Thuốc từ cây tre

Theo tài liệu của UNESCO (Tổ chức văn hóa, khoa học & giáo dục của Liên hiệp quốc) thì cây Tre được nhân loại sử dụng từ rất lâu với hàng ngàn sản phẩm làm từ Tre trúc (Tre, Trúc, Nứa, Lồ ồ, Tầm vông, Trãy…) như nhà cửa, bàn ghế, giường chiếu, nón mũ, sáo, mành, dụng cụ nuôi súc vật, đánh bắt cá, chim, sản phẩm mỹ thuật (thủ công mỹ nghệ), và dĩ nhiên còn làm thực phẩm và làm thuốc nữa… Nước ta có gần 100 loài Tre trúc, những cây họ Hòa bản (Poaceae) thân mộc này thuộc họ phụ Tre trúc (Bambusoideae).

Y học cổ truyền thường dùng các vị sau đây của cây Tre  gai (Bambusa bambos (L.) Voss., còn gọi là Tre gai rừng, Tre lộc ngộc, Tre vườn, Tre nghệ, mọc hoang  và thường được trồng quanh vườn, làng, xóm), hoặc các loài Tre trúc khác:

Trúc diệp, là lá Tre non (còn đang cuộn tròn; có khi dùng cả các lá già hơn cùng nhánh, gọi là đọt Tre), dùng tươi tốt hơn khô, dưới dạng thuốc sắc (20 – 30 g khô hoặc 50 – 70 g tươi/ngày). Trúc diệp có tác dụng giải nhiệt, ổn định hoạt động tim mạch khi bị nóng sốt nhờ chứa nhiều chất khoáng như selenium, silic, magnesium, kalium, calcium… bù đắp sự mất nước và muối khoáng do mất mồ hôi. Đọt tre cũng được dùng trong các nồi lá xông. Lá Tre trúc, nhất là Sậy (Phragmites vallatoria (L.) Veldk.), Sậy núi (Arundo donax L.), Sậy Nam (Phragmites australis (Cav.) Trin.), Trãy (Phyllostachys henonis Mitf.) có tính kháng sinh, dùng để trị nóng sốt, ho, viêm nhiễm đường hô hấp (50 – 100 g/ngày sắc uống).

Trúc nhự (tinh tre): cưa lấy một lóng tre dài (bỏ mắt ở hai đầu), cạo bỏ vỏ xanh lục bên ngoài rồi gọt lấy vài lớp nạc tre, thành phôi mỏng, phơn phớt xanh, đem phơi khô. Trúc nhự có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, trừ phiền, dùng trị sốt nóng, buồn nôn, xuất huyết (chảy máu cam, tiểu ra máu, băng huyết, cường kinh (20 – 25 g/ngày, tẩm nước gừng sắc uống).

Trúc lịch (nước tre non): chặt một khúc tre non, dùng lửa thui bên ngoài cho nóng sẽ chảy ra một thứ nước, đó là trúc lịch. Cũng có thể dùng nhánh tre non (măng vòi) thui lấy Trúc lịch. Trúc lịch có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, trừ đờm, chủ trị  cảm sốt, làm kinh, trúng phòng, á khẩu: người lớn giã vài lát gừng trộn vào 50 cc (mililit) Trúc lịch cho uống hoặc cạy miệng đổ vào từ từ. Trẻ con 20 cc.

Lưu ý: Trúc lịch có chứa một ít chất sinh acid cyanhidric có tác dụng kích thích thần kinh nhưng không dùng quá liều vì rất độc.

Măng tre chứa rất nhiều chất sinh acid cyanhidric nên phải luộc bỏ nước nhiều lần mới ăn được. Nó là dạng mầm cây nên chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp măng phát triển nhanh thành cây Tre, nên ăn nó giòn, ngon ngọt và giá trị dinh dưỡng không cao: 100 g phần ăn được của măng tre chứa chất đạm: 0,8 – 2 g, bột đường: 5,5 g, chất béo: 0,1 g, calci: 15 mg, sắt: 0,6 mg, sinh tố B1: 0,07 mg, B2: 0,1 mg, PP: 0,7 mg và C: 8 mg. Tuy thành phần các acid amin của chất đạm đầy đủ 18 loại khác nhau nhưng cũng chỉ nằm trong giới hạn 0,8 – 2 g chất đạm ấy mà thôi nên coi như không đáng kể. Mặt khác, thành phần này còn bị giảm đi nhiều do quá trình luộc bỏ nước 2 – 3 lần để loại chất độc và mỗi lần không được ăn nhiều, nên măng được coi là món ăn ngon lấy vị chứ không gọi là bổ dưỡng được.

Lịch sử nhân loại đã có nhiều người vào rừng thấy măng tre mọc nhiều, hái lộc, nấu canh ăn rồi chết ngay tại chỗ. Vì thế người ta tìm cách ăn măng tre bằng cách lột bỏ mo nang, xắt lát, rửa sạch rồi luộc với nhiều nước, sôi lâu để cho acid cyanhidric bay hơi và bỏ nước luộc. Vài loại măng tre chứa nhiều cyanur phải luộc bỏ nước 2 lần rồi mới xào hay nấu canh ăn được.

Các nhà khoa học thí nghiệm phân tích măng luộc bỏ nước 2 lần vẫn còn chất độc. Do đó khuyên mỗi bữa không nên ăn nhiều măng tre dù đã chế biến kỹ.

DS. PHAN ĐỨC BÌNH

Bài khác nên xem

Bồ kết đâu chỉ làm đẹp tóc

phuocthanh

Tịnh Độ Là Đây!

ducquang

Thực Phẩm Giúp Cân Bằng Bên Trong Cơ Thể

phuocthanh