Tham Luận: Hướng Phát Triển của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ

Lời thưa,

Thiết nghĩ rằng hàng ngũ huynh trưởng chúng ta, ai cũng đều đang hằng lưu tâm và thao thức đến việc nghiên cứu hướng phát triển tổ chức GĐPT. Đây là công việc chung, đòi hỏi chúng ta đồng tâm, hiệp sức cùng nhau đóng góp ý kiến, đần tư công sức và dấn thân xây dựng tổ chức. Tạo dựng phương tiện cho tuổi trẻ làm điểm nương tựa thân tâm. Việc nghiên cứu kế hoạch phát triển tổ chức là trách nhiệm chung, quan trọng hơn hết, cần thiết nhất là mỗi cá nhân huynh trưởng thể hiện tinh thần dấn thân phục vụ tổ chức.

Nghĩ thế, nên cố gắng trình bày những gì mình nghĩ. Có nghĩa là nghĩ sao viết vậy. Vì không phải là người chuyên cầm bút có tài biện luận qua văn phong, lại càng không phải là một nhà văn chuyên diễn đạt tư tưởng. Vì khả năng vận dụng từ ngữ rất giới hạn, nên trình bày quan điểm và ý tưởng cũng có phần vụng về. Vì thế, xin quý lam viên hoan hỷ nếu có những điều không hài lòng vì những sai sót về chính tả, văn phong từ ngữ nghèo nàn.

Những gì được trình bày ở đây chỉ là những ý tưởng nhỏ nhoi và chỉ nói đến phạm trù sinh hoạt quốc gia Hoa Kỳ, nên chắc chắn sẽ có nhiều điểm không tương đồng quan điểm với toàn thể lam viên. Tuy nhiên, với hy vọng cũng sẽ có nhiều ý tưởng, quan điểm tương đồng. Chúng ta có thể bất đồng quan điểm chứ không thể bất hòa. Chúng ta có thể có nhiều ý tưởng khác biệt, nhưng không thể mặc cả, thờ ơ trước những nhu cầu cho sự phát triển của tổ chức.

Tổ chức GĐPT có đường hướng, có mục đích thì không thể cứ mãi chịu cảnh im lặng dưới tàng lá của một gốc cây này đến một gốc khác, để rồi cây ngã thì mình cũng ngã theo, cây phân cành thì mình cũng phân tán. Chúng ta không thể mãi lăn trôi theo chiều gió thuận nghịch của ai. Giáo Pháp Như Lai là nhà, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người cha lành của chúng ta. Đức Phật có nói “đừng xem thường một đóm lửa nhỏ, vì đóm lửa đó cũng có thể thiêu đốt cả một khu rừng lớn!”. Cũng thế, cho dù một ý tưởng nhỏ, một ưu tư nhỏ cũng có thể khởi đầu cho một thành quả lớn trong tương lai. Với quan niệm đó nên mạo muội tỏ bày tâm tư, cũng là vì trách nhiệm và bổn phận của một người Huynh trưởng GĐPT.

Kính trân trọng,

Minh Trung Lê Thanh Kỳ

I– Dẫn nhập:

Hơn nửa thế kỷ qua, Tổ chức GĐPTVN- không ngừng chuyển mình để thích nghi với xã hội mới. Nhưng hầu để đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong tương lai, nhất là trong môi trường xã hội ngày nay tại Hoa Kỳ, chúng ta cần suy gẩm, tìm hiểu, triển khai và phát khởi phương thức sinh hoạt mới.

Không một phát triển nào mà không có sự nghiên cứu, vạch kế hoạch và thay đổi, cho dù là một đại công ty, hay một quốc gia. Đặc biệt hơn, tổ chức GĐPT là một tổ chức giáo dục, huân tập nếp sống đạo đức ở lãnh vực tâm linh. Mà nếp sống của tuổi trẻ ngày nay chịu ảnh hưởng từ môi trường xã hội vật chất.

Bản Nội Quy và Quy Chế đã được hình thành trong một bối cảnh rất đặc biệt, xã hội bất an rối loạn vì chiến tranh. Giáo Hội cũng chỉ đang trong từng bước hình thành cơ cấu tổ chức, nhất là vấn đề thông tin, truyền thông và giao thông, nên mọi sinh hoạt đều bị hạn chế.

Hơn nửa thế kỷ qua tổ chức GĐPT đã tồn tại với hai văn bản này. Sự tồn tại của tổ chức GĐPT cho đến nay tại quốc nội và nay lan khắp trên thế giới là một bằng chứng cụ thể. Nhưng liệu rằng tổ chức GĐPT có thể tồn tại và phát triển ở thế kỷ tới với hai văn bản Nội Quy và Quy Chế đang hiện hành lại là một vấn đề cần được đặt ra.

Muốn phát triển thì chúng ta cần phải quán triệt tường tận từng chương mục trong hai văn bản Nội Quy và Quy Chế. Chúng ta thường bảo nhau rằng phải bảo vệ Nội Quy Quy Chế truyền thống của tổ chức. Với lập luận cho rằng những gì thuộc về truyền thống thì không thể sửa đổi, nhưng lại quên đi một khía cạnh vô cùng quan trọng đó là sự khác biệt qua từng môi trường xã hội và bối cảnh hình thành hai văn kiện Nội Quy và Quy Chế. Biết rằng những gì của truyền thống là mồ hôi, là nước mắt, là từng gịot máu đào của thế hệ tiền bối, nhưng khi cần để uyển chuyển cho mục đích phát triển thì chúng ta không thể gọi là đánh mất truyền thống.

Đối với tổ chức GĐPT, màu cờ, sắc phục và mục đích, đây là những đặc tính  truyền thống cao quý, chúng ta không thể lấy gì cao quý hơn để thay thế, thì cái truyền thống đó vẫn tồn tại, như thế thì chúng ta không có đánh mất truyền thống. Bởi nhu cầu phát triển tổ chức, đã đến lúc chúng ta cần bình tâm nhìn lại từ cơ cấu tổ chức nhân sự, cơ chế tổ chức các cấp, đến tài liệu tu học, huấn luyện và tinh thần dấn thân phục vụ tổ chức của hàng ngũ huynh trưởng

IINội quy và quy chế:

Nội quy & quy chế là hai văn kiện lập quy, minh định cho mọi sinh hoạt hiện tại và định hướng cho mọi hoạt động của tổ chức ở tương lai. Và chính hai văn bản này là yếu tố, nguồn mạch sống căn bản cho sự tồn tại của tổ chức. Nhưng sự phát triển và tồn tại ở tương lai mới đáng lưu tâm hơn, nên việc nhìn lại từng góc độ hệ thống tổ chức ở mặt cơ cấu nhân sự trong hiện tại, để có những thay đổi hầu thích nghi cho mọi sinh hoạt trong xã hội văn minh tân tiến hiện đại ngày nay.

TỔ CHỨC :

Mọi phát triển hữu hiệu đều bắt nguồn từ cấp lãnh đạo, mà trong đó mỗi cá nhân hoạt động đúng chức năng thì sẽ có hiệu quả.

Mở đầu bản Nội Quy. Chương Một- Điều -2 đã minh định mục đích tổ chức GĐPT là đào tạo Phật Tử chân chánh phục vụ xã hội theo tinh thần Phật Giáo. Nên mọi hoạt động luôn đặt trọng tâm vào việc tu học, huấn luyện và đào tạo, những sinh hoạt khác chỉ là trợ duyên cho sự phát triển và tồn tại. Những sinh hoạt như gây quỹ cứu trợ, tham gia cùng với các hội đoàn qua công tác sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các ngày trại lễ truyền thống, trại họp bạn hẳn nhiên là cần có để phong phú hóa sinh hoạt của tổ chức, chứ không phải là cứu cánh cho mục đích giáo dục của tổ chức GĐPT.

a) Ba Khối trong cơ cấu tổ chức:

Trong hiện tại, cơ cấu tổ chức chúng ta có ba khối, một cơ cấu tổ chức nếu qua cái nhìn khách quan thì tưởng như rất hoàn hảo. Nhưng nếu đưa vào cái nhìn bằng kính hiển thị thì lại có nhiều vấn đề cần cân nhắc. Hệ thống tổ chức cơ cấu nhân sự qua phân công trách nhiệm, nhiệm vụ không tương đồng và lắm khi chồng chéo lên nhau tạo tính câu nệ, thách thức gây khó khăn trong lúc thi hành công tác Phật sự.

Như trong mọi công việc điều hành thì đúng ra chức Vụ Trưởng ban, người phải quản xuyến, điều động tất cả mọi sinh hoạt, thế nhưng chúng ta lại có thêm chức vụ Phó Trưởng Ban Điều Hành, hai chức vụ này rất dễ tạo mưu thuẩn và dẫm chân lên nhau. Khi một vị phó trưởng ban điều hành tích cực hoạt động thì tự nhiên vị trưởng ban trở thành pho tượng trước những công tác Phật sự và nếu vị trưởng ban quản xuyến, tích cực trong nhiệm vụ, điều hành công việc từ A đến Z , thì chức vụ phó trưởng ban khối Điều Hành trở thành vô hiệu. Nên chúng ta cần đặt lại vấn đề là có cần danh xưng chức vụ Phó Trưởng Ban Khối Điều Hành hay là không, vì mỗi khi trách nhiệm thiếu cân bằng thì nhân sự bị rơi vào các chức vụ không đúng với khả năng.

Còn nói đến khối Truyền Thống thì vốn không cần đến nhiều nhân sự. Suốt cả bao nhiêu năm chúng ta chưa có một lần nào tổ chức những ngày trại chuyên ngành có tính rộng lớn ở cấp Trung Ương, hoặc nếu có tổ chức một ngày trại truyền thống, thì tính chất của ngày trại cũng mang tinh thần giáo dục và huân tập, vậy là ngày trại truyền thống cũng nằm trong mục đích huấn luyện và tu học. Như vậy đủ chứng minh rằng không nhất thiết phải có như là một khối để rồi lấn chiếm, chia bớt nhân sự của khối Nghiên Cứu Huấn Luyện.

Khối nghiên cứu huấn luyện, trách nhiệm và nhiệm vụ của khối này vô cùng quan trọng. Đúng ra tất cả nhân lực đều phải tập trung vào khối này. Tại sao lại bảo là khối này quan trọng? Câu trả lời- vì mục đích của tổ chức GĐPT và Khối Nghiên Cứu Huấn luyện tương đồng song hành, tất cả mọi sinh hoạt của tổ chức GĐPT đều nằm trong mục đích giáo dục và đào tạo của tổ chức, nên mọi sinh hoạt đều có sự liên quan đến khối nghiên cứu huấn luyện. Nên khối truyền thống hay khối điều hành nếu có thể thì chỉ nên như một ban.

b) Cơ cấu tổ chức theo từng Ủy Viên không đạt hiệu quả:

1)    Ủy Viên các khối;  Chúng ta thường nghe câu nói “tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách”, nhưng qua đó chúng ta cũng cần nhìn lại suốt ba mươi năm qua các chức vụ Ủy Viên các khối đã hoạt động như thế nào, hiệu quả ra sao hay chỉ là với cái danh hiệu chức vụ trống rỗng. Nếu lý luận rằng vì ủy viên cá nhân đó thiếu trách nhiệm hoặc thiếu tinh  thần phục vụ, vậy trường hợp này cấp lãnh đạo Trung Ương có giải pháp gì để giải quyết hay cũng chỉ vì cảm tính cả nễ để rồi mọi công tác Phật sự bị trì trệ. Nên cơ cấu tổ chức nhân sự cần được nghiên cứu lại. Điển hình là suốt cả ba mươi năm chúng ta chưa có một lần nào tổ chức ngày trại chuyên ngành, như trại Dũng, trại Hạnh, trại Hiếu, hay là khóa tu học ngành v v…

2)    Huynh trưởng mang quá nhiều chức vụ trong một hệ thống tổ chức, mà không một chức vụ nào hoàn thành trọn vẹn. Có nhiều huynh trưởng phải mang chức vụ từ cấp Thế Giới, Hải Ngoại, đến Trung Ương rồi Miền và ngay cả đơn vị địa phương. Tâm trí bị chi phối nên công việc khó chu toàn. Có huynh trưởng chỉ chú tâm đến công việc ở một nào đó thôi, như ở cấp Thế Giới, còn công tác của cấp quốc gia, cấp miền lại bỏ bê. Điển hình là các huynh trưởng này thường hay vắng mặt trong các buổi hội họp, hay có mặt thì không ngồi vào bàn họp mà ưa lãng vãng bên ngoài như không có gì đáng quan tâm.

Vấn đề này cũng rất dễ hiểu. Đời sống cá nhân ở xã hội quá bận rộn lo toan đời sống gia đình, bên cạnh đó có khi nhiều vấn đề biến hiện bất thường trong đời sống thường nhật. Từ những bận rộn đó làm tinh thần ê oải, trí tuệ kém phần minh mẫn dẫn đến thờ ơ trong công tác Phật sự mà tổ chức giao phó.

c) Hệ thống tổ chức rập khuôn:

1)  Cấp Trung Ương là cấp lãnh đạo tối cao của tổ chức cần có những kế hoạch mang tính tổng quát chung cho toàn quốc, thì không thể có một hệ thống như cấp Miền. Hệ thống cấp Miền tương đồng với cấp Trung Ương dễ tạo lên tính mặc cả, bao trùm, cả tín dẫn đến thiếu kiểm soát trong các sinh hoạt công tác Phật sự của Miền từ cấp Trung Ương. Điển hình là đã có nhiều sinh hoạt của Miền gặp trở ngại, nhưng không cần đến sự đồng ý của cấp Trung Ương. Cho dù cấp Trung Ương có phản ứng nhưng rồi các Miền cứ vẫn tiến hành theo ý muốn.

2)   Hiện tại hệ thống tổ chức cấp Miền với địa bàn quá rộng nên mọi sinh hoạt có phần kém hiệu quả, điển hình là chính ngay trong địa bàn của Miền có bao nhiêu ngôi Chùa cũng không nắm rỏ, chưa nói đến các công tác Phật sự bị đình trệ. Việc liên lạc giữa các đơn vị cũng thiếu đi chu toàn, huynh trưởng hữu trách lại không thể tốn quá nhiều thời gian khi muốn đến một đơn vị nào đó trong Miền để thăm viếng và tìm hiểu.

3)  Hệ thống cấp Miền thường hay bất tuân cấp Trung Ương, đã có nhiều lần cả Miền kéo nhau rời khỏi phòng hội để phản đối vì bất đồng quan điểm về những việc rất nhỏ. Như vậy cho thấy hệ thống tổ chức nhân sự hiện tại dễ tạo phương tiện cho quan điểm cảm tính thân thiện của từng Miền, dẫn đến việc tách rời ra khỏi hệ thống cấp Trung Ương.

4)    Nhân sự hệ thống cấp Miền quá đông trong khi đó cấp đơn vị lại thiếu huynh trưởng sinh hoạt.

d) Đề nghị:

Cn tái tổ chức cấp Miền và thành lập ban điều hành cấp tiểu bang:

a)  Giảm bớt nhân sự bằng cách bỏ các chức vụ Ủy Viên và hình thành Ban Điều Hành Miền.

b)   Thành lập Ban Đại Diện từng Tiểu Bang, thành phố, quận hạt. Tùy vào số lượng đơn vị GĐPT. Ví dụ, tiểu bang, thành phố, có 3 đơn vị trở lên có quyền hình thành một Ban Đại Diện.

III–   Tài liệu giảng dạy:

i–  Tài liệu phải thích ứng với kiến thức từng lứa tuổi.

Nếu so sánh một em Oanh Vũ sanh trưởng tại Hoa Kỳ với một em Oanh Vũ sanh  trưởng sinh hoạt tại Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy sự chênh lệch giữa hai xã hội. Thế nhưng,  chúng ta vẫn mong mỏi các em ở Hoa Kỳ học các bậc trong chương trình như đồng lứa tuổi ở Việt Nam. Đây là một vấn đề cần đưa lên bàn tính để cân nhắc.

ii– Thống nhất tài liệu các cấp.

Đây cũng là vấn đề then chốt mà bấy lâu nay luôn nhắc đến, chúng ta luôn nói với nhau đến vấn đề thống nhất tài liệu, nhưng lại sau một cuộc điện đàm nào đó rồi lại bị bỏ quên. Hiện tại trong tổ chức GĐPT chúng ta, mỗi Miền hay tại các đơn vị địa phương đều tự tìm cho mình tài liệu hướng dẫn thích hợp chứ ít lưu tâm đến việc thống nhất chương trình, kể cả kinh điển, nghi thức hành lễ.

Chúng ta không thể lý luận rằng mỗi Miền đều có hoàn cảnh đặc biệt riêng, nên việc chọn tài liệu hướng dẫn, tổ chức trại huấn luyện cũng tùy nghi. Cũng có nhiều lập luận cho rằng chúng ta phải tùy duyên để ứng sử, điều này chỉ thể hiện biện minh cho hành động tùy tiện của mình, bỏ quên tính thống nhất của tổ chức.

Nếu nói rằng hiện tại không ai có thể đủ khả năng để đảm nhận những công việc to lớn này. Nói như thế thì tổ chức GĐPT chúng ta qua bao năm dài đào tạo huynh trưởng với con số ngàn. Huynh trưởng các cấp có tuổi đời, tuổi trong tổ chức cả mấy chúc năm rất đông, khả năng của tầng lớp huynh trưởng trưởng thượng có thừa khả năng để đảm nhận những công việc này.

Cn có những cải tiến thiết thực hơn;

a)  Cần có một quá trình nghiên cứu lại toàn bộ tài liệu hướng dẫn.

b) Tài liệu cần soạn lại ở dạng có tính động não hơn là có tính cách học vỡ lòng.

c)  Tài liệu cần ngắn gọn, nhắm vào trọng tâm của bài học.

d) Thống nhất tài liệu giảng dạy Việt Ngữ.

e)  Tất nhiên, cần có tài liệu song ngữ.

f)  Cần triển khai và xiển dương tinh thần, mục đích tổ chức GĐPT.

IV-   Phương pháp giảng dạy.

Phương pháp đào tạo và hướng dẫn thường được rập khuôn theo như cũ qua các kỳ trại huấn luyện trước, ít có nghiên cứu phương pháp mới. Đành rằng tổ chức chúng ta là một tổ chức giáo dục ở mặt tư tưởng, chúng ta là những người tiên phong đi trên con đường vô thưởng, vô lợi cho cá nhân.

Với lý tưởng cao thượng xây dựng xã hội ngày thêm lành mạnh dựa trên nền tảng giáo lý Phật Đà làm căn bản cho mọi sinh hoạt. Xã hội ngày nay đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng mọi nhu cầu thích nghi trong việc giáo dục tuổi trẻ. Để đáp ứng nhu cầu thích nghi, chúng ta phải nghiên cứu phương pháp giảng dạy thích hợp cho tuổi trẻ. Việc cần thíết phải làm là chúng ta cần phát họa chương trình thích nghi với tâm sinh lý theo từng lứa tuổi.

Muốn được như thế, cần có kế hoạch kêu gọi huynh trưởng tham gia để hình thành ban nghiên cứu.

i–       Hàng ngũ chuyên môn.

Trong môi trường xã hội ngày càng phát triển rộng rãi trên các lãnh vực chuyên ngành, đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết căn bản trong công việc chuyên ngành. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào cũng thế, nếu là một tổ chức giáo dục, cho dù phương diện giáo dục ở lãnh vực nào cũng đều cần có hàng ngũ cán bộ có khả năng tối thiểu trong việc trao truyền, hướng dẫn. Nói cách khác là cần đào tạo hàng ngũ huynh trưởng có khả năng hướng dẫn thế hệ đàn em. Để xứng đáng là một huynh trưởng GĐPT, thì trước khi thọ nhận bất cứ cấp bậc nào cũng đều phải qua chương trình đào tạo năng khiếu giảng dạy hay tham gia vào các khóa học đào tạo chuyên môn.

ii–  Phương tiện và điều kiện.

Giáo dục tuổi trẻ cần có đầy đủ tiện nghi để minh họa những gì mình muốn truyền đạt.

a)  Hình ảnh để diễn đạt bài học.

b) Sách học cần minh họa bằng tranh ảnh.

c)  Phòng học, bàn ghế và các tiện nghi.

Điều này rất khó thực hiện ở mục này vì tổ chức chúng ta không chủ trương phương pháp giáo dục các em như ở các học đường ngoài xã hội và chúng ta vốn quá nghèo nàn. Không những thế, chúng ta hiện đang nương tựa vào các ngôi Chùa của quý Thầy /Cô. Có nhiều Thầy/ Cô thấy không có lợi lạc gì cho Chùa, khi vui cho ở lúc buồn đuổi đi. Lắm khi cũng rất bi đát cho cái tự hào của tổ chức có dòng lịch sử bảy mươi năm.

iii– Hệ thống giáo dục.

Giáo dục thì cần có một hệ thống rõ rệt, dù biết rằng tổ chức GĐPT là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ có một quá trình dài trong lịch sử Việt Nam. Và ai cũng có thể lý luận rằng từ xưa chúng ta đã có một hệ thống giáo dục, đào tạo theo từng cấp bậc theo mỗi chương trình từng lứa tuổi. Tuy nhiên, chúng ta cần đặt lại vấn đề giáo dục trong GĐPT, thử nhìn lại hiệu quả đạt được ở mức nào và đang phát triển theo chiều hướng nào trong hiện tình xã hội ngay nay.

Một hệ thống giáo dục có hiệu quả đòi hỏi tối thiểu;

a)  Có từng ban ngành chuyên môn.

b) Hàng ngũ giảng viên.

c)  Tài liệu luôn được cập nhật để thích nghi môi trường xã hội mới.

Cần chú trọng đến thực hành, giảm lý thuyết và hình thức. Thường là thời gian cho các đợt trại huấn luyện là từ chiều thứ Sáu đến chiều Chủ Nhật. Chưa tính đến các lễ nghi rườm rà chiếm gần 1/3 thời gian trại. Thời gian quá ngắn làm sao trại sinh có thể đủ định tâm để ươm mình trong tinh thần tu học và huấn luyện. Đội ngũ Huynh trưởng huấn luyện viên trong các trại Huấn Luyện thiếu nghiên cứu về chuyên môn theo các bộ môn của chương trình huấn luyện.

V- Hướng phát triển:

Tổ chức GĐPT đã hơn một lần khẳn định đường hướng và vị trí tổ chức GĐPT luôn nằm trong lòng GHPGVNTN.   Một trang sử của thế kỷ 20th cũng cần phải khép lại để bắt đầu cho một trang sử mới mở đầu bằng thế kỷ 21st .

Tuy nhiên, trong môi trường xã hội hiện tại, tình hình Giáo Hội ở hải ngoại nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng như đang đi trong đám mây mù bao phủ, nên chúng ta đang đối diện nhiều vấn đề cần được quán triệt.

Trải qua bao thăng trầm thế sự mãi cho đến nay cũng đã quá đủ thời gian cho chúng ta, tổ chức GĐPT rút kinh nghiệm từ những bài học thành công, thất bại, tủi nhục, hỷ lạc trong lịch sử và những ảnh hưởng gây xáo trộn. Những hậu quả phân tán của tổ chức trong hiện tại hiển nhiên là do chúng ta đã quá an phận, thủ thường trước những hiện tượng có mầm móng gây đổ vở, phân tán hàng ngũ lãnh đạo, biến tổ chức thành từng khối gần như đối lập.

Như một cây sồi được trồng trong cái chậu, trong một hoàn cảnh chật hẹp thì cho dù phân bón có phẩm chất tốt cũng bị giới hạn sự lớn mạnh của cây. Ngược lại cây chỉ lớn mạnh, tàng lá sum xuê nhờ được trồng trong một không gian thoát rộng.

Trong môi trường mà hiện tượng nhất Sư nhất Tự xuất hiện khắp nơi trên xứ sở tự do này. Chính vì bổn phận và vai trò trách nhiệm của một cư sĩ hộ pháp, chúng ta không thể tự gò bó trong một không gian khuôn khổ chật hẹp, không thể bị trói chặt trong khuôn viên của một ngôi Chùa nhất định nào cả, tuy một sân Chùa nào đó cho ta nhiều phúc lợi hiện tại, tạo cho ta nhiều phương tiện thuận lợi trong môi trường sinh hoạt. Không phải chỉ những lợi lạc như thế mà chúng ta an phận, vững tâm an hưởng trong giấc ngủ mơ, để rồi mỗi khi có sóng gió thì tủi hổ nhìn nhau than thân trách phận quy lỗi cho nhau.

Tổ chức GĐPT cần thể hiện tinh thần bất khả phân, đoàn kết, xây dựng đạo tâm phát nguyện phụng sự đạo pháp.   Đoàn viên tổ chức GĐPT nói riêng và tổ chức GĐPT nói chung phải là chất keo và viên gạch nối liền tất cả các sân Chùa.

Xã hội ngày nay, con người mọi tầng lớp đều có tư tưởng và kiến thức sâu rộng. Mặt tiến bộ về kỷ nghệ thông tin nhanh chóng chớp nhoáng, đòi hỏi nhân loại luôn chuyển mình để thích nghi với đời sống.

Nhiều tổ chức trên thế giới này cũng không ngoại lệ, họ luôn luôn nghiên cứu phương thức điều hành, phương pháp truyền đạt những điều họ muốn truyền đạt. Nếu là một tổ chức tuổi trẻ, họ luôn nghiên cứu tâm sinh lý trẻ để bắt kịp làn sóng tư tưởng trong sinh hoạt hằng ngày của tuổi trẻ.

Nhìn lại tổ chức GĐPT, một tổ chức luôn đề cao tính chất giáo dục, đào tạo và huân tập tuổi trẻ về một nếp sống đạo hạnh. Chúng ta chưa thật sự trưởng thành, nói cách khác chúng ta không có chuẩn bị để tiếp cận với đà tiến bộ của xã hội. Khi không có trang bị và sẳn sàng để tiếp nhận những thay đổi của đời sống nhân loại thì hẳn nhiên chính chúng ta tự đào thải mình ra khỏi bước tiến bộ của xã hội, dần dần mình mất hết mọi ủng hộ từ quần chúng.

Nhưng  muốn cải tiến phải nhìn xuyên suốt từ cơ cấu tổ chức nhân sự cấp Trung Ương đến cấp Miền và cấp đơn vị địa phương. Chương trình tu học và huấn luyện lại càng quan trọng hơn, chúng ta không thể nói đơn thuần chỉ cải tiến cơ cấu tổ chức mà không đề cập đến cải tiến phương thức đào tạo hàng ngũ cán bộ các cấp. Bởi hàng ngũ cán bộ là những yếu tố cho sự phát triển và tồn tại của tổ chức GĐPT.

VI-   Kết luận:

Tổ chức GĐPT đã hơn một lần khẳn vị trí của mình là luôn nằm trong lòng GHPGVNTN. Và chúng ta đã mất quá nhiều thời gian cho vấn đề này. Như vậy chúng ta không cần phải khẳn định làm gì nữa. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ GHPGVNTN-VPII- Viện Hóa Đạo đã có thông tư không thừa nhận tổ chức GĐPTVN.  Như vậy tổ chức GĐPTVN tại Hoa Kỳ hiện là một tổ chức hoàn toàn có quyền tự quyết định đường hướng cho mình, đó là đường hướng mục đích giáo dục, hướng dẫn tuổi trẻ tu học Giáo Pháp Như Lai.

Phật Pháp là nhà, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni là đấng cha lành. Nơi nào có hàng thanh tịnh Tăng Ni, cơ sở thờ phụng đức Thế Tôn là nơi đó trú xứ sinh hoạt của tổ chức GĐPT. Không ai có thể ngăn cấm Phật Tử đến Chùa nếu ngôi Chùa đó được xây dựng bằng công sức, tài vật của đồng bào Phật Tử với mục đích tạo phương tiện cho việc tu học. Chúng ta nên hiểu rằng chỉ có một số rất ít trong hàng Tăng Ni, có tâm địa bất đồng mới có thái độ ngăn cấm Phật Tử vào Chùa tu tập.

Chúng ta phải vận dụng trí tuệ, sáng suốt định hướng, hướng đi phải là trong thế giới rộng lớn, con đường rộng mở muôn lối. Đạo Phật là con đường trung đạo, thế nên con đường của chúng ta đi cũng phải trung dung để khế lý khế cơ, thích nghi trong mọi hoàn cảnh.

Nhìn về bối cảnh xã hội lúc tổ chức GĐPT ra đời  và xã hội ngày nay, chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng, xuyên suốt từng góc độ của tố chức. Chúng ta sẽ không gặp nhiều khó khăn để nhận diện nhiều điểm cần thiết phải cải cách, phải chấn hưng tổ chức.  Để tiếp cận những tiến bộ của xã hội, chúng ta cần thay đổi để thích nghi, mà thay đổi thì bao giờ cũng phải bắt đầu từ cơ cấu tổ chức, phương thức điều hành, chương trình tu học, huấn luyện và phương pháp đào tạo cán bộ. Những ý tưởng cải tiến được đề cập đến trong đây không nhất định đều phải được thay đổi. Muốn đạt đến kết quả, cần có sự tập hợp trí tuệ tập thể và chúng ta không đòi hỏi phải hoàn thành mọi thay đổi trong một thời gian ngắn. Chúng ta cần có nhiều thời gian, cần có nhiều hội thảo, tham luận từng chi tiết rốt ráo, khi đó mới có hiệu quả tốt đẹp.

Nói đến tham luận thì phải bộc lộ tư tưởng, diễn đạt tu duy, nhưng quả thật với khả năng quá hạn hẹp nên khó nói lên hết, nói đầy đủ, nói rõ ràng để quý lam viên dễ tiếp nhận. Vì để tỏ bày mối ưu tư với tổ chức nên mạo dạng đóng góp với những ý tưởng nhỏ nhoi. Nếu có gì làm quý lam viên không hài lòng hay không đồng quan điểm, rất mong được tiếp đón mọi ý kiến đóng góp xây dựng. Trong ca dao tục ngữ Việt Nam có câu; “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao” Đây mới đúng với tinh thần của tổ chức GĐPT chúng ta.

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Phật lịch 2555

Minh Trung

Bài khác nên xem

Tiểu Sử Huynh Trưởng Cấp Dũng Nhật Thường Nguyễn Quang Tú Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam

phuocthanh

Tưởng nguyện húy nhật thứ 30 Cố Hòa thượng Thích Hạnh Phát

Huệ Quang GĐPTVN

BHD Lâm Đồng tổ chức Hội thảo

phuocthanh

1 comment

Nguyễn Bá Lăng 11/10/2013 at 22:23

Đứng từ xa,chúng ta nhìn vào một hồ sen nước trong văng vắt,lóng lanh dưới ánh nắng buổi sớm.Trên mặt hồ phẳng lặng có hàng chục đóa sen hồng,trắng vừa hé nụ như đang chuẩn bị nỡ nụ cười thanh khiết để chào đón ánh nắng ban mai.
Ôi ! đẹp làm sao trong những đóa sen hồng còn nớt kia là một biểu hiện của bao tâm hồn trẻ thơ luôn hướng về hai phía trên và trước của tinh thần thức tĩnh trong giáo lý Từ bi của đức Phật. Hoa sen là biểu thị của tinh thần Bi Trí Dũng,là châm ngôn cao quí của ngành Gia đình Phật tử Việt Nam và trên khắp Thế giới.Tinh thần này từ tính cách và sự cấu tạo của HOA SEN đã nói lên đầy đủ về triết lý sống động của tổ chức giới trẻ trong Phật giáo dưới danh xưng là Gia đình Phật tử. Bi mà không Trí là cái BI mù quán.Trí mà không DŨNG là cái Trí thiển cận chỉ để thỏa mãn những tham dục thấp hèn.Dũng mà không BI là cái Dũng của kẻ tàn bạo tầm thường trong cuộc sống.
Mong thay ! Chư tôn túc lãnh đạo trong Phật giáo cần lưu tâm trợ lực nhều hơn cho thế hệ mầm non của Đạo pháp & Dân tộc.

Comments are closed.