( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện
do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )
I. ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VIỆT NAM TRIỀU LÊ – NGUYỄN :
Lịch sử ViệtNamtrong giai đoạn nầy có thể chia làm 3 giai đọan :
1. Giai đoạn nhà Lê trị vì từ 1427 – 1527 :
Giai đoạn nầy kéo dài 99 năm qua 10 đời từ Triều đại vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đến vua Lê Chiếu Thống.
2. Giai đoạn Nam Bắc phân tranh từ 1528 -1802 (hoặc thời kỳ Vua Lê và chúa Trịnh phía Bắc – Chúa Nguyễn Hoàng ở phương Nam):
Giai đọan này kéo dài 274 năm được chia ra như sau :
* Từ 1528 – 1533 : Khởi đầu Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, họ Trịnh giúp vua Lê Trung Hưng rồi lấn quyền vua Lê về chính trị.
* Từ 1533 – 1788 : Nguyễn Hoàng ly khai họ Trịnh vàoNam tạo thế phân tranh kéo dài 255 năm.
* Từ 1788 – 1802 : Nhà Nguyễn Tây Sơn thống nhất đất nước, kéo dài 14 năm sau cái chết của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
3. Giai đoạn nhà Nguyễn Gia Long (1802-1945) :
Kể từ khi đánh thắng nhà Tây Sơn, vua Gia long thành lập triều đại kéo dài 143 năm và chấm dứt vào thời kỳ vua Bảo Đại.
II. PHẬT GIÁO VIỆT NAM DƯỚI TRIỀU LÊ – NGUYỄN
Dựa vào lịch sử nước nhà ta cũng chia lịch sử Phật giáo ViệtNamra làm 3 giai đoạn :
1. Phật giáo Việt Nam triều Hậu Lê :
Sau thời kỳ cực thịnh của Phật giáo từ đời Lý cho đến cuối đời Trần. Đến đời Trần Thiếu Đế thì bị Hồ Quý Ly ép phải nhường ngôi để lập nên triều đại nhà Hồ. Nhưng sau đó nhà Minh đem quân đánh nhà Hồ và đặt ách thống trị Đại Việt. Nhà Minh thực hiện chính sách đô hộ tàn ác và cho tịch thu kinh sách Phật giáo đốt phá chùa chiền (đầu thế kỷ 15). Trong thời kỳ nhà Minh đô hộ chính sách đồng hóa Đại Việt của Tàu, được thi hành triệt để vì lẽ nếu để Đại Việt độc lập văn hóa sẽ dẫn đến độc lập chính trị. Các quan lại nhà Minh nghiêm khắc áp đặt nền văn hóa Tàu lên Đại Việt.
Mười ba năm sau Bình Định Vương Lê Lợi (với sự tham mưu của Nguyễn Trãi) đứng lên phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập và lập nên nhà Hậu Lê. Thế nhưng triều đại Hậu Lê là triều đại độc lập chính trị đầu tiên của Việt Nam đã bỏ rơi nền văn hóa dân tộc độc lập, đã bỏ rơi truyền thống dung hợp, khai phóng nhằm xây dựng một quốc gia hùng mạnh và phú cường để chạy theo một cách chính thức và toàn diện nền văn hóa ngoại lai đã từng được quân xâm lăng Trung hoa đô hộ áp đặt nhưng không thành công. Mặc dầu năm 1424 vua Lê Thái Tổ có mở kỳ thi khảo hạch tăng đạo, người nào trúng tuyển thì được ở chùa tu hành, ai hỏng thì phải hoàn tục (quả thật là một lối xét định kiến thức và đạo đức của tu sĩ Phật giáo một cách từ chương như là một biện pháp nhằm đàn áp và tiêu diệt Phật giáo một cách quy mô và toàn diện hơn). Ngoài ra có những lúc triều đình cũng tổ chức những buổi rước Phật (năm 1934), xuống chiếu ra lệnh cho bá quan văn võ ăn chay (1448, 1449) để đến chùa cầu mưa, nhưng những hình thức đó chẳng qua được xem như là một thứ đạo phù thủy dùng để cúng tế cầu đảo. Một tinh thần văn hóa ngoại lai mang đậm bản chất độc tài, độc tôn, độc đoán, hẹp hòi cố chấp và bảo thủ đã thể hiện rõ nét trên con người của vua Lê Thái Tổ khi sai bắt giết hai đệ nhất công thần Trần Nguyên Hãn (khiến Trần Nguyên Hãn phải nhảy xuống sông tự tử) và Phạm văn Xảo, rồi sau đó cùng một số nho thần ích kỷ với bản chất nô lệ từ tâm hồn đến tư tưởng đã vu hãm vô cùng hèn mạt để giết Nguyễn Trãi và giết sạch 3 họ nhà ông. Quả thật một chế độ khắc nghiệt và tàn bạo thể hiện đúng bản chất độc tài chuyên chế của Tống Nho phi nhân, nô lệ văn hóa ngoại lai, khác với truyền thống của dân tộc Đại Việt đã từng tha chết cho tên giặc cướp Nùng Trí Cao và vua Chiêm Thành Chế Củ đời vua Lý Thái Tông, rồi đời vua Trần Thánh Tông cũng đã từng tha chết khoan dung cho cả quan quân công tác với quân Mông Cổ, kể cả đoàn quân bại trận trong 2 thời kỳ chiến tranh vệ quốc năm 1285 và 1288.
2. Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh :
a. Phật giáo thời chúa Trịnh (đàng ngoài) :
Sau thời gian bị suy thoái dưới thời Hậu Lê và nhà Mạc, đến thời chúa Trịnh Phật giáo bắt đầu phục hưng. Từ năm 1533 Phật giáo hồi sinh bởi công lao của các Thiền sư :
+ Thiền phái Tào Động : Vào khoảng 1575 – 1599 thiền sư Thủy Nguyệt, người Thanh Triều, Thái Bình là đời 36 phái Tào Động tại Trung Hoa và là Sơ tổ phái Tào Động Việt Nam ở đàng Ngoài.
+ Thiền sư Chuyết Chuyết tên là Thiên Tộ, họ Lý, pháp danh Hải Trừng, pháp hiệu Viên Văn, sinh năm 1590 tại quận Thanh Chương, tỉnh Phúc Kiến Trung Hoa. Từ Trung Hoa vượt biển vào Cao Miên rồi đi lần ra kinh thành Thăng Long vào năm 1633 vào năm 43 tuổi, Ngài mất Rằm tháng bảy năm Giáp Thân (1644) thọ 55 tuổi. Sau khi tịch được vua Lê Chân Tông phong hiệu là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư. Ngài thuộc thế hệ thứ 34 dòng Thiền Lâm Tế, có 2 đệ tử xuất sắc là Minh Hành (người gốc Trung Hoa) và Minh Lương (người Đại Việt).
+ Thiền sư Minh Hành pháp hiệu là Tại Tại, người phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Hoa là đệ tử của Thiền sư Chuyết Chuyết. Thiền sư là viện chủ chùa Phật Tích (năm 1643), đến năm 1644 khi sư phụ mất ông trở thành viện chủ chùa Ninh Phúc. Thiền sư thị tịch vào năm 1659, thọ 64 tuổi. Trước khi tịch Ngài có để lại một bài kệ được dùng để đặt pháp danh cho các thế hệ kế thừa của Thiền phái Lâm Tế ở đàng ngoài.
+ Thiền sư Chân Nguyên họ Nguyễn tên Nghiêm, quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm 1646, xuất gia năm 19 tuổi, học với Thiền sư Chân Trú (là đệ tử của Thiền sư Minh Hành) tại chùa Hoa Yên, pháp danh là Tuệ Đăng. Sau khi Chân Trú mất, ông tu hạnh đầu đà du phương cầu học, sau đó đến tham học với Thiền sư Minh Lương (đệ tử của Thiền sư Chuyết Chuyết) và được ban pháp hiệu là Chân Nguyên. Về sau được truyền thừa y bát Trúc Lâm làm trụ trì chùa Long Động và Quỳnh Lâm. Thiền sư cùng chúng đệ tử là những người có công lớn trong việc phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, phục hồi nền văn học nước nhà : trùng san sách Thiền Uyển Tập Anh (1715), soạn Kế Đăng Lục (1734), Thiền Tông Bản Hạnh, trùng khắc Thánh Đăng Lục (1750), Khóa Hư lục, Thượng Sĩ Ngữ Lục (1763), Tam Tổ Thực Lục (1765)… Năm 1722 lúc 76 tuổi Thiền sư được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng thống và ban hiệu là Chính Giác Hòa Thượng. Năm 1726 trong tư thế kiết già, Ngài tịch vào tháng 10 âm lịch thọ 80 tuổi.
