Táo Quân Việt Nam Và Táo Quân Trung Quốc

Táo Quân Việt Nam Và Táo Quân Trung Quốc

«THẾ GIAN MỘT VỢ CHỒNG, KHÔNG NHƯ VUA BẾP HAI ÔNG MỘT BÀ». ĐÂY LÀ CÂU CA DAO CỦA NGƯỜI VIỆT NAM NHẮC LẠI SỰ TÍCH VỀ TÁO QUÂN, NHƯNG ĐÓ LÀ TÁO VIỆT NAM, CÒN TÁO QUÂN TRUNG QUỐC THÌ SAO? PHẢI CHĂNG TÁO TRUNG QUỐC CŨNG CÓ CẢNH CHUNG SỐNG HÒA BÌNH VỚI MỐI TÌNH TAY BA TƯƠNG TỰ NHƯ TÁO VIỆT NAM?

 Hầu như mỗi người Việt chúng ta ai cũng thuộc lòng sự tích Táo Quân, còn gọi là Vua bếp hay Ông Công.Hằng năm, trong cái không khí tất bật của năm tàn tháng tận, đa số chúng ta đều không quên phong tục cổ truyền: ngày 23 tháng Chạp, cúng tiễn ông Táo về Trời. Gia đình giàu có thì tha hồ bày biện lễ vật: hoa quả, trầu rượu, xôi gà… nhân tiện cũng cúng gia tiên luôn một thể. Người miền Bắc và Trung thường cúng thêm một con cá chép sống, bởi vì cá chép có thể hóa rồng (Lý ngư hóa long) để vượt qua chín tầng trời, đưa ông Táo gặp Ngọc Hoàng Thượng Đế, tâu trình việc thiện ác của nhân gian trong suốt năm qua. Người miền Nam không cúng cá chép, thay vào đó là đốt giấy in mộc bản hình «cò bay, ngựa chạy» coi như hai con vật này cũng có thể giúp ngài bay về thượng giới. Cò bay thì đã đành, nhưng ngựa chạy thì làm sao mà lên trời được, có lẽ ở đây mang ngụ ý đễ cưỡi mà thôi. Gia đình nào kinh tế eo hẹp, chút hoa chút trà, ba nén nhang, một dĩa kẹo thèo lèo, giấy cò bay ngựa chạy, tưởng cũng đã đủ. Lòng tự nhủ: «Việc lễ quý ở lòng thành!»

 Táo quân Việt Nam

Tìm lại những sách ghi chép huyền thoại Táo Quân, ta nhận ra các sách này chép nhiều chi tiết sai biệt. Theo Trần Ngọc Ninh (Huyền Thoại Học và Huyền Thoại Lí Học Việt Nam, Văn Hóa Tập San số 2-1974), công việc biên chép các huyền thoại Việt Nam bắt đầu từ thời Bắc thuộc do người Trung Quốc viết và được tiếp nối cho đến nay qua các ngòi bút người Việt, người Pháp. Các sự biên chép này còn thiếu sót, thiếu trung thực, nhiều tác giả cố ý muốn làm văn chương nên đã xen vào những ý tưởng cá nhân, thêu dệt, phẩm bình. Có tác giả còn cắt xén, sửa đổi các tình tiết sao cho phù hợp ý thức hệ, hoặc cắt bỏ những chi tiết để tránh lời phê bình là kể lại các câu chuyện có tính xúc phạm thuần phong mỹ tục. Theo ông Ninh, các tác giả cổ như Trần Thế Pháp (Lĩnh Nam Chích Quái), Lý Tế Xuyên (Việt Điện U Linh Tập) cho đến các tác giả cận và hiện đại như Nguyễn Đồng Chi (Lược Khảo Thần Thoại Việt Nam, 1956), Hoàng Trọng Miên (Việt Nam Văn Học Toàn Thư, 18-1959) hay Phạm Duy Khiêm… đều để lộ cái ý định làm văn chương thông qua huyền thoại.

