Ý nghĩa thượng đại tràng phan

Tam đại tràng phan (Ảnh: internet)

Bắt đầu chính thức cho ba ngày đại lễ trai đàn của Pháp Hội Thù Ân chính là nghi thức Hưng tác thượng đại tràng phan được cử hành vào sáng 26/10/2018 (nhằm ngày 18/09 năm Mậu Tuất).

Hưng tác: hưng – cho phép, tác – tiến hành. Hưng tác là xin phép để được tổ chức trai đàn. Việc trước hết và song hành với lễ Hưng tác đó chính là Thượng đại tràng phan.

Tràng phan ở đây là “Phan Phụng thỉnh Tam Bảo Bồ Tát Thánh Hiền chứng minh”, hoàn toàn khác với “Thụ lập thần phan chiêu triệu vong hồn” trong nghi Thượng phan Sơn – Thủy đã được trình bày ở bài viết trước.

BỐN VẤN ĐỀ CHÍNH YẾU CỦA NGHI THỨC HƯNG TÁC THƯỢNG PHAN

Nghi thức Hưng tác Thượng phan về mặt thực hiện có bốn vấn đề chính yếu như sau:

ĐẢNH LỄ THIỆN THẦN, CẦU XIN GIA HỘ

Trai chủ đảnh lễ cung thỉnh chư vị thiện thần hộ đàn và dâng lễ. Các trai đàn Chẩn tế tổ chức theo nghi thức Phật giáo xứ Huế, lễ phẩm thường sẽ có: bánh, trái cây, bắp nổ, trà, xôi, chè, cau, trầu, rượu,… Tín chủ hành lễ theo sự hướng dẫn của Kinh sư. Phần hương – đốt hương, Niêm hương – cầm hương và cầu nguyện, Thượng hương – dâng hương lên bát hương, Hưng – đứng lên, Bình thân – đứng chắp tay trang nghiêm, Bái – lạy, Chước tửu – rót rượu,…

ĐỌC CHÚC – THÔNG BÁO TỔ CHỨC TRAI ĐÀN

Sau khi tín chủ đảnh lễ cầu nguyện sự hộ trì của chư vị thiện thần, thầy Công Văn sẽ đại diện đàn tràng đọc chúc văn trước bàn Hưng tác.

Chúc là lời đề tụng đọc khi tế lễ. Đây là một danh từ riêng để phân định các thể loại văn bản dùng trong nghi lễ Phật giáo. Khi viết để dâng lên Tam Bảo – Thánh Hiền thì gọi là sớ, khi viết để dâng lên chư vị Thiện Thần thì gọi là chúc, khi viết để phổ cáo chư âm linh, cô hồn thì gọi là điệp. Ở mỗi loại văn bản, sẽ có những quy định riêng biệt về bố cục, văn phong, cách trình bày,… và thậm chí là quy định cả việc ấn chương – con dấu được sử dụng.

Nội dung bản chúc văn có thể được xem tương đương như tờ thông báo ngày nay với đối tượng nhận thông báo là chư vị Thiện thần. Bố cục bản chúc văn bao gồm các phần:

  • Địa điểm tổ chức, phương danh trai chủ
  • Lý do kiến đàn – nguyện cầu âm siêu, dương thái
  • Nội dung tổ chức trai đàn: Giải oan – Bạt độ, Chẩn tế, Phóng đăng, Phóng sanh,…
  • Phụng Phật – Thánh: vì đối tượng chính của bản chúc văn là chư vị thiện thần, do vậy, trong bản chúc, tùy theo đặc điểm từng vùng miền nghi lễ và tùy theo vị Công Văn nhưng thường liệt kê các vị tôn thần như sau:
    • Thánh Minh Oai Thống Tước Lộ Đô Nguyên Soái
    • Kiêm Tri Lưỡng Lộ
    • Thượng Hộ Quốc Công
    • Bàng Chiêu Tứ Minh Yểu Hạ Đô Đại Thành Hoàng Đại Vương Từ Hạ
    • Tả Đông Chinh Thành Hoàng Đại Vương
    • Tả Dực Thành Hoàng Đại Vương
    • Cung Vũ Vương
    • Chiêu Vũ Vương
    • An Hoa Hảo Túc Vương
    • Tam Vị Vương
    • Tứ Vệ Hầu
    • Bổn Xứ Thành Hoàng Đại Vương
    • Đương Cảnh Thổ Địa Chánh Thần
    • Giám Đàn Xứ Giả, cập các bộ linh quang
  • Mong muốn trai đàn thành tựu nên thượng phan cẩn cáo.
  • Thời gian chúc văn được cung tuyên.