+ Thiền sư Hương Hải sinh năm 1627, năm 18 tuổi đậu cử nhân được tuyển vào làm trong phủ chúa Nguyễn, sau đó làm Tri phủ Triệu Phong Quảng Trị. Năm 25 tuổi tham học đạo Phật với Thiền sư Viên Cảnh người Trung Hoa. Năm 1655 (năm 28 tuổi) ông Từ Quan, xuất gia với Thiền sư Viên cảnh được đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải. Năm 1665 chúa Nguyễn Phúc Tần lập Thiền Tĩnh Viện trên núi Quy Kính để thiền sư giảng pháp. Sau đó ngài bị vu cáo cùng một quan Thị Nội giám là Gia Quận công là âm mưu trốn ra đàng ngoài, bị chúa Nguyễn Phúc Tần tra khảo, sau đó đưa vào Quảng Nam. Từ sự đối đãi ấy tháng 3 năm Nhâm Tuất (1682) Thiền sư cùng 50 đệ tử dùng thuyền vượt biển ra Đàng Ngoài, thuyền ghé vào Trấn Nghệ An, vào yết kiến quan trấn thủ là Trịnh Na hầu, quan trấn thủ về tâu với triều đình, chúa Trịnh Tạc sai Đường Quận công đem thuyền vào Nghệ An rước Thiền sư và chúng đệ tử ra Đông Đô. Sau đó chúa Trịnh cho xây dựng chùa ở trấn SơnNamđể thầy trò giảng pháp tu học vào năm 1683. Năm Ất Mùi (1715) sáng ngày 13.05 sau khi tắm, thiền sư khoác y, đội mủ, đeo tràng Hạt, ngồi kiết già mà tịch, thọ 88 tuổi.
b. Phật giáo Việt Nam thời chúa Nguyễn (đàng trong) :
Khác với đàng Ngoài, chúa Nguyễn Hoàng thấy đạo Phật có thể làm nơi nương tựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ, cho nên khi mới vào trấn thủ đất Thuận Hóa, ông đã liên tiếp cho xây dựng các chùa. Đồng thời chính là lúc chuyển tiếp giữa triều Minh và Thanh nên các danh tăng Trung Hoa tới đàng trong hoằng hóa khá nhiều nhưng đều thuộc thiền phái Lâm Tế :
– Thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan ở Quảng Trị.
– Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm), Thiền sư Giác Phong khai sơn chùa Thiên Thọ (Báo Quốc), Thiền sư Từ Lâm khai sơn chùa Từ Lâm, ở Thuận Hóa.
– Thiền sư Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh.
– Thiền sư Pháp Hóa, khai sơn chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi
– Thiền sư Tế Viên, khai sơn chùa Hội Tông ở Phú Yên
– Thiền sư Nguyên Thiều khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định và các chùa Quốc An và Hà Trung ở Thuận Hóa.
– Riêng hai vị Thiền sư Thạch Liêm khai sơn chùa Thiền Lâm ở Thuận Hóa và Quốc sư Hưng Liên (đệ tử Thạch Liêm) khai sơn chùa Tam Thai ở Quảng Nam thuộc phái Tào Động
3. Lịch sử P hật giáo Việt Nam triều Nguyễn :
a. Thời kỳ Tây Sơn :
Nằm trong tiến trình của cuộc đại cách mạng canh tân đất nước, Phật giáo được cải cách bằng cách dẹp bỏ những chùa nhỏ ở các làng xóm để tập trung vật liệu xây ở mỗi Phủ, Huyện một ngôi chùa thật to lớn đẹp đẻ, khang trang và cho mời những Tăng sĩ có học thức và đạo đức đến trụ trì và hành đạo, còn những người không xứng đáng phải hoàn tục. Việc cải cách này xuất phát từ tình trạng lạm phát chùa chiền và thoái hóa của Tăng sĩ trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Tuy cải cách này không mấy phù hợp với Phật giáo vì đạo Phật là một tôn giáo lan rộng khắp phố phường, làng mạc, bàng bạc trong nhân gian không thể quy tụ như công sở, nhưng dù sao thì đây cũng chỉ nằm trong nỗ lực nhằm thanh lọc và phát triển Phật giáo trong cả một chương trình phát triển đại quy mô. Nhưng vì vua Quang Trung mất sớm nên sự cải cách Phật giáo không có được một kết quả nào rõ rệt.Thời kỳ nầy có một tác phẩm nổi bậc đó là “Hứa Sử truyện” của Ngài Toàn Nhật, đệ tử Ngài Diệu Nghiêm.
