Thư vận động của Thượng tọa Trụ trì Vĩnh Minh tự viện

BBT: Nhận được thông tin từ website vinhminh.net, Thượng tọa Thích Nguyên Hiền – Trụ trì Vĩnh Minh tự viện, Cố vấn Giáo hạnh GĐPT Việt Nam ngỏ lời vận động để “chỉnh trang mặt tiền của Tự viện, bao gồm san lấp ao Liên Trì phía trước, đúc lại ao sen và cổng Nhất quán, thiết trí tượng đài Quán Âm Tự Tại, làm bãi đậu xe và con đường từ ngoài vào”. Thiết nghĩ, đây là thông tin cần được chia sẻ đến toàn thể Lam viên cũng như chư vị thiện hữu tri thức để ngỏ hầu góp phần cúng dường, tích tạo công đức. BBT đăng thông tin Thư vận động của Thượng tọa đến quý Lam viên được tri tường.

THƯ VẬN ĐỘNG

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Chư tôn thiền đức Tăng Ni.
Kính thưa quý Đạo hữu Phật gần xa.

Ngoài việc tu học, duy trì và phát triển ngôi Tam bảo là sứ mệnh của Chư Tăng. Noi gương Thầy Tổ, chư Tăng Vĩnh Minh Tự Viện từ nhiều năm nay cũng tổ chức nhiều hoạt động lợi đạo ích đời, như tổ chức khóa tu, công tác từ thiện, xây cầu, đắp đường, cứu trợ … Trong năm qua Chư tăng bổn tự đã vận động tráng nhựa Hương lộ Phú An thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, con đường từ cổng Tam quan vào chùa chưa thực hiện được, bởi chưa có bãi đậu xe. Năm nay, Tăng chúng Vĩnh Minh Tự Viện vận động chỉnh trang mặt tiền của Tự viện, bao gồm san lấp ao Liên Trì phía trước, đúc lại ao sen và cổng Nhất quán, thiết trí tượng đài Quán Âm Tự Tại, làm bãi đậu xe và con đường từ ngoài vào. Công trình đòi hỏi kinh phí rất lớn. Nhân mùa an cư kiết hạ PL.2561, bổn tự xin vận động quý Phật tử khắp gần xa, phát tâm cúng dường tịnh tài, tịnh vật để Phật sự sớm hoàn thành như sở nguyện.

Mọi sự phát tâm cúng dường, quý Phật tử hoan hỷ liên hệ trực tiếp với Thầy trụ trì, số điện thoại: 0918.543.415, hoặc gửi vào tài khoản: Trần Phước Sỹ, 0561003723042, Vietcombank chi nhánh Đà Lạt. Vĩnh Minh Tự Viện chân thành cảm ơn công đức.
Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự cát tường như ý.

Vĩnh Minh Tự Viện, đầu hạ Đinh Dậu.
Trụ trì
Thích Nguyên Hiền


Vài nét sơ lược tiểu sử Vĩnh Minh tự viện

“Từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, ngang qua cầu Đại Ninh, chúng ta sẽ gặp một ngã ba dẫn vào ngôi làng nhỏ. Làng chùa, cách gọi thân thương của người dân bản xứ để chỉ một thôn nổi tiếng với chùa chiền, am thất của những tu sĩ Phật giáo. Làng chùa Đại Ninh mà địa danh hành chánh hiện tại là thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Vị khai sơn Vĩnh Minh Tự Viện là Hòa thượng Thích Tâm Thanh. Hòa thượng vốn xuất thân từ khóa Cao Đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Năm 1971, sau khi học xong Đại học Vạn Hạnh và đang là Giảng Sư Viện Hóa Đạo tại Sài Gòn, Hòa thượng đã lên vùng núi rừng Đại Ninh cất một thảo am để tịnh tu sau những công tác Phật sự bề bộn tại Sài Gòn. Nhân duyên hội đủ, Hòa thượng được một Phật tử cúng cho mảnh đất, mà thực chất là một ngọn đồi. Năm 1973, thảo am biến thành thạch thất, một cốc đá vuông vức 4m với mái lá đơn sơ và bốn bề rừng rú, nơi lưu trú của vô số khỉ vượn, heo rừng, sóc nhím và chim chóc.

Năm 1983, Tăng chúng theo học ngày càng đông đảo, để đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng ni và Phật tử, Hòa thượng chỉ xây dựng ngôi chánh điện chỉ 30m2, nép mình dưới tàn cây cổ thụ. Năm 1985, tịnh thất Chơn Nghiêm được đổi thành Vĩnh Minh Tự Viện với đầy đủ tiền đường, hậu tẩm và cả 2 lầu chuông trống. Đó là giai đoạn cực kỳ khó khăn, khi mà con đường dẫn vào Vĩnh Minh Tự Viện chỉ là một lối mòn giữa hai bờ lau cỏ, ximăng phải mua từng ký, cát gạch phải vát từng bao từ dưới triền đồi lên đỉnh dốc. Thế mà ngôi tự viện vừa mới hoàn thành, nghiễm nhiên nó trở thành nơi quy hướng của người dân xa gần về chiêm bái. Năm 1993, được phép của UBND tỉnh Lâm Đồng cấp, Hòa thượng đã đặt đá xây dựng ngôi già lam với quy mô lớn hơn. Sau một năm trùng kiến, ngôi chánh điện được hoàn thành.

Vĩnh Minh Tự Viện vốn được Hòa thượng Viện chủ đặt với ý lấy hiệu của Tổ Vĩnh Minh Trí Giác Diên Thọ thiền sư. Vĩnh Minh là vị Tổ thứ 3 của Tông Pháp Nhãn, vừa là vị Tổ thứ 6 của Liên Tông Tịnh Độ. Như vậy, ý của Hòa thượng Viện chủ là chủ trương thiền tịnh song tu, lấy thiền định làm nền tảng an tâm và lấy pháp môn niệm Phật làm tu hành thực tiển. Hai chữ Vĩnh Minh còn là tên ghép của hai vị Tổ sư nổi tiếng ở Quảng Nam, quê hương của Hòa thượng Viện chủ. Đó là tổ Minh Hải Pháp Bảo, nối dòng Lâm Tế đời thứ 34, Tổ khai sơn chi phái Lâm Tế Chúc Thánh, và tổ Vĩnh Gia, một bậc Tông tượng thiền lâm Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Khi xây dựng Vĩnh Minh Tự Viện, Hòa thượng muốn dựng lại hình ảnh sống động của giáo đoàn Đức Phật ở Kỳ Viên tịnh xá hơn 2000 năm trước tại cao nguyên Lâm Viên ngút ngàn sương khói.”

Bài khác nên xem

(Trích) Tâm thư kiến lập Pháp hội Thù ân II

nhuanphap

BHD.TƯ GĐPT Việt Nam khấp báo: HTr cấp Dũng Tâm Đắc – Phan Văn Ngậc mệnh chung

Huệ Quang GĐPTVN

Chúc Mừng Trang Nhà Thế Giới

ducquang