 Do đó, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, như vậy nhất định đã qua mấy lần sai biệt. Nhất Thanh (Đất Lề Quê Thói, Saigon 1970, tr. 320) chép huyền thoại này như sau: «Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo đến nỗi phải bỏ nhau. Sau, người vợ lấy được người chồng khác giàu có. Một hôm cúng, đang đốt vàng mã ngoài sân, vô tình người chồng trước vào xin ăn, vợ nhận ra, động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho. Người chồng sau biết chuyện, người vợ bèn lao đầu vào đống vàng cháy chết thiêu. Người chồng cũ cảm kích nhảy vào lửa chết theo. Chồng sau vì thương, nên cũng nhảy vào nốt. Cả ba đều chết cháy. Ngọc Hoàng thấy ba người có nghĩa, phong làm vua bếp.»

 Ông Nhất Thanh trích dẫn sự tích này trong quyển Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính. Trong câu chuyện trên, có nhiều chi tiết phi lý, như: giấy đốt vàng mã không thể nào đủ để tự thiêu chết, thứ hai: người chồng trước và sau lần lượt nhảy vào đống lửa để được chết chung với nàng, như vậy đống vàng mã đó phải lớn lắm ắt cỡ một giàn hỏa mới phải! Ta có thể bỏ qua sự phi lý này, bởi lẽ trong huyền thoại luôn luôn chất chứa những tình tiết phi lý (theo lối suy nghĩ của con người hiện đại), nhưng yếu tố này không quan trọng. Quan trọng hơn cả chính là những ý nghĩa biểu tượng ẩn tàng sau các tình tiết phi lý đó. Cổ tích và huyền thoại lưu truyền cả ngàn đời, sự suy luận của người ban sơ tất nhiên khác biệt với sự suy luận của chúng ta ngày nay. Tìm hiểu và ghi chép huyền thoại, ta cần phải quên hiện tại, mà phải lui về bóng tối quá khứ mịt mờ, đặt mình vào hoàn cảnh của người thiên cổ. Chỉ vì muốn chỉnh đốn lại những gì chúng ta cho rằng phi lý, chỉ vì muốn biến huyền thoại nghe có lý, phù hợp với lối nghĩ suy hiện tại, chúng ta đã làm hỏng huyền thoại. Đó là chưa xét tới tham vọng làm văn chương của nhiều tác giả.

 Nhất Thanh ghi chú thêm một chi tiết khác về vua bếp, nghe «hợp lý» hơn đó là đống rơm chứ không phải đống vàng bạc giấy: «… vì bất thần người chồng sau đi làm đồng trở về, người vợ dẫn chồng cũ ra núp ở đống rơm. Người chồng sau đốt cháy đống rơm để lấy tro bón ruộng. Do ngủ quên, người chồng cũ bị chết cháy trong đống rơm. Vợ cảm kích nhảy vào lửa tự thiêu, Người chồng sau thương vợ cũng nhảy vào nốt.»

 Hoàng Trọng Miên (sách đã dẫn, tr.77) chép một cách dài dòng và văn chương hơn về Thần Bếp, tóm lược đại khái như sau:

 Có hai vợ chồng tiều phu nghèo không con. Vợ thương yêu chồng, nhưng chồng hay nhậu nhẹt đánh đập vợ. Vợ buồn bỏ đi, gặp túp lều tranh của một thợ săn, xin tá túc. Sau, hai người làm vợ chồng. Người chồng cũ hối hận, bỏ đi tìm vợ. Tình cờ lạc bước túp lều tranh ấy, đương lúc người thợ săn đi vắng, chỉ có người vợ ở nhà. Người chồng cũ van xin vợ tha thứ và quay trở lại, người vợ cũng động lòng tỏ ý còn thương. Lúc đó người chồng sau về tới. Người vợ bảo chồng cũ ra trốn trong đống rơm. Người thợ săn mang về con thỏ, đem ra đống rơm thui, làm gã chồng cũ chết cháy. Người vợ đau lòng nhảy vào chết theo. Anh thợ săn tưởng mình làm điều bất nghĩa, hối hận lao vào nốt. Trời cảm động trước tình yêu tay ba này, bèn cho cả ba hóa thành vua bếp, dụm đầu thành bộ ba trong bếp lửa.

