độ 5 cm cho sạch.

–   Lau khô da xung quanh vết thương.

–   Dùng kềm gắp gòn nhúng Acool,  hay Povidin ( Betadin ) sát trùng xung quanh vết thương rộng ra 5 cm chờ khô.

–   Đắp gạc ( Comprees )  lên trên vết thương, nếu vết thương ra nhiều dịch tiết thì có thể dùng gạc hút nước ( có gòn ở trong ).

–   Có thể thoa Vaseline để dễ tháo ra và giúp giảm đau cho bệnh nhân.

–   Dán băng keo lại cho kín vết thương và giữ tiện nghi.

–   Dán băng keo theo chiều ngang cơ thể.

–   Có thể dùng băng keo giấy nếu gặp trường hợp dị ứng băng keo.

Khi tháo băng keo để thay băng lưu ý tháo nhẹ nhàng, vừa tháo vừa đè da, thao tác từ từ, không quá nhanh. Nếu băng quá khô có thể nhỏ nước chín để băng mềm ra sau đó mới tháo.

V. DỤNG CỤ TÚI CỨU THƯƠNG :

–   Bông gòn, gạc ( comprees ).

–   Băng keo, băng keo cá nhân, băng cuộn.

–   Kéo, dây cao su.

–   Nẹp, băng tam giác.

–   Acool, oxy già, nước muối, Povidin.

–   Dầu, thuốc thông thường ( cảm, ho, sổ mũi, nhức đầu, đau bụng ).

–   Thuốc tím, muối, vôi, chanh.

VI. CÔNG DỤNG MỘT SỐ CHẤT :

–   Muối : nấu thức ăn, làm nước uống, giải nhiệt, sát trùng vết thương.

–   Chanh : uống nước khi bị cảm, giải nhiệt, giải độc khi gây nôn.

–   Vôi : khử độc trùng, lắng phèn trong nước uống, tránh các côn trùng đến gần khu trại.

–   Thuốc tím : pha loãng dùng sát trùng vết thương ( ít dùng ).

Quảng Thắng – Ngô Thị Kiều Anh

 

Bài khác nên xem

Lịch sử bộ môn truyền tin

phuocthanh

Dựng Lều với một người

phuocthanh

Truyền Tin – của Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

phuocthanh