Thiền Sư Vạn Hạnh- vị Quốc Sư tài ba lỗi lạc

Thật tuyệt vời! Chỉ với một bài sấm vỏn vẹn bốn mươi chữ mà có sức mạnh bằng cả đoàn quân, đánh đổ được một vương triều. Trong bốn ngàn năm lịch sử của nước ta chỉ có hai người “buôn vua” thành công như Lã Bất Vi thời Chiến quốc (TQ). Đó là sư Vạn Hạnh và Trần Thủ Độ (2). Họ là hai trong những nhà chánh trị lỗi lạc của nước ta.

Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại (979) triều đình tôn phò Đinh Toàn lên ngôi mới 6 tuổi. Quan Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm phụ chính phó vương. Vài tháng sau, nhà Tống đưa hơn 3 vạn quân thuỷ bộ chia làm hai đường tiến sang xâm lược nước ta tình thế rất nguy cấp. Lê Hoàn bèn sai đại tướng quân Phạm Cự Lương đem quân chống cự. Trước khi ra mặt trận, Cự Lượng cùng các tướng sĩ kéo thẳng vào điện kim loan nói với quần thần: “Thưởng kẻ có công, giết kẻ không theo mệnh lệnh là phép hành binh. Nay chúa thượng còn thơ ấu, chúng ta dốc sức liều chết chống kẻ địch bên ngoài, dù có lập được chút công thì ai biết cho. Chi bằng trước hãy tôn thập đạo tướng quân làm thiên tử rồi sau sẽ ra quân”. Các tưóng sĩ đều tung hô vạn tuế, Dương thái hậu bèn trao áo long cổn cho Lê Hoàn lên ngôi vua tức Đại Hành hoàng đế.

Ba mươi năm sau (1009) Lê Long Đỉnh chết, con nối dõi là Sạ còn nhỏ, đáng lẽ triều đình tôn phò Sạ lên ngôi vua mới đúng đạo quân thần. Nhưng, quan Chi hậu Đào Cam Mộc lại họp bàn với quần thần: “Nay (đối với nhà Lê) ức triệu người đã khác lòng, thần dân đều lìa ý, mọi người chán ghét sự hà khắc bạo ngược của tiên đế, không muốn theo về vua nối dòng và đều có ý suy tôn Thân vệ(1). Nếu không nhân dịp nầy cùng suy tôn thân vệ làm thiên tử phút chốc xảy ra tai biến thì liệu chúng ta có giữ được đầu không”. Bá quan không ai dám có ý kiến gì bèn đem việc nầy tâu lên bà thái hậu, bà thái hậu bèn mời Lý Công Uẩn lên ngôi vua tức vua Thái Tổ, gầy dựng nên cơ nghiệp nhà Lý.

Hai cuộc thay ngôi đổi chủ giữa họ Đinh họ Lê và họ Lê họ Lý về tình tiết tương đối giống nhau nhưng về nguyên nhân thì hoàn toàn khác nhau. Nếu việc trước xuất phát từ cái hoạ xâm lăng của quân Tống thì việc sau lại bắt nguồn từ một bài “sấm ký”. Nếu việc trước do vị đại tướng quân cầm đầu thì việc sau người chủ mưu là một nhà sư trong tay không tên quân, không tấc sắt! Sự việc như sau.

Lê Long Đỉnh là đứa con hư của vua Lê Đại Hành, là đứa em ngỗ nghịch của thái tử Lê Long Việt. Sau khi giết anh chiếm ngôi, Long Đỉnh trở thành tên hôn quân vô đạo, ác như Kiệt, Trụ ngày xưa, lấy rượu gái và chém giết làm vui. Nhân dân oán ghét, căm thù cùng cực những mong sớm có vị anh hùng nào đó đứng lên đánh đổ. Triều đình cũng lắm người chán ngán, bất mãn một ông vua bệnh hoạn ngông cuồng, muốn phế truất đi nhưng chưa tìm được minh chủ.