 Phân tích và đối chiếu các dị thoại này, gạt bỏ các chi tiết rườm rà, ta nhận ra các thoại vị (mythème: đơn vị huyền thoại):

 (1) Tình tay ba hai ông một bà: mang dấu vết của chế độ mẫu hệ (matriarchy).

(2) Sử dụng lửa để đốt rơm lấy tro làm ruộng: mang dấu vết của nền văn minh nông nghiệp.

(3) Sử dụng lửa để thui nướng thú săn: mang dấu vết của nền văn minh săn bắt và hái quả.

(4) Trời: bày tỏ niềm tín ngưỡng chung của các dân tộc Á Đông. Tin tưởng vào một đấng tối cao, Ngọc Hoàng Thượng Đế, bày tỏ sự giao cảm giữa con người với thần linh.

(5) Bếp lò: giải thích nguồn gốc của bếp lò, cơ cấu của bếp (có ba đỉnh để đặt nồi niêu…). Lửa và bếp lò, hai phát minh này của con người ghi dấu sự kết thúc giai đoạn con người ăn sống nuốt tươi, ăn lông và ở lỗ. Lửa mở đầu cho nền văn minh nhân loại.

 Xác định được các thoại vị trên, ta có thể bảo rằng huyền thoại về Táo Quân đã có kể từ lúc tổ tiên ta sống đời định cư nông nghiệp thuở còn chế độ mẫu hệ, biết sử dụng lửa trong việc nấu nướng ẩm thực và phát minh quan trọng là bếp lò. Tổ tiên ta đã trình bày một tiên đề hình học không gian mà một học sinh cấp ba ngày nay đều biết: «Ba điểm không thẳng hàng xác định một mặt phẳng.» Tiên đề này được trình bày một cách huyền thoại hóa. Tổ tiên ta đã ứng dụng nó để chế ra bếp lò. Rất có thể tổ tiên ta chưa có một hệ thống lý luận toán học, nhưng trong quá trình lao động và sinh sống, kinh nghiệm dạy cho họ biết rằng nếu dùng ba cục đá đều nhau đặt không thẳng hàng trên mặt đất họ có thể đặt vững vàng trên đó một cái nồi hay cái chảo. Sự vững vàng đó có người đem ví von với tấm lòng kiên quyết riêng tư qua câu ca dao: «Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

 Kiềng ba chân là một dạng bếp lò. Từ Điển Việt Nam của Lê Văn Đức giải thích: «Lò bằng vòng sắt có ba chân.»

Ông Táo của người Nam bộ – những người chịu ảnh hưởng của «nền văn minh miệt vườn» (theo cách gọi của Sơn Nam) và trải cuộc đời trên sông nước – còn có một dạng độc đáo khác: cái kiềng đất, còn gọi là «cà-ràng». Hầu như người miền Bắc và Trung không sử dụng «cà-ràng». Căn cứ theo tên gọi, người ta phỏng đoán gốc gác của nó là Khmer. Ưu điểm của cà-ràng là có thể đặt trên ghe thuyền phục vụ việc nấu nướng an toàn, đặc biệt cho những người dân sống trên sông nước, lấy ghe thuyền làm nơi trú ẩn.

Trên đây là đôi nét phân tích sơ lược về huyền thoại Táo Quân Việt Nam, thế còn Táo Quân Trung Quốc thì sao?

 Học giả E.T.C. Werner dịch «Táo Quân» ra tiếng Anh là: «The God of the Stove»«The God of Hearth»«The Kitchen-god». Còn Léon Wieger dịch ra tiếng Pháp là «Génie de l’âtre», «Génie du fourneau alchimique». Táo Quân là một phát minh của Đạo giáo (Taoism) Trung Quốc, nhưng cho đến nay hầu hết các gia đình người Hoa đều thờ phượng. Theo tín ngưỡng của họ, có những vị thần bảo hộ cho dân chúng, trong đó những vị quan trọng nhất là: Thần Xã Tắc (về đất đai, mùa màng), Thần Nông (về nông nghiệp), Thần Hậu Thổ (nữ thần đất), Thành Hoàng (bảo hộ dân làng), Thổ Địa (thần đất địa phương),Táo Quân (Thần Bếp), Thiên Hậu (Nữ thần phù hộ dân đi biển), Tàm Nữ (Nữ thần về dâu tằm), Thần Tam Đa tức là 3 ông Phúc-Lộc-Thọ, Thần Môn Hộ(thần giữ cửa, nhà)…

