Tinh thần Lục hòa trong Trại Huấn luyện

 

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I – A Dục

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

( Tổ chức dưới hình thức Hội Thảo vì Huynh trưởng đã học bài nầy ở bậc Kiên )

–    Trước khi Hội thảo thông báo cho Trại sinh ôn lại đề tài lục Hòa.

–    Chủ tọa buổi hội thảo phải là Giảng viên phụ trách đề tài.

–    Thư ký, công cử trong số Trại sinh.

–    Về hội thảo có hai phần chính :

1. Ôn lại đề tài Lục hòa và có thể đào sâu thêm

2. Vận dụng Lục hòa vào trong Trại Huấn luyện.

Một số gợi ý, chủ tọa cần khéo léo hướng dẫn trại sinh thảo luận đúng trọng tâm, không đi lang bang quá.

I. ÔN LẠI ĐỀ TÀI LỤC HÒA (bậc Kiên) :

–    Thế nào là Lục hòa ?

–    Ai chế ra pháp Lục hòa ? Với mục đích gì ?

–    Nội dung của 6 pháp Lục hòa ?

–    Chúng ta đã áp dụng 6 pháp Lục hòa vào Gia Đình Phật Tử chưa ? Áp dụng như thế nào ?

–    Trong chúng ta ai đã vận dụng 6 pháp Lục hòa nầy vào gia đình riêng của mình ? (dành thời gian cho một số Huynh trưởng đã áp dụng vào gia đình của mình nêu lên để cùng nhau học tập).

–    Những trở ngại nào khi áp dụng (chưa thông suốt đối với tất cả thành viên trong gia đình – Chồng (vợ), con cái chưa nắm được nội dung – Bước đầu áp dụng có nhiều lúng túng bở ngỡ v.v. . . ). Các Huynh trưởng nầy đã giải quyết những trở ngại ấy bằng cách nào ? Cần ghi lại những nét căn bản áp dụng có hiệu quả cho anh em học tập về sau.

–    Sau thời gian áp dụng, kết quả, không khí trong gia đình như thế nào ?    (phải khéo léo để Huynh trưởng phát biểu một cách thành thực không miễn cưỡng).

II. VẬN DỤNG PHÁP LỤC HÒA VÀO TRẠI HUẤN LUYỆN

1. Có nên vận dụng pháp Lục hòa vào trại huấn luyện hay không ?

2. Nếu áp dụng thì sẽ có những hiệu quả như thế nào ? (phỏng đoán bằng lý giải chứ chưa phải là thực tế).

3.  Áp dụng từng pháp một, sao cho phù hợp :

a. Thân hòa đồng trú : Ở trại như thế nào ? ta phải tuân thủ ra sao – liên quan gì đến kỷ luật trại không ?

b. Khẩu hòa vô tránh : Chúng ta phải cư xử đối đãi với nhau trong trại như thế nào ? Khẩu hòa vô tránh và thân hòa đồng trú có liên quan gì với nhau ?

c. Ý hòa đồng duyệt : Áp dụng như thế nào trong trại. Khi nhận công tác gì do ban Quản Trại giao chúng ta phải như thế nào – Nếu phân công cho từng Đội, Chúng thì sao ? Nếu Đội (Chúng) mình được phân công tác có khó nhọc hơn các Đội, Chúng khác thì thái độ chúng ta như thế nào ? Khi có vấn đề gì Ban Quản Trại cần tham khảo ý kiến của toàn trại sinh thì chúng ta sẽ làm gì ? Thực hiện được “Ý hòa” giúp chúng ta tu được hạnh gì ?

d. Giới hòa đồng tu : Giới ở đây là gì ? Đồng tu là thế nào ?

e. Kiến hòa đồng giải : Trong trại chúng ta áp dụng nội quy nầy như thế nào ?

f. Lợi hòa đồng quân : Trong trại chúng ta áp dụng “Lợi hòa đồng quân ra sao đây? Nêu một số ví dụ cụ thể ?

