Thiền sinh và con bọ cạp

images1038437_bo_cap

Một thiền sinh ngắm nhìn dòng suối hiền hòa, bỗng nhiên trông thấy một con bò cạp rớt xuống suối. Vị thiền sinh này đưa tay vớt nó và nhẹ nhàng để nó lên mặt đất. Con bò cạp theo phản ứng tự nhiên là cong đuôi chích bất cứ ai đụng đến nó. Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng ông không hề tức giận, vì đã làm được một việc mà ông thích làm là cứu sống được con bò cạp.

Sau đó, ông đứng lên đi, nhưng đi được vài bước, thì ông quay lại nhìn con bò cạp, thấy nó lại té xuống suối nữa. Ông vội vàng chạy lại vớt nó, rồi cẩn thận đặt nó lên mặt đất. Lần thứ hai cũng như lần đầu, ông cũng bị nó chích nữa. Trông thấy cảnh tượng này, một sư huynh đứng bên cạnh bực mình, nói lớn: “Con bò cạp vô ơn bạc nghĩa như vậy, cắn hoài, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ xác nó”.  Ông thản nhiên trả lời rất hay: “Chích là thói quen của con bò cạp, giúp nó là thói quen của tôi”. Đó chính là thói quen của lòng từ bi. Chúng ta giúp đỡ người khác bằng một thái độ không mong họ phải biết ơn, đền ơn. Người như vậy mới làm nên đạo cả.

Triết lý của câu chuyện không ở góc độ này, mà muốn nói điều quan trọng hơn, đó là nếu chúng ta muốn làm Phật sự, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người, nếu không chịu đựng được những cú chích của con bò cạp, cú chích của những lời thị phi, của lời hãm hại, của sự đày đọa, của những gian lao thử thách, thậm chí là việc sát hại, chúng ta sẽ không bao giờ thành công được.

Vì thế, thiếu vắng lòng từ bi, lòng khoan dung, lòng kham nhẫn mà làm nhiều Phật sự chừng nào, lòng sân hận, buồn phiền của chúng ta càng dễ lớn chừng đó. Đôi lúc chúng ta làm Phật sự trở thành ma sự là vì vậy.

Tâm huyết quá lớn, nhưng không có sự tu tập để chuyển hóa được nghịch cảnh, để thăng hoa đời sống tâm linh và đạo đức, thì sự sân hận, uất ức và sự si mê sẽ có cơ hội lớn mạnh, len vào tâm trí chúng ta để trở thành những thói quen mới. Đó là thói quen xấu trước những hoàn cảnh không thuận duyên.

Triết lý của câu chuyện ở chỗ đó. Chúng ta thấy bò cạp có thói quen chích. Nhân tình thế thái trong cuộc đời cũng như vậy. Đôi lúc chúng ta nhiệt tình với người nào đó quá mức, chúng ta giúp đỡ, xây dựng, giáo dưỡng người đó càng nhiều thì càng làm họ bị trói buộc, cho nên nhà Nho nói rằng giáo đa thành oán.

Thói quen của sự phản bội, của nhân tình thế thái là những thứ dễ làm chúng ta chán nản lắm và nếu như không có lòng chịu đựng được những cú chích của nhân tình thế thái thì tốt hơn, chúng ta đừng bao giờ dấn thân hành Bồ tát đạo. Chúng ta tu tập hạnh Độc giác, tức giác ngộ rồi nhập Niết bàn còn tốt hơn; vì làm quá độ chẳng những không có lợi cho người khác, còn hại đến bản thân và đời sống nội tâm của ta rất nhiều.

ST

Bài khác nên xem

Tiểu sử Cố Huynh Trưởng Cấp Dũng Năng Quang Nguyễn Hữu Thạnh

datthinh

Tiểu sử Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ

Huệ Quang GĐPTVN

Pháp thoại của Hòa thượng Thái Hòa với Trại sinh Huyền Trang Tây Nam Phần

phuocthanh