Xuân về viếng cảnh Chùa xưa

xuan-ve-vieng-canh-chua-xuaTheo truyền thống tổ tiên, đa số người Việt thường tìm đến các danh lam cổ tự để cầu nguyện nhân dịp đầu xuân. Chúng tôi xin giới thiệu 5 cảnh chùa nổi tiếng có duyên lưu lại kỷ niệm của người xưa trên đồ gốm sứ ký kiểu.

1.CHÙA THIÊN MỤ

Ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất của đất thần kinh Phú Xuân, xứng đáng làm biểu tượng cho văn hóa, lịch sử xứ Huế, tồn tại đến nay đã gần 500 năm. Minh Vương Nguyễn Phước Chu (1691 – 1725), pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân, một buổi sớm mùa Xuân đi viếng cảnh chùa đã cảm tác bài thơ:

Thiên Mụ hiểu chung

Ký bạch đông phương túy tích trùng

Thự quynh tiệm dữ bách hoa nùng

Tà khan vân ảnh giang can nguyệt

Bất thính triều thanh sơn tự chung

Độc ngã nhàn tình y phiếu miễu

Kỷ nhân trần mộng đắc thung dung

Du du vận chư thiên lý

Phạn ngữ dao ưng đáp hiểu chung.Thiên Mụ

Dịch thơ:

Tiếng chuông sớm chùa Thiên Mụ

Biêng biếc phương trời buổi rạng đông

Trăm hoa ửng nắng sắc hương hồng

Chẳng nghe sóng dậy, chuông chùa điểm

Ghé mắt mây chìm, nguyệt bến sông

Riêng tớ tình suông về thăm thẳm

Mấy ai cảnh mộng tới thong dong

Mang mang dư vận từng không tỏa

Kinh Phạn hồi chuông sớm quện lòng.

2. CHÙA THÁNH DUYÊN

Tọa lạc trên núi Thúy Vân, gần cửa biển Tư Hiền cách thành phố Huế khoảng 40km về phía Nam. Chùa do vua Minh Mạng (1820 – 1840) vẽ kiểu xây dựng, khánh thành vào mùa Xuân năm Đinh Dậu (1837).

Vua Thiệu Trị nhân một lần đến chùa chiêm bái, có cảm đề bài thơ:

Chua thanh duyen

 

Vân Sơn thắng tích

Tích thúy toàn ngoan bất kế xuân

Cầu long ẩn phục liệt lân tuần

Tuệ phong chung độ u lâm hưởng

Không vũ hương la pháp hải tân

Thụ luyến từ đàm phú bích lạc

Kính xuyên tăng kịch tạp hồng trần

Thánh Duyên phổ tế hàm quy thiện

Phật tích tăng huy tự hữu nhân.

Dịch thơ:

Thắng cảnh núi Thuý Vân

Vòi vọi non xanh nước mấy xuân

Rồng thiêng nương náu chốn hang thần

Gió Thiền chuông điểm rừng sâu dội

Cõi Diệu hương đưa biển pháp nhuần.

Cây vướng mây lành lên cảnh Bụt

Đường xuyên guốc sãi lấm hồng trần

Duyên vua rưới khắp đời quy thiện

Dấu Phật huy hoàng hẳn có nhân.

3. THIỀN VIỆN QUY KÍNH

Rời chùa Thánh Duyên, chúng ta đi theo đường làng tìm lên Linh Thái Sơn. Ngọn núi có hình dáng giống rùa thần khổng lồ đứng trấn giữ cửa biển Tư Hiền. Ở đây thời chúa Nguyễn có lập chùa Vinh Hòa, thiền viện Quy Kính. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ ngoạn cảnh có lưu bài thơ Nôm.

 

Qui kính thiền tự

Từ Dung thắng cảnh

Một bầu riêng rẽ thú yên hà

Nghi ngút hương bay cửa Đại La

Ngày vắng đỉnh đang chuông Bát Nhã

Đêm khuya dắn dỏi kệ Di Đà

Nhặt khoan đờn suốn ban mưa tạnh

Eo óc cầm ve thuở ác tà

Mựa rằng đạo xa hòa nhọc kiếm

Bồ đề kết ảu ở lòng ta.

Tiếc thay, ngày nay chùa viện đã tiêu tàn, chỉ còn gạch đá đổ nát trơ gan cùng tuế nguyệt. Đứng nhìn ra cửa biển, nhớ đến công chúa Huyền Trân và vua Lê Thánh Tông… đã từng neo thuyền nơi đây mà suy nghiệm làn sóng phế hưng vạn thuở.

4. CHÙA TAM THAI

Rời cố đô Huế, vượt qua đèo Hải Vân, chúng ta đến viếng Tổ đình Tam Thai trên hòn Thủy Sơn, một danh thắng đứng đầu của xứ Quảng Nam.

Mùa Xuân năm Kỷ Hợi (1719) Thiên Túng đạo nhân Nguyễn Phước Chu đến viếng chùa đã cảm tác bài thơ:

 

Chùa tam thai

Tam Thai thính triều

Kỳ tú Tam Thai tủng bích phong

Trung hư ngoại hữu bạch vân phong

Tự lai Việt hải văn xuân lãng

Như tại Bà Dương thính thạch chung,

Bất đoạn phong thanh bôn bạch mã

Hoàn nghi vũ sắc khởi thương long

Dục tầm thanh mộng hà tằng khán

Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng.

Dịch thơ:

Ở Tam Thai nghe sóng vỗ

Tam Thai chất ngất đỉnh non xanh

Động vắng mênh mông mây phủ quanh

Dạt dào sóng xuân trào Việt hải

Ngân vang chuông đá vọng Dương thành,

Gió reo ngựa trắng liên hồi trẩy

Mưa cuốn rồng xanh thấp thoáng đoanh

Mộng đẹp mong tìm sao chửa thấy

Rì rào vách núi cụm tùng xinh.

5. CHÙA PHI LAI

Ở miền Bắc nước ta có chùa Phi Lai tại huyện Ý Yên, Nam Định. Ở miền Nam, vào thời Nguyễn có lập chùa Phi Lai ở Châu Đốc. Nếu có dịp viễn du Trung Quốc, chúng ta cũng sẽ gặp chùa Phi Lai ở tỉnh Triết Giang. Chùa tọa lạc trên núi Linh Thứu (còn gọi là Phi Lai Phong). Ngày xưa các xứ thần Việt Nam thường được đưa đến viếng cảnh chùa này.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo SỐ 25  | TRẦN ĐÌNH SƠN

Bài khác nên xem

Khoá Mỹ thuật Huynh trưởng ngành Đồng GĐPT Gia Định

nhuanphap

Vượt Thử Thách

phuocthanh

Mục Liên Thanh Đề

nhuanphap