b. Thời kỳ triều Nguyễn Gia Long :
Sau khi dẹp được nhà Tây Sơn. Triều đình Nguyễn Gia Long thực hiện đúng bản chất của một chế độ Tống Nho thời Hậu Lê. Qua hành động trả thù tàn bạo và khốc liệt cùa Nguyễn Ánh đối với các lãnh tụ của phong trào Tây Sơn : Quật mộ Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem giam sọ của hai người vào ngục tối, con của vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân cùng các danh tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và các tướng lãnh khác cùng vợ con kẻ thì bị xẻo thịt, chém đầu, voi dày xé xác. Con cháu anh hùng Quang Trung bị truy nã, chém giết, các di tích liên hệ đến phong trào Tây Sơn bị tiêu hủy với ý đồ man rợ qua câu nói : “trẫm vì chín đời mà trả thù”. Rồi để cũng cố nền thống trị độc tài bằng cách tăng cường chế độ quân chủ chuyên chế, tạo nên thế gia đình trị, Nguyễn Ánh tiếp tục giết hại những công thần đã cùng vào sinh ra tử như : Đỗ Thành Nhơn, Đặng Trần Thường, Nguyễn Văn Thành, san bằng mồ mã Lê Văn Duyệt, Lê Chất… Do chính sách của Nguyễn Ánh, sợ ảnh hưởng của tôn giáo có hại cho chính trị, nên Phật giáo không được ưu đãi. Tuy có một số chùa được sắc tứ và trùng tu nhưng là những ngôi chùa mà trong thời gian bôn tẩu Nguyễn Ánh đã từng cư trú, hoặc chuẩn bị để đánh bại Quang Trung, nhưng cũng chỉ nhằm mục đích gây phúc đức cho dòng họ. Tuy vậy vẫn có một số danh Tăng nổi tiếng như :
– Thiền sư Mật Hoằng người Bình Định, đệ tử của Thiền sư Linh Nhạc thuộc dòng phái Nguyên Thiều, năm 1815 được vua Gia Long triệu về kinh cấp chứng chỉ Tăng Cang và trú trì chùa Quốc An.
– Thiền sư Phổ Tịnh người QuảngNamhiệu là Đạo Minh, đệ tử của Ngài Chiếu Nhiên thuộc phái Liễu Quán. Năm 1808 được Hoàng Thái Hậu Hiến Khương thỉnh trụ trì chùa Thiên Thọ (Báo Quốc). Ngài tịch năm 1816.
– Thiền sư Thanh Đàm hiệu Minh Chính, đệ tử của Thiền sư Đạo Nguyên. Ngài xuất gia năm 1807, thọ Cụ túc giới năm 1810 là người sáng tác sách ‘Pháp Hoa đề cương’ năm 1819 và Tâm kinh Trực giải năm 1843 còn lưu lại đến ngày nay.
– Thiền sư Thanh Nguyên hiệu MinhNamlà người viết bài tựa cho ‘Pháp Hoa đề cương’.
– Thiền sư An Thiền trú trì chùa Đại Giác ở Bắc Ninh là tác giả cuốn Tam Giáo Thông Khảo viết vào năm 1845.
– Thiền sư Nhất Định pháp danh Tính Thiên, người Quảng Trị sinh năm 1783 tịch năm 1847. Đương thời Thiền sư được vua Gia Long và vua Minh M ạng tôn trọng.
– Thiền sư Diệu Giác pháp danh Hải Thuận, người làng Bích Khê, Quảng Trị họ Đỗ, sinh năm 1805, mất năm 1896. Là đệ tử của Thiền sư Nhất Định, trú trì chùa Diệu Đế là người có công trùng tu các tổ đình Huệ Lâm, Báo Quốc, Kim Tiên.