 Người Trung Quốc cho rằng có một vị tối cao trong vũ trụ gọi là Nguyên Thủy Thiên Tôn tạo dựng muôn loài. Nguyên Thủy Thiên Tôn còn đứng cao hơn Tam Thanh tức tam vị nhất thể (Trinity) của đạo Lão (Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh). Theo Werner, Táo Quân là … «Trùm Mật Vụ» (The Chief of the Secret Police) của Nguyên Thủy Thiên Tôn, ghi chép những việc làm thiện ác của từng gia đình để rồi cuối năm báo cáo lại cho Nguyên Thủy Thiên Tôn biết. Còn Thiên Lôi là «nhân viên hành pháp» của Ngài. Thông thường quần chúng hay gán cho Nguyên Thủy Thiên Tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế.

 Truy lại huyền thoại về Táo Quân, như đã nói, Táo Quân là phát minh của Đạo giáo (Taoism). Vào đời Hángiới phương sĩ (magician) đã truyền bá thuật trường sinh bất tử. Những phương sĩ này đã xuất hiện trước đó từ thời Tần Thủy Hoàng (người thống nhất Trung Quốc vào năm 221 tcn). Họ từ miền duyên hải Đông Bắc Trung Quốc quy tụ về dưới trướng của Vua Tần để hiến thuật trường sinh cho Vua.

 Nổi bật trong đám là bọn Lư Sinh, Từ Phúc. Nhưng rồi Vua Tần sớm nhận ra rằng mình đã bị đám phương sĩ lừa bịp, công việc triều chính hư hỏng, công quỹ hao tổn. Vua nổi thịnh nộ, bèn chôn sống 460 người gồm bọn phương sĩ lẫn đám nho sĩ thích dèm pha phỉ báng. Nhưng bọn Lư Sinh và Từ Phúc thì đã cao bay xa chạy. Đến khi nhà Hán lên thay nhà Tần. Đám phương sĩ lại lục tục kéo tới triều đình với bổn cũ soạn lại. Đời vua Hán (Hán Vũ Đế, Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế) đều là những người hâm mộ Lão Tử và cái học trường sinh bất tử. Dưới triều Hán Vũ Đế (140-87 tcn) đám phương sĩ được vua biệt đãi và sủng ái. Đứng đầu là bọn Lý Thiếu Quân. Lý đề xướng quan điểm mới khác với bọn Lư Sinh và Từ Phúc xưa kia. Muốn được trường sinh, phải luyện đan nấu thuốc.

 Nghi lễ đầu tiên mà Lý đề nghị với Hán Vũ Đế là Lễ Tế Lò. Vị thần được tế là Táo Quân, vốn là sản phẩm tưởng tượng của Lý Thiếu Quân. Vậy lễ cúng ông Táo đầu tiên được tính từ thời Hán Vũ Đế. Bằng tà thuật, Lý đã làm say mê vị vua nhẹ dạ cả tin này qua phép chỉ đá hóa vàng. Nhưng rồi dần dần vua khám phá thói bịp bợm của họ Lý. Một hôm Lý viết chữ trên một tấm lụa rồi cho một con bò nuốt vào bao tử. Sau đó Lý tuyên bố với vua sẽ tìm được một lá bùa trong bụng con bò. Lá bùa được moi ra từ bụng con bò xấu số. Tuy nhiên vua còn đủ sáng suốt để nhận ra nét bút của họ Lý. Ngay lập tức, vua ban lệnh xử trảm Lý Thiếu Quân. Thế nhưng, tục thờ cúng ông Táo vẫn lưu truyền từ đời Hán cho đến nay.

