Thời Tiết: Dự Báo Động Đất Tứ Xuyên!

Một cái ao chứa 80.000 tấn nước đột nhiên cạn khô. Hàng chục ngàn con cóc di cư vào thành phố. Hàng triệu con bướm cũng di cư. Và sau đó là trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc. Phải chăng thảm họa này đã được báo trước nhưng con người không biết?

Kinh nghiệm dân gian cho biết trước khi xảy ra thảm họa do thiên tai gây ra đều có những điềm báo trước. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra động đất, những điềm báo đó khá cụ thể. Chỉ có điều trong hầu hết các trường hợp, những điềm báo ấy chỉ được giải mã sau khi thảm họa xảy ra. Lúc đó đã quá muộn.

Nước rút, cóc lang thang

Dự báo động đất là một công việc hết sức phức tạp đối với các nhà khoa học. Mặc dù các nhà địa chấn học hiện nay được trang bị máy móc hiện đại đo đạc chính xác hoặc có khả năng dự báo những trận động đất, vẫn có những cơn địa chấn hoàn toàn bất ngờ đối với họ. Trận động đất 7,8 độ Richter ở tỉnh Tứ Xuyên hôm thứ hai vừa qua là một ví dụ.

Tuy nhiên, trước đó vài tuần người dân Trung Quốc cho biết có những hiện tượng tự nhiên kỳ bí xảy ra có thể xem là những điềm báo trước bởi sự trùng hợp quá sức lạ lùng. Báo chí địa phương đã tường thuật như sau.

Tờ Sở Thiên Đô thị Nhật báo, tỉnh Hồ Bắc, ngày 5-5 dẫn lời cư dân cho biết ao nước Quan âm khá lớn của xã Bạch Quả ở thị trấn Ân Thị sáng 26-4 vào lúc 7 giờ bắt đầu có nước xoáy rất mạnh. Chỉ sau 5 giờ, nước hồ rút cạn. Người dân vui mừng tha hồ bắt cá. 80.000 tấn nước trong hồ bỗng chốc rút đi đâu không biết. Những người dân làng có tuổi lo sợ cảnh báo sắp có thiên tai nhưng ít người tin. Ân Thị nằm cách Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, khoảng 400 km. Tỉnh Hồ Bắc có ranh giới chung với thành phố Trùng Khánh của tỉnh Tứ Xuyên. Thành phố này đã bị tàn phá nặng nề hôm 12-5.

Ngày 10-5, tờ Hoa Tây Đô thị Nhật báo, xuất bản tại Tứ Xuyên, đưa tin hàng chục ngàn con cóc đột nhiên rời bỏ chỗ ở của chúng tràn qua những con đường của Miên Dương, thành phố lớn thứ hai của tỉnh Tứ Xuyên. Xe hơi cán chết chúng rất nhiều nhưng chúng vẫn không lùi bước. Miên Dương rất gần huyện Vấn Xuyên, trung tâm địa chấn.

Hàng chục ngàn con cóc tràn qua thành phố Đài Châu, tỉnh Giang Tô

Dẫn lời giám đốc sở lâm nghiệp tỉnh, tờ báo cho biết hiện tượng cóc di cư này là hoàn toàn bình thường. Hơn nữa nó chứng tỏ hệ thống môi trường địa phương đã được cải thiện. Nếu hỏi lại ngay bây giờ chắc hẳn vị giám đốc này sẽ có một nhận định khác. Đó là thú vật có giác quan nhạy bén hơn con người, có thể cảm nhận được những động kiến tạo bất thường của lớp vỏ trái đất dẫn đến động đất. Hiện tượng cóc di cư cũng được ghi nhận cách nay vài tuần ở Đài Châu, tỉnh Giang Tô.

Tại thành phố Mãn Châu, cách trung tâm địa chấn 96 km, cư dân mạng Internet cho biết trước khi thảm họa xảy ra vài tuần có hơn một triệu con bướm nháo nhác bay qua. Có thể đây cũng là một điềm báo động đất. Nhận định này cư dân mạng chỉ biết sau khi hàng chục ngàn người chết vì động đất.

