Tôi làm Huynh Trưởng

Câu chuyện được ghi lại từ Liên trại huấn luyện Huynh trưởng Lộc Uyển 15 – A Dục 10 – Huyền trang 02 Ban Hướng Dẫn GĐPT Bình Thuận

 Tôi đã gần 50 tuổi, đi sinh hoạt từ thuở còn để chỏm, nhưng chỉ ham vui là chính, có khi vắng mặt vài ba tháng rồi mới đi sinh hoạt lại. Thời gian lớn lên, lấy cớ bận bịu vì việc học hành, rồi ra trường, rồi đi làm xa nhà, nên cũng không thường xuyên tham gia sinh hoạt đều đặn, cho nên quá trình sinh hoạt của tôi trong GĐPT không nhiều. Mặc dù chưa qua các trại huấn luyện, nhưng Bác Gia Trưởng thấy tôi có tuổi đời đã nhiều – có học vấn – có địa vị xã hội, nên đặc cách giới thiệu cho tôi làm Huynh trưởng tại đơn vị. Tại một kỳ thi vượt Bậc, anh Liên Đoàn Trưởng giao cho tôi giám thị một góc thi Bậc Hướng Thiện. Trong giờ thi trắc nghiệm, có một em hỏi tôi:

 –  Thưa anh, vợ của (Đức Phật) tên là gì vậy anh?

–  Đức Phật Thích Ca có vợ tên là Daduđàla! Tôi vụt nói lớn

 Cả nhóm thi vụt cười ồ lên, tôi ngỡ rằng mình đã trả lời sai, vội vàng lật tài liệu. Tài liệu ghi rõ ràng: “Năm 16 tuổi, Thái tử Siddharta (Tấtđạtđa) kết hôn cùng Công chúa Daduđàla”. Như vậy Thái tử Siddharta (Tấtđạtđa), tức là Đức Phật Thích Ca, có vợ là Công chúa Daduđàla. Thế thì các em cười tôi ở chỗ nào. Tôi tìm đến anh Liên Đoàn Trưởng, được anh phân tích:

 –   Đây là một câu hỏi thách đố trí tuệ, đúng ra anh phải trả lời “Thái tử Siddharta (Tấtđạtđa) có vợ là Công chúa Daduđàla”. Chứ không thể trả lời Đức Phật Thích Ca có vợ… Vì đã là Phật rồi, thì làm gì còn có vợ – có con. Tôi ngỡ ngàng ngớ người ra

 Ở các bậc học, từ Ngành Đồng đến Ngành Thiếu rồi đến Ngành Thanh, bậc học nào tôi cũng có mặt, nhưng chỉ học lõm bõm dang dỡ nữa chừng, thì làm sao thẩm thấu được thâm thúy cao sâu của Phật pháp. Chưa từng kinh qua các trại huấn luyện, trong hướng dẫn sinh hoạt, tôi làm sao không va vấp phải sai lầm, tránh khỏi sự điều hành theo cảm tính, vượt ngoài qui định của tổ chức, khó mà tha thứ được. Từ lâu tôi cứ ngỡ rằng, với tuổi đời đã lớn, với học vấn cao ở trường đời, thế là tôi có đủ khả năng để điều hành – để lãnh đạo, lắm lúc tôi còn xem thường cả các anh – các chị Huynh trưởng đã qua các Bậc học – các trại huấn luyện. Tôi đâu có ngờ rằng, cái vốn liếng kiến thức mà tôi đã học được ở nhà trường, các văn bằng thế tục mà tôi có được trong tay, chỉ đủ để tôi làm ra chén cơm manh áo – vật chất tiện nghi – giải quyết những phiến diện đời thường, chứ không đủ để giải quyết các vấn đề tâm linh. Tâm linh là một chiều sâu thăm thẳm – khúc mắc, tàng chứa vô vàn kiến hoặc – lậu hoặc. Muốn hội đủ kiến thức – đủ tuệ giác để lý giải vấn đề tâm linh, mỗi nhân thân phải tự nổ lực rèn luyện tu học thực tập cho được chân đế

 Vừa lúc Ban Hướng Dẫn tổ chức trại huấn luyện Huynh trưởng, tôi xin Bác Gia Trưởng, xin anh Liên Đoàn Trưởng cho tôi được tham dự trại. Các anh rất vui, trao cho tôi một đơn xin nhập trại. Tôi nghĩ rằng với tuổi đời cũng khá lớn, trình độ học vấn cũng cao, địa vị xã hội cũng có, hơn nữa thấy trong đơn vị có một số anh – chị Huynh trưởng học vấn kém hơn, mà cũng đã qua trại Huyền Trang, nên tôi vội ghi danh đăng ký học Huyền Trang. Tôi hí hửng mang lá đơn lên gặp Bác Gia Trưởng. Bác đọc xong, mĩm cười hỏi tôi:

 –  Anh có quyết định cấp Tập không?