 Từ đời Hán đến đời Tống, Táo Quân không chỉ là vị thần lò luyện đan của giới đạo sĩ. Táo Quân được phổ biến hơn và được tin tưởng như là một vị thần bảo hộ bếp núc, gia cang. Chữ Táo 灶 trong Hán ngữ có nghĩa là «bếp lò». Người ta không tìm được chứng cớ nào xác minh sự thay đổi tín ngưỡng Táo Quân từ cục bộ sang phổ thông. Có thể phỏng đoán rằng vào đời Đường, các đạo sĩ ngoài việc tạo các vị thần mới, họ còn truyền bá ảnh hưởng của các vị thần cũ của họ có tính phổ thông đại chúng hơn trong quá trình cạnh tranh với đạo Phật là một đạo rất phồn thịnh ở đời Đường (618-907). Tư liệu đầu tiên có ghi chép về Táo Quân là thi tuyển Thạch Hồ Từ của thi sĩ Phạm Thành Đại sống dưới triều vua Cao Tông (1127-1126) của nhà Tống (960-1280). Trong tập thi tuyển, Phạm có bảo mỗi gia đình dân chúng thường cúng ông Táo vào dịp cuối năm để ngài bay về trời báo cáo cho Ngọc Hoàng Thượng Đế biết việc thiện ác của gia chủ đã làm. Tuy nhiên, chẳng có thư tịch nào trưng được nguồn gốc của phong tục này.

Như vậy Táo Quân có quyền năng đối với từng sinh mạng mỗi thành viên của từng gia đình, những báo cáo hằng năm của Táo Quân cho Thượng Đế biết sinh hoạt của gia chủ sẽ tác động rất lớn đến thịnh suy của gia chủ. Táo Quân lẳng lặng ghi chép rồi cuối năm lẳng lặng phúc trình cho Thượng Đế, cho nên vai trò của Táo Quân cũng không khác vai trò của «Trùm Mật Vụ» bao nhiêu! Có người lại cho rằng các báo cáo ấy được thực hiện mỗi tháng hai lần. Việc đưa tiễn ông Táo được bày thiết lễ cúng khác nhau, thông thường lễ vật là mật ong và bánh nếp. Có lẽ chất ngọt của mật và chất dính của nếp sẽ làm ngài báo cáo bằng những lời ngọt ngào hơn chăng?

 Theo Werner, có ít nhất là 40 truyền thuyết về nguồn gốc của Táo Quân. Truyền thuyết phổ biến nhất như sau: Có người tên là Trương Táo Vương lấy vợ tên Quách Đinh Hương, một người đức hạnh và giỏi giang. Một thời gian sau, Trương chán chê vợ, bèn dan díu với một ả kỹ nữ tên là Lý Hải Đường. Lý xúi giục Trương bỏ vợ theo ả. Đinh Hương ra đi với hai bàn tay không, rồi trở về nhà bố mẹ ruột. Trương và Lý chung sống với nhau, gia đình dần dần suy sụp, Lý quay trở lại nghề bán phấn buôn hương, Trương nghèo đói, mù lòa, bèn đi ăn xin. Tình cờ, Trương lạc bước đến nhà vợ. Đinh Hương nhận ra chồng ngày xưa, đau lòng thấy chồng mù mắt, xin ăn, bèn dọn cho chồng cũ món mì sợi mà ngày xưa chàng rất thích. Trương ăn, bỗng sững sờ, sao món ăn nầy giống món ăn ngày xưa vợ anh từng nấu. Bèn khóc. Đinh Hương gọi: «Trương Lang! Trương Lang! Mở mắt ra!» Trương mở mắt ra, mắt sáng trở lại, nhìn thấy vợ cũ, lòng hổ thẹn bèn chạy trốn, nào ngờ chạy tọt vào bếp lò cháy chết. Đinh Hương cố sức kéo chân chồng ra, ai ngờ chân lìa ra. Kể từ đó người đời gọi dụng cụ để cào than trong bếp là «Trương Lang Túc» (chân Trương Lang.) Đinh Hương thương xót chồng và thờ tại bếp lò nơi chồng mất mạng. Tục thờ Táo Quân có lẽ từ đó.