BÀI ĐÚC KẾT 

( Bài đúc kết được ghi lại một cách gẩy gọn làm bài học cho trại sinh, theo trình tự sau )

A. PHẦN DẪN NHẬP :

Nêu những lợi ích khi áp dụng “Lục hòa” vào trong Trại Huấn luyện :

–    Ở trại Huấn luyện, Huynh trưởng mỗi người một đơn vị, một địa phương xa xôi tập trung lại, cho dù trong tình Lam bất cứ ở đâu cũng đã là thân thích với nhau rồi, nhưng thực tế làm sao tránh được những bở ngỡ lúc ban đầu, khi chúng ta chưa hề quen biết chưa hề tiếp xúc với nhau.

–    Nhờ pháp Lục hòa, sẽ giúp chúng ta khắc phục được nhanh chóng những bỡ ngỡ ngại ngùng ban đầu, chung sống với nhau hòa nhã thân thiết những ngày trên đất trại.

–    Nhờ pháp Lục hòa việc học tập chúng ta được thấu triệt, được nâng cao, được hanh thông.

B. PHẦN NỘI DUNG .

I. NHỮNG NỘI DUNG CỦA SÁU PHÁP LỤC HÒA (bài bậc Kiên)

1. Thân hòa đồng trú

2. Khẩu hòa vô tránh

3. Ý hòa đồng duyệt

4. Giới hòa đồng tu

5. Kiến hòa đồng giải

6. Lợi hòa đồng quân

II. VẬN DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG Ở TRẠI

1. Thân hòa đồng trú :

Cùng sống trên đất trại, không ra khỏi trại với lý do không chính đáng. Điều nầy giúp trại sinh hoạt có quy cũ nề nếp và không mất thời gian mỗi khi tập trung, mỗi khi học tập.

2. Khẩu hòa vô tránh :

Điều nầy giúp cho Huynh trưởng trại sinh chúng ta có được sự vui vẻ hòa nhã trong suốt thời gian trại. Nhờ có “ khẩu hòa vô tránh ” mà có được “ thân hòa đồng trú ” vì có hòa có vui, không bao giờ có tiếng lớn cãi vã nhau, không bao giờ nài nạnh công việc thì mới sống chung với nhau được. Còn không thì cho dù có nằm kề bên nhau cũng chỉ là “ quay lưng, sấp mặt ” với nhau mà thôi.

Trong trường hợp Ban Quản Trại phân công cho các Đội, Chúng những công tác gì thì dù Đội (Chúng) mình có đãm nhận công việc nhọc nhằn hơn các Đội, Chúng khác một chút cũng không sao (làm gì có sự tuyệt đối, các công tác đều sử dụng năng suất như nhau), Đội (Chúng) mình cũng vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ và đạt chỉ tiêu giao phó. Trong một Đội, Chúng cũng thế, có người yếu, có người mạnh, mình có phải làm nhiều hơn bạn mình một chút thì phải xem đó là điều vui sướng vì được san sẻ bớt phần nhọc nhằn cho bạn. Chúng ta không bao giờ cãi cọ, ní nài nhau.

3. Ý hòa đồng duyệt :

Như trong bài (bậc Kiên) đã giải thích rõ : Không những một vấn đề gì cũng đưa ra bàn bạc cụ thể rồi mới thi hành (khi Ban Quản Trại giao phó cho Đội, Chúng mình đảm trách một Phật sự gì, chúng ta đưa ra Đội, Chúng bàn bạc rốt ráo kế hoạch thực hiện khi đa số nhất trí chúng ta mới thi hành), mà ở đây, chữ “ duyệt ”còn có nghĩa là “ đẹp lòng, vui thích ”. Vậy lúc nào chúng ta cũng phải nghĩ đến sự hòa hợp. Có thắc mắc nhau điều gì thì thành thật trình bày cởi mở để hiểu nhau, thông cảm nhau. Có hiểu nhau mới thương nhau.

