Tính Chất Văn Nghệ Gia Đình Phật Tử – Đức Quảng

TÍNH CHẤT VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

 

I. DẪN NHẬP

 

     Đầu thế kỷ XX, có thể nói phong trào Gia đình Phật tử  tại Việt Nam phát triển song song với phong trào Hướng Đạo Việt Nam (mặc dù phong trào GĐPT phải chuyển mình qua vài giai đoạn để hình thành), đồng thời với các đề án giáo dục sinh hoạt học đường qua các hiệu đoàn trường học đã kịp nhìn ra vấn đề giáo dục đào tạo cho các lứa tuổi  thanh, thiếu, đồng niên toàn diện về Đức – Trí – Thể dục, mà trong đó , sự phát triển kỹ năng cá thể  là bảo tồn tính tự nhiên hoà đồng, nhân ái, vị tha …..cần bộc lộ mạnh dạn qua hoạt động tập thể cộng đồng xã hội, giảm bớt sự lệ thuộc vào tiện nghi  vật dục và tâm lý hưởng thụ ích kỷ trong một xã hội phát triển,  là những nắp hơi an toàn  điều tiết sự ức chế thanh thiếu niên trong thời kỳ mới lớn, giảm thiểu  sự  sa đà đoạ lạc,  tăng tiến Đạo đức trong một số không nhỏ thanh thiếu niên đương thời.

     Bộ môn Văn nghệ đã làm được những cầu nối giữa mọi người với nhau; giữa đoàn thể này với đoàn thể khác, chỉ  cần vỗ nhịp  hát chung một bài hát ngắn:” Bốn phương trời ta về đây chung vui – không phân chia giọng nói tiếng cười ……” hay cùng chơi chung một trò chơi nhỏ, nắm tay cười vui, ca múa hòa đồng, là đã có thể xoá tan những tâm hồn hoang mạc, những ốc đảo cô đơn, mở toang những cánh cửa tâm tư bị khép kín cùng những biên hạn rào chắn làm ngăn cách tình người.

    Đến với sinh hoạt GĐPT  chủ yếu là Tu học, học và hành Đạo, và bộ môn Phật Pháp là chủ đạo, Nếu  tổ chức lớp học Phật với đoàn Thanh niên Phật học Đức dục  thì  không có trở ngại gì nhiều, nhưng đem  áp dụng Phật học vào các Đoàn Đồng ấu Phật tử hay Gia đình Phật hoá phổ đa phần là các em nhỏ thì quả là có vấn đề. Việc đầu tiên là phải làm cho các bài Phật Pháp dễ hiểu  theo từng lứa tuổi  và thư giãn tinh thần bằng các bài hát ngắn, trò chơi nhỏ, các bộ môn hoạt động thanh niên ……. Phương diện này cần phải hợp tác và thực hiện chương chuyên môn bên phía Hướng Đạo thời bấy giờ. Thời kỳ sơ khai ấy  các huynh trưởng Gia Đình Phật tử và Hướng Đạo thường sinh hoạt hỗ trợ nhau qua lại; các bài hát sinh hoạt  ngắn GĐPT hay Hướng Đạo ít có sự  khác biệt .

   Cho đến khi Gia đình Phật Tử phát triển lớn mạnh và rộng khắp, 1951 thống nhất với danh xưng Gia Đình Phật Tử  thì các bộ môn  Hoạt động thanh niên, Văn Nghệ, Xã hội  trở thành những trợ huấn cụ đắc lực cho bộ môn Phật Pháp – Chuyển tải tư tưởng Giáo lý  Phật Đà và thực hành các hạnh nguyện tự lợi, lợi tha.

    Tổ chức Gia đình Phật tử đã tổng hợp nghiên cứu toàn quốc nhiều lần để hoàn thành chương trình tu học các cấp qua các kỳ đại hội, gần nhất là Đại hội GĐPT  ngày 29, 30, 31 tháng 7 năm 1973  tại Đà Nẵng  trong đó chương trình Văn Nghệ cập nhật cùng lúc với  bộ môn hoạt động thanh niên, chương trình đã giới thiệu được các đề mục có tính cách mô phạm áp dụng từ thấp lên cao- Bổ túc thêm chương trình Tu học trường kỳ  Kiên – Trì – Định – Lực của 4 bậc học huynh trưởng, từ đó các bài hướng dẫn văn nghệ được tu chỉnh, bổ sung và phổ biến theo yêu cầu của các bậc học, các trại huấn luyẹn, trại họp bạn ……..