Nếu gốc gác Táo Quân đúng như truyền thuyết trên, thiết tưởng nhân vật Trương Táo Vương không đáng cho người đời thờ cúng. Nhiều tác giả Trung Quốc cho rằng Táo Quân có nhiều tên khác nhau ứng với nhiều nhân vật khác nhau. Có thể là Viêm Đế (tức Thần Nông) phát minh ra lửa, hoặc đó là Hoàng Đế (người đầu tiên xây dựng bếp lò). Danh sách này còn dài, liệt kê thêm: Trọng Lê, Ngô Hồi, Tô Cát Lợi và vợ là Vương Thị, Thần Tử Quách, Trương Đan, Nhưỡng Tử, v.v…

 Ngoài ra người ta còn phân biệt Táo Quân ở phương Đông mặt xám, ở phương Nam mặt đỏ, ở phương Tây mặt trắng, ở phương Bắc mặt đen, và ở trung tâm mặt vàng. Có người còn cho rằng có rất nhiều Táo Quân, ứng với từng thành viên trong gia đình. Nhiệm vụ của Táo Quân, như đã nói, là giữ gìn bảo hộ sinh mạng cho từng thành viên gia chủ cho nên Táo Quân còn được gọi là Tư Mệnh Phủ Quân. Mỗi người sẽ giàu hay nghèo, thọ hay yểu là tùy thuộc vào báo cáo của Táo Quân. Báo cáo này được đưa về trời vào ngày rằm mỗi tháng lúc nửa đêm. Hoặc vào ngày canh và ngày thân của tháng âm lịch.

Có người cho rằng ngày đưa báo cáo là ngày mồng một và ngày rằm mỗi tháng. Nhưng hầu hết thường tin tưởng rằng ngày báo cáo đó rơi vào ngày 23, 24, hoặc 26 tháng Chạp. Ngày ông Táo từ trời quay trở về gia chủ là ngày 30 tháng chạp hoặc trễ hơn một chút.

Lễ đưa tiễn ông Táo được gọi là lễ Tống Táo. Gia chủ đốt hình Táo cũ, đốt pháo để thêm long trọng và hoan hỉ, bánh trái trà rượu được bày thiết tỏ lòng thành. Chiều ba mươi tết, người ta làm lễ Tiếp Táo, đón vị Táo mới cho gia chủ, pháo nổ và lễ vật cũng long trọng không kém buổi Tống Táo.

Đối chiếu huyền thoại Táo Việt Nam và Táo Trung Quốc, ta thấy hai dân tộc đều có chung niềm tín ngưỡng Táo Quân, coi như đây là vị thần bảo hộ cho gia đình. Các phong tục cúng bái cũng rơi vào ngày cuối năm, tức 23 tháng Chạp, với niềmhy vọng ngài sẽ báo cáo cho Ngọc Hoàng biết những điều tốt đẹp về gia chủ, nhờ đó hưởng thêm nhiều phúc thọ. Có thể nói rằng sự giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc đã đem lại sự tương đồng về tín ngưỡng này. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng các thuyết về Táo Quân Trung Quốc quá mơ hồ, người đời lại thêu dệt bịa đặt quá nhiều, nên khó chấp nhận được (trừ trường hợp của Lý Thiếu Quân). Huyền thoại Táo Quân Trung Quốc chịu ảnh hưởng của tôn giáo (Đạo giáo: Taoism) còn huyền thoại Táo Quân Việt Nam thì không. Huyền thoại Táo Quân Việt Nam là một bộ Tam, có nét độc đáo đầy bản sắc dân tộc, minh hoạ trí thông minh sáng tạo của người Việt trong lao động và sinh hoạt. Táo Trung Quốc không có một mối tình tay ba đầy thú vị như Táo Việt Nam. Nói cách khác, huyền thoại Táo Trung Quốc không giải thích được nguyên tắc của bếp lò, giỏi lắm là chỉ nhắc lại được phát minh về lửa. Táo Quân từ đời Hán là sự bịa đặt của Lý Thiếu Quân, Táo Quân theo các thuyết về sau hình như phát sinh từthuyết nhân quả báo ứng của nhà Phật (Trương Táo Vương phụ rãy vợ hiền, sau bị mù lòa phải xin ăn, quả báo cuối cùng là bị chết cháy).