4. Giới hòa đồng tu :

Dĩ nhiên đã là trại sinh A Dục thì Huynh trưởng nào lại không quy y, không thọ trì 5 giới. Chúng ta sống kề vai sát cánh với nhau, thấy rõ nhau, hiểu rõ nhau, thì phải nhắc nhở nhau giữ gìn 5 giới, nhắc nhở nhau thực hiện 5 điều luật Gia Đình Phật Tử. Hơn nữa, ở Trại Huấn luyện thì kỷ luật trại cũng chính là giới luật trong thời gian sống trên đất trại. Chúng ta phải sách tấn nhau, nhắc nhở nhau, mỗi lần thấy bạn vô ý vi phạm, dù không ai biết nhưng mình biết được thì phải nhắc nhở bạn. Trong những buổi sinh hoạt Đội, Chúng cũng phải dành thời gian, ít lắm cũng năm, mười phút để tự nhận xét và kiểm điểm nhau về vấn đề kỷ luật. Nếu tất cả trại sinh đều thực hiện được “ giới hòa đồng tu ” thì kỷ luật trại chúng ta sẽ thấy rất nhẹ nhàng. Ban Quản Trại sẽ không bao giờ nhắc đi nhắc lại mà vẫn duy trì rất tốt đẹp, mọi người lại thấy thoải mái.

5. Kiến hòa đồng giải :

Pháp nầy rất cần thiết trong trại huấn luyện, giúp cho Huynh trưởng trại sinh thấu triệt được bài học, nâng cao nhận thức cho nhau. Một điều thực tế mà không đâu là không xẩy ra,là trình độ tiếp thu của trại sinh không đồng đều (ở đây không phải là trình độ văn hóa). Những trại sinh có văn hóa cao thì tiếp thu nhanh hơn các trại sinh khác. Nhưng đồng thời cũng có những trại sinh dù văn hóa có khá hơn các bạn, nhưng ít nghiên cứu giáo lý, ít có duyên tham dự các buổi giảng giáo lý của quý Thầy thì chắc chắn một đề tài Phật pháp nào đó cũng tiếp thu chậm hơn những bạn khác thường có nghiên cứu thêm Phật pháp hoặc thường có tham dự các khóa giảng của quý Thầy. Những Huynh trưởng có chiều dày sinh hoạt với tổ chức thì một đề tài tinh thần tiếp nhận nhạy bén hơn. Một Huynh trưởng từng phụ trách chuyên môn cho đơn vị gia đình (hay cho Huyện) thì dĩ nhiên những đề tài chuyên môn lãnh hội nhanh hơn – Một đề tài nào trong chương trình giảng viên cũng chỉ giảng giải từ một đến hai giờ đồng hồ, chắc chắn có những điều mà trại sinh nầy hay trại sinh khác chưa thấu triệt được, chưa hiểu suốt. “ Kiến hòa đồng giải ” sẽ giúp trại sinh ai cũng hiểu biết, ai cũng thấu rõ đề tài đã truyền dạy. Khi về ở Đội, Chúng chúng ta phải dành thời gian (có khi tranh thủ cả giờ nghỉ) để đem ra thảo luận lại đề tài đã học. Trại sinh nào thấy rõ, hiểu sâu điều gì trong đề tài, trao đổi lại cụ thể để tất cả đều hiểu rõ, đều thông suốt. Người nắm vững điều nầy thì có người nắm vững điều khác, khi trao đổi như vậy ai cũng thấu triệt như nhau.

Trong lúc ôn tập khảo sát cũng thế, nếu Ban Quản Trại có ra đề cương thì không thể mỗi cá nhân, bo bo soạn thảo riêng cho mình mà cần trao đổi chung, như vậy sẽ được hoàn chỉnh hơn. Trong lúc cùng nhau soạn thảo chúng ta không giành lại một “ ngón ” nào để “ thủ thế ” mà phải thật tình, phải hết lòng. Nhưng khi đi vào thi cử thì trái lại, nếu chúng ta trao đổi với bạn lúc nầy, chỉ bày với bạn lúc nầy là đi ngược lại với “ kiến hòa đồng giải ” vì rõ ràng là không “ giải ” gì cả mà chỉ giúp bạn ghi chép lại một cách máy móc. Như vậy bạn đâu có hiểu được gì thêm, “ rủi ” mà bạn, nhờ có sự chỉ bày của mình nên trúng cách thì mình đã hại bạn rồi. Vì nếu vấn đề nào đó bạn chưa nắm bắt được mà vẫn cho trôi qua, sau nầy bạn đâu có thấy được cái “ lỗ hổng ” kiến thức của mình – Vậy là mình không thực hiện được “ kiến hòa đồng giải ”.

