Đại Bàng Kim Sí Điểu?

Trong khi chư Tăng thực hiện nghi thức Quá đường,chúng ta thường thấy quý thầy bỏ bảy hạt cơm vào ly nước, sau đó đọc kinh chú nguyện và trao cho một chú tiểu ra ngoài sân cúng Đại bàng. Chú tiểu sẽ đọc lớn kệ này:

Đại bàng kim sí điểu

Khoáng dã quỷ thần chúng

Dược xoa quỷ tử mẫu

Cam lồ tất  sung mãn

Án Mục Đế tóa ha (7 lần)

Dịch nghĩa:
“Chim Đại Bàng cánh vàng
Chúng quỷ thần dã hoang
Cùng mẹ con La sát
Hương cam lồ sung mãn”.

Ý nghĩa:

Theo lời thuật lại trong khế kinh, ngày kia Đức Phật đi du hóa gặp một con chim Đại Bàng bắt các loài chim nhỏ ăn thịt. Chim Đại Bàng này có chiều kích rất lớn, mỗi lần há miệng, một hơi hút của nó chiếm một phạm vi nhiều cây số, tất cả các loài chim nhỏ đều bị cuốn hút vào miệng nó. Thấy việc sát sanh quá nhiều nên Đức Phật đã từ bi giáo hóa.

Ngài dạy rằng “ tất cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, do đó chớ giết và chớ bảo giết”.

Chim Đại Bàng tự nghĩ: “thực phẩm hằng ngày của mình là thịt sống của các loài chim, nay Phật không cho ăn, lấy gì để nuôi thân mạng này”.

Phật dạy: “từ đây về sau ngươi về chùa nào gần nhất để quý Tăng Ni cho ăn”.

Nghi thức cúng Đại Bàng buổi trưa được phát xuất từ đó, và hơn hai ngàn năm nay truyền thống này vẫn tiếp tục gìn giữ và duy trì. Có người thắc mắc rằng, sao chỉ cúng bảy (7) hạt cơm, có thể làm no đủ loài đại bàng, và 7 hạt cơm có thể thay thể được thịt sống? Theo như trong bài kệ ghi rằng

“ Pháp lực bất tư nghì, từ bi vô chướng ngại, thất liệp biến thập phương, phổ thí châu sa giới” Nghĩa là: “Pháp lực khó nghĩ bàn, từ bi vô giới hạn, bảy hạt biến mười phương, biến khắp cõi vô biên”. Các Hòa Thượng cũng dạy rằng do nguyện lực của thần chú của Phật mà bảy hạt cơm kia sẽ biến thành cam lồ pháp nhũ khiến cho loài Đại Bàng ăn no đủ, nhờ lực gia trì của thiện niệm.

Cúng Đại bàng kim sí điểu là một cách gọi thông dụng của nghi thức Xuất sanh (xuất cho chúng sanh). Trước khi ăn, Đức Phật dạy các Tỷ kheo phải bố thí, san sẻ thực phẩm cho các loài quỷ thần được no đủ. Đối tượng được bố thí, sẻ chia là chim đại bàng cánh vàng, chúng quỷ thần đồng hoang và mẹ con quỷ la sát.

Chim đại bàng cánh vàng (Đại bàng kim sí điểu, Ca lâu la điểu) là một loại chim thần. Trong Phật giáo Bắc tông, chim thần này được xếp vào Bát bộ chúng. Kim sí điểu có 4 chủng loại noãn, thai, thấp và hóa sanh. Trong Mật giáo, kim sí điểu là một trong những hóa thân của Bồ tát Văn Thù, thuộc Kim Cang bộ. Hình tượng kim sí điểu giống như diều hâu, thân vàng, cánh đỏ…

Các quỷ thần đồng hoang (Khoáng dã quỷ thần) thuộc thần Dược xoa. Đây là loài quỷ có 6 mặt, ở đồng trống, chuyên ăn thịt và uống máu chúng sanh. Loài quỷ Khoáng dã này được Đức Phật giáo hóa, bỏ ác làm lành nên Phật dạy các Tỷ kheo trước khi ăn phải bố thí cho chúng. Mật giáo thờ các vị thần Khoáng dã này như những thiện thần hộ quốc an dân, tiêu trừ các chướng nạn nước, lửa và binh đao.

 

La sát là loài quỷ hung ác. La sát nữ xinh đẹp và rất quyến rũ, chuyên ăn thịt và uống máu người. Có loại quỷ la sát ở trong địa ngục, hình đầu trâu mặt ngựa chuyên trừng phạt tội nhân. Ngoài ra, còn có loại la sát là thần thủ hộ Phật giáo, gọi là La sát thiên.

Chư Tăng vì lòng từ bi nên dựa theo các nghi quỹ Phật chế định, trước khi ăn luôn bố thí cho các loài quỷ thần được no đủ.

Bài khác nên xem

Ý nghĩa Phật Thành Đạo và các giá trị thực tiễn

phuocthanh

Để mong ước trở thành hiện thực

phuocthanh

Gương Sáng Người Xưa

phuocthanh