–   Dạ thưa không!

–   Anh có chứng chỉ A Dục không?

–   Dạ thưa không!

–   Anh có chứng chỉ Bậc Định Không?

–   Dạ thưa không có!

–  Trại Huyền Trang là trại đào tạo cấp lãnh đạo đơn vị. Muốn vào được Trại Huyền Trang, thì phải trãi qua Bậc Định – đã tham dự trại A Dục – được xếp cấp Tập. Như vậy là anh chưa đủ tiêu chuẩn để theo dự trại Huyền Trang. Tôi ngỡ ngàng đòi hỏi:

–  Vậy thì anh giới thiệu cho em vào dự trại A Dục cũng được! Cũng như lúc ban đầu, anh nhỏ nhẹ hỏi tôi:

–   Anh có chứng chỉ Lộc Uyển không?

–  …

–  Anh có chứng chỉ Bậc Trì Không? Tôi lúng túng trả lời:

–  Dạ thưa không có!

–  Trại A Dục là trại đào tạo Đoàn trưởng, để chỉ huy lãnh đạo một Đoàn. Muốn tham dự được trại A Dục, anh phải hội đủ hai chứng chỉ Bậc Trì và Lộc Uyển. Nếu có thể được, bởi vì anh tuổi cũng đã lớn rồi, thời gian sinh hoạt gần đây có tiến bộ, có tinh thần cầu học, tôi sẽ giới thiệu, xin phép Ban Hướng Dẫn – xin phép Ban Quản Trại cho anh được đặc cách tham dự trại Lộc Uyển, đây sẽ là nấc thang giúp anh thăng tiến bản thân và phục vụ tổ chức

 Hốt nhiên tôi thức ngộ ra rằng, GĐPT là một dòng tu, ai muốn hoàn thiện nhân cách – hoàn thiện bản thân, thì đến với GĐPT để chọn cho mình một pháp môn tu, nhằm mục đích thanh lọc tam nghiệp, tịnh thân – định ý, sau khi đã được tự giác sẽ thực hiện giác tha để được giác hạnh viên mãn. GĐPT là một tổ chức giáo dục, muốn hướng thiện được tha nhân, đòi hỏi mỗi nhân nhân phải đầy đủ thân giáo – khẩu giáo – ý giáo. Phải là một tấm gương sáng, một nhà mô phạm với đầy đủ đạo đức uy nghi, đủ sức truyền tải nguồn năng lượng Phật chất vô biên vào tận mọi ngõ lòng khúc mắc thâm sâu của mỗi nhân sinh. Kiến thức đâu phải bổng nhiên mà có được, đòi hỏi phải hội đủ thời gian để dùi mài – đào luyện. Bỏ tu – bỏ học – bỏ bậc – bỏ trại nữa vời, không có quá trình sinh hoạt lâu dài với tổ chức, thì chỉ có mai một – lạc hậu, làm sao mà đuổi bắt kịp được với thời gian, làm sao đủ năng lực – đủ bản lĩnh, nhất là làm gì có đủ tinh thần trung kiên – đủ niềm tin son sắc vào tổ chức – đủ nghị lực vô úy để mà lãnh đạo cầm đoàn, điều hành một đơn vị GĐPT sở tại, lội ngược dòng đời, góp phần làm thanh sạch – thiện hóa xã hội

 Tôi đứng dậy – nghiêm trang:

 – Thưa Bác Gia Trưởng! Em đã nhận chân được giá trị đích thực của GĐPTVN. muốn hoàn chỉnh nhân cách toàn diện, muốn hy hiến để phụng sự cho được tổ chức, muốn thành toàn sứ mệnh giáo dục, mỗi nhân giả phải có công phu thực tập thực tiễn, mới hội đủ bản lĩnh, đủ tài năng – đức độ thực sự để tiếp hiện dấn thân. Em hứa sẽ làm lại từ đầu, xin anh, cho phép em được tham dự trại Lộc Uyển lần này!

 Nguyên Hoàng PHAN VĂN HUY TÂM

Bài khác nên xem

Lối cũ Ân tình xưa

phuocthanh

Thiền sinh và con bọ cạp

phuocthanh

Câu Chuyện Lửa Tàn 4: Học Làm Mục Tử

ducquang