Vào một đêm mưa to gió lớn tại làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, sét đánh trúng cây gạo cổ thụ. Vài hôm sau, người làng phát hiện trong vết sét đánh có chữ rằng :”thụ căn diểu diểu, mộc biểu thanh thanh, hoà đao mộc lạc, thập bát tử thành, Đông A nhập địa, mộc dị tái sinh, chấn cung hiện nhật, đoài cung ẩn tinh, lục thất niên gian, thiên hạ thái bình” (tạm dịch : gốc cây thăm thẳm, ngọn cây xanh xanh, hạt hoà đao rụng, mười tám hạt thành, Đông A vào đất, cây khác lại sanh, phương đông mặt trời mọc, phương tây sao ẩn mình, trong sáu bảy năm, thiên hạ thái bình).

Hay tin có chuyện lạ, sư Vạn Hạnh bèn đến xem rồi dùng phép chiết tự và đồng âm trong chữ Hán, phân tích, giải nghĩa cặn kẽ những ẩn tự trong từng câu từng chữ của bài sấm ký đại khái như sau: Gốc cây chỉ vua, gốc yếu tức vua yếu, ngọn cây chỉ bề tôi, ngọn xanh tức bề tôi mạnh, Họ Lê sắp mất (ba chữ hoà đao mộc ghép lại là chữ Lê), họ Lý sẽ thành (ba chữ thập bát tử ghép lại là chữ Lý). Phương đông vua xuất hiện, phương tây dân chúng mất, trong sáu bảy năm, thiên hạ thái bình. Bài sấm ký và lời bàn tinh thông, sâu sắc, rõ ràng của sư nhanh chóng lan truyền khắp trong thành ngoài nội, mọi người đều hân hoan đón chờ và có ý hướng vào Lý Công Uẩn chính là vị minh quân mà thần nhân đã mách trước cho họ biết.

Thấy mọi người đều một lòng như vậy, sư Vạn Hạnh bèn đem việc ấy nói khích Lý Công Uẩn: “Gần đây, cứ suy lời sấm thì họ Lý đáng nổi lên. Nay họ Lý trong nước có ai nhân từ khoan thứ rất được lòng người như thân vệ, binh quyền trong tay, làm chủ muôn hộ, nếu bỏ thân vệ còn ai đương nổi”. Lý Công Uẩn thích lắm nhưng vẫn còn dè dặt, sợ sự việc bại lộ sẽ mang hoạ bèn cho người giấu sư Vạn Hạnh ở Tiên Sơn. Bài sấm còn tác động mạnh đến triều thần, nhiều người theo về với Công Uẩn để hưởng lợi sau nầy, trong đó quan trọng nhất là quan Chi hậu Đào Cam Mộc. Chính ông là người ủng hộ mạnh mẽ việc đưa Công Uẩn lên ngôi vua sau khi Lê Long Đỉnh chết.

Thật ra trời không viết gì, nói gì cả. Đó chẳng qua là sản phẩm của…sư Vạn Hạnh hay nói đúng hơn sư là tác giả bài sấm trên.