      Phong trào Gia đình Phật tử cùng bộ môn Văn Nghệ trong các giai đoạn trước 1975 phát triển  hoà đồng cùng Xã hội tuy rằng các mảng  hoạt động không đồng đều và tùy theo hoàn cảnh của các Ban hướng dẫn Tỉnh, Thị xã  được thuận duyên hay khó khăn mà hoạt động. Song, nhìn chung vẫn có một số công trình nổi trội  bất hủ với thời gian. Không ai nghĩ rằng cần phải bảo tồn, lưu trữ trong lúc các thế mạnh về hoạt động trên đà tiến triển cho đến khi các phong trào bị tan rã. Sau một thời gian dài phân rã mới hội tụ lại thì hiện nay, Văn Nghệ Gia đình Phật tử  vẫn còn thiếu những đầu tàu mạnh để hướng dẫn, tổ chức, quảng bá và thúc đẩy phong trào Văn nghệ tăng tiến; vẫn còn thiếu những nhịp cầu  giao hữu  để phổ biến  văn nghệ chan hoà khắp nơi nơi. Mặc dù tiềm năng Văn nghệ GĐPT thời nào cũng có nhưng sự hoạt động hình thức rất là khiêm tốn và không đáng kể, đơn cử như mảng âm nhạc GĐPT càng ít ỏi hơn về lượng lẫn chất so với sự bành trướng  của những dòng nhạc kích động tình ái, dụcvọng ……ngoài xã hội  hiện nay.

    Trong Trại HL cấp III Vạn Hạnh đã đưa ra một đề luận  Văn Nghệ GĐPT ,để các trại sinh, các huynh trưởng lãnh đạo cấp Tỉnh, Thị Xã tương lai nghiêm chỉnh nhìn và đặt lại vấn đề bảo tồn tính chất và đường hướng phát triển Văn Nghệ GĐPT  Việt Nam. Nhưng để trình bày đầy đủ các mảng hoạt động trong bộ môn Văn Nghệ (không chỉ đơn thuần là âm nhạc) thì cần phải có thời gian cụ bị tài liệu, hình ảnh minh hoạ, cần phải ra sức sưu tầm, tham khảo, xác tín nhiều điều …..

   Năm 1975 , thống nhất đất nước và hàng triệu người Việt Nam đã di trú sang các Châu Lục khác, trong đó có hàng chục ngàn Đoàn viên và các cấp lãnh đạo Gia đình Phật Tử , từ đó tổ chức Gia đình Phật tử  tiếp tục hoạt động  phát triển  lớn mạnh khắp hải ngoại  – Ngoài  các sinh hoạt tu học thuần túy GĐPT các đơn vị còn  tổ chức thêm các lớp Việt ngữ, Văn sử – đạo và biên soạn tài liệu song ngữ  để hướng dẫn đoàn sinh, đây là một cách tích cực để bảo tồn Văn Hoá Việt và phát triển phong trào rất xứng đáng. Do hiện tượng này mà trong bài luận sẽ sử dụng  tên gọi Gia Đình Phật Tử ViệtNam  khi nói đến  hoạt động của GĐPT trong nước .

     Trong Luận văn này sẽ chú trọng đến tiêu đề:  TÍNH CHẤT VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ  nhiều hơn. Tuy nhiên, cái hiểu biết của trại sinh chỉ giới hạn trong địa phương Saigon – Gia Định, sau 1975 lại không có dịp  đi lại, giao tiếp nhiều  nên  các nhận xét nêu lên trong bài luận văn này vẫn là cái nhìn phiến diện  và sẽ còn rất nhiều thiếu sót. Rất mong được sự  bổ sung góp ý của quí bác , quí anh chị để vườn hoa Văn Nghệ GĐPT ngày thêm  sắc hương, đạo vị tròn đầy.

Còn tiếp

 

 

 

Bài khác nên xem

Một chuyện độc đáo về Anh

datthinh

Bay Đi Cánh Chim Lam

phuocthanh

Thơ: Nhắm mắt xuôi tay của Tâm Từ Hoàng Mộng Long

phuocthanh