Có dữ liệu nhưng không rõ ràng

Đối với một bộ phận người dân Trung Quốc, năm 2008 này có vẻ như một năm khủng khiếp. Đầu năm là những trận bão tuyết bất thường làm cho hàng chục triệu người lao động nhập cư ở các thành phố lớn không thể trở về quê nhà ăn Tết. Tháng 4 rồi có một tai nạn xe lửa hết sức nghiêm trọng. Rồi thứ hai vừa qua là trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên.

32 năm trước, trận động đất ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, được coi là kinh thiên động địa bởi nó giết hơn 300.000 người. Từ đó đến nay, người dân hy vọng các nhà khoa học, nhất là các nhà địa chấn học, đạt được nhiều tiến bộ. Nhưng trận động đất ở Tứ Xuyên cho thấy công việc dự báo động đất với mức độ chính xác cao là cực kỳ khó khăn.

Thảm họa Tứ Xuyên xảy ra hôm trước, hôm sau ông Trương Hiểu Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Mạng động đất Trung Quốc, mở cuộc họp báo, giải thích: “Chúng ta không thể chui vào lòng trái đất để xem giống như chúng ta có thể làm trên không gian vũ trụ”. Ông thừa nhận rằng cơ quan của ông có nghiên cứu những hiện tượng không bình thường trong thế giới động vật và vật lý. Tuy nhiên, những kết quả thu lượm được cho thấy ít liên quan đến những vụ động đất. Ông nói: “Dữ liệu thì không thiếu nhưng chỉ ra một mối quan hệ nào đó là không rõ ràng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu xem những hiện tượng bất thường đó có liên quan trực tiếp đến động đất hay không”.

Khó biết thời điểm

Trận động đất lớn ở Tứ Xuyên đã được biết trước là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không ai biết nó xảy ra vào thời điểm nào. Roger Bilham, giáo sư khoa địa chất Trường Đại họcColorado(Mỹ), đã cho biết như vậy hôm 13-5.

Giáo sư Bilham từng nghiên cứu động đất mấy chục năm nay ở vùng núiHimalaya. Ông cũng từng đến Thành Đô. Ông dự báo số người chết có thể lên đến 100.000 người, tính đến hôm nay, 18-5. Ông nói thêm: “Tôi hy vọng là tôi nói sai”.

Theo ông Bilham, trận động đất ở Tứ Xuyên là do tác động của tiểu lục địa Ấn Độ trôi về phía châu Á. Cuộc chạm trán đã tạo ra dãy núi Himalaya và cao nguyên Tây Tạng cao 4.572 m. Bởi vì cao nguyên này không thể cao hơn nữa, sức ép của tiểu lục địa Ấn Độ lan sang phía Tây và phía Đông. Ở phía Tây từng xảy ra trận động đất khủng khiếp ở Pakistannăm 2005 giết chết 75.000 người. Trận động đất ở Tứ Xuyên hôm 12-5 là hậu quả của sức ép dồn sang phía Đông. Sự kiện này như vậy đã được biết trước thế nào cũng xảy ra nhưng xảy ra lúc nào thì không rõ. Quá trình nhồi ép này thường kéo dài 1.000 năm mới tạo ra động đất. Thảm hoạ ở Tứ Xuyên, theo giáo sư Bilham, may mà chưa lớn. Thế nhưng bấy nhiêu cũng đủ làm cho cả thế giới kinh sợ.

VĂN ANH tổng hợp

 

Bài khác nên xem

Phát minh ra Đầu máy xe lửa – 1804, Anh, Richard Trevithick,

phuocthanh

Phát hiện di vật quý giá ở Mông Cổ

phuocthanh

Thiệp Xuân Ban Văn Nghệ GĐPT Việt Nam

ducquang