6. Lợi hòa đồng quân :

Tuy chỉ là vật chất nhưng rõ ràng điều nầy thể hiện thắm thiết tình nghĩa anh em. Giả như đơn vị mình đến thăm gởi một món quà gì cho Huynh trưởng thuộc đơn vị (vì không có khả năng để tặng quà toàn trại hay Ban Quản Trại một gói kẹo, chúng ta cũng chia đều trong Đội (Chúng), cũng đượm tình thân mật.

Đối với Ban Quản Trại khi có Ban Bảo Trợ, các đơn vị hoặc các Giáo hội địa phương đến thăm trại, ủy lạo một số quà thì cũng nhân lúc sinh hoạt chung, chia đều cho trại sinh (nếu quà đó là thức ăn), nếu quà là những vật dụng như sách vở, giấy bút . . .  thì tùy theo số lượng, nếu nhiều, có thể chia đều cho trại sinh, nếu không nhiều lắm, chia cho các Đội, Chúng để dùng làm việc cho Đội, Chúng (sổ tường thuật, dùng viết báo cáo hàng ngày, sổ theo dõi hằng ngày của Đội, Chúng v.v…)nếu ít thì sử dụng cho Ban Quản Trại vì công việc của Ban Quản Trại cũng là công việc chung. Nếu quà tặng là ngân khoản thì cũng tùy theo, có thể sử dụng để tổ chức liên hoan cuối trại, thêm vào khẩu phần hằng ngày cho trại sinh, mà cũng có thể sử dụng để mua phẩm vật làm phần thưởng cho trại sinh. Cũng có thể sử dụng một phần bồi dưỡng cho Ban Quản Trại vì Ban Quản Trại phải làm việc nhiều, thường thường là trong lúc trại sinh ngủ, Ban Quản Trại cũng phải làm việc (chấm bài, sắp đặt công việc cho ngày mai,lo tổng kết . . . ) như vậy bồi dưỡng cho Ban quản Trại cũng là lo chung cho Trại vậy. Tuy nhiên cũng có mức độ. Có điều Ban Quản Trại không thể quên được là công bố tất cả phẩm vật, tiền bạc các nơi tặng và sử dụng như thế nào cho toàn thể trại sinh hay (dĩ nhiên là phần tặng chung cho trại, còn những khoản tài trợ riêng cho Ban Quản Trại để lo tổ chức là việc sử dụng của Ban Quản Trại).

Khi chúng ta đã thực hiện “ Lợi hòa đồng quân ” từ trên xuống dưới sẽ làm rõ nét tinh thần bình đẳng hòa vui thân ái giữa Ban Quản Trại và toàn thể trại sinh.

C. PHẦN KẾT LUẬN

Áp dụng tinh thần lục hòa vào trong đời sống của một Trại Huấn luyện, không những đem lại không khí vui tươi, hòa ái mà còn giúp nhau trong vấn đề học tập để cùng nhau thấu triệt các đề tài đã được học và nâng cao thêm chất lượng học tập của trại sinh.

Hãy sống với nhau, bằng pháp “Lục hòa” đi. Cuối khóa trại chúng ta sẽ thấy rõ qua thực tế.

Ghi chú :

Để nhận rõ được tác dụng thực tiển về việc vận dụng pháp lục hòa trong Trại Huấn luyện. Đề nghị Ban Quản Trại cho trại sinh, ngày cuối trại viết lưu bút cho nhau và viết cảm tưởng gởi lên cho Ban Quản Trại (nếu không có thời gian thì việc viết cảm tưởng có thể thực hiện sau khi về đến đơn vị), qua đó Ban Quản Trại cũng rút ra bài học kinh nghiệm phần nào tốt, phần nào chưa tốt, bổ khuyết cho những kỳ trại Huấn luyện khác.

Bài khác nên xem

Vạch chương trình sinh hoạt Đoàn

datthinh

Giáo dục trong Gia Đình Phật Tử – Tâm Minh

ducquang

Trại Phú Lâu Na IV “Anh hùng xuất thiếu niên”

ducquang