 Những nhận xét trên cho ta bảng đối chiếu sau đây: 

TÁO QUÂN VIỆT NAM

TÁO QUÂN TRUNG QUỐC

TƯƠNG ĐỒNG

* Thần bảo hộ cho gia đình, ảnh hưởng phúc thọ từng thành viên gia chủ do báo cáo hằng năm (23-Chạp) về trời.

* Lễ Tống Táo (23-Chạp) – Lễ tiếp táo (30-Chạp hoặc ít ngày sau đó)

* Cúng tế thành khẩn (Hoa quả, trà rượu, nhang, đốt pháo, vàng mã, xôi gà, cá chép … Người Trung Quốc thường cúng mật ong và bánh nếp….) Lễ vật không bắt buộc, tùy gia đình. Táo Quân được thờ trong bếp mỗi gia đình.

* Được dịch sang ngôn ngữ Tây phương: ANH (The God of the Stove, The God of the Hearth, The Kitchen-God) – PHÁP (Génie de l’âtre, Génie du fourneau) – ĐỨC (Herdgott).

DỊ BIỆT

* Ảnh hưởng tín ngưỡng thờ TRỜI, tin tưởng người và thần linh có thể giao cảm với nhau.

* Có khoảng vài ba dị thoại (tức là huyền thoại ít bị cải biến)

* Bộ Tam: Hai ông một bà (ngụ ý: chế độ mẫu hệ, nguyên tắc cấu tạo bếp lò)

* Có từ thời rất xa xưa, phỏng định vào lúc người VN biết sống định cư nông nghiệp, theo chế độ mẫu hệ, biết sử dụng lửa nấu nướng ẩm thực.

* Giải thích nguyên tắc cấu tạo bếp lò – Nhắc lại về lửa (bắt nguồn cho nền văn minh nhân loại) – Thể hiện óc thông minh sáng tạo của tổ tiên người Việt (chế tạo bếp lò, sử dụng lửa, đời sống nông nghiệp, săn bắn).

* Tên gọi: ông Táo, Vua Bếp, Táo Quân, ông Công, Thần Bếp, Đông Thần (Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân), Đông Trù…

* Ảnh hưởng Đạo giáo (sản phẩm tưởng tượng của Lý Thiếu Quân) – Ảnh hưởng Phật giáo (luật nhân quả báo ứng đối với Trương Táo Vương.)

* Có trên 40 dị thoại, phổ biến nhất là Trương Táo Vương và Quách Đinh Hương.

* Một người (của Đạo giáo) hoặc hai người (vợ chồng Trương-Quách)

* Có từ đời Hán (206 tcn- 220cn), thoạt đầu phổ biến trong giới Luyện Đan (alchemy) trong Lễ Tế Lò. Về sau (khoảng Đường, Tống phổ biến đại chúng thành thần bảo hộ gia đình).

* Không giải thích nguyên tắc cấu tạo bếp lò – Nhắc lại về lửa – giải thích tên gọi của cái cào than (Trương Lang Túc) – Dấu vết ảnh hưởng của tôn giáo (Lão, Phật)

* Tên gọi: Táo Quân, Táo Vương, Tư Mệnh Phủ Quân, Táo Thần, Viêm Đế, Hoàng Đế, Trọng Lê, Ngô Hồi, Tô Cát Lơi, Thần Tử Quách, Trương Đan, Nhưỡng Tử, Định Phúc Tài Thần…

LÊ ANH MINH


Bài khác nên xem

BHD GĐPT Lâm Đồng Thành Kính Phân Ưu

phuocthanh

Viết Về Nhạc Phẩm Đêm Mầu Nhiệm – Đức Quảng

ducquang

Chữa bệnh và làm đẹp với dưa hấu

phuocthanh