Sư Vạn Hạnh ( ? – 1025) họ Nguyễn, không rõ tên tục là gì, người châu Cổ Pháp, cùng quê với vua Lý Thái Tổ, tu tại chùa Lục Tổ ở Tiên Sơn. Sư chẳng những tinh thông Phật học còn giỏi cả Nho học, Đạo học. Có chí lớn và kiến thức hơn người, nhiều kinh nghiệm sống ở đời và chốn quan trường. Biết tính toán, tiên đoán được việc trước việc sau, việc nào thành, việc nào bại. Hồi thời vua Lê Đại Hành sư là “cố vấn” về chính trị, quân sự của vua, có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược nước ta năm 981 và đánh bại quân Chiêm Thành quấy phá vùng biên giới phía nam, rất được vua tin dùng. Khi nhận nuôi dạy Lý Công Uẩn, sư khen : “Cậu bé nầy không phải người tầm thường, sau này lớn lên chắc sẽ giải quyết được nhiều việc khó, làm bậc vua sáng suốt trong thiên hạ”. Nói theo dân gian thì Lý Công Uẩn có “chơn mạng đế vương” nên sư âm thầm ôm tài thao lược phò tá nghiệp vương. Để làm được việc nầy, sư đã tận tâm dạy dỗ Công Uẩn như vị sư phó dạy dỗ thái tử khi thái tử còn ở cung tiềm để. Sư đã không phí công, hấp thụ được tinh hoa của những điều đã học từ sư phụ, Công Uẩn trở thành người khảng khái, có chí khí hơn người. Lại lớn lên nơi cửa Phật, ông còn là người đức độ, khoan từ nhân thứ, bao dung độ lượng, được triều thần và nhân dân kính phục, nễ trọng xứng đáng làm bậc đế vương. Long Đỉnh là tên hung tàn bạo ngược còn khen Công Uẩn thì huống gì ai?

Sư Vạn Hạnh rất hài lòng với người đệ tử nhưng sư vẫn phải ôm ấp cái mộng to lớn trong lòng đến trên 20 năm mà vẫn chưa thực hiện được. Bởi vì, thời vua Đại Hành, Công Uẩn còn bé và là thời thịnh trị. Sang thời Long Việt, dù các hoàng tử đánh nhau tranh giành ngôi vua gây cuộc hỗn loạn kéo dài 8 tháng trời nhưng sư vẫn chưa cho đó là cơ hội ra tay vì thế lực của họ còn khá mạnh. Đến thời Long Đỉnh, sư đoán sớm muộn gì nhà Lê cũng mất, ngặt vì chẳng có biến cố nào trọng đại ngoại trừ những cuộc nổi loan nhỏ của vài thân vương và của người Man đều bị Long Đỉnh đánh tan. Giao thiệp với nhà Tống cũng rất tốt! Đến khi hay tin chuyện sét đánh vào cây gạo, sư Vạn Hạnh mới thở phào nhẹ nhõm và biết thời cơ đã đến bèn chớp lấy và hành động ngay.

Nắm bắt được tâm lý của quần chúng và bá quan trong triều chán ghét Long Đĩnh, khát khao chờ đợi vị minh quân như con thơ chờ sữa mẹ, nắng hạn chờ mưa rào. Làng Diên Uẩn lại là quê hương của Lý Công Uẩn nên sư lén đến viết bài sấm vào vết sét đánh nhằm kích động lòng người. Để bài sấm có thêm sức mạnh và sức thuyết phục cao sư còn chỉ cho Công Uẩn và mọi người biết vị vua tương lai là ai (phương đông vua xuất hiện. Làng Diên Uẩn nằm chếch về phía đông kinh đô Hoa Lư) Đây cũng là nguyên nhân Đào Cam Mộc chỉ phò tá Công Uẩn chứ không phải ai khác. Ông ta nói với Công Uẩn, sau khi Long Đỉnh chết : “Người trong nước đều biết họ Lý đáng nổi lên, lời sấm đã hiện ra, đó là cái hoạ không thể che giấu nổi, chuyển hoạ thành phúc chỉ một sớm một chiều. Đây là lúc trời trao mệnh và người hưởng ứng theo thân vệ còn ngờ gì nữa”.

Cái mưu của sư Vạn Hạnh rất hoàn hảo cũng rất mạo hiểm như cái kế “không thành” của Khổng Minh thời Tam quốc (TQ). Mạo hiểm ở chỗ sau khi biết chuyện xảy ra ở làng Diên Uẩn, Long Đỉnh rất lo sợ, ngầm sai thủ hạ tìm người họ Lý giết đi nhưng lại “bỏ sót” Công Uẩn ở sát bên mình!? Nếu Long Đỉnh mạnh mẽ, cương quyết chắc chắn Công Uẩn sẽ bị hoạ sát thân!