– Thiền sư Phúc Điền trú trì chùa Liên Tông làng Bạch Mai, Hà Đông là người có công lớn trong việc bảo tồn sử liệu Phật giáo, Ngài biên soạn sách ‘Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Lục’.
– Và còn rất nhiều danh Tăng nổi tiến khác.
III. NHẬN ĐỊNH :
Lịch sử Phật giáo suốt hai triều LÊ – NGUYỄN kéo dài 517 năm, nhưng do tình hình chính trị trong nước bất ổn nên ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của Phật giáo nước nhà.
Thời Hậu Lê nền văn hóa tam giáo đồng nguyên bị loại bỏ, nền văn hóa dân tộc độc lập của Đại Việt bị thay thế bằng nền văn hóa giáo điều và từ chương của Tống Nho. Nho học đã chiếm địa vị nòng cốt trong văn học, Phật giáo bị đẩy ra khỏi hệ tư tưởng của vua quan để thay thế hệ tư tưởng Tống Nho, đạo Phật đã suy thoái lại càng suy thoái hơn. Các nho sĩ thời Hậu Lê đáng lẽ phải nhận rõ âm mưu thâm độc của nhà Minh. Nhưng vì không ý thức được về nền văn hóa dân tộc, vừa kỳ thị Phật giáo nên đã phá vỡ sự dung hợp giữa Nho và Phật đã có từ thời Lý – Trần. Bởi vậy triều Hậu Lê xem như là một triều đại mà Phật giáo suy đồi nhất trong các triều đại kể từ khi đất nước Đại Việt dành lại chủ quyền dân tộc từ tay đế quốc Trung Hoa đến thế kỷ 15 – 16. Trong thời kỳ này đa số Tăng sĩ thiếu học, tu tập theo hình thức, không chú trọng nội dung tư tưởng, ngoài ra còn làm nhiều việc mê tín như: điểm nhãn, cầu mưa, phù chú . . .
Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nhìn chung hai họ Trịnh Nguyễn đều hâm mộ đạo Phật, lấy sự ủng hộ Phật giáo để tạo công đức cho dòng họ, chứ không biết áp dụng Phật giáo vào việc trị dân, dựng nước, đồng thời cùng chung mục đích là dành dân, chứng tỏ là mình cai tri nhân từ, để lấy chính nghĩa hầu tranh quyền lẫn nhau.
Tóm lại qua lịch sử cho chúng thấy được :
- Sự rạn nức niềm tin nơi triết học Tống Nho, khiến nhiều nhà trí thức quay qua nghiên cứu Phật giáo.
- Từ năm 1558 – 1802 có 3 phái thiền hoằng hóa ở Đàng trong : Trúc Lâm – Lâm Tế và Tào Động (do một số cao Tăng từ Trung Hoa sang truyền các dòng Thiền vào nước ta).
- Tăng tài tuy nhiều nhưng không có hệ thống nhất quán mà chỉ phát triển theo khu vực.
- Phật giáo Đàng Trong phục hưng và phát triển mạnh dưới thời các chúa Nguyễn, nhưng vì tình trạng chiến tranh và ảnh hưởng của chính trị nên tài liệu về Phật giáo bị tiêu hủy và thất lạc : từ các phổ hệ truyền thừa của các thiền phái đến các lịch sử truyền thừa của các chùa cũng như ngữ lục, tiểu sử của các thiền sư thời đó.
- Về văn học sử dù bị thất tán khá nhiều nhưng vẫn còn một số tác phẩm văn học mang ảnh hưởng sâu xa của Phật giáo tiêu biểu như :
– Thi phẩm “ Tư Dung văn ” của Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (1572-1634).
– Tác phẩm “ Sãi Vãi ” và 10 bài thơ họa lại “ Hà Tiên thập cảnh ” (của Sĩ Lân Mạc Thiên Tích) của Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh (1717-1767).
– Thi phẩm chữ Nôm “ Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh ” của Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tích.
– Thi phẩm “ Phong Trúc tập ” của ẩn sỉ thiền giả Ngô Thế Lân (người đã dâng các bảng điều trần lên chúa Nguyễn).
Tuy nhiên theo suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc tinh thần Đạo Phật được xem như đã hòa quyện cùng với tinh thần dân tộc của người dân Việt, vì lẽ đó Phật giáo vẫn tiềm tàng trong mọi giới chờ một ngày thuận duyên sẽ đơm hoa kết trái.