Thơ: Dặn Dò – Thầy Nhất Hạnh

xin hứa với tôi hôm nay

trên đầu chúng ta có mặt trời

và buổi trưa đứng bóng

rằng không bao giờ em thù hận con người

dù con người

có đổ chụp trên đầu em

cả  an lacngọn núi hận thù

tàn bạo,

dù con người

giết em,

dù con người

dẫm lêm mạng sống em

như là dẫm lên dun dế,

dù con người móc mật moi gan em

đày ải em vào hang sâu tủi nhục

em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn

kẻ thù chúng ta không phải con người

xứng đáng chỉ có tình xót thương

vì tôi xin em đừng đòi điều kiện

bởi không bao giờ

oán hờn lên tiếng

đối đáp được

sự tàn bạo con người.

có thể ngày mai

trước khuôn mặt bạo tàn

một mình em đối diện:

hãy rót cái nhìn dịu hiền

từ đôi mắt

hãy can đảm

dù không ai hay biết

và nụ cười em

hãy để nở

trong cô đơn

trong đau thương thống thiết

những người yêu em

dù lênh đênh

qua ngàn trùng sinh diệt

vẫn sẽ nhìn thấy em

tôi sẽ đi một mình

đầu tôi cúi xuống

tình yêu thương

bỗng trở nên bất diệt

đường xa

và gập ghềnh muôn dặm

nhưng hai vầng nhật nguyệt

sẽ vẫn còn

để soi bước cho tôi

Bài này quả thật là những lời dặn dò thầy để lại cho thế hệ trẻ đang phụng sự bằng con đường bất bạo động. Chị Nhất Chi Mai trước khi tự thiêu cho hòa bình đã đọc bài này vào trong một cuộn băng nhựa để lại cho ba má chị cùng những bức thư tuyệt mạng của chị. Có thể nói bài này nói lên được lập trường tuyệt đối bất bạo động của tác giả. Nó cho ta thấy rằng bất bạo động là phương châm hoạt động duy nhất cho những người đã nhất quyết học theo đại bi tâm của các bậc bồ tát. Để hiểu rõ thêm tâm tư của tác giả về vấn đề này, tôi xin đề nghị các bạn đọc đoạn sau này mà thầy viêt trong Nẻo về của ý: “Dưới con mắt của đại bi, không có tả, không có hữu, không có thủ, không có bạn, không có thân, không có sơ. Mà đại bi không phải là vật vô tri. Đại bi là tinh lực mầu nhiệm và sáng chói. Vì dưới con mắt của đại bi không có cá thể riêng biệt của nhân của ngã cho nên không một hiện tượng nhân ngã nào động tới được đại bi.

Em ơi, nếu con người có độc ác đến nước móc mắt em hay mổ ruột em thì em cũng nên mỉm cười và nhìn con người bằng con mắt tràn ngập xót thương: hoàn cảnh, tập quán và sự vô minh đã khiến con người hành động dại dột như thế.

Hãy nhìn con người đã đành tâm tiêu diệt em và đang tạo nên cho em những khổ đau oan ức, khổ nhục lớn lao như trăm ngàn quả núi, hãy nhìn con người ấy với niềm xót thương: hãy rót tất cả niềm xót thương từ suối mắt em vào người đó mà đừng để một gợn oán trách giận hờn xuất hiện trên tâm hồn. Vì không thấy đường đi nước bước cho nên cái người làm khổ em mới vụng dại lỗi lầm như vậy.

Giả sử một buổi sáng nào đó em nghe rằng tôi đã chết tăm tối và tàn bạo vì sự độc ác của con người, em cũng nên nghĩ rằng tôi đã nhắm mắt với một tâm niệm an lành không oán hận, không tủi nhục. Em nên nghĩ rằng giờ phút cuối, tôi vẫn không quay lại thù ghét con người. Nghĩ như thế chắc chắn em sẽ mỉm cười được, rồi nhớ tôi, đường em, em cứ đi. Em có một nơi nương tựa mà không ai có thể phá đổ hoặc cướp giật đi được. Và không ai có thể làm lung lay niềm tin của em, bởi vì niềm tin ấy không nương tựa nổi bất cứ một giả lập nào của thế giới hiện tượng. Niềm tin ấy và tình yêu là một, thứ tình yêu chỉ có thể phát hiện khi em bắt đầu nhìn thấu qua thế giới hiện tượng giả lập để có thể thấy được em trong tất cả và tất cả trong em.

Ngày xưa, đọc những câu chuyện như câu chuyện đạo sĩ nhẫn nhục để cho tên vua cường bạo xẻo tai, cắt thịt mà không sinh lòng oán giận, tôi nghĩ đạo sĩ không phải là con người. Chỉ có thánh mới làm được như vậy. Nhưng Nguyên Hưng ơi, tại lúc đó tôi chưa biết đại bi là gì. Đại bi là sự mở mắt trông thấy. Và chỉ có sự mở mắt trong thấy tận cùng mới khiến cho tình thương trở thành vô điều kiện, nghĩa là biến thành bản chất đại bi. Đạo sĩ nhẫn nhục kia đâu có sự giận hờn nào mà cần nén xuống? Không, chỉ có lòng xót thương. Giữa chúng ta và đạo sĩ kia, và vị bồ tát kia, không có gì ngăn cách đâu, Nguyên Hưng. Có phải tình yêu đã dạy em rằng em có thể làm được như Người?”

 

Bài khác nên xem

Nhạc Karaoke: Chim Oanh Vũ Nhân Từ – Đức Quảng

ducquang

Thơ – Mênh mông trời rộng

datthinh

Thơ – Lục bát nguyện hương

datthinh