Tuy nhiên, khi bày ra việc viết bài sấm trong vết sét đánh trên cây gạo, sư Vạn Hạnh biết rất rõ tâm lý của Long Đỉnh như Khổng Minh biết rất rõ bản tính của Tư Mã Ý mới dám bày ra kế “Không thành”. Là ông vua hung tàn bạo ngược nhưng xét kỹ Long Đĩnh chỉ tàn bạo với anh em trong nhà, với dân chúng, tử tội và tù binh người Man. Những việc róc mía trên đầu nhà sư, đánh tù binh người Man thật đau cho chúng kêu tên vua cha ra chửi…hoặc những cách giết người không giống ai như quấn rơm quanh tên tử tội rồi đốt, bắt trèo lên cây cao rồi chặt gốc cho ngả, nhốt vào cũi dìm xuống sông…đều là những việc làm mang tính thù vặt, liếng khỉ của một tên tiểu nhân bệnh hoạn, láu cá, không có chí khí. Trong khi đó Công Uẩn là quan to, binh quyền nắm trong  tay, được triều thần và dân chúng hậu thuẩn tạo thành bức tường rào, tấm lá chắn vững chắc bao quanh nên Long Đỉnh không dám hạ thủ chứ không phải ông ta “bỏ sót”.

Thật tuyệt vời! Chỉ với một bài sấm vỏn vẹn bốn mươi chữ mà có sức mạnh bằng cả đoàn quân, đánh đổ được một vương triều. Trong bốn ngàn năm lịch sử của nước ta chỉ có hai người “buôn vua” thành công như Lã Bất Vi thời Chiến quốc (TQ). Đó là sư Vạn Hạnh và Trần Thủ Độ (2). Họ là hai trong những nhà chánh trị lỗi lạc của nước ta. Có thể nói không có sư Vạn Hạnh và Trần Thủ Độ sẽ không có vua Lý Thái Tổ và vua Trần Thái Tông. Không có vua Lý Thái Tổ và vua Trần Thái Tông sẽ không có một thời đại hoàng kim của quân dân Đại Việt, nhiều lần đánh bại các đoàn quân xâm lược Tống, Nguyên và Chiêm Thành.

Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ phong sư Vạn Hạnh làm Quốc sư, làm “cố vấn” cho vua như hồi thờ vua Lê Đại Hành. Sư chẳng những là người tài ba lỗi lạc trong giới thiền mà còn cả trong chánh trị, quân sự, văn hoá…Nhờ ảnh hưởng và sự dạy dỗ của  Sư, vua Lý Thái Tổ đã thừa thời mở vận, có đức độ và tầm nhìn xa rộng, lấy lòng nhân hậu trị nước an dân, truyền ngôi lâu dài tạo nên thời thịnh trị. Sư  thường hay làm thơ, tương truyền lời thơ của sư phát ra đều là lời sấm. Sư thường đọc cho các đệ tử nghe bài thơ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhâm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

 (Thân người như ánh chớp có như không. Muôn cây xuân tươi tốt thu héo khô. Mặc vận thịnh suy đừng lo sợ. Vận thịnh suy cũng như hạt sương trên đầu cỏ mà thôi).

Vào mùa thu tháng 8 năm Ất Sửu (1025) sư Vạn Hạnh hoá thân về cõi niết bàn. Vua Lý Thái Tổ đích thân về chùa Lục tổ viếng tang, lập đàn siêu độ cho sư và cấp dân hộ làm người coi chùa, mỗi năm hai người. Vua Lý Nhân Tông khen sư bằng bài thơ:

Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm ky

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ

 (Vạn Hạnh thông ba kiếp, phục hợp cổ sấm thi, quê hương châu Cổ Pháp, cắm gậy trấn kinh kỳ). *

 TRƯƠNG HOÀNG MINH

Bài khác nên xem

Về những minh họa từ Thiền Uyển Tập Anh

phuocthanh

Thành kính tưởng niệm Đức Trưởng lão Hòa thượng Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Huệ Quang GĐPTVN

Đức Phật nhập Niết Bàn

phuocthanh