THƯỢNG ĐẠI TRÀNG PHAN – CẦU NỐI ĐÔI BỜ ÂM DƯƠNG

Sau khi đọc chúc văn, đại tràng phan sẽ được kéo lên. Nội dung đại tràng phan đại ý có 2 điều:

  • Cung thỉnh Thập phương thường trụ Tam Bảo chứng minh
  • Phổ cáo chư vị thiện thần
  • Triệu thỉnh thập nhị loại cô hồn, tam thập lục bộ tham dự trai đàn.

Có nhiều hình thức của đại tràng phan về mặt kiểu dáng và số lượng. Về mặt kiểu dáng phân làm hai loại:

  • Thứ nhất là loại phan chỉ có đầu phan dạng như một bảo cái, bên trong có một tờ chú viết bài Đại Bảo Quảng Bát Lầu Cát Thiện Thụ Bí Mật Đà La Ni. Nói về công năng của chú Quảng Bát, kinh viết: “Đà Ra Ni này có đại oai đức. Phật do đây thành đạo, do đây hàng ma, hay diệt ác chướng hay thành lục độ. Nếu chép nơi chuông, trên điện, trên lụa, vải, trên giấy, trên vách tường, bảng v.v… những vật trên đó có các chúng sanh mắt tạm được thấy. Hoặc thân tay chạm đến, hoặc chói qua trong hình bóng và các người khác đụng chạm đến người này, hoặc mang nơi thân, hoặc đeo nơi đảnh, hoặc chép nơi trên vật có tiếng, hoặc người nghe thấy tiếng ấy, hoặc người đọc tụng, hoặc chỉ nghe tên Đà Ra Ni này, những chúng sanh như vậy, dù có những tội tứ trọng, ngũ nghịch thập ác, thảy đều tiêu diệt, quyết định sẽ chứng đắc Vô thượng Bồ đề”.
  • Thứ hai là loại phan, phần đầu, ngoài bảo cái như vừa giới thiệu, còn được gắn thêm một con quạ trên đỉnh. Nguyên nhân của việc lựa chọn con quạ để gắn trên đầu phan đến nay còn nhiều giả thuyết. Một giả thuyết cho rằng, đây là hóa thân của một vị Hộ Pháp với tâm nguyện cứu độ cho chúng cô hồn. Nguyện hóa thân thành loài quạ để đưa tin nơi tổ chức Pháp hội. Với giả thuyết này, hiện tại, chúng tôi chưa tìm ra được tích truyện hoặc tài liệu nào nói về vị Hộ Pháp nào với tâm nguyện như vậy. Giả thuyết thứ hai là việc ứng dụng của Ngũ Hành tương sinh – tương khắc vào trong hình ảnh con quạ. Quạ là loài chim có bộ lông đen huyền – màu sắc tượng trưng cho Âm. Đối ngược hoàn toàn với hạc là loài tượng trưng cho Dương. Đây là điều đặc biệt thứ nhất. Điều đặc biệt thứ hai, theo như thuyết ngũ hành, tim, gan, tỳ, phế, thận là năm bộ phận thuộc nội tạng của một sự sống đồng thời cũng tương đồng đồng với năm hành trong Ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Như vậy, việc sử dụng ngũ hành thông qua hình ảnh con quạ là chí Âm để mang ý nghĩa lá phan sẽ được mang lên thật cao – không còn bị giới hạn bởi thân tre cột lá phan vào nữa. Bởi vì, trời và ban ngày là chí Dương. Khi Âm gặp Dương thì lực “hút” sẽ hình thành.

Về mặt số lượng, thông dụng hiện nay có hai dạng là Đại tràng phan 1 lá, 3 lá và 5 lá. Ngũ đại tràng phan (5 lá phan) có kiểu dáng hoàn toàn tương đồng nhau, chỉ khác nhau về mặt màu sắc của dãi phan và nội dung thỉnh được ghi trên phan.

  • Màu xanh lá – hành mộc: tượng trưng cho Đông phương.
  • Màu đỏ – hành hỏa: tượng trưng cho Nam phương.
  • Màu trắng – hành kim: tượng trưng cho Tây phương.
  • Màu đen – hành thủy: tượng trưng cho Bắc phương. Tuy nhiên, màu đen đôi khi được thay đổi bằng màu tím hoặc màu xanh dương ở một số trai đàn, nhưng về mặt ý nghĩa thì không thay đổi.
  • Màu vàng – hành thổ: tượng trưng cho Trung ương.

Nếu thượng tam đại tràng phan (3 lá phan) thì nội dung trên ngũ đại tràng phan sẽ được viết gộp lại theo quy định. Nếu thượng duy nhất một lá phan thì sẽ sử dụng lá phan màu vàng làm đại diện.

Trên lá phan, nội dung của phan được viết trên từng ô giấy vuông nhỏ có kích thước tầm độ 8-10cm. Mỗi một ô vuông là một chữ khác nhau, số lượng chữ cũng được tính toán theo những quy chuẩn nhất định. Nếu thượng ngũ đại tràng phan thì màu sắc của ô giấy viết chữ được sử dụng đồng màu, cốt làm sao cho nổi bật đối với từng lá phan. Còn nếu thượng nhất đại tràng phan thì các ô chữ được sử dụng bằng năm màu sắc xen kẽ nhau như vừa giới thiệu phần trên.

Việc thượng phan cũng với mục đích cầu Tam Bảo gia hộ, cầu chư vị thiện thần hỗ trợ và triệu thỉnh chư âm linh cô hồn thông qua hai con đường “mắt thấy, tai nghe”.

CỬ HÀNH NHẠC LỄ

Khi tràng phan được thượng lên thì cũng là lúc vị đại diện cho ban nhạc lễ đảnh lễ chư thần, nhận dùi trống và tiến hành cử nhạc. Các bản nhạc được cử hành sẽ tùy theo từng vùng miền nghi lễ khác nhau mà có sự dị biệt. Riêng các trai đàn nghi Huế, nhạc lễ sử dụng hoàn toàn là nhã nhạc cung đình. Các bài nhạc được tấu lên vào thời điểm thượng phan thường là: Tam luân cửu chuyển, Thoét, Năm bài khèn,…

Phần cử nhạc này có thể được xem là một trong những tinh hoa của nghi lễ Phật giáo Huế khi đã vận dụng uyển chuyển hình thức âm nhạc cung đình vào trong việc cử hành khoa nghi pháp sự.

ĐÔI LỜI TỔNG KẾT

Việc thực hiện Pháp Hội Thù Ân của BHD GĐPT VN trên Thế Giới không ngoài tâm niệm: “Khắp cả đất trời, cùng cả kim cổ, Nho hay Thích, Trời hay Người, ai ai cũng đều tôn trọng, đó là đạo Hiếu vậy. Phàm ơn còn ghi nhớ, tức hiếu còn tôn thờ, Đạo có bốn ơn, nên Phật có dạy trọn câu tổng báo”. Ngày nay, đại tràng phan đã vươn cao huyền diệu, phậm âm đã được tuyên xướng, Pháp đàn kiến lập, trai diên biện bày; thành tâm nguyện cầu Phật sự châu viên, âm dương lưỡng lợi.

(CHÚC TUỆ)

Bài khác nên xem

Tưởng niệm Thánh tử Đạo Nguyên Thường – Đào thị Yến Phi

Huệ Quang GĐPTVN

Tường trình sự việc xảy ra tại chùa Đa Bảo – Quảng Nam trong Đại lễ Phật Đản PL 2558

phuocthanh

Đại diện BHD Trung ương GĐPT Việt Nam đảnh lễ tưởng niệm Cố Hoà thượng Thích Thiện Minh

Huệ Quang GĐPTVN