Kinh Tám điều Giác Ngộ của các Bậc Đại Nhân

BAT DAILà đệ tử Bụt

Thường phải hết lòng

Ngày đêm tụng niệm

Bát Đại Nhân Giác

Một là giác ngộ

Thế gian vô thường

Đất nước mong manh

Tứ đại khổ không

Ngũ ấm vô ngã

Sinh diệt biến đổi

Hư ngụy không chủ

Tâm là nguồn ác

Thân là rừng tội

Quán chiếu như thế

Dần lìa sinh tử.

Hai là giác ngộ

Đa dục là khổ

Sinh tử nhọc nhằn

Đều do tham dục

Thiểu dục vô vi

Thân tâm tự tại.

Ba là giác ngộ

Lòng dục không cùng

Tìm kiếm chẳng ngừng

Thêm lớn tội lỗi

Bồ Tát trái lại

Thường niệm tri túc

Sống nghèo hành đạo

Xem tuệ giác là

Sự nghiệp duy nhất.

Bốn là giác ngộ

Vì tính lười biếng

Nên bị đọa lạc

Phải tinh tiến tu

Phá giặc phiền não

Hàng phục tứ ma

Thoát ngục ấm giới.

Năm là giác ngộ

Chỉ vì si mê

Nên có sinh tử

Bồ tát thường nhớ

Học rộng nghe nhiều

Nuôi dưỡng trí tuệ

Thành tựu biện tài

Giáo hóa chúng sanh

Khiến cho mọi người.

Được niềm vui lớn.

Sáu là giác ngộ

Chỉ vì nghèo khổ

Mà nhiều oán hận

Tạo nhiều duyên ác

Bồ tát bố thí

Không nệ oán thân

Xóa bỏ thù hận

Không ghét kẻ ác.

Bảy là giác ngộ

Năm thứ dục lạc

Gây thành tội nạn

Người đã xuất gia

Tuy ở cõi tục

Không nhiễm thói đời

Pháp khí chỉ là

Ba y một bát

Chí nguyện xuất trần

Giữ đạo thanh bạch

Phạm hạnh cao vời

Đem lòng từ bi

Đối với muôn loại.

Tám là giác ngộ

Ngọn lửa sinh tử

Đang cháy hừng hực

Thống khổ vô biên

Phát tâm đại thừa

Độ cho tất cả

Nguyện thay chúng sanh

Chịu vô lượng khổ

Khiến cho muôn loài

Hoàn toàn đạt tới

Niềm vui to lớn

Tám điều nói trên

Các bậc đại nhân

Bụt và Bồ Tát

Đã giác ngộ được

Các ngài tinh tấn

Hành đạo theo đó

Un đúc từ bi

Phát triển trí tuệ

Cưỡi thuyền pháp thân

Tới bến niết bàn

Sau khi trở về

Trong cõi sinh tử

Các vị sử dụng

Tám điều nói trên

Để mà khai đạo

Cho chúng sinh thấy

Cái khổ sinh tử

Tâm lìa ngũ dục

Vào con đường thánh

Nếu đệ tử Bụt

Đọc tụng quán chiếu

Tám điều nói trên

Thì trong mỗi giây

Diệt vô lượng tội

Tiến về giác ngộ

Mau thành chánh giác

Vĩnh viễn xa lìa

Cõi sinh tử khổ

Và thường trú mãi

Nơi cõi an lạc.

 PHẦN GIẢI KINH

XUẤT XỨ KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

Kinh này do một vị tăng sĩ nước Parthia tên là An Thế Cao dịch từ Phạn văn ra Hán Văn tại trung tâm Lạc Dương đời Hậu Hán, trong khoảng thời gian từ năm 140 đến năm 171 của kỷ nguyên Tây lịch. Nguyên bản Phạn văn không biết còn lưu truyền hay không. Kinh văn rất cổ. Văn thể của kinh thuộc loại kết tập như kinh Tứ Thập Nhị Chương và kinh Lục Độ Tập. Kinh này dung hợp cả đạo Bụt Nguyên Thủy và đạo Bụt Đại Thừa. Tám điều mà kinh văn nói đến có thể coi như tám đề tài thiền quán. Mỗi đề tài lại có thể chia sẻ làm nhiều đề tài nhỏ. Xét về phương diện hình thức thì kinh văn rất đơn giản, nhưng đứng về phương diện nội dung thì tư tưởng của kinh rất sâu sắc màu nhiệm. Kinh Bát Đại Nhân Giác hoàn toàn không có tính cách luận thuyết. Toàn văn của kinh chỉ là đề tài thiền quán rất thực tiễn.

NỘI DUNG KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

Ta có thể ra từ trong kinh này mười một đề tài thiền quán chính yếu.

Đoạn kinh nói về điều giác ngộ thứ nhất là đoạn kinh thuyết minh về Phép Tứ Niệm Trú. Phép Tứ Niệm Trú là bốn phép thiền quán căn bản của đạo Bụt, sự quán chiếu thường trực về bốn đặc tính của thực hữu: vô thường, khổ không, vô ngã và bất tịnh.

Điều giác ngộ đầu nói về bốn phép thiền quán này và kết luận: nếu quán chiếu bốn đặc tính kia một cách cần mẫn thì có thể dần dần thoát ly được thế giới sinh tử.

Đề tài thiền quán thứ nhất là tính cách vô thường của vạn hữu. Mọi vật trên thế gian biết đổi trong từng giây từng phút, đó gọi là sát na vô thường. Mọi vật trên thế gian, kể cả sinh mạng, núi sông, chế độ chính trị v.v…. đều trải qua những giai đoạn sinh trưởng, tồn tại, biến hoại và tiêu diệt. Sự tiêu diệt ấy gọi là nhất kỳ vô thường. Phải quán sát để thường xuyên nhìn thấy tính cách vô thường của mọi sự, mọi vật mới có thể tránh khỏi cái áo tưởng về sự miên viễn của sự vật và không bị sự vật lôi kéo ràng buộc.

Đề tài thiền quán thứ hai là tính cách khổ đau và trống rỗng của sự vật.

Người Ấn Độ xưa có quan niệm về tứ đại, cho rằng bản chất của sự vật là đất (yếu tố rắn chắc), là nước (yếu tố lưu nhuận), lửa (nhiệt lượng) và gió (năng lượng), gọi chung là tứ đại. Bậc giác ngộ thấy rằng sự vật do tứ đại kết hợp cho nên khi có sự điều hòa của tứ đại thì có sự an lạc, còn khi thiếu sự điều hòa ấy thì có sự thống khổ. Vạn vật, vì do tứ đại kết hợp, không phải là những cá thể tồn tại vĩnh cửu, cho nên vạn vật có tính cách không hư, trống rỗng. Vạn vật vì vô thường cho nên khi bị ràng buộc vào vạn vật, người ta cũng bị sự vô thường làm đau khổ. Vạn vật vì trống rỗng cho nên khi bị ràng buộc vào vạn vật, người ta cũng bị sự trống rỗng làm cho đau khổ. Nhận thức được sự có mặt của khổ đau là khởi điểm của sự tu đạo. Đó là chân lý thứ nhất của bốn chân lý căn bản, còn gọi là Tứ Diệu Đế. Mất ý thức về sự có mặt của khổ đau, không quán niệm về tính cách khổ đau của vạn hữu thì dễ bị lôi kéo theo vật dục, làm tiêu mòn cuộc đời mình trong sự đuổi theo vật dục. Thấy được khổ đau mới có cơ tìm ra nguyên nhân của khổ đau để mà đối trị.

Đề tài thiền quán thứ ba là tính cách vô ngã của tự thân.

Đạo Bụt dạy rằng con người do năm yếu tố hợp nên, gọi là ngũ uẩn: vật chất, cảm giác, tư tưởng, hành nghiệp và nhận thức. Nếu vật chất là do tứ đại cấu thành, trống rỗng, không có thực chất thì con người do ngũ uẩn kết hợp, cũng không có tự ngã vĩnh cửu, một chủ thể bất biến. Con người cũng thay đổi từng giây từng phút, cũng trải qua sát na vô thường và nhất kỳ vô thường. Nhờ nhìn sâu vào ngũ uẩn cho nên thấy “ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến đổi, hư ngụy không chủ” và đánh tan được ảo giác cho rằng thân này là một bản ngã vĩnh cửu. Vô ngã quán là một đề tài thiền quán quan trọng vào bậc nhất của đạo Phật. Nhờ vô ngã quán mà hành giả tháo tung được biên giới giữa Ngã và Phi Ngã, thấy được sự hòa điệu đại đồng của vũ trụ, thấy ta trong người và người trong ta, thấy quá khứ và vị lai trong hiện tại, và siêu việt được sinh tử. Khoa học ngày nay cũng đã khám phá được chân lý vô ngã. Chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây của nhà sinh vật học Lyall Watson để thấy được sự thật vô ngã qua con mắt của nhà khoa học. Lyall Watson không phải là một nhà Phật học, nhưng lời nói của ông sau đây phù hợp hoàn toàn với nguyên lý duyên sinh và vô ngã:

“Trên trái đất có sự sống, một sự sống duy nhất bao trùm mọi loài động vật và thực vật. Thời gian đã chia sẻ sự sống ấy ra hàng triệu mảnh, nhưng mảnh nào cũng chỉ là một phần của sự sống duy nhất đó. Một bông hồng là một bông hồng, nhưng đồng thời cũng là một con chim chào mào và một con thỏ. Tất cả chúng ta đều có chung một xương thịt, đúc từ một lò mà ra. Trong thiên nhiên, người ta đếm được 92 chất hóa học, trong đó có 16 chất quan trọng tạo thành bản chất của mọi sự sống. Trong số 16 chất này thì chất than (carbone) đóng vai trò trung ương vì nó có khả năng kết nên những dây chuyền phức tạp tạo thành vô số hợp chất. Tuy vậy, trong số hàng ngàn hợp chất ấy, chỉ có 20 chất Aminoacids là những nguyên tố tạo thành các loại proteins. Quan trọng hơn nữa là các proteins đó có tạo thành đúng lúc, đúng chỗ trên một quá trình diễn biến được định sẵn trong bản chất của bốn phân tử (molecules), bốn loại mà thôi, gọi là Base-nucléotides. Do yếu tố thời gian, không gian và do những quy luật định sẵn trong bốn loại phân tử đó mà chất protéines kia sẽ biến thành hoặc một vi khuẩn hoặc một con lạc đà. Mọi hình thái của sự sống đều được chỉ định hình thành trong ngôn ngữ đơn giản đó.

Sự sống cũng lại vâng theo luật nhiệt động (loi de thermodynamique). Theo luật ấy thì trạng thái tự nhiên của vật chất là sự hỗn mang, tất cả có khuynh hướng đi vào tan rã, tình cờ và hỗn độn. Tuy vậy những hình thái của sự sống lại được cấu tạo bởi những chất liệu được tổ chức rất tinh vi: từ hỗn độn, chúng tạo thành trật tự và chống lại khuynh hướng tan rã hoại diệt trong tự thân vật chất. Trật tự này được duy trì bởi sự thâu hút năng lực từ bên ngoài vào để cho guồng máy của sự sống được điều hành tiếp tục. Các hệ thống sinh lý hóa thường trực trao đổi chất liệu với những vật xung quanh. Đó là những quá trình nhiệt động mở, khác với hệ thống nhiệt tĩnh bên trong của các phản ứng hóa học thông thường. Đó là bí quyết của sự sống giữa các loài sinh vật và môi trường sinh hoạt của chúng, cũng như giữa các loài sinh vật với nhau, luôn luôn có một sự liên lạc thường trực. Tác động tương quan tương duyên nối liền mọi hình thái của sự sống lại thành một hệ thống rộng rãi của sự sống trong đó mọi hiện tượng đều tương thuộc vào nhau. Một liên hệ với tất cả, và mỗi chúng ta đều là một phần liên lạc của đại thể (1)

(Lyall Watson, Histoire Naturelle du Surnaturel, Edition “J’ai lu”)

Nhà khoa học nếu chịu quán niệm thường trực về vô ngã nơi tự thân và nơi sự vật như thế thì cũng có ngày đạt ngộ dễ dàng vậy.

Đề tài thiền quán thứ tư là tính cách bất tịnh của thân tâm.

Bất tịnh có nghĩa là không tinh sạch, không thánh thiện, không đẹp đẽ. Đứng về cả hai phương diện sinh lý và tâm lý, con người là bất tịnh. Đây không phải là một cái nhìn bi quan mà chỉ là một cái nhìn khách quan về con người. Thấy được cấu tạo của cơ thể, từ tóc trên đỉnh đầu cho đến máu, mủ, đàm, phân, nước tiểu, những vi khuẩn ẩn náu trong ruột và những bệnh tật cứ chực sẵn để phát sinh, ta thấy phần sinh lý của ta quả là bất tịnh. Phần sinh lý đó cũng là động lực thúc đẩy ta đi tìm sự thỏa mãn dục lạc, do đó, kinh gọi thân thể là nơi tích tụ của tội lỗi. Còn về phần tâm lý? Vì không thấy được sự thật về vô thường, khổ không và vô ngã của sự vật cho nên tâm ta thường trở thành nạn nhân của tham vọng thù ghét; do tham vọng và thù ghét mà tạo ra bao nhiêu lỗi lầm, cho nên kinh nói “tâm là nguồn suối phát sinh điều ác.” Đến đây chấm dứt đoạn kinh nói về điều giác ngộ thứ nhất.

Đề tài thiền quán thứ năm là càng lắm ham muốn thì càng nhiều khổ đau.

Đây là nội dung của kinh nói về điều giác ngộ thứ hai. Quan niệm thông thường về hạnh phúc là được thỏa mãn những ham muốn của mình. Ham muốn có năm loại: nhiều tiền bạc, nhiều sắc dục, nhiều danh vọng, nhiều món ăn ngon, nhiều sự ngủ nghê làm biếng. Nhưng ham muốn của con người là vô cùng mà sức lực của con người thì hữu hạn. Ham muốn mà không được thỏa mãn thì đau khổ. Ham muốn mà chỉ được thỏa mãn một phần thì còn phải chạy theo nó và cũng đau khổ. Càng chạy theo ham muốn, càng đau khổ. Chỉ khi nào con người thấy mệt nhoài vì sự chạy đuổi không ngừng đó thì con người mới thấy rằng mình đã bị lưới ham muốn ràng buộc, rằng hạnh phúc chân thật là sự thảnh thơi của thân và của tâm; mà sự thảnh thơi đó là do sự ít ham muốn mà có. Ít ham muốn không chạy theo năm món dục lạc, đó là đạt tới một bước dài của sự tự do và giải thoát.

Đề tài thiền quán thứ sáu là tri túc phá tham dục.

Tri túc là bằng lòng với những điều kiện sinh hoạt vật chất tạm đủ để sống mạnh khỏe mà hành đạo. Tri là biết, túc là đủ. Tri túc là một phương pháp hữu hiệu nhất để phá lưới tham dục, để đạt được sự thảnh thơi của thân tâm, để có thì giờ giúp đỡ người chung quanh, để rảnh rang mà hoàn thành sự nghiệp trí tuệ giác ngộ. Tri túc lại có thể tránh cho ta sự đồng đảng với những thế lực kinh tế bóc lột, sự tiêu xài quá mức và sự ô nhiễm môi trường sinh hoạt. Đây là nội dung đoạn kinh nói về điều giác ngộ thứ ba.

 Đề tài thiền quán thứ bảy: tinh tấn phá biếng lười.

Sau khi đã ngừng sự đuổi theo tham dục, sau khi đã biết thực hành tri túc để thân tâm được thảnh thơi, người hành đạo không vì sự thảnh thơi đó mà lười biếng để cho tháng ngày trôi qua một cách uổng phí. Tinh tấn là sự cần mẫn ngày đêm, cần mẫn để dùi mài sự nghiệp trí tuệ, tức là sự nghiệp giác ngộ. Phải dùng thì giờ của mình để ngày đêm quán chiếu bốn sự thực căn bản: vô thường, khổ không, vô ngã và bất tịnh, tức là đối tượng của bốn phép thiền quán đầu tiên. Phải đi sâu thêm vào giáo nghĩa Tứ Niệm Trú, phải học phép quán niệm về hơi thở, về các tư thế của thân thể, về sự thành trú hoại không của thể xác, cảm giác, tri giác, hành nghiệp và nhận thức của mình. Phải tìm đọc những kinh điển chỉ dẫn rành mạch về phép tọa thiền, điều hòa hơi thở và quán niệm, như Kinh Tứ Niệm Xứ (tức là Kinh Quán Niệm), kinh An Ban Thủ Ý và kinh Đại Bát Nhã. Phải theo lời chỉ dẫn trong các kinh ấy mà hành trì một cách thông minh, nghĩa là phải chọn những cách tu thích hợp với trường hợp cá nhân mình, nếu cần thì gia giảm phép tu cho phù hợp. Hạ thủ công phu cho tới khi nào những phiền não căn bản như tham, giận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ và thành kiến đều bị nhổ tận gốc, thì tự nhiên ta thấy thân tâm thoát khỏi ngục tù của sinh tử, của ngũ ấm, của tam giới. Đây là nội dung của đoạn kinh nói về điều giác ngộ thứ tư.

Đề tài thiền quán thứ tám: trí tuệ phá si mê.

Trong các loại phiền não căn bản, si mê là thứ phiền não có gốc rễ vững mạnh nhất. Một khi gốc rễ của si mê bị bật tung thì các loại phiền não khác như tham lam, giận dữ, nghi ngờ và thành kiến đều dễ bị bật gốc. Biết vậy cho nên người hành giả phải nổ lực quán chiếu về sự vô thường, vô ngã và nhân duyên sinh của vạn hữu. Một phen đào được gốc vô minh, không những hành giả tự giải phóng được cho bản thân mà còn giáo hóa cho những kẻ khác, đem họ ra khỏi sự kiềm tỏa của sinh tử. Đây là nội dung đoạn kinh nói về điều giác ngộ thứ năm. Bốn điều giác ngộ đầu có tác dụng tự độ, bốn điều giác ngộ sau, bắt đầu từ điều thứ năm, có tác dụng độ người. Vì vậy kinh này phối hợp được một cách vững chãi các khuynh hướng tiểu thừa và đại thừa của Phật giáo.

Đề tài thiền quán thứ chín: bố thí bình đẳng.

Có người cho rằng mình chỉ có thể bố thí khi mình có nhiều tiền bạc. Điều này không đúng. Người có nhiều tiền bạc đôi khi cũng có bố thí, nhưng sự bố thí này thông thường để mua danh lợi hay lấy lòng người xung quanh. Những người có lòng thương người thì ít khi giàu có, một phần vì họ luôn luôn chia xẻ với kẻ khác, một phần vì họ không có dạ làm giàu trên sự đau khổ của kẻ khác.

Danh từ bố thí của đạo Bụt thường bị hiểu là ném cho năm cắc một đồng. Thực ra bố thí là một hành động rất đẹp, rất khiêm nhượng, rất cao cả. Bố nghĩa là đồng đều, cùng khắp. Thí là làm ra, vốn là chữ Thi, trong danh từ Thi Hành. Vậy thì bố thí cũng có nghĩa là làm san bằng sự chênh lệch giàu nghèo. Tất cả những hành động nào làm cho con người bớt khổ, thực thi được công bằng xã hội đều là bố thí. Nói vậy không có nghĩa muốn bố thí thì phải làm chính trị. Làm chính trị để đi đến chỗ tranh dành quyền bính giữa các phe phái, gây chết chóc cho lương dân là trái ngược với tinh thần bố thí. Bố thí là hạnh tu đầu của sáu phép Ba La Mật. Ba La Mật có nghĩa là đưa người sang bờ bên kia, tức là bờ giải thoát: giải thoát khỏi bệnh tật, nghèo đói, vô minh, phiền não, sinh tử. Hành giả tu hạnh tri túc chỉ có tạm đủ để sống thì làm sao để bố thí? Xin đáp: chính vì tu hạnh tri túc mới có thể thực hành phép bố thí của đạo Bụt. Đại đa số người biết hy sinh cho nhân loại, đem cuộc đời mình để cứu giúp phụng sự cho nhân loại đều là những người sống một cuộc sống giản dị tri túc. Suốt đời lo việc danh lợi, làm gì có thì giờ để hành đạo, bố thí?

Mahatma Gandhi sống đời thật giản dị, vậy mà công trạng cứu nhân độ thế của ông ít ai sánh kịp. Xung quanh ta có hàng ngàn người suốt đời sống giản dị mà giúp ích cho không biết bao nhiêu đồng loại. Họ không có danh lớn như Gandhi nhưng hạnh tu của họ không kém gì Gandhi. Chỉ cần để ý một chút là ta nhận ra sự có mặt của họ. Họ không bố thí bằng sự giàu sang tiền bạc mà họ không có, tuy vậy họ bố thí bằng thì giờ, tâm não, sự thương yêu và cuộc đời của họ.

Phép bố thí của đạo Bụt là một phép bố thí bình đẳng, nghĩa là người hành giả không đem lòng kỳ thị khi thực hành bố thí. Người nghèo khổ thì ta bố thí. Tuy vậy trong số những người nghèo khổ cũng có người ác, người hiền; ta không chỉ lo bố thí cho người hiền. Kinh dạy: “Vì nghèo khổ cho nên con người hay sinh ra có nhiều oán hận căm thù và do đó tạo thêm những nhân xấu. Các bậc Bồ Tát biết thế cho nên chuyên tu phép bố thí, coi kẻ ghét người thương như nhau, bỏ qua những điều ác mà người khác đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã làm ác”. Đoạn kinh trên thật đã lột trần tinh thần đại thừa của đạo Bụt. Oán thù và ác nghiệp có thể do sự nghèo khổ mà có; chỉ biết thuyết pháp mà không biết bố thí để làm vơi nổi khổ đau thì vẫn chưa đúng với tinh thần đạo Bụt. Mà một khi đã bố thí thì phải làm với tâm niệm hoàn toàn bình đẳng, không kỳ thị, không ghét bỏ những người đã vì nghèo khổ mà tạo nên ác nghiệp, gây nên căm thù. Cho nên đối với những người đã từng làm mình đau khổ, mình cũng phải thương xót và giúp đỡ.

Trên đây là nội dung kinh văn nói về điều giác ngộ thứ sáu. Muốn rõ thêm về Bố thí độ, xin đọc Lục Độ Tập Kinh (của Khương Tăng Hội, biên dịch tại Giao Châu vào thế kỷ thứ hai Tây lịch) và Đại Trí Độ Luận của Long Thọ.

Đề tài thiền quán thứ mười: tùy tục bất nhiễm.

Tùy tục bất nhiễm là ở trong cuộc đời, thuận theo cuộc đời để cứu độ cho người đời mà không bị năm món dục lạc của cuộc đời làm cho ô nhiễm. Cũng như hoa sen mọc dưới bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Tu đạo giải thoát không phải là để tránh bỏ cuộc đời mà là để cứu độ cho đời. Khi bản lãnh chưa được vững chãi, người hành đạo trong cuộc đời có thể bị cuộc đời làm cho ô nhiễm. Vì vậy Bồ Tát phải luôn luôn quán niệm về tai hại của ngũ dục, nhất quyết sống theo hạnh tri túc để thực hành phép bố thí ba la mật. Tùy tục bất nhiễm cũng là trì giới ba la mật vậy.

Đó là nội dung đoạn kinh nói về điều giác ngộ thứ bảy.

Đề tài thiền quán thứ mười một: phát tâm đại thừa.

Phải có hạnh nguyện sâu rộng mới có thể vượt thắng những khó khăn và gian khổ trong lúc hành đạo giúp đời. Đau khổ của cuộc đời vô lượng thì chí nguyện hành đạo cũng phải vô lượng. Đại thừa tâm vì vậy là nguồn năng lực vô tận để hành đạo bố thí ba la mật. Chỉ có đại thừa tâm mới có đủ sức giúp ta gánh chịu bao nhiêu thử thách tủi nhục mà tiến tới trên bước đường hành đạo, đem lại nguồn vui lớn cho con người. Chỉ có đại thừa tâm mới có thể thực hành được những điều mà luận Bảo Vương Tam Muội căn dặn sau đây: “Một là khi quán niệm về thân thể, đừng mong cầu là mình không có tật bệnh: không tật bệnh thì tham dục dễ sinh. Hai là khi xử thế đừng mong cầu không có sự khó khăn: không khó khăn thì tâm kiêu sa nổi dậy. Ba là khi quán tâm đừng mong cầu không có chướng ngại: không có chướng ngại thì chỗ sở học dễ bị vượt bực. Bốn là khi lập chí hành động thì đừng mong cầu không có kẻ quấy phá: không quấy phá thì thệ nguyện không kiên cường. Năm là khi dự tính công việc đừng mong dễ thành: việc dễ thành thì dễ sinh khinh mạn. Sáu là khi giao tiếp đừng mong có lợi cho mình: giao tiếp mà vì lợi mình thì hao tổn đạo nghĩa. Bảy là đối với người đừng mong ai cũng thuận ý mình: thuận ý mình thì tâm sinh tự phụ. Tám là giúp người đừng mong báo đáp: mong báo đáp tức là tâm có ý đồ. Chín là thấy lợi thì đừng nhúng tay vào: nhúng tay vào thì si tâm đã động. Mười là oan ức không cần bày tỏ: bày tỏ oan ức thì oán hận kéo dài.”

Bụt khi thuyết giáo đã coi bệnh khổ là thuốc hay, coi hoạn nạn là sự thảnh thơi, coi chướng ngại là giải thoát, coi ma quân là bạn lữ, coi khó khăn là yếu tố thành công, coi người đối đãi tệ lậu với mình là tư lương, coi kẻ chống đối là rừng cây, vườn cảnh, coi sự thi ân là một đôi dép bỏ đi, coi sự từ bỏ lợi lộc là sự giàu sang, coi oan ức là cánh cửa đi vào hành động.”

Trên đây là nội dung đoạn kinh nói về điều giác ngộ thứ tám.

Tám điều giác ngộ bao hàm sáu phép tu Ba la mật (lục độ) của đạo Bụt đại thừa. Bố Thí Độ được nói đến trong điều giác ngộ thứ sáu. Trì Giới Độ được nói đến trong điều giác ngộ thứ hai, thứ ba và thứ bảy. Tinh Tấn Độ được nói tới trong điều giác ngộ thứ tư. Nhẫn Nhục Độ được nói tới trong điều giác ngộ thứ tám. Thiền Định Độ được nói tới trong điều giác ngộ thứ nhất và Trí Tuệ Độ được nói tới trong điều giác ngộ thứ năm.

Văn mạch, nội dung và phương pháp của kinh Bát Đại Nhân Giác rất thực tiễn, ngắn gọn và súc tích.

PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

Trên đây chỉ là những hướng dẫn sơ bộ cho người đọc kinh và thiền quán. Hành giả muốn hành trì kinh Bát Đại Nhân Giác, phải chọn những lúc thân tâm nhẹ nhàng, tắm rửa, đốt hương cho thơm nhà và đem kinh ra đọc chầm chậm để khám phá cho hết ý nghĩa sâu kín của kinh. Phải đem kinh nghiệm sống của mình ra mà đọc kinh. Chính kinh nghiệm sống của mình mới làm cho mình hiểu được kinh, chứ không phải là những lời giảng kinh của kẻ khác.

Mỗi khi ngồi thiền quán, nên đem từng đề tài của kinh ra chiêm nghiệm. Càng thiền quán nhiều thì càng phát hiện sâu sắc những ý chỉ của kinh. Tuy nhiên hành giả nên tìm đọc các kinh Quán Niệm và kinh An Ban Thủ Ý để bổ túc cho kinh Bát Đại Nhân Giác vốn rất thâm sâu và ngắn gọn. Hai kinh vừa nói trên đưa ra những chỉ dẫn cặn kẽ cho hành giả đi từng bước một, vô cùng quý giá đối với người hành trì Bát Đại Nhân Giác. Nếu phối hợp phương pháp điều hòa hơi thở dạy trong hai kinh ấy với phương pháp quán niệm mười một đề tài của kinh Bát Đại Nhân Giác, hành giả sẽ rất dễ thành công.

Nội dung kinh Bát Đại Nhân Giác rất vững chắc, đứng về cả hai phương diện Nguyên Thủy và Đại Thừa. Thật là một kinh rất quý. Tôi được học kinh từ lúc mười bảy tuổi ở lớp sơ học đệ nhất niên tại Phật học viện và học thuộc lòng. Nhờ học thuộc lòng cho nên tôi đã phối hợp ý kinh với Sổ Tức Quán một cách dễ dàng. Từ ấy đến nay, kinh Bát Đại Nhân Giác vẫn còn là bó đuốc soi đường rất quý giá cho tôi. Hôm nay có dịp giới thiệu với bạn đọc, tôi thành tâm ghi ơn cuốn kinh thâm diệu đó và xin chắp hai tay thành kính tụng:

“Nam Mô Pháp Bảo Diệu Nan Lượng Bát Đại Nhân Giác Kinh”

Thiền Sư Nhất Hạnh

Bài khác nên xem

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo – Kỳ 4

datthinh

Chùa Trúc Lâm: Bản kinh Kim Cang thêu chỉ ngũ sắc trên gấm & bình bát bằng chu sa

phuocthanh

Trưởng Lão Thích Trí Quang Gửi Thư Tới Phật Tử Quảng Bình

phuocthanh