Ngày xuân: chữa bệnh bằng hoa

300_3_4

Hoa không chỉ có tác dụng trang trí, làm đẹp mà còn làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh nhờ các hoạt chất chính là tinh dầu, flavonoid và vitamin.

Hoa thường có cấu tạo mỏng manh, do đó dễ bị hư hỏng nếu bảo quản không đúng cách, chỉ nên phơi trong mát hoặc sấy nhẹ ở 50 độ C, giữ kín trong lọ để giữ mùi hương, nên dùng phương pháp hãm nước sôi hoặc đun sôi nhanh để tránh mất hoạt chất.

Hoa đào

Hoa đào tính bình, vị đắng, có tác dụng hoạt huyết, lợi thủy, thông tiện, chữa chứng thủy thũng, đại tiểu tiện bí táo, bế kinh, sởi, đậu. Hoa đào tươi hoặc khô đều được dùng làm thuốc, nhưng hoa tươi, đặc biệt là loại mới chớm nở tốt hơn hoa khô. Tốt nhất là dùng ở dạng trà. Mỗi ngày 5 g hãm trong nước sôi, thêm một ít mật ong, uống vào sáng sớm.

Đối với chị em phụ nữ, để làm giảm nếp nhăn trên da mặt có thể dùng nước sắc hoa đào rửa mặt. Hoặc lấy hoa đào, nhân hạt bí đao nghiền mịn, trộn với mật ong, buổi tối xoa lên mặt, sáng dậy rửa đi, các vết nhăn sẽ giảm dần. Đối với những người da mẫn cảm, có nhọt lâu khỏi, mụn mủ đặc, có thể trong uống ngoài thoa. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không nên dùng, vì thuốc gây hưng phấn tử cung.

Hoa cúc (bạch cúc và kim cúc)          

Bạch cúc vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn, tác dụng tán phong thanh nhiệt, mát gan, sáng mắt, chữa phong nhiệt cảm mạo, đau đầu, tăng huyết áp, chóng mặt nhức đầu, mắt đỏ sưng đau, chảy nước mắt. Liều dùng thông thường dưới dạng trà thuốc là 8 – 12 g. Có thể phối hợp thêm hoa hòe sao vàng, thảo quyết minh sao đen cùng lượng, sắc với 300 ml nước, còn 200 ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Dùng tươi giã nhỏ đắp vào chỗ đau hay mụn nhọt, ghẻ lở.

Kim cúc vị đắng, cay, tính hơi ôn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt sưng đau, đau mắt đỏ có sưng, đau đầu chóng mặt, chữa cảm sốt, cúm, viêm mũi dị ứng, viêm da có mủ, viêm tuyến vú, hoa mắt, huyết áp cao, viêm gan, kiết lỵ, chảy nước mắt nhiều. Mỗi ngày 12 – 16 g, dùng riêng hoặc có thể dùng thêm sắn dây sắc uống chữa cảm sốt nhức đầu, hoặc thêm kim ngân, bồ công anh cùng lượng sắc uống chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, giã lấy xác đắp lên chỗ viêm sưng.

Hoa vạn thọ

Vị đắng, mùi thơm, tính mát, tác dụng tiêu viêm, long đờm. Mỗi ngày 5 – 10 g hoa khô hãm nước sôi uống. Để chữa ho gà dùng bài thuốc gồm hoa vạn thọ 15 g, đường phèn 10 g. Sắc lấy 150 ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống liền 3 – 5 ngày.

Hoa hồng

Cánh hoa hồng chứa nhiều vitamin C, caroten, các loại vitamin nhóm B, K, chất khoáng, nhiều calci nên giúp cơ thể trao đổi chất và tiêu hóa tốt. Kali trong hoa hồng giúp cho hoạt động của tim, chất đồng giúp chống lại bệnh ho ra máu và cải thiện các tuyến nội tiết, iod tốt cho tuyến giáp.

Thu hoạch những cánh hoa hồng nở rộ vào buổi sớm tinh mơ khi không khí còn trong lành và ẩm, đặc biệt là những sáng có mưa nhiều và sương mù. Ngắt cánh hoa mang đi sao hoặc sấy khô hay sử dụng ngay, không rửa. Tinh dầu hoa hồng có tác dụng kích thích và cân bằng hệ miễn dịch và hệ thần kinh, tăng cường hoạt động của các tuyến nội tiết, giúp tiêu hóa tốt và chống lại các vi khuẩn gây rối loạn đường ruột.

Trà hoa hồng (khoảng một muỗng cánh hoa phơi khô cho mỗi ly nước) giúp chống cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản và chứng loạn thần kinh chức năng. Đây cũng là loại nước uống nhiều vitamin. Mứt hoa hồng là loại thuốc tuyệt vời, đặc biệt vào thời tiết lạnh.

Hoa sứ (hoa đại)

Dùng ướp trà, tinh dầu hoa sứ có mùi thơm nhẹ, ở dạng nước sắc có tác dụng hạ huyết áp, tác dụng này xuất hiện nhanh và tương đối bền vững. Mỗi ngày 30 – 60 g sắc lấy 300 ml nước, chia 2 lần uống trong ngày. Hoa đại còn chữa ho, bệnh huyết hữu, mỗi ngày 6 – 12 g, sắc lấy 200 ml, chia nhiều lần uống trong ngày.

Hoa lài

Theo y học cổ truyền, hoa lài có tính ấm, tác dụng điều hòa hệ gan mật, tiêu hóa, giảm đau, giải cảm… Hoa lài thêm tim sen (5 g) chữa mất ngủ. Chữa mụn nhọt bài trà hoa lài, bồ công anh, kim ngân hoa, cam thảo đất (15 g) đem nấu nước và uống nhiều lần trong ngày. Thêm hoa hòe, kim cúc và hoa đại (10 g) chế thành trà hạ huyết áp.

Hoa sen

Có vị ngọt, tính bình, tác dụng giải nhiệt, thanh tâm trừ phiền não. Ngâm cánh sen trong bồn tắm để tăng thêm nguyên khí, giúp tinh thần sảng khoái. Ngoài ra, tinh dầu sen còn dùng dưỡng da, loại bỏ tế bào chết và massage giúp lưu thông khí huyết. Từ xa xưa, người Ấn Độ đã sử dụng sen trong điều trị bệnh, tăng cường sinh lực, đây cũng là quốc gia duy nhất sản xuất nước hoa có hương hoa sen.

Để chế biến trà hoa sen, khi sen nở, hái lấy những cánh hoa đem phơi trong bóng mát cho khô, xắt nhỏ, cất vào lọ kín, uống mỗi ngày như uống trà, có thể phối hợp chung với tim sen để an thần, hạ áp. Nấu cháo hoa sen ăn hàng ngày, dùng khoảng 50 g gạo tẻ nấu cháo, khi cháo chín thêm 10 – 15 cánh hoa sen vào trộn đều, đun sôi lại là được. Uống trà hoa sen có tác dụng làm dịu thần kinh, trừ đờm, thường xuyên sử dụng giúp da trắng mịn, nét mặt tươi hồng, tóc đen mượt và làm chậm quá trình lão suy. Cũng sử dụng theo từng đợt 10 – 15 ngày.

Tóm lại, theo y học cổ truyền, các loại hoa đều có tính vị riêng và cho tác dụng ở các kinh lạc khác nhau trong cơ thể. Dùng đúng cách đúng liều thì tác dụng tốt cho cơ thể, phòng bệnh, chống lão hóa, giúp trẻ lâu. Cách đơn giản nhất là tự chế thành trà, dễ uống và còn giữ được mùi thơm, tuy nhiên cần lưu ý:

– Những loại hoa có tính vị đắng lạnh (hòe, lài) không nên dùng cho người sợ lạnh, kém ăn, đau bụng, đại tiện lỏng, phân nát.

– Hoa có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, phá huyết, khử ứ (đào, hồng) không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh, có thể gây sẩy thai hoặc rong huyết.

– Khi chưa biết rõ tính chất dược lý của hoa thì không nên dùng, chỉ được dùng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa, và cần được theo dõi chặt chẽ.

 

DS. Lê Kim Phụng

 

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Lâm Đồng Thành Kính Phân Ưu

phuocthanh

Tiền Bạc không mang lại hạnh phúc

phuocthanh

Bồ kết đâu chỉ làm đẹp